Friday, November 4, 2011

ĐẠO ĐỨC & CHÍNH TRỊ : SỰ TAN RÃ CỦA XÃ HỘI TRUNG QUỐC (Nguyễn Hưng Quốc)



Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Hai, 31 tháng 10 2011

Nếu đạo đức không gắn với yếu tố chủng tộc thì nó gắn liền với chuyện gì? Câu hỏi, thật ra, quá rộng. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào một khía cạnh, có thể gọi là khía cạnh căn bản của đạo đức: sự vô cảm.

Trở lại với chuyện bé Yue Yue ở Trung Quốc. Một số người giải thích hiện tượng hờ hững của những người chung quanh khi chứng kiến cảnh bé Yue Yue bị xe cán là: “Không phải họ không thấy hay mặc kệ em. Họ chỉ không dám giúp em thôi!” Khi được hỏi tại sao không ai cứu giúp em bé bất hạnh ấy, nhiều người ở nơi xảy ra tai nạn trả lời: Họ sợ bị vạ lây.
Tại sao bị vạ lây?

Ở Trung Quốc hầu như ai cũng biết chuyện anh thanh niên tên Peng Yu. Ngày 20 tháng 11 năm 2006, Yu thấy bà Xu Shuolan, 65 tuổi, bị ngã gãy xương hông khi bước lên một chiếc xe buýt. Anh dẫn bà đến bệnh viện và ngồi chờ cho đến khi thân nhân của bà đến thăm. Không một lời cám ơn, bà Shuolan còn kiện Yu tội xô bà ngã. Bà đòi bồi thường 136.419 đồng nguyên, tương đương với 18.000 đô la. Tòa án xem xét hồ sơ, cho là lời cáo buộc của bà Shuolan không đủ chứng cứ. Tuy nhiên Yu cũng bị buộc trả tiền viện phí cho bà (45.000 đồng nguyên).
Vụ án gây xôn xao dư luận. Sau vụ án ấy, bài học lớn nhất mà Yu – cũng như nhiều người Trung Quốc khác - rút ra được là: Đừng đụng đến bất cứ chuyện gì ngoài đường. Người ta vấp ngã? – Kệ! Người ta bị xe cán? – Kệ! Đường mình, mình cứ đi!

Những chuyện như vậy rất thường xảy ra ở Trung Quốc. Báo AsiaNews ngày 12/9/2011 kể chuyện sáng ngày 4 tháng 9 vừa qua, ở ngay tại Bắc Kinh, một cụ ông 88 tuổi té ngã bị dập mũi ngoài đường. Hàng chục, rồi hàng trăm người đi qua. Dửng dưng. Không ai giúp gì ông cả. Đỡ ông ngồi dậy? – Không. Giúp trị vết thương trên mặt? – Không. Ông cứ nằm một mình quằn quại dưới đường. Mãi hơn một tiếng rưỡi sau, thân nhân ông mới biết và đến chở ông vào bệnh viện.

Theo tường thuật của báo AsiaNews, nhật báo Nhân Dân của Trung Quốc từng làm một cuộc thăm dò dư luận với câu hỏi có sẵn sàng giúp đỡ những người gặp nạn ngoài đường không, 80% trả lời là không. Một cuộc thăm dò khác do Sina Weibo thực hiện cũng dẫn đến kết quả tương tự: 43% trả lời dứt khoát là không; 38% không chắc; chỉ có 20% cho biết là sẵn sàng. Trong một cuộc điều tra khác do đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong thực hiện, có dưới 7% trên tổng số 20.000 người được phỏng vấn trả lời là sẵn sàng; 45% cho biết họ sẽ nhắm mắt đi luôn; và 43% cho biết là họ chỉ giúp đỡ với điều kiện ở đó có máy camera giám sát!
Tại sao lại cần máy camera giám sát? Lý do chính là họ sợ bị vu khống để vòi tiền.

Cũng trong bài “A changing China shows no respect for the elderly” đăng trên báo AsiaNews dẫn trên, phóng viên kể một câu chuyện rất thảm: Năm 2009, một người đàn ông bị ngã ở một trạm xe buýt. Ông kêu cứu. Không ai đến giúp cả. Cuối cùng, ông phải nói to lên: “Tôi bị vấp ngã (không ai xô tôi cả), quý vị đừng lo lắng; không có gì phiền hà đến quý vị đâu!” Đến lúc ấy, chỉ đến lúc ấy, mới có một người đến giúp ông.

Như vậy, liên quan đến sự vô cảm của người dân Trung Quốc trước những người bị tai nạn, có rất nhiều vấn đề, trong đó vấn đề quan trọng nhất là niềm tin. Thứ nhất là niềm tin đối với nạn nhân: Sau khi được cứu giúp, họ có thể quay ngược lại tố cáo mình để vòi tiền. Nếu đây là điều có thật, hẳn nó phải xảy ra nhiều lần, ở nhiều nơi, người ta mới mất niềm tin vào người khác đến như vậy. Và nếu đúng như vậy, thì lương tâm của người ta có vấn đề: người ta sẵn sàng trở mặt với người giúp đỡ mình vì một món lợi nào đó. Nghĩa là, người ta chỉ biết đến cái lợi chứ bất cần tình nghĩa, trong đó, đáng kể nhất là lòng biết ơn. Nói cách khác, người ta không còn tin vào đạo đức. Cuối cùng, những sự sợ hãi như vậy cho thấy người ta không tin vào luật pháp; không tin là luật pháp có thể bảo vệ được họ, ngay cả khi họ làm một việc hoàn toàn đúng.

Mất niềm tin vào luật pháp. Mất niềm tin vào đạo đức. Và mất niềm tin vào người khác. Theo tôi, sự mất mát của cả ba niềm tin ấy sẽ dẫn đến, không sớm thì muộn, sự tan rã của xã hội. Chứ còn gì nữa?

Xã hội, bất cứ xã hội nào cũng vậy, đều gồm ít nhất hai yếu tố căn bản: một, có nhiều người; hai, giữa những người ấy có những sự nối kết chặt chẽ với nhau, ở một số khía cạnh nào đó, và với một mức độ nào đó. Không có người sẽ không có xã hội, dĩ nhiên. Nhưng nếu giữa những con người ấy với nhau không có sự liên kết gì cả, cũng sẽ không có xã hội. Điều kiện đầu tiên để hình thành và duy trì xã hội là sự liên lập (interdependence) và liên kết (interconnectedness). Ở Trung Quốc hiện nay, những sự liên kết và liên lập như vậy, qua những tấm gương ngoài đường phố, dường như không còn nữa. Ai cũng chỉ biết có một mình mình. Một xã hội như thế không thể không tan rã. Nó chỉ những cá nhân cô độc, ích kỷ và không tín nhiệm vào bất cứ ai khác.

Đó là điều lạ. Người Trung Hoa sống ở ngoại quốc, kể cả tại Việt Nam, vốn nổi tiếng vì tinh thần cộng đồng và sự tin cậy lẫn nhau trong nội bộ cộng đồng. Họ rất thường giúp đỡ nhau; cho nhau mượn tiền để buôn bán, thậm chí, mua sắm nhà cửa. Người Việt Nam ở hải ngoại trước đây thường nhắc đến tinh thần tương trợ của người Hoa một cách thèm thuồng và thán phục. Vậy mà, bây giờ, ở ngay tại Trung Quốc, mạnh người nào biết người nấy. Tuyệt đối vô cảm.
Tại sao?

Tôi xin phép được khỏi viết câu trả lời. Có lẽ ai cũng biết tại sao. Tôi xin chuyển sang một chuyện khác: Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc có lẽ cũng đang manh nha ở Việt Nam.

Cũng trên blog này, tôi đã kể lại một trong những kỷ niệm đầu tiên của tôi trong chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996. Trên chuyến xe từ Nội Bài về Thanh Xuân, xe bị kẹt cứng vì một tai nạn xe cộ. Ngồi trên xe, nhìn xuống, tôi thấy một thanh niên bị xe tông, nằm giật giật trên đường. Bên cạnh anh là một chiếc xe gắn máy chỏng gọng. Chung quanh có cả hàng trăm người, lớp trong lớp ngoài, đứng ngó, bàn tán, kể lể và... cười. Không ai có bất cứ hành vi nào để cứu hay giúp anh thanh niên đang nằm giẫy giẫy trên mặt đường cả. Không. Tôi ngồi, nhìn, thấy hoang mang và áy náy vô cùng. Tự dưng tôi có cảm tưởng có cái gì như ác ác trong chuyện đứng nhìn như vậy.

Sau này, không kềm được, tôi đem chuyện ấy kể với một người bạn. Bạn tôi cười đáp: "Không phải người ta ác đâu. Chỉ tại người ta sợ bị hiểu lầm là có gian ý gì đó." Bạn tôi giải thích thêm: "Như muốn móc túi người đó, chẳng hạn." Tôi vẫn không thấy thuyết phục. Nhiều năm sau, tôi lại kể chuyện ấy với em trai của bạn tôi đã về Việt Nam sinh sống và làm việc hàng chục năm. Nghe tôi kể xong, em của bạn tôi cười đáp: "Điều ông kia nói đúng đấy. Mới rồi, em bị đụng xe, bất tỉnh ngoài đường. Đến khi tỉnh dậy trong bệnh viện, nhìn đồng hồ: đồng hồ không còn; thò tay vào túi tìm điện thoại di động: không còn; tìm ví tiền: cũng không còn."

Sực nhớ một cảnh trong phim Cyclo (1995) của Trần Anh Hùng: cảnh Lộc đang đứng tiểu bên vệ đường và chiếc xích lô của anh bị mấy tên cướp cướp mất. Lộc chạy theo, bị mấy tên cướp đánh gục trên đường, ngay tại một bùng binh. Ống kính của Trần Anh Hùng chiếu cận cảnh: Lộc nằm quằn quại, hai chiếc dép mòn cũ văng ra xa. Điều lạ là không ai thấy cả. Mọi người vẫn hối hả đi ngang qua cái thân hình quằn quại trong đau đớn của Lộc. Nhiều bàn chân có vẻ ngập ngừng một chút, nhưng rồi cũng đi luôn. Nhiều bàn chân né sang một bên. Và đi luôn. Không ai cứu Lộc. Không ai giúp Lộc. Và cũng không ai nhìn thấy sự đau đớn của một anh thanh niên nghèo bất hạnh.
Tôi xem phim Cyclo đã lâu. Vẫn nhớ mãi cái cảnh ấy.
Phim làm từ năm 1995. Như một lời tiên tri.


XEM THÊM :
.
.
.

No comments: