Thursday, November 3, 2011

CÔNG AN LẠI SÁCH NHIỄU GIA ĐÌNH CÁC NHÀ DÂN CHỦ (Đỗ Hiếu, RFA)



Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-11-03

Gần đây đã xảy ra một số trường hợp người dân trong nước bị mời đến trụ sở công an để làm việc, mà chỉ nhận lệnh bằng miệng, chứ không có chứng từ gì.

Hình : Tám nhà dân chủ được trao giải nhân quyền Hellman/Hammett 2011: TS luật Cù Huy Hà Vũ, ông Nguyễn Bắc Truyển, LS Lê Trần Luật, bà Hồ thị Bích Khương, ông Vi Đức Hồi, blogger Phan Thanh Hải, blooger Tạ Phong Tần, ông Nguyễn Xuân Nghĩa (từ trái và trên xuống). File Photo

Một trong những cá nhân đó là ông Đặng Hữu Ngọc, anh rể của nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển. Mời quý vị theo dõi các đương sự thuật lại nội vụ qua phần ghi nhận của Đỗ Hiếu.

Triệu tập miệng

Từ tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Hữu Ngọc kể lại về những khó khăn mà ông thường gặp thời gian gần đây, nhất là sau khi em rễ của ông là nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển, cùng 7 nhân vật bất đồng chính kiến khác ở Việt Nam được trao tặng giải thưởng nhân quyền quốc tế. Sáng thứ 3, công an phường đến nhà, tìm gặp ông:
“Hồi sáng, một anh công an mặc sắc phục đến nhà kêu cửa, mời 2 giờ tới công an phường nhận sổ tạm trú, tôi có nói là coi chừng đừng làm như lần trước, tức là mời tôi đến, đưa người tới làm việc rồi khủng bố tôi nữa, xong rồi nó bỏ đi. Đến 2 giờ tôi có mặt tại công an phường, không thấy người mời tôi, tôi và bà xã đứng chờ thì anh Trưởng Công an phường mới nói với công an kia là ‘tới rồi đó, vô bàn bên trong làm việc đi’. Hôm nay có hai công an, thêm một anh trẻ mặc đồ civil (thường phục), và cũng có anh công an gặp tôi hôm 19 tháng 10, mặc cùng áo màu xám như vậy. Anh này hỏi tôi, tại sao tôi mời mà anh không đến làm việc?
Tôi trả lời: Thưa anh, anh mời tôi mà không có giấy mời… Anh có ký đây này…
Anh kêu tôi ký, nhưng anh không đưa giấy mời…Như vậy tôi đâu có đi được. Tôi cũng không biết nội dung anh ghi trong đó là gì, tôi cũng không biết địa chỉ, tôi phải hỏi lại, sau đó anh mới ghi lại tên miếng giấy nhỏ, đưa cho tôi, mà từ nhà tôi đến công an phường, tỉnh Đồng Nai là phải năm mươi mấy cây số.”

Không như lệnh mời miệng, đến công an phường làm việc và nhận sổ tạm trú, nội dung đối thoại được chuyển qua một đề tài khác. Ông Ngọc kể tiếp câu chuyện với hai công an thẩm vấn anh:
“Tôi hỏi, hôm nay các anh làm việc với tôi về việc gì?
Tôi làm việc với anh về chuyện anh biết anh Nguyễn Bắc Truyển không?
Em vợ của tôi, tôi biết chứ, nhưng anh muốn hỏi đến Nguyễn Bắc Truyển thì xin anh cứ gặp Nguyễn Bắc Truyển để nói, đừng hỏi qua tôi, tôi không biết chuyện đó.
Nhưng anh có liên quan…
Nếu anh nói có liên quan, thì tôi xin dẫn chứng cụ thể thế này, con tôi, 18 tuổi trở lên rồi, tôi cũng không có trách nhiệm nữa, không được la rầy, nếu đánh nó là tôi vi phạm nhân quyền, xâm phạm đến quyền tự do thân thể của nó, là tôi sai, tôi không thể nói nó được, vì nó lớn rồi.”

Nhân buổi làm việc với công an, ông Đặng Hữu Ngọc cũng nói cho cơ quan an ninh biết về những khó khăn mà ông đã gánh chịu, khi có người em rể dấn thân đấu tranh cho dân chủ Việt Nam:
 “Cũng bởi vì anh nói vậy, tôi mới lặp lại là vì chuyện đó mà công ty của tôi phải đóng cửa, anh thấy là cứ mỗi buổi sáng, luôn luôn có 3, 4 người bao vây công ty của tôi. Khách hàng đến dựng xe, vô làm việc xong, khi ra về, anh ghi số xe, rồi bám theo những người đó, người ta sợ quá, lần thứ hai bỏ đi luôn, công ty tôi phải đóng cửa. Anh khủng bố tinh thần tôi thì anh thấy như thế nào? Anh công an đó trả lời: tại vì anh có liên quan đến chuyện đó…
Tôi không liên quan đến chuyện đó, người nào làm thì người đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, tôi không liên quan gì, xin anh đừng quấy rối.
Tại sao tôi mời anh làm việc, mà anh cứ cãi lại, không chịu làm việc?
Vì các anh làm không đúng, nếu làm đúng thì tôi chấp hành, vì các anh đang là người thực thi pháp luật, tôi mong anh làm đúng những việc này.”

Khủng bố tinh thần

Bị từ chối, không chịu khai báo về hoạt động của người em rể, ông Ngọc được công an cho ra về, nhưng được báo trước là sẽ còn phải đến trình diện nhiều lần, sau này:
“Tôi không liên quan đến chuyện đó, mong các anh đừng hỏi tôi, khủng bố tinh thần, tôi đã nói thẳng với công an thành phố Hồ Chí Minh rồi, anh Hà, anh Trung, kể cả công an phường, cũng đã mời hai vợ chồng tôi đến, mà cũng không có giấy mời, bao nhiêu lần rồi, chỉ mời miệng. Chuyện của các ông công an rất kỳ, nhà nước này làm rất là kỳ.
Bây giờ, tôi làm việc với anh, anh có làm việc không? Nếu làm việc thì ngồi xuống, nếu không thì anh đi về.
Nếu vậy thì tôi về, tôi không chấp nhận cách này, tất cả những biên bản các anh viết, tôi không ký vì không tin anh nữa, luật pháp quy định nếu phạm tội thì bắt bỏ tù, chứ không có chuyện lừng khừng, nghi vấn. Tôi bức xúc quá nên mới nói to tiếng với anh.
Nếu không làm việc thì anh về đi, chuyện tôi là như vậy. Khi bước chân ra, anh Trưởng Công an nói, anh Ngọc ơi, anh sẽ còn vài việc phải làm nữa. Tôi nói, khi nào anh cần.”

Khi liên lạc đến trụ sở công an ở tỉnh Đồng Nai, mà ông Đặng Hữu Ngọc được gọi đến làm việc, viên chức nơi đó không cho biết sự việc qua điện thoại:
- “Thưa ông có phải là công an phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai không?
- Dạ đúng ạ, ai vậy?
- Chúng tôi xin hỏi chuyện ông Nguyễn Quý là Trưởng Công an, ông Quý có ở văn phòng không, thưa ông?
- Bác đợi mấy một tí, bác tên gì?
- Chúng tôi tên là Đỗ Hiếu…

- Alô…
Phải ông Nguyễn Quý, Trưởng Công an phường Xuân Bình…
- Cái gì?
- Chúng tôi hỏi thăm về thông tin ông Đặng Hữu Ngọc được mời tới công an làm việc vì có liên quan đến hoạt động của ông Nguyễn Bắc Truyển, điều này có đúng không?
- Nghe không rõ anh ơi, tắt cái tivi đi…
- Ai, dạ, sao anh?
- Ảnh được mời tới làm việc mà không có giấy mời..
- Bây giờ như vầy, sáng mai anh liên hệ với đây đi, gặp anh em tụi này trả lời cho nghe… Nói trên điện thoại thì tôi cũng không trình bày anh hết được, mai anh tới đây, dạ…”

Nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển cho biết về việc anh rể của anh bị rắc rối, vì công an muốn tìm hiểu thêm những gì xét thấy bất lợi cho chế độ:
“Ngày hôm nay, họ mời anh tôi đến công an phường cũng nói về tạm trú, nhưng thật ra không phải vậy, họ hỏi những việc liên quan tới hoạt động của tôi, lên tiếng chống bất công, phản đối những chính sách của nhà nước, và những hoạt động trước khi tôi bị bắt năm 2006. Anh tôi đã phản đối về cách thức họ mời, yêu cầu họ, có chuyện gì thì gặp thẳng tôi, chứ anh không liên quan đến những gì họ đề cập. Hai bên nói chuyện qua lại rất to tiếng, chị tôi gọi điện cho tôi biết ngay lúc đó, tôi đã ghi âm lại được một đoạn nói chuyện, giữa công an và anh tôi.”
Nếu có thể được thì anh cho đài Á Châu Tự Do nghe dù là một đoạn rất ngắn, anh ghi được qua cuộc thẩm vấn tại trụ sở công an địa phương.
- “Không có gì, tôi sẵn sàng cung cấp cho anh.
Tiếng anh Ngọc: Thì cũng phải có giấy mời chứ…”

Vì lý do kỹ thuật việc ghi âm cuộc đối thoại đó bị gián đoạn.

Chúng tôi tiếp tục theo dõi thông tin này và sẽ gởi đến quý vị thêm chi tiết.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: