Saturday, June 12, 2010

VÌ SAO VINASHIN THUA LỖ ?

Vinashin thua lỗ vì "nhu cầu vận tải giảm 100 lần"?

Everywhere Land

Thursday, June 10, 2010

http://everywhereland.blogspot.com/2010/06/vinashin-thua-lo-vi-nhu-cau-van-tai.html

Đọc bài này trên Dân Trí cứ tưởng báo này ghi nhầm. Chưa nói chuyện Bộ trưởng cho rằng "“Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ” của người dân (chắc cũng tương tự như sáng tạo dùng hầm chông diệt Mỹ hay bắn xuyên táo 10 thằng địch?) thì còn có chi tiết này đáng chú ý.

"Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình trách nhiệm về việc thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mua tàu chở khách Hoa Sen hơn 1.000 tỷ đồng nhưng hoạt động không mang lại hiệu quả.

Việc “tậu” tàu của Vinashin, thời điểm mua Vinashin vấp rủi ro là khủng hoảng tài chính, nhu cầu vận tải giảm 100 lần. Bộ trưởng GT-VT nhận định, DN chưa tính hết các vấn đề khi đầu tư nên con tàu hoạt động không hiệu quả. Đây là vấn đề phương án làm ăn của một DN, HĐQT Vinashin quyết định và phải chịu trách nhiệm."

Khi đọc tin này, tôi cứ tưởng đọc nhầm ở câu "nhu cầu vận tải giảm 100 lần". Kiểm tra lại trên VietnamNet thì đúng là Bộ trưởng có nói ý như vậy nhưng VietnamNet thì ghi thành "Theo ông Dũng, Vinashin sắm tàu Hoa Sen "rơi" đúng lúc thế giới đang khủng hoảng kinh tế, giá cước giảm hàng trăm lần, thị phần hàng hoá giảm."

Không biết báo nào tường thuật đúng và ông Dũng nói là giảm 100 lần hay hàng trăm lần nhưng việc Bộ trưởng phụ trách Giao thông của Việt Nam lại có một phát biểu lấy được đến như vậy, trước hàng trăm đại biểu Quốc hội trong một kỳ họp quan trọng nhất, được hàng triệu người theo dõi thì thật khó tin. Bởi vì nếu nhu cầu vận tải giảm hàng trăm lần hay 100 lần thì đã là đại họa từ lâu chứ chẳng còn chỗ cho các ông báo cáo Quốc hội về việc đầu tư hàng trăm tỷ đô-la để nâng cấp hệ thống giao thông.

Vậy giá cước giảm như thế nào? Chỉ số Baltic Dry đo lường giá cước vận tải hàng hóa quốc tế. Đây là một chỉ số rất quan trọng, phản ánh nhu cầu thị trường và thường được coi là một trong các chỉ số tốt nhất để phản ánh "sức khỏe" nền kinh tế thế giới. Theo bảng dưới đây (được lấy từ trang web này) thì từ tháng 12/2007 tới 12/2008 (là khoảng thời gian hoạt động của tàu Hoa Sen), giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 10 lần (từ 10.000 xuống còn 1000), một mức giảm kinh khủng nhưng còn xa mới đạt con số 100 lần (hay hàng trăm lần) như ông Dũng khẳng định. Hơn nữa, chỉ số Baltic Dry là chỉ số đo lường quốc tế và năm 2008 thì khủng hoảng còn chưa lan đến Việt Nam. Trái lại, kết quả vận tải hàng hóa đường biển năm 2008 ở Việt Nam lại rất khả quan. Theo TCTK, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường biển năm 2008 tăng tới 21,8% so với năm 2007.

Do tàu Hoa Sen chủ yếu là để chở khách (ngoài ra còn chở ô tô) nên có lẽ chỉ số Baltic Dry cũng như mức thay đổi lượng hàng hóa vận tải có thể không phản ánh chính xác nhu cầu thị trường đối với con tàu này. Rất tiếc là tôi không biết có chỉ số nào phản ánh nhu cầu vận tải hành khách du lịch. Nhưng với giả định là tàu Hoa Sen với mức giá khá cao với hành khách (5 triệu đồng 1 chuyến vào năm 2008) nên nhằm tới thị trường là khách du lịch nước ngoài hay người Việt trong nước có mức thu nhập cao, nên tạm lấy số khách du lịch quốc tế để làm một chỉ số không hoàn hảo thay thế. Theo website của TCTK thì “Số khách quốc tế đến nước ta năm 2008 ước tính đạt 4,3 triệu lượt người, tăng 0,6% so với năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 1%”. Cũng theo TCTK, trong năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2008 theo giá thực tế của ngành du lịch tăng 41,8% so với năm 2007. Trong năm 2008, khối lượng vận chuyển hành khách tăng 9.0% so với năm 2007, trong đó đường sắt giảm 2,3%; đường bộ tăng 8,8%; đường sông tăng 11,1% và đường hàng không tăng 14,4% (không có số liệu vận chuyển hành khách đường biển chắc do quá ít!).

Như vậy, xét về mặt nào đi chăng nữa (du lịch, vận chuyển hành khách hay vận tải hàng hóa) thì cũng đều không có lý do gì để cho rằng tàu Hoa Sen thua lỗ nặng nề là do khủng hoảng. Tương lai ngành giao thông vận tải của chúng ta đang trông chờ vào những người vừa dốt vừa hay nói láo bất kể lý lẽ như ông Hồ Nghĩa Dũng. Đề nghị ông Dũng mỗi sáng tập thể dục bằng đu dây từ tầng 3 tới trước cửa nhà cho đầu óc thêm phần “sáng tạo” và bổ sung IQ cho đỡ nhũn não.

.

.

.

No comments: