Việt Nam nằm trong số các nước quan liêu nhất châu Á
Thứ tư 02 Tháng Sáu 2010
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100602-viet-nam-nam-trong-so-cac-nuoc-quan-lieu-nhat-chau-a
Trong bản nghiên cứu về hiệu năng hoạt động của hệ thống hành chánh tại 12 nền kinh tế châu Á công bố vào hôm nay, 02/06/2010, Văn phòng Tham vấn về các Rủi ro Kinh Tế và Chính trị PERC, đã liệt Ấn Độ vào diện quốc gia có tệ nạn quan liêu nghiêm trọng nhất, kế đến là Indonesia và Philippines. Ngay sau bộ ba đó là Việt Nam và Trung Quốc.
.
Đứng đầu danh sách về guồng máy hành chánh hoạt động hiệu quả nhất vẫn là Singapore, theo sau là Hồng Kông. Đứng thứ ba là Thái Lan. Ở giữa bảng, tính theo thứ tự từ tốt đến xấu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia.
.
Theo nhận định của PERC, một cơ quan tham vấn rất có uy tín, trụ sở tại Hồng Kông, thì tệ nạn quan liêu hành chánh vừa tác hại đến người dân trong nước, vừa làm nản chí các nhà đầu tư ngoại quốc. Đối với PERC, tại nhiều quốc gia châu Á, guồng máy quan liêu đã trở thành một kiểu « trung tâm quyền lực », cho phép họ chống lại một cách hữu hiệu các nỗ lực cải cách đến từ giới làm chính trị và của các viên chức được Nhà nước chỉ định.
.
Thứ hạng thấp của Việt Nam trong bản nghiên cứu năm nay cũng không thay đổi nhiều so với danh sách được PERC công bố vào năm ngoái, theo đó, Việt Nam đứng thứ năm trong số các nước châu Á có guồng máy hành chánh tồi tệ nhất, chỉ hơn được Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Ấn Độ.
.
Bản nghiên cứu của cơ quan PERC dựa trên kết quả thăm dò ý kiến của tổng cộng 1373 cán bộ cấp trung và cấp cao thuộc các công ty ngoại quốc làm việc tại 12 nền kinh tế châu Á. Mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ được cho một điểm theo thang bậc từ 0 nghĩa là tốt nhất, cho đến 10 tức là tồi nhất. Trong bảng xếp hạng năm nay, Singapore đứng thứ nhất với 2,53 điểm, Ấn Độ đội sổ với 9,41 điểm, còn Việt Nam đứng thứ 9 với 8,13 điểm.
.
Nhận xét về Việt Nam, vào hạ tuần tháng 5 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã xếp vấn đề hiệu năng và tính minh bạch trong các việc làm của chính phủ vào diện những rủi ro chính trị cần quan tâm theo dõi. Theo Reuters xin trích : « tình trạng thiếu vắng việc quy trách nhiệm cụ thể và guồng máy quan liêu cồng kềnh tác hại đến hiệu quả công việc của chính phủ trong lãnh vực hoạch định và thực thi chính sách. »
.
.
.
No comments:
Post a Comment