Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Tư, 09 tháng 11 2011
Ngày 1-11-2011, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Trung tâm Luật bảo vệ môi trường (EDLC – Environmental Defender Law Center), cho phổ biến đến tất cả các đại biểu của 196 nước thành viên một thông cáo báo chí cho biết Ủy ban Giám sát việc bắt giữ vô căn cứ (Working Group on Arbitrary Detention ) của Liên Hiệp Quốc đã phát hiện việc bắt giam nhà hoạt động xã hội- Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ là «vô căn cứ» và «vi phạm Điều 9 và Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên». Ủy ban yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ và «cho ông quyền được hưởng bồi thường». Đây là phản ứng chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Đây quả là một tin mừng cho mọi người Việt Nam quan tâm đến tình hình đất nước, cho tất cả những ai ủng hộ thái độ ngay thẳng yêu nước thương dân của ông Hà Vũ; cho bà Dương Hà, người bạn đời của ông; và cho mọi người thân trong gia đình rộng lớn của ông. Đồng thời, nó cũng là một tin vui cho hàng nghìn trí thức, văn nghệ sỹ, thanh niên ngưỡng mộ, tin yêu ông, đã ký tên đòi nhà nước phải tôn trọng luật pháp và đối xử công bằng với ông, một trí thức yêu nước vừa có tâm lại có tầm, vì họ thấy rằng đất nước đang cần những người như ông.
Ngược lại, đây là một tin buồn rất đáng lo âu cho giới cầm quyền Việt Nam, trước hết cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà dư luận đang đặt ra nghi vấn là đã ra lệnh bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ vì ông đã dám nhiều lần lên tiếng báo động về nguy cơ thảm họa chất độc đối với cuộc sống của nhân dân do việc khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên gây ra. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, những người đã hứa hẹn thực hiện một nền pháp chế nghiêm minh lúc nhậm chức, sẽ trả lời ra sao trước cáo buộc và yêu cầu của Liên Hiệp Quốc?
Và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đại diện Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc sẽ chống chế ra sao, sau khi ông Minh vừa lớn tiếng thuyết giảng về tôn trọng nhân quyền tại diễn đàn quốc tế lớn này? Còn bồi thường ư? Bao nhiêu đây cho vừa!
Lần này, những người có trách nhiệm trong việc bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ một cách bất công và «vô căn cứ» không thể cứ tiếp tục im lặng như xưa này họ vẫn thường làm đối với mọi kiến nghị, thư ngỏ…dù là của các vị công thần, những cựu chủ tịch quốc hội, cựu phó thủ tướng, cựu bộ trưởng, cựu tướng lãnh của chế độ. Họ không thể tiếp tục hành xử độc đoán, bất chấp những quy định trong Luật về tố cáo, khiếu nại và Luật hành chính bắt buộc họ phải trả lời những đơn từ, thắc mắc, khiếu tố của công dân.
Đến ngày 5 tháng 11 vừa qua, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đã bị giam cầm vừa đúng 1 năm. Và những người yêu chuộng công lý cũng không biết được đến bao giờ nhà trí thức yêu nước dũng cảm này mới thoát cảnh ngục tù.
Nhưng qua Trung tâm Luật bảo vệ môi trường và Ủy ban Gíám sát việc bắt giữ vô căn cứ, người ta tưởng chừng như tiếng nói bất khuất của ông đã dõng dạc vang lên trên diễn đàn LHQ tại New York: “Nhân dân sẽ xóa án cho tôi!”
Thay mặt cho 1 trong số 196 quốc gia thành viên có mặt tại diễn đàn này, có lẽ nào đại biểu của Hà Nội lại có thể bịt tai trước tiếng nói đanh thép của sự thật đó?
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
------------------------------
Thông Cáo Báo Chí Ngày 01 Tháng 11 Năm 2011
Liên Hợp Quốc đánh giá việc giam giữ ông Cù Huy Hà Vũ là vô căn cứ; yêu cầu thả và bồi thường cho nhà hoạt động xã hội người Việt
Trong Bản Đánh Giá được đưa ra gần đây trong phiên họp vào tháng Tám, Ủy Ban Giám Sát Việc Bắt Giữ Vô Căn Cứ của Liên Hợp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention) đã phát hiện việc bắt giam nhà hoạt động xã hội, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, là “vô căn cứ” và “vi phạm điều 9 và điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên”.
Điều 9 của Công ước khẳng định rằng không ai có thể bị bắt hoặc bị giam một cách vô cớ, trong khi Điều 19 xác định rằng “mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Theo đó, Ủy Ban trực thuộc Liên Hợp Quốc này đã yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ và “cho ông quyền được hưởng bồi thường”.
Đánh giá của Ủy Ban Giám Sát Việc Bắt Giữ Vô Căn Cứ đã khẳng định tính hợp lệ của những yêu cầu mà Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường (EDLC) đã đưa ra trước đó. Trong những bức thử gửi đến chính quyền Việt Nam, và trong “Lời đề nghị được chấp nhận làm Người góp ý cho Tòa” đã gửi tới Tòa án Nhân Dân Hà Nội vào tháng Hai và tháng Bảy năm nay, EDLC đã chỉ ra rằng việc bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ là tùy tiện và vi phạm nghiêm trọng quyền con người của ông Cù Huy Hà Vũ. EDLC một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi trước đây của mình, và thúc giục chính quyền Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của mình bằng việc thực hiện tất cả những điều khoản trong Bản Đánh Giá của Ủy Ban Giám Sát Việc Bắt Giữ Vô Căn Cứ của Liên Hợp Quốc. EDLC hi vọng rằng trước ngày 5 tháng 11 năm 2011, ngày đánh dấu một năm bị bắt giữ của ông Cù Huy Hà Vũ, ông Cù Huy Hà Vũ sẽ được trả tự do khỏi sự bức hại và bản án tù trái pháp luật này.
Giám đốc điều hành
Lewis Gordon
Lewis Gordon
__________________
Phụ lục: Bản Đánh Giá của Ủy Ban Giám Sát Việc Bắt Giữ Vô Căn Cứ thuộc Liên Hợp Quốc
.
.
.
No comments:
Post a Comment