HỒ SƠ WIKILEAKS (51) :
Ðông Bàn/Người Việt
Thứ Sáu - 25 Tháng 11, 201
Thả tù, nới tôn giáo, hy vọng thoát khỏi danh sách
[2004] Hà Nội yêu cầu Hoa Kỳ đừng đưa Việt Nam vào danh sách CPC (Danh Sách Các Quốc Gia Cần Ðược Quan Tâm Ðặc Biệt Về Tự Do Tôn Giáo), và để đạt được điều này, họ thực hiện một loạt hành động “nới lỏng” đối với một số tôn giáo, ngay trước khi Hoa Kỳ chuẩn bị đưa ra quyết định liên quan. Công điện ngày 13 Tháng Chín, 2004, do đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Michael Marine, viết, đã chứng tỏ điều ấy.
Công điện có đoạn: “Chính quyền Việt Nam xem việc thả 9 tù nhân nhân ngày Ðại Xá, cộng với việc thừa nhận 25 nhà thờ Tin Lành theo phái Phúc Âm ở Cao Nguyên Trung Phần, cộng với việc xem xét thêm việc thừa nhận 5 nhà thờ nữa trước cuối năm, cộng thêm việc đối xử tốt với ông Frank Jannuzi, nhân viên Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ, khi nhân vật này đến thăm Cao Nguyên Trung Phần, là ‘nỗ lực lớn,’ nhằm làm nhẹ tiến trình đưa Việt Nam vào danh sách CPC.”
Chính quyền Việt Nam cũng cảnh báo thêm, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo sẽ tạo “thất vọng lớn” cho lãnh đạo Hà Nội, “gây đau đớn trầm trọng” cho người dân Việt Nam, và “tạo ra vấn đề” trong mối quan hệ song phương Washington-Hà Nội.
Ông Nguyễn Ðức Hùng, phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao, kiêm vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, nói chuyện với đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, về “tiến bộ của Việt Nam đối với vấn đề tự do tôn giáo.” Ông Hùng viện dẫn chuyến thăm Cao Nguyên Trung Phần của ông Frank Jannuzi, và cho rằng chuyến thăm ấy cho thấy “nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đáp ứng thời khóa biểu của Jannuzi.”
Ông Hùng nói thêm, nhân ngày đại xá, Việt Nam thả thêm 9 tù nhân [tôn giáo] trong danh sách do Ðặc Sứ Handford trao cho Hà Nội. Ngoài ra, ông Hùng cũng nhấn mạnh là chính quyền địa phương tại khu vực Cao Nguyên Trung Phần đã thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng cho 25 chi nhánh Tin Lành Phúc Âm, và còn 5 chi nhánh nữa đang chờ được thừa nhận.
Cuộc nói chuyện của đại diện ngoại giao Hà Nội với phía ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam theo dõi sát tiến trình xét duyệt đưa vào danh sách CPC. Cụ thể, ông Hùng nói ông biết quyết định sẽ được đưa ra vào “Thứ Tư hoặc Thứ Năm,” và nếu Việt Nam bị vào CPC, bất kể những “thiện chí” đã làm, thì điều ấy “tạo thất vọng lớn cho lãnh đạo Việt Nam.”
Phía Hoa Kỳ đáp lời, mối quan hệ Mỹ-Việt Nam rộng hơn rất nhiều so với một vấn đề đơn lẻ, là tự do tôn giáo. Tuy nhiên, vẫn theo công điện, “Việt Nam có thể đạt được lợi thế hơn nếu cho phép thêm nhiều nhóm, kể cả các phái đoàn chính thức và các tổ chức tôn giáo, đến tìm hiểu. Ðiều này bao gồm cả việc cho phép các cơ quan phi chính phủ và cơ quan phát triển đến tìm hiểu trực tiếp tại khu vực Cao Nguyên Trung Phần.”
Ông Hùng trả lời, cá nhân ông hoàn toàn hiểu, là trong khi các quan điểm chính trị nội bộ của Hoa Kỳ ảnh hưởng lên các quyết định chính thức liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, Hoa Kỳ cũng “cần hiểu rằng các vấn đề này quan hệ chặt chẽ với sự phát triển xã hội và tôn giáo, và vì vậy [các vấn đề này] được giải quyết ở tốc độ chậm hơn chu trình chính trị của Mỹ.”
Ông Hùng lý luận: “Tập trung vào vấn đề tự do tôn giáo theo cách thức như thế này có thể khiến nâng cao một chuyện phụ lên thành chuyện chính và bỏ qua việc xem xét đến sự khác biệt văn hóa.”
“Một giải pháp sẽ cần phải được đối thoại, và cách tiếp cận cần được đặt trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải áp đặt quan điểm của một phía.” Ông Hùng nói tiếp, theo lời kể của công điện. “Hoa Kỳ cần quan tâm hơn đến tâm lý của người Châu Á. Mối quan hệ là đa diện, nhưng người Việt Nam có thể sẵn sàng dẹp bỏ hết mọi chuyện nếu mối quan tâm của họ không được tôn trọng.”
Công điện kết thúc bằng lời nhận định của Ðại Sứ Marine, rằng Hoa Kỳ “hoan nghênh cách thức họ đối đãi ông Jannuzi cũng như những tin tức liên quan đến 5 chi nhánh Tin Lành tại Cao Nguyên Trung Phần,” tuy nhiên, tin tức liên quan đến việc ân xá thì “ít ấn tượng hơn,” vì đây chỉ là một sự “tái sắp xếp các quyết định ân xá trước đây hơn là lời đáp trả trực tiếp với yêu cầu của Ðặc Sứ Hanford.”
Vẫn theo nhận định của Ðại Sứ Marine, trong những ngày đầu trở lại giao hảo với Hoa Kỳ, Việt Nam hình như quan tâm hơn đến các quyết định liên quan đến danh sách CPC. Tuy nhiên, những diễn tiến gần đây có thể đã thay đổi phương trình này. Ðã có những quan ngại, rằng các nhóm bảo thủ và dân tộc trong Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ sử dụng yếu tố CPC như “bằng chứng” cho thấy Washington nỗ lực thúc đẩy mạnh sự thay đổi chính trị tại Việt Nam bằng cách hỗ trợ các giá trị và tôn giáo “ngoại nhập.”
––––––––––
Liên lạc tác giả: DongBan@nguoi-viet.com
Công điện được sử dụng trong bài viết này:
MFA: Don’t Designate Vietnam CPC
Tác giả: Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Marine.
.
.
.
No comments:
Post a Comment