Monday, June 14, 2010

VỀ NHỮNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XI (Bùi Tín) (Phần IV)

Về Văn kiện Đại hội XI: IV. Một mô hình nguy hiểm

Bùi Tín viết riêng cho VOA

Thứ Hai, 14 tháng 6 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/politics/van-kien-dai-hoi-dang-phan-4-06-14-2010-96307464.html

Như những bài trước đã trình bày, có 2 vấn đề quan trọng nhất cần thảo luận và tranh luận dân chủ thật sâu sắc và chu đáo qua các đại hội đảng các cấp là:

1 - Duy trì chế độ độc đảng như hiện nay hay mạnh dạn chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng trong luật pháp và ổn định.

Cũng có ý kiến trong đảng CS cũng như ngoài đảng CS kiến nghị đổi tên đảng thành Đảng Lao động Việt Nam, hay Đảng Nhân dân, hay là Đảng Xã hội – Dân chủ. Quan trọng nhất khi đổi tên là từ bỏ quan điểm bạo lực, đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã tỏ ra có hại, và trở về với các giá trị dân tộc và dân chủ chân chính.

Để tránh gây hỗn loạn, Quốc hội cần thông qua các đạo Luật về bầu cử dân chủ, về lập hội, lập đảng, về vai trò các đảng chính trị trong cộng đồng dân tộc, về quan hệ giữa các đảng – ganh đua ngay thẳng và hợp tác anh em để phục vụ xã hội và đất nước, hoạt động của các chính đảng trong quốc hội, các cơ quan dân cử và trong xã hội.

Nước ta đã có tiền lệ sau năm 1945 đã có lúc ông Nguyễn Hải Thần trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội làm phó chủ tịch Chính phủ, và trong Quốc hội năm 1946 có 72 đại biểu của đảng Đại Việt và Quốc Dân Đảng. Sau đó đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã hội Việt Nam cũng hoạt động và tồn tại hơn 30 năm cùng đảng Lao động, sau là đảng CS Việt Nam. Dù cho hồi ấy đảng Dân chủ và đảng Xã hội đều lép vế so với đảng Cộng sản, nhưng đó vẫn là mầm mống kiểu đa nguyên, các nhân sỹ trí thức ngoài đảng CS vẫn được phản biện và đóng góp phần mình cho đất nước. Nhiều nhân sỹ như Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Trần Công Tường… được xã hội đánh giá là có tầm hiểu biết, tâm huyết và nhân cách cao quý hơn nhiều người lãnh đạo cộng sản.

Cần giải quyết nỗi lo ngại là đa đảng sẽ dẫn đến hỗn loạn và nội chiến. Cần tự tin rằng nhân dân ta đã trưởng thành về chính trị, có đủ ý chí, kinh nghiệm, điều kiện để đề phòng và ngăn chặn những hỗn loạn có thể xảy ra.

2 - Có nên bỏ qua chủ nghĩa tư bản để quá độ xây dựng CNXH Mác-xít mà nội dung mới chỉ phác họa trên đại thể, hay là cứ xây dựng chế độ dân chủ bình thường như các nước khác, có định hướng theo mô hình xã hội – dân chủ (theo kiểu các nước Bắc Âu) với hình thức Nhà nước Phúc lợi chung, có luật pháp nghiêm minh, có bình đẳng xã hội và có tự do đầy đủ cho mọi công dân, chăm sóc mọi mặt cuộc sống của toàn dân ăn nhịp với sự phát triển kinh tế và xã hội.

Yêu cầu trên đây tuy chưa thật rộng rãi, mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhưng đã có một bộ phận không ít người đề xướng. Đó là những trí thức có công tâm, có tâm huyết, có hiểu biết về đất nước và thế giới, đặt vận mệnh của đất nước và tương lai của dân tộc lên cao hơn hết, luôn chăm lo đến nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Nhiều nhân vật có trình độ và uy tín yêu cầu đảng và nhà nước hãy đổi mới thật sự, hãy mạnh dạn đổi mới cả hệ thống chính trị, hãy mạnh dạn bước vào thời kỳ 2 của Đổi Mới, đó là xây dựng chế độ dân chủ đa đảng phổ cập và tiền tiến của thế giới ngày nay trong trật tự và luật pháp.

3 - Những cảnh báo nghiêm khắc: Có những trí thức tâm huyết ở trong nước cảnh báo rằng nay đang là thời cơ bằng vàng để đạt một đồng thuận dân tộc sâu rộng nhằm đổi mới hoàn toàn diện mạo của đất nước, nâng đất nước lên hẳn một tầng cao văn hóa mới, vì khi mỗi công dân có tự do chính trị và tự do sáng tạo thì tức là cả dân tộc sẽ mọc cánh để bay cao bay xa trên bầu trời tự do vô tận. Nếu bỏ qua thời cơ bằng vàng hiện tại, dân tộc ta sẽ mất đà đổi mới, sẽ ở vào trạng thái rơi tự do, và vận hạn đen của thảm họa sẽ đến, sẽ mất độc lập dân tộc, mất chủ quyền quốc gia, mất đà phát triển, dân tộc sẽ rã rời và băng hoại do sự can thiệp của ngoại bang thâm độc và giảo hoạt.

Ngay cả các chuyên gia nước ngoài muốn giúp ý kiến cho dân ta cũng lớn tiếng cảnh báo rằng thảm họa của đất nước nằm ngay trong một hình thái kinh tế - chính trị mới xuất hiện gần 20 năm nay đang lũng đoạn nặng nề và toàn diện nước ta, đó là nền kinh tế - chính trị phe nhóm, cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, thông đồng chia chác lợi ích riêng với nhau, mang tên rất gọn là: CRONY ECONOMY – kinh tế thân hữu.

Đó là một tập đoàn thiểu số rất rời rạc, nhưng chung một bản chất, coi đô-la là «Tổ quốc» của họ, coi Đất đai tước đoạt của nông dân theo hình thức «thu hồi», «đền bù» rất độc đoán bất nhân là «Quốc gia» của họ, coi chứng khoán và số tiền phi pháp gửi được ở nước ngoài là «Lương tâm» của họ. Họ là một thiểu số cầm quyền quyết dùng Cương lĩnh trình Đại hội XI làm lá bùa hộ mệnh của họ. Họ rắp tâm mưu đồ nắm hàng triệu đảng viên cộng sản nhẹ dạ, bị động, quen an phận làm con tin của họ. Họ là nạn nội xâm tham quyền và đặc lợi kết liên minh với bọn bành trướng ngoại xâm cực kỳ xảo trá và thâm độc, là quốc họa của nhân dân và dân tộc Việt Nam ta.

Nếu tất cả các lực lượng lành mạnh của dân tộc, của đất nước không thức tỉnh, nhận ra những mưu đồ và âm mưu, nhận rõ những hiểm họa để tập họp lại, chung sức chung lòng cứu dân cứu nước bằng con đường hòa bình, không bạo động nhưng dứt khoát, dũng cảm, bền bỉ, bằng lý lẽ, bằng truyền thông, bằng biểu dương lực lượng trong đồng thuận cao, dựa vào sự hỗ trợ của thế giới dân chủ văn minh, thì thảm họa sẽ đến và rồi không biết đến bao giờ dân tộc Việt Nam ta mới vươn dậy được.

4- Hiểm họa càng lớn, sức bật càng mạnh: Hàng chục ngàn nhà báo viết báo nói, báo điện tử, báo ảnh, bloggers đang công khai và âm thầm đòi quyền tự do hành nghề, tự do viết để soi sáng công luận bằng bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Hàng vài chục nhà báo bị tra hỏi, truy tố, bị tù, bị mất chức, bị tịch thu thẻ nhà báo, bị bắt buộc phải chuyển nghề càng thêm gắn bó với nghề cao quý của mình. Hàng trăm luật sư am hiểu luật pháp quyết bảo vệ nền pháp quyền công bằng, bình đẳng dù đã có hàng chục luật sư bị tù đày. Đông đảo cựu chiến binh, sỹ quan, tướng lãnh đã vào trận chiến chống quan liêu, tham nhũng, chống khai thác bôxít, chống cho thuê đất rừng, chống việc cho công nhân nước ngoài xâm nhập vùng cao nguyên, vi phạm an ninh quốc gia. Nhiều đảng viên bỏ đảng, bỏ sinh hoạt đảng. Các nhóm sinh viên luật học, sử học, văn học, tin học ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng… lập nhóm nghiên cứu, trao đổi tài liệu chính trị, theo dõi thời cuộc. Các tôn giáo Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài mở rộng đấu tranh hợp pháp, bền bỉ, quyết liệt… Đã có những cuộc tuần hành, cầu nguyện với 5 ngàn, 10 ngàn, 20 ngàn, 200 ngàn giáo dân tham gia như ở giáo xứ Tam Tòa - Đồng Hới, Xã Đoài - Nghệ An, chỉ để đòi tự do cho các tôn giáo, và tự do cho toàn xã hội.

Đáng chú ý là sự thức tỉnh của giới trẻ, học sinh và sinh viên, trong nước và du sinh ở nước ngoài. Anh chị em có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, không bị óc thủ cựu trói buộc, phần lớn chưa «vương thê nhi », sẵn công cụ truyền thông cực nhạy, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tiếp thu mọi tinh hoa chính trị khoa học của thời đại. Xin nhớ hơn nửa thế kỷ trước, lãnh đạo các đảng chính trị như Quốc Dân Đảng, Đảng CS Đông dương, VN Cách mạng đồng chí hội, Đại Việt, đệ Tứ…phần lớn đều rất trẻ, dấn thân và ở cương vị lãnh đạo chỉ dưới 30 tuổi, tuổi son cho hoạt động chính trị. Hiện tuổi trẻ chiếm 60% số hơn 60 triệu cử tri nước ta. Đây là đòn bẩy có sức mạnh kỳ diệu trong một cuộc bầu cử tự do.

Chưa bao giờ lòng dân đang xao động, bất an, mong một cuộc thay đổi chính trị thật sự tiến bộ như những ngày đảng CS tiến đến Đại hội XI hiện nay.

Tất cả mọi tầng lớp đang xao động, chỉ để truyền cho nhau một lập luận vững chắc, một lời cảnh báo nghiêm khắc, một lời kêu gọi cảnh tỉnh, một lời tha thiết mời gọi gia nhập cuộc đấu tranh khẩn cấp, rằng một hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu dân tộc ta -- đó là những văn kiện sẽ thông qua tại Đại hội XI đảng CS nhằm duy trì chế độ độc đảng phản dân chủ, nhằm xây dựng CNXH Mác-xít đã bị cả châu Âu kết án là tội ác chống nhân loại – và rằng đang có một giải pháp khác để thật sự cứu nguy cho dân tộc và đất nước. (còn tiếp)

Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

.

.

Về văn kiện Đại hội XI: III. Phúc lợi xã hội của chế độ dân chủ hay bất công mở rộng trong chế độ độc đảng?

Về những văn kiện Đại hội XI: II. Chủ nghĩa Xã hội loại nào vậy?

Về những văn kiện đại hội XI: I. Thiếu lập luận chặt chẽ, lẩn tránh thực tế, nói lấy được

.

.

.

No comments: