Saturday, November 19, 2011

ASEAN KHÔNG ĐOÀN KẾT ĐỂ CHỐNG LẠI TRUNG QUỐC (Aurea Calica, Delon Porcalla – AP)




Aurea Calica, Delon Porcalla – AP
AP/ The Philippine Star    16-11-2011

Minh Khôi dịch
Hiệu đính: NT
Posted by basamnews on 19/11/2011


Nusa Dua, Indonesia – Hôm qua các nước Đông Nam Á đã không ủng hộ việc thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông (Nguyên văn: biển Hoa Nam), khi Bắc Kinh cảnh cáo chống lại sáng kiến ​​này.

Theo tài liệu nội bộ từ AFP, Philippines đang thúc đẩy một lập trường chung về vấn đề này trong cuộc họp giữa các lãnh đạo ASEAN ở đảo Bali, Indonesia tuần này.

Trung Quốc gây lo ngại cho Washington và các thủ đô châu Á với tuyên bố chủ quyền toàn bộ biển Đông, khu vực gồm các tuyến đường biển quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu và khoáng sản khổng lồ.

Đài Loan, đối thủ của Trung Quốc, cũng như của các nước ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, cũng đòi chủ quyền toàn bộ hoặc một phần trong khu vực, và Manila đã tiến hành một cuộc họp cho cả sáu nước liên quan.

Nhưng Bắc Kinh chỉ thích đàm phán song phương với các nước láng giềng yếu thế, họ nói rằng không thích hợp để bàn về tranh chấp lãnh hải tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra ở Bali tuần này.

Ông Lưu Chấn Dân, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với các nhà báo tại một cuộc họp ở Bắc Kinh: “Trung Quốc tin rằng, các tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan trực tiếp. Sự can thiệp từ bên ngoài sẽ không giúp giải quyết vấn đề này, trái lại, sẽ làm cho vấn đề thêm phức tạp và phá hoại hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”. Rõ ràng là ông ta muốn ám chỉ Hoa Kỳ, nước sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm nay.

Sức mạnh kinh tế và chính trị của Bắc Kinh có nghĩa là các thành viên ASEAN không đủ khả năng để gây hấn, rất khó để thiết lập một lập trường thống nhất.

Mặc dù có sự quan ngại sâu sắc về tranh chấp trên biển trong khu vực, nhưng chỉ có vài nước ủng hộ đề xuất của Philippines, quốc gia đã có một lập trường thẳng thắn về vấn đề này trong những năm gần đây.

Ông Anifah Aman Ngoại trưởng Malaysia nói với AFP: “Trung Quốc có những bước khả quan trong việc tổ chức các buổi hội thảo và hội nghị, điều đó rất tích cực. ASEAN cần đáp lại điều đó. Giới thiệu một diễn đàn khác sẽ làm phức tạp thêm vấn đề”. Ông nói thêm, để tập trung vào tuyên bố ứng xử không ràng buộc thì mang tính xây dựng hơn, mặc dù những người chỉ trích đã bác bỏ nó vì không hiệu quả.

Ông Hor Namhong, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, cũng từ chối ủng hộ đề nghị của Manila. Ông nói với AFP: “Chúng tôi không chống”, và cười trước khi nói thêm: “Vấn đề là làm thế nào để tránh … trùng lặp”.

Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, dường như đã đặt vấn đề này vào hàng ngoại giao thứ yếu, nói rằng “sẽ thảo luận thêm”. Ông lặp lại quan điểm của những Bộ trưởng khác rằng, khu vực này nên tập trung vào Bộ Quy tắc Ứng xử ràng buộc pháp lý, thỏa thuận đã bị [các nước ASEAN] lảng tránh trong nhiều năm qua. “Vấn đề đó đang trên đà đi tới và chúng tôi đạt được tiến bộ. Sẽ có một số nỗ lực đâu đó để củng cố đà này”. Ông nói.
Philippines đang thúc đẩy một “khu vực hòa bình”.

Mặc dù vậy, Philippines vẫn cam kết thúc đẩy một “khu vực hòa bình” với Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tuần này, để giải quyết các bất ổn về tranh chấp lãnh hải ở biển Tây Philippines (tức biển Đông của Việt Nam: Ed’s note).

Mặt khác, Trung Quốc phản đối việc thảo luận về chủ quyền biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc muốn đàm phán song phương để giải quyết các tuyên bố chủ quyền ở khu vực giàu tiềm năng về dầu mỏ.
Tại cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN ngày hôm qua, ông Albert del Rosario, Ngoại trưởng [Philippines] cho biết: “Philippines tin rằng phương pháp tiếp cận dựa trên luật lệ là cách hợp pháp duy nhất trong việc giải quyết tranh chấp biển Tây Philippine (tức biển Đông của Việt Nam)”.

Chính phủ cũng có kế hoạch theo đuổi các biện pháp khác như một bên thứ ba để phân xử, làm trọng tài, hòa giải thích hợp trong phạm vi cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ông Del Rosario cho biết phương pháp giải quyết dựa trên quy tắc được thể hiện trong “khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị, và hợp tác”. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng ‘khu vực hòa bình’ là khuôn khổ hành động để làm rõ và chia tách các vùng đất tranh chấp khỏi những vùng biển không tranh chấp của biển Tây Phillippines, và trong quá trình giải quyết vấn đề của đường chín đoạn (tức đường lưỡi bò). Tiến trình của sự chia tách này sẽ cho phép sự hợp tác khả thi giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là các nước ven biển và các nước đang tranh chấp trong khu vực biển Đông”.

“Khu vực hòa bình” phù hợp với khuôn khổ luật lệ, kềm chế các tranh chấp trong vùng biển Tây Philippines, tương tự như vậy, theo DOC (Tuyên Ứng xử của Các bên trên biển Đông), ông Del Rosario nói thêm. Ông Rosario nói rằng, ASEAN nên đóng vai trò tích cực và quan trọng để góp phần giải quyết hòa bình trong các tranh chấp ở biển Đông.

Mỹ muốn vào biển Đông
Tổng thống Obama nói trong buổi kết thúc hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vừa qua ở Hawaii rằng, ông muốn Mỹ được vào khu vực biển Đông mà không bị kiểm soát, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia.
Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ nói một lần nữa, làm thế nào để chúng tôi, một cường quốc Thái Bình Dương, làm việc với các đối tác (ASEAN) của chúng tôi để bảo đảm ổn định, tự do thông thương, thăm dò [dầu] và các quy tắc hàng hải, và một loạt các vấn đề quản lý theo cách công bằng và cởi mở”.

Ông đưa ra tuyên bố đáp lại một câu hỏi của nhà báo Jim McNerney về chương trình nghị sự chính của ông trong chuyến thăm tiếp theo đến Úc, một đồng minh khác của Mỹ.
Dùng từ “thăm dò”, nhà lãnh đạo Mỹ muốn nói đến việc thăm dò dầu tại khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã xác nhận rằng, chính phủ Mỹ có lợi ích ở biển Đông vì tuyến đường biển này mang lại 5,3 ngàn tỷ đô la thương mại song phương hàng năm.
Biển Đông là vùng biển chung rất quan trọng đối với toàn bộ khu vực. Cho nên khu vực biển Đông và các tuyến đường biển của nó vô cùng quan trọng đối với khu vực, đối với các đối tác và đồng minh của chúng tôi, và chắc chắn đối với Mỹ”, ông Willard nói.

Trước đó, Tổng thống Aquino đã nói rằng, Forum Energy, một công ty Mỹ, sẽ bắt đầu thăm dò dầu ở phía bắc Palawan, dự án này nhỏ hơn các mỏ dầu ở Malampaya. Ông Jose Rene Almendras, Bộ trưởng Năng lượng, đã xác nhận tuyên bố của Tổng thống Aquino, rằng việc thăm dò dầu của Forum Energy sẽ tiến hành vào đầu năm tới.
Tổng thống Aquino, ông Almendras và ông Edwin Lacierda, phát ngôn của tổng thống, đều khẳng định rằng Recto Bank (tức Reed Bank, Việt Nam gọi là bãi Cỏ Rong: Ed’s note), cách Palawan 80 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, không thuộc quần đảo đang tranh chấp Trường Sa, khu vực giàu dầu mỏ.

Ông Aquino nói thêm rằng, tham vọng đường chín đoạn mà Trung Quốc viện dẫn gần đây, không vươn tới được Recto Bank, cách đại lục 500 dặm. Ông nói, nơi này được biết đã thuộc sở hữu của Philippines từ năm 1982, trong khi Trung Quốc chỉ mới tuyên bố từ năm 2009.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.



No comments: