Sunday, November 20, 2011

HOA KỲ HƯỚNG VỀ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (Eleanor Hall, Đài ABC)



15/11/2011 - 14:00

Chuyến thăm Australia của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào giữa tuần này được đánh giá là điểm mấu chốt trong chính sách đối ngoại hướng về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của cường quốc số một thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình The World Today (tạm dịch: ‘Thế giới Hôm nay’) của Cơ quan Truyền thông Quốc gia Australia ABC, Giáo sư Geoffrey Garrett, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney nhận định rằng chuyến đi của Tổng thống Obama ‘rất có ý nghĩa’ và là điểm trọng yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại thời điểm hiện nay.

Giáo sư Geoffrey Garrett: “Tôi nghĩ đây thật sự là một chuyến đi quan trọng, nhất là trong bối cảnh ông Obama đang có rất nhiều rắc rối cần giải quyết ở Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn dành hơn một tuần để công du Châu Á – Thái Bình Dương. Theo tôi, chính phủ của Tổng thống Obama đang tập trung sự quan tâm vào khu vực này”.

PV: Theo Giáo sư, trong chính sách đối ngoại của Mỹ, liệu chính quyền Obama đã nhận ra vai trò quan trọng của Australia ?
Giáo sư Geoffrey Garrett: “Chắc chắn như vậy. Australia không chỉ là một đồng minh quan trọng về chính trị và quân sự mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thương thảo Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mang lại tự do thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
“Câu nói Mỹ không có người bạn nào tốt hơn Australia dường như đúng vào thời điểm hiện nay xét trên cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị - quốc phòng”.

PV: Tổng thống Obama đã nói khá rõ những lý do tại sao Trung Quốc không tham gia thương thảo TPP. Giáo sư có bất ngờ khi ông Obama rất thẳng thắn trong việc cảnh báo Trung Quốc cần tuân theo những luật lệ mà Mỹ đưa ra?
Giáo sư Geoffrey Garrett: “Tôi nghĩ động thái này của Mỹ cùng với thái độ tôn trọng Trung Quốc là điều rất thú vị. Rất nhiều chuyên gia an ninh đều đang mong đợi Mỹ sẽ điều quân và tái tham gia vào các hoạt động quân sự trong khu vực”.
“Tuy nhiên, việc Mỹ thúc đẩy TPP thu hút sự chú ý rất lớn bởi Mỹ đang cố gắng xây dựng một định chế kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dựa trên những nguyên tắc do quốc gia này đưa ra và đứng đầu”.
“Về cơ bản, Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng nếu muốn tham gia vào tổ chức này thì Trung Quốc buộc phải tuân thủ những nguyên tắc mà Mỹ đưa ra và những nguyên tắc này sẽ dẫn đến những thay đổi không mong đợi ở Trung Quốc. Điển hình là Trung Quốc phải nâng cao tính thanh khoản của đồng Nhân dân Tệ, mở rộng thị trường và cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là những đòi hỏi thay đổi lớn với Trung Quốc, tuy nhiên, nếu TPP càng có trọng lượng thì nó càng thu hút Trung Quốc trong việc tham gia”.

PV: Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Giáo sư từng dự đoán rằng sự mất cân bằng kinh tế giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến xung đột. Có phải điều đó hiện đang diễn ra không?
Giáo sư Geoffrey Garrett: “Đã có một số xung đột xảy ra. Vài tuần trước, Thượng viện Mỹ đã xem xét trừng phạt Trung quốc thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, mối qua hệ kinh tế giữa hai nước vẫn được coi trọng hơn cả. Hai bên đều ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ này và tránh để những khác biệt gây ảnh hưởng đến nó”.
“Kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu diễn ra, sự mất cân đối và căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng trên một số khía cạnh. Tuy nhiên, nó cũng gia tăng tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ giữa hai bên”.

PV: Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai bên không làm được điều đó?
Giáo sư Geoffrey Garrett: Khi đó thì Trung Quốc sẽ chấm dứt thời kì tăng trưởng ‘thần kì’ trong 30 năm qua và kinh tế Mỹ cũng không phục hưng trở lại”.
“Quan hệ kinh tế song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là lớn nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, nó cũng hàm chứa sự mất cân bằng bậc nhất. Đây là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nhưng sự căng thẳng này vẫn còn là nhẹ so với những căng thẳng tại vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.
“Các nhà bình luận nói rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế tiềm lực chính trị - quân sự của Trung Quốc và việc xã hội hóa kinh tế này có thể trở thành là một chủ đề mới trên trường quốc tế hiện nay”.

PV: Việc hai cường quốc này gia tăng cường tiềm lực quân sự tại khu vực có phải là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang trở nên quyết liệt hơn?
Giáo sư Geoffrey Garrett: “Đây cũng là điều có thể. Tôi cho rằng các nhà hoạch định quân sự đều có kế hoạch ứng phó trong tình huống xấu nhất. Mỹ tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều tốt đẹp, tuy nhiên, Mỹ vẫn cần đảm bảo có thể đối phó lại Trung Quốc trong tình huống xấu (mặc dù khả năng xảy ra tình huống xấu chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ). Việc Mỹ có kế hoạch tăng cường quân đồn trú tại Australia là một ví dụ cho vấn đề này”.

PV: Kế hoạch gia tăng quân Mỹ đồn trú tại Australia có thể sẽ được Tổng thống Obama chính thức loan báo trong chuyến thăm Australia lần này. Nó có tác động đến quan hệ giữa Australia và Trung Quốc ở mức độ nào?
Giáo sư Geoffrey Garrett:“Rõ ràng đây là một lo ngại lớn của Australia. Trong 30 năm qua, Australia đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ chính trị quốc phòng với Mỹ, đồng thời thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc”.
“Một số người lo lắng rằng việc Mỹ gia tăng quân đội đồn trú ở Australia sẽ có thể khiến cho mối quan hệ Australia- Trung Quốc trở nên kém bền vững xét trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta luôn phải nhớ tới nguyên tắc phát triển và sẽ giải quyết được những thách thức đó”.
.
.
.

No comments: