Thanh Phương - RFI
Thứ sáu 11 Tháng Mười Một 2011
Ngày 10/11/2011, tuyên bố tại Trung tâm Đông –Tây ( East- West Center ) tại Hawai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết : « Chúng tôi đã nói rõ cho Việt Nam rằng nếu muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược, như mong muốn của hai nước, Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân ».
Ngoại trưởng Clinton tuyên bố như trên trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ( APEC ) tại Honolulu, Hawai. Trên nguyên tắc ngày 10/11/2011, bà Clinton đã gặp chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, hiện có mặt ở Hawai để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Mỹ và Việt Nam cũng vừa kết thúc hai ngày đối thoại thường kỳ về nhân quyền tại Washington.
Một giới chức tham dự cuộc đối thoại về nhân quyền này ( xin được giấu tên vì tính chất tế nhị về ngoại giao ) mô tả các cuộc thảo luận là « tôn trọng, nhưng rất thẳng thắng ». Hai phái đoàn đã nói về vấn đề các tù chính trị, quyền tự do tôn giáo đối với các tín đồ Phật giáo và Thiên chúa giáo, những hạn chế đối với giới luật sư và xã hội dân sự nói chung.
Phía Mỹ cũng đã nêu lên những hạn chế về truy cập Internet ở Việt Nam cũng như các vụ tấn công tin học nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền. Phái đoàn Hoa Kỳ còn đề cập đến những trường hợp cụ thể các tù chính trị như linh mục Nguyễn Văn Lý, đã trở vào tù tháng 7/2011, sau khi được tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh. Giới chức Mỹ nói trên cho biết là phái đoàn Việt Nam đã không trả lời một cách thỏa đáng những điểm mà phía Hoa Kỳ nêu lên về trường hợp của cha Lý.
Chính quyền tổng thống Barack Obama vẫn thường xuyên thúc giục Việt Nam có những tiến bộ về nhân quyền, nhưng vẫn tăng cường nhanh chóng quan hệ với Hà Nội, điều mà cả hai nước đều cần, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
----------------------------------------
BBC
Cập nhật: 10:01 GMT - thứ sáu, 11 tháng 11, 2011
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói Việt Nam cần phải cải thiện thành tích nhân quyền nếu muốn xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước.
“Chúng tôi đã nói rõ với phía Việt Nam rằng nếu hai nước muốn xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mà cả hai đều mong muốn thì Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa để tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân,” bà nói trong bài diễn thuyết hôm thứ Năm 10/11 ở Trung tâm Đông-Tây, một tổ chức nghiên cứu chiến lược ở Hawaii.
Phát biểu của bà Clinton, hiện đang có mặt tại Honolulu để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước châu Á-Thái Bình Dương Apec, diễn ra trước khi bà dự kiến có cuộc gặp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong cùng ngày.
Việt Nam và Mỹ cũng vừa kết thúc hai ngày đối thoại về nhân quyền thường xuyên ở Washington.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Việt Nam cải thiện nhân quyền trong khi vẫn phát triển mối quan hệ song phương một cách nhanh chóng trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ.
Trong khi đang đối thoại nhân quyền với Mỹ, Việt Nam vẫn bỏ tù hai học viên Pháp Luân Công về tội ‘đưa thông tin trái phép’ lên sóng phát thanh phát sang Trung Quốc và sách nhiễu ba cha con nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn ở tỉnh Quảng Nam về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Trong một bức thư được công bố cùng lúc với các cuộc đối thoại nhân quyền ở Washington, các nhóm nhân quyền, trong đó có tổ chức Phóng viên không Biên giới, đồng kêu gọi Việt Nam thả tự do cho những nhân vật bất đồng chính kiến như thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung và linh mục Nguyễn Văn Lý.
Bức thư nói Việt Nam nên suy nghĩ đến hậu quả đối với môi trường đầu tư nếu nước này không có tự do.
“Các doanh nghiệp sẽ ngày càng nhận thức được rằng hoạt động ở những quốc gia đàn áp sẽ dẫn đến dư luận không tốt trên báo chí và họ đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng phải rút đầu tư khỏi các nước này,” bức thư viết.
Quan ngại về Tây Tạng
Cũng trong bài diễn văn tại Trung tâm Đông-Tây, Ngoại trưởng Clinton cũng lên tiếng quan ngại về cách Trung Quốc đối xử với người Tây Tạng.
“Khi chúng tôi thấy những thông tin về luật sư, nghệ sỹ và những người khác bị bắt giữ hoặc mất tích thì Hoa Kỳ sẽ lên tiếng công khai và cả nói riêng với Trung Quốc,” bà nói.
“Hoa Kỳ lo ngại trước những vụ việc gần đây ở Tây Tạng khi những người trẻ tuổi tự thiêu như một hành động phản kháng tuyệt vọng,” bà phát biểu khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa đến Honolulu để tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Tây Tạng đã chứng kiến một làn sóng tự thiêu của các nhà sư để phản đối điều mà họ cho là sự cai trị áp bức của Bắc Kinh. Các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết ít nhất bảy nhà sư, cả nam lẫn nữ, đã chết trong các vụ tự thiêu.
Ngoại trưởng Hillary Clinton là quan chức cấp cao nhất của Mỹ lên tiếng công khai về Tây Tạng trong lúc quan ngại đang gia tăng trong những tháng gần đây.
Bà cũng nói là Hoa Kỳ chào đón một ‘Trung Quốc ngày càng giàu mạnh’ nhưng cũng muốn đảm bảo rằng quốc gia đang phát triển nhanh chóng này xây dựng những chuẩn mực về sự minh bạch và những quyền tự do cơ bản.
Thế kỷ Thái Bình Dương
Clinton nói rằng Hoa Kỳ phải giúp xây dựng một trật tự mới ở châu Á khi mà khu vực này đang trở thành một ‘sức nặng kinh tế và chiến lược’ của thế giới.
Bà cho biết đã đến lúc phải có một ‘hệ thống xuyên Thái Bình Dương năng động hơn và bền vững hơn’.
Một trật tự như thế sẽ ‘giúp thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và các giá trị phổ quát, giải quyết khác biệt giữa các nước, nuôi dưỡng lòng tin và trách nhiệm và khuyến khích hợp tác hiệu quả ở mức độ mà các thách thức hiên nay đòi hỏi’, bà nói.
“Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ,” bà khẳng định.
Trong khi đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì sau đó, bà Clinton đã đề xuất một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải trên Biển Đông, hãng tin Kyodo của Nhật đưa tin.
----------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment