Friday, November 4, 2011

BÀN CỜ MỸ-TRUNG TẠI BIỂN ĐÔNG: THẾ CỜ CỦA VIỆTNAM (Đinh Xuân Quân )



Đinh Xuân Quân
Friday, November 4, 2011

Theo dõi các diễn biến mới nhất về các chuyến thăm nước ngoài của các lãnh đạo Việt Nam (VN) kể cả đảng, nhà nước, quân đội và các nhà ngoại giao, đi thăm từ Mỹ đến Ấn, Myanmar, Nhật và Indonesia về vấn đề liên quan tới Biển Đông (BĐ), nhiều trang mạng của người VN trong và ngoài nước nhận xét rằng VN đang ở khúc quanh về chính trị tại vùng Đông Nam Á (ĐNA).

Ai cũng biết chính sách – đòi hỏi vô lý của Trung Quốc (TQ).[1]/ Tác giả Frank Ching còn nói sự lạm dụng của Trung Quốc [2]/ trong các đòi hỏi tại Biển Đông. Các bài viết trên tập San Foreign Policy của Bà Ngoại Trường (NT) Clinton, của các chuyên gia như Ông Kaplan[3]/ hay của tác giả Jacques Nguyễn Thái Sơn [4]/ “La mer de Chine du Sud – Bien Đông: La Mère des conflits du future ou des opportunités de coopération dans la paix?” trên tờ Géo cho thấy là có hai cái nhìn khác nhau: bi quan – Kaplan, và lạc quan Jacques Nguyễn Thái Sơn. Tiến trình hiện nay cho thấy là đường lối ngoại giao mới tại vùng BĐ đang hình thành theo chiều hướng cùng ý với tác giả [5]/.

Từ 2009, 2010 đến nay TQ có những hành động quyết đoán, lấn át ngày càng gia tăng đối với các nước láng giềng nhất là VN và Philippines. Các hội nghị quốc tế về BĐ như CSIS tại Washington DC đầu năm 2011 và gần đây nhất vào tháng 10, 2011 tại Manilla cho thấy TQ có những đòi hỏi vô lý. Tại đây, học giả đại diện TQ bị công kích là bản đồ TQ không dựa trên cơ sở luật pháp nào và ông ta có lẽ vì bị đuối lý, đã công khai phủ nhận giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà TQ đã phê chuẩn. Ông không phải là đại diện chính thức nhưng thế giới có thể hiểu “cách suy nghĩ” của phía TQ.

Trong bối cảnh tranh chấp này, chuyến thăm TQ của Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng bí thư ĐCSVN (từ 11-15.10.2011) đã giúp TQ phản bác các đòi hỏi của Nhật và của Philippines về các tranh chấp ở BĐ. Cùng lúc đó, chuyến đi của ông Trương Tấn Sang cho thấy VN đã ký với Ấn Độ để khai thác BĐ.

Đây là ván cờ cực kỳ nhức đầu. Ván cờ Mỹ-Trung đang dựng ra và trong bàn cờ này thì hai bên đang cố chiếu tướng nhau. Người ta tự hỏi, những con xe, pháo, mã, tốt nào sẽ bị thí (cách nhìn bi quan), hay sẽ được lợi (cách nhìn lạc quan), hay tất cả đều có lợi (realpolitik)?

Trong bàn cờ này VN chưa có quyền đánh cờ. Liệu VN có thể làm thế nào để khỏi đóng vai một con chốt bị thí như VNCH năm 1972 (tại Bắc Kinh khi Kissinger điều đình với Chu Ân Lai) mà hậu quả nhãn tiền là trận chiến Hoàng sa 1974? Liệu VN có thể làm như Miến Điện được không? Đường hướng thay đổi ra sao?

Tranh Chấp Biển Đông

Ai cũng biết BĐ có thể có một lượng dầu khí quan trọng. Tác giả đã gặp một kỹ sư người Mỹ, từ năm 1960 đã bay dọc bờ biển VN từ Nam đến Bắc để dò địa chấn tìm dầu. Triển vọng dầu khí rất cao. Trước đây vùng này tương đối ổn định dưới sự che chở của hạm đội thứ 7 Mỹ. Khi các hãng dầu bắt đầu tìm khoan dầu tại những lô ngoài khơi VN thì tranh chấp Việt Trung ngày càng rõ vì TQ muốn chiếm đoạt dầu khí. Hiện tượng này đã bắt đầu xẩy ra khi Mỹ bắt tay với TQ vào 1972 (khi TQ coi như chia sẻ với Mỹ để chống Liên Xô trong bàn cờ thế giới).

TQ dưới sự chỉ huy của Đặng Tiểu Bình bước vào giai đoạn phát triển kinh tế. Vào đầu thập niên 1990, khi chiến tranh Kuwait xảy ra thì TQ lo sợ và cho phát triển quân đội. Khi thấy Mỹ bị dính vào chiến tranh Irak và Afghanistan và cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, TQ có lẽ cảm thấy thời cơ đã đến, mau chóng thay đổi thái độ, đi từ ôn hoà đến hung hăng, lộ diện tính chất “bá quyền Đại Hán” một cách phi lý tại Biển Đông và Thái Bình Dương. Trong năm 2010 TQ liên tiếp đụng độ với Nhật, VN, Philippines, Malaysia qua việc dùng bạo lực hay doạ nạt bằng các cơ quan truyền thông – mà thường xuyên nhất là tờ
Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ). Ngay sau chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10, 2011, báo này cũng đã “hăm dọa” rằng bất cứ quốc gia nào (VN và Philippines) dám cả gan khai thác BĐ sẽ phải dè chừng nếu không muốn ngửi mùi ”đại bác.”

Nhớ lại năm 2010 tại Hà Nội Ngoại trưởng Clinton đã lên tiếng cho rằng BĐ là quyền lợi quốc gia của Mỹ trong việc tự do đi lại. Mỹ sẽ không nghiêng về bên nào nhưng các tranh chấp phải theo luật quốc tế. Năm 2011 có nhiều tranh chấp mới – vào tháng 5, 2011, 3 tàu tuần biển của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu khảo sát Bình Minh 02 thuộc Petro VN và ngay sau đó cũng đã quấy nhiễu tàu Viking 2 của phía VN. Vào tháng 6, 2011 Philippines đã phản đối TQ kéo giàn khoan vào khu vực tranh chấp tại BĐ và nhiều tàu đổ các vật dụng xây cất tại các hòn đảo thuộc chủ quyền Philippines.

Theo các chuyên gia quốc tế, sở dĩ các sự việc này đã xẩy ra vì năm 2012 sẽ có thay đổi lãnh đạo tại TQ, do đó phe diều hâu (quân đội, các doanh nghiệp nhà nước, các công ty lớn và các bộ lo về dầu khí) muốn chiếm quyền lợi tại BĐ, nhất là phe quân đội muốn ngăn chặn trước việc Mỹ bao vây TQ. Trong khi đó, vẫn theo các chuyên gia, thì phe “bồ câu” (bộ ngoại giao, trí thức, các công ty làm việc với quốc tế và cấp lãnh đạo) muốn mọi việc tiến hành một cách ôn hoà hơn.

Hậu quả của các khiêu khích ngày càng hung hăng của TQ là tại VN, mặc dù bị đàn áp, nhiều trí thức và thành phần trẻ đã xuống đường biểu tình chống ngoại xâm, chống đường lưỡi bò, đòi hỏi chính quyền VN không được quá nhu nhược đối với TQ. Philippines cũng phản ứng mạnh mẽ, kêu gọi Mỹ thực thi hiệp ước Mỹ-Phi. Mới đây, họ bắt nhiều tàu TQ đánh cá trong khu vực chủ quyền của Philippines và đem ra xử tại toà án.

Hậu quả của thái độ hung hăng của TQ tại BĐ là từ 2009 trở đi đã thành hình nhiều liên minh mới tại vùng Á châu. Rộn rịp những chuyến đi của giới lãnh đạo và ngoại giao từ Miến Điện sang Ấn Độ, Nhật sang VN, VN sang Nhật, Úc sang Mỹ, v.v... Rồi Philippines và Hải quân Mỹ tập trận, Nam Hàn và Mỹ tập trận, Mỹ-Úc tập trận, Nhật, Úc, Mỹ tập trận… Các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng giữa Mỹ và các nước Đông và Nam Á qua nhiều thập niên có vẻ nguội lạnh, nay được tới tấp hâm nóng lại.

Ấn Độ được Mỹ, Nhật, Úc khuyến khích vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để thực hiện chính sách “nhìn sang hướng Đông” – kết quả là Ấn đã cùng VN và Miến Điện ký các cam kết hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài các ký kết về quốc phòng, các nước ĐNÁ còn mua thêm võ khí và tàu chiến cho quân đội cuả họ như VN, Philippines, Malaysia, Indonesia. Và đặc biệt, Hoa kỳ đã chuyển 60% hải quân về vùng Á châu. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta trong tháng 10 đã đi một vòng Á châu nói chuyện với Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Indonesia. Việc này cho thấy thái độ hung hăng và đòi hỏi phi lý của TQ giành lấy 80% chủ quyền trên Biển Đông bất chấp luật biển quốc tế 1982 đã làm cho các nước Á châu phải nghiêng về Mỹ để tìm một thế cân bằng.

Trước những hoạt động ngoại giao ráo riết bao quanh phía Đông và phía Nam của nước Trung Hoa thì nước này chỉ đạt được một “thành công” duy nhất, là kéo một tổng bí thư VN với nhiều uỷ viên Bộ chính trị, Trung ương đảng và bộ trưởng đến thăm nước mình. Ông Trọng đã đi với một phái đoàn hùng hậu gồm 4 uỷ viên Bộ chính trị, và 11 uỷ viên Trung ương đảng. Về phía chính phủ có Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh. Chuyến đi này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng bởi ba phái đoàn VN đi TQ: Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn (tháng 6), Thứ trưởng Quốc phòng tướng Nguyễn Chí Vịnh (tháng 8) và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Tướng Ngô Xuân Lịch (tháng 9); phía TQ thì có hai phái đoàn sang VN lo việc chuẩn bị: Uỷ viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Tướng Quách Bá Hùng (tháng 4) và nhân vật cao nhất Phụ trách Ngoại giao và Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Đới Bỉnh Quốc (tháng 9). TQ nhắm có thể dùng cái “Thỏa thuận Việt-Trung về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” để chia rẽ VN với ASEAN hay quốc tế. Nhưng cuối cùng kết quả cuộc hội đàm giữa Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ngày 11 tháng10, 2011 không có gì là quan trọng ngoài những điểm – nguyên tắc đàm phán và giải quyết các tranh chấp một cách ôn hoà.

Cùng lúc đó VN gởi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một phái đoàn thứ trưởng sang Ấn Độ ký một hợp đồng khai thác dầu khí ngay tại Biển Đông – một công việc cụ thể và đúng vào cái huyệt nhạy cảm nhất của TQ - trong khi các ký kết tại TQ chỉ là các nguyên tắc chung chung mà thôi. TQ cũng không ngồi yên vì cùng lúc hải quân TQ vừa thiết lập một trạm quân y gần đảo Đá Chữ thập đỏ thuộc quần đảo Trường Sa và đã ký kết với Kampuchia để khai thác dầu khí ở ngoài khơi Kampuchia sát đảo Phú quốc của VN. TQ cũng đã thoả thuận với Lào về chương trình phát thanh của đài Phát thanh Quốc tế TQ.

Nhìn chung, từ đầu năm 2011 đến nay, trận thế đã lộ rõ: TQ bị hoàn toàn cô lập tại Á châu vì chiến lược của Mỹ. Tính cách hung hăng của TQ đã đẩy các nước Á châu ngả về phía Mỹ. Duy nhất tại Á châu chỉ có VN là chịu giúp TQ “gỡ thể diện” qua chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng cũng phải công bằng mà nhận định rằng, trong thế cờ Biển Đông, VN có phần nào thành công trong cuộc đi dây và quốc tế hoá BĐ.

Ván cờ Biển Đông

Sau tuyên bố tại Hà Nội của NT Clinton năm ngoái, bài của bà Ngoại trưởng[6]/ mới đây trong tờ Foreign Policy cho thấy là Mỹ sẽ có mặt tại Á châu trong một thời gian dài và coi Á châu là trung tâm phát triển kinh tế và lợi ích của Mỹ. Trong quá khứ Mỹ đã có một số hiệp ước với các nước Á châu mà nay Mỹ đã tái khẳng định, và thực hiện thêm một số liên kết và hiệp ước quân sự kiểu mới để càng ràng buộc chặt chẽ với Á châu. Ngoài ASEAN còn có ASEAN Regional Forum (ARF) một tổ chức gồm 10 nước ASEAN và 16 nước khác trong đó có cả TQ, Nga, Nhật, ASEAN + 3 (ASEAN + TQ, Nhật, Nam Hàn), EAS hay East Asia Summit gồm ASEAN+ 5 nước Á châu + Úc + Mỹ +Nga). Nay ARF và EAS là các nơi mà Mỹ có thể đối thoại về vấn đề an ninh với sự trợ giúp của các nước kể cả TQ và Nga, Mỹ, Ấn và Nhật.

Trong bài báo vừa nói, bà Clinton nhắc lại, là mặc dù TQ còn có nhiều khác biệt về vấn đề quốc phòng, tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền, bà kêu gọi TQ tham gia vấn đề an ninh Á châu - Thái Bình Dương trong tinh thần tôn trọng luật quốc tế và trách nhiệm. Luật chơi mới, với sự trở lại của Mỹ tại Á châu là luật lệ quốc tế. Trong tháng 11 TT Obama sẽ thăm Úc và sau đó sẽ tham gia cuộc họp APEC tại Honolulu hai ngày 12-13, và EAS tại Bali vào ngày 19 tháng 11. Trong hai cuộc họp này TT Obama sẽ bàn bạc với các lãnh đạo Á châu mà không có mặt TQ. Việc này sẽ củng cố thế cờ của Mỹ đối với TQ.

TQ bị chiếu tướng

Theo lời của các tướng TQ, quân đội TQ còn kém xa Mỹ. Với các hiệp ước chằng chịt như vậy thì khó mà TQ, một cường quốc cấp vùng, có thể qua mặt hay thách thức Mỹ trong ván cờ BĐ, trong khi các nước châu Á khác đều nghiêng về Mỹ. So sánh hai khuôn mặt lớn này ai cũng thấy sự lựa chọn đó là dĩ nhiên: Một bên TQ, một nhà giàu mới nổi mang tâm lý hãnh tiến của một trọc phú, vừa tham lam vừa độc ác; một bên là Mỹ, một siêu cường suốt thế kỷ 20 đã giữ vai trò điều hợp cả thế giới, đã là sức mạnh then chốt trong việc đánh bại những kẻ thù của nhân loại là phe trục của đệ nhị thế chiến và chủ nghĩa cộng sản, luôn luôn giữ nguyên tắc nêu cao nhân quyền và tự do, dân chủ. Hiện nay TQ đang gặp nhiều khó khăn nội bộ từ kinh tế đến xã hội. Các nước Á châu sẵn sàng làm đồng minh với Mỹ, một tay cờ có thể chơi bàn cờ BĐ ở đẳng cấp thế giới. Mới chỉ một năm sau cuộc họp tháng 7, 2010 tại Hà Nội, chưa đánh mà TQ đã bị bao vây, thế cờ mà TQ đã bày ra qua biết bao đầu tư từ nhiều năm đã bị lật ngược trong nháy mắt và bị “chiếu tướng.” Điều đáng chú ý là tuy vây hãm đối phương, Mỹ vẫn để trống một cửa ra cho TQ, chớ không dồn con thú dữ vào chân tường. Bị Mỹ chiếu bí trong chuyến này, TQ khó xoay xở được, và rốt cuộc, theo tác giả, thì trước sau TQ cũng phải đổi giọng, trở nên mềm dịu trở lại trong vấn đề Biển Đông, và từ đó, dĩ nhiên, trong các tham vọng đối với Thái Bình Dương.

Thế của VN ra sao?

Trong cuộc cờ Biển Đông, VN không được chơi cờ mà chỉ thụ động chịu ảnh hưởng và hậu quả mà thôi. VN đã thành công phần nào trong việc “quốc tế hoá” vấn đề BĐ, kéo Mỹ, Philippines, Nhật, Ấn Độ về phía VN. Trước mắt VN, một tấm gương đang diễn ra là Miến Điện, đang điều chỉnh tình trạng tuỳ thuộc 100% vào TQ đến một tỷ lệ thấp hơn, chẳng hạn 50%. Nay họ đang đổi thế cờ, vì muốn bớt bị cấm vận từ các nước Tây phương.

Nhìn vào tấm gương Miến Điện, VN cần lợi dụng thời gian TQ đang bị chiếu bí để tách khỏi sự lệ thuộc 100% vào TQ. Không nên quên rằng nước Việt Nam cộng sản hiện nay là con đẻ của đảng cộng sản và nhà nước TQ, vì đã được nuôi nấng và giúp đỡ từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp sau khi Hồ Chí Minh sang Tàu thần phục năm 1950 và “triều cống” cho TQ cái công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 để sau đó được giúp đỡ toàn diện trong cuộc đánh chiếm miền Nam. Trong trận thế TQ và Liên Xô kình chống nhau, sau 1975 VN đã cố thoát khỏi TQ bằng cách chạy theo Liên Xô, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào 1991 lại phải quay trở lại với TQ. Hiện nay VN có nhiều động tác xích lại gần Mỹ vì TQ có nhiều đòi hỏi phi lý tại BĐ. Mỹ chưa có thoả hiệp gì với VN, một nước vẫn theo chế độ độc tài toàn trị, chỉ nói là có trao đổi về quốc phòng.

Ở đây xin mở một dấu ngoặc để nhìn vào một khía cạnh khác. Quan sát những cố gắng hiện tại của VN, người ta vẫn chưa biết được trong thâm ý, đảng cộng sản Việt Nam đang tính toán những gì. Chắc chắn điều họ muốn rõ rệt nhất là vẫn duy trì chế độ toàn trị với cái đuôi (cái đuôi thôi) “xã hội chủ nghĩa”, đó là cách tốt nhất để cả một tập đoàn tiếp tục ăn trên ngồi trước và có quyền tuyệt đối đối với dân tộc VN. Để giữ vững tình trạng đó, họ sẽ liên kết chặt chẽ với TQ với cái bung xung là hai nước đều theo chủ nghĩa xã hội. Y hệt như TQ, họ sẽ từ chối mở rộng tự do dân chủ và nhân quyền, vì những thứ ấy sẽ là nguyên do để họ mất dần quyền lực. Hình ảnh tên sĩ quan công an đạp vào mặt người công dân yêu nước đi biểu tình chống TQ đúng là hình ảnh tiêu biểu đúng nhất cho đảng cộng sản VN: ngoài đảng, không ai có quyền gì hết, kể cả quyền yêu nước. Trong khi ấy, họ vẫn biểu diễn những màn làm ra vẻ muốn đồng minh với các nước dân chủ, đứng đầu là Mỹ, trong ván cờ châu Á hiện tại. Dân chủ và độc tài đồng minh với nhau, liệu trên sân khấu Á châu có sẽ diễn ra vở hài kịch ấy chăng? Xin đóng ngoặc.

Trong tư thế của mình, Mỹ đi những nước cờ tầm cỡ thế giới, trong khi cái thế của VN là làm sao giữ toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế theo kịp các nước khác, và nhất là làm sao thoát dần ra khỏi ảnh hưởng 100% của TQ để chỉ còn, chẳng hạn, khoảng 50% thôi. [Kinh nghiệm quá khứ cho thấy VNCH vì quá lệ thuộc vào Mỹ (95%) cho nên đã bị làm vật tế thần trong ván cờ Tự Do – Cộng Sản thời đó, và hậu quả là TQ đã chiếm Hoàng Sa vào 1974.] Học bài này VN cần xích lại gần Mỹ, lợi dụng thời gian TQ bị chiếu để rút 50% ra khỏi ảnh hưởng TQ. Kinh nghiệm Singapore cho thấy họ khôn, nhờ lá chắn của Mỹ ngăn CS tại VN, để có thể phát triển, đồng thời vẫn tự chủ qua kinh tế mạnh. GDP/đầu người của Singapore vào hạng cao nhất thế giới, qua mặt cả Anh là nước cai trị mình như thuộc địa trước đây.

Muốn cân bằng 50/50 giữa TQ và Mỹ và xích lại gần Mỹ thì VN phải làm gì? VN cần phải thay đổi trong nội bộ theo như ý kiến các trí thức trong và ngoài nước: một xã hội trong đó mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” Muốn thực thi các mục tiêu này thì cần phải cải cách – có dân chủ - có công bằng – có văn minh. Một nước không thể nào bắt bớ và giam cầm các công dân chỉ vì họ muốn bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, hay bỏ tù nhiều người vì tín ngưỡng hay vì đòi hỏi công bằng. VN cần phải cải cách – dân chủ hoá, văn minh hóa, và quản lý tốt hơn nền kinh tế - nhất là các doanh nghiệp quốc doanh đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Thời gian qua các tập đoàn kinh tế và DNNN đã gây ra bất ổn nặng nề cho nền kinh tế và giúp cho tình trạng tham nhũng bành trướng. VN vừa một lần nữa nhỡ tàu khi không chấp nhận đòi hỏi cải cách các DNNN do Mỹ để nghị trong thương thuyết 9 nước về TPP [Trans-Pacific Partnership] – vùng tự do mậu dịch.

Kết luận:

Trong bàn cờ Mỹ -Trung, TQ đang bị “chiếu tướng” và đang “bí”. VN cần lợi dụng tình hình này để thay đổi – cải cách ngay để có một thể chế dân chủ hơn, văn minh hơn, hầu có thể từ từ tách ra khỏi quỹ đạo TQ, cân bằng ảnh hưởng, giữ được thế độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

DXQ


[1]/ Đinh Xuân Quân “Đòi hỏi vô lý của TQ tại BD, DĐTK, tháng 10 2011 (www.DienDanTheKy.net)
2/ Frank Ching, “Abusing History” Diplomat Oct 16, 2011
3/ Robert.D Kaplan, Foreign Policy, Oct 2011 và NT Hillary Clinton: Asia-Pacific:America’s Pacific Century, Nov 2011) - www.foreignpolicy.com/articles/2011/08/15.
4/ Jacques NGUYEN Thai Son, “La mer de Chine du Sud - BiennDong: La Mère des conflits du futur ou des opportunités de coopération dans la paix?” Geo magazine
5/ Đinh Xuân Quân, “Chính sách đang thành hình của Mỹ tại Thái Bình Dương”, Diễn Đàn Thế Kỷ, 2010 (www.DienDanTheKy.net)
6/ Hillary Clinton “Asia-Pacific:America’s Pacific Century,” Foreign Policy, Nov 2011

.
.
.

No comments: