Thursday, June 17, 2010

ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC và ĐƯỜNG NƯỚC SIÊU SÁNG TẠO

Ðường sắt cao tốc và đường nước ‘siêu sáng tạo’

Tạ Phong Tần
Wednesday, June 16, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114542&z=157

.

Từ đường sắt cao tốc

Ðể chấm dứt cuộc tranh luận công khai tại nghị trường Quốc Hội (mà sẽ không có hồi kết nếu cứ tranh luận công khai), các vị đại biểu nhà ta đã tổ chức “bỏ phiếu kín” (tức là sẽ không có ai bị dư luận quy trách nhiệm cá nhân về cái sự biểu quyết của mình).

Theo lời Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Trần Ðình Ðàn, đa số đại biểu Quốc Hội đồng tình cao với việc thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc tại kỳ họp thứ 7 này. “Kết quả chắc là tốt thôi, đại biểu đồng tình cao,” ông Ðàn nói với phóng viên báo Thanh Niên như vậy. Ông Ðàn còn khẳng định: “Khả năng là nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Kết quả tỷ lệ lấy phiếu chỉ để thông báo trong lãnh đạo thôi chứ không thông báo rộng.” Có nghĩa là “lãnh đạo” đã muốn xây đường sắt cao tốc rồi thì cứ xây, còn ý kiến của đại biểu quốc hội chỉ là để “lãnh đạo” biết cho vui vậy thôi? Trong trường hợp này, câu “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất” được ghi trong Hiến Pháp cũng là để “trang trí” cho có vẻ “dân chủ, văn minh”???

.

Ống nước bắt chi chít như thế này tại một khu chung cư ở Hà Nội là một trong những cái biểu lộ tinh thần sáng tạo của người dân chào đón đại lễ “Ngàn Năm Thăng Long.” Mỗi một cái ống gắn vào một máy bơm riêng, nhà nào bơm yếu, mút chậm sẽ không có nước. (Hình: báo Dân Trí)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/114542-big_VN_OngNuoc_ChungCuLePhungHieu_DT_0615101aa.jpg

.

Cũng giống như dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, dù bị nhiều giới, nhiều nhà khoa học, nhà chính trị, nhà... dân “kêu ca” rằng “lãng phí không cần thiết” khi bỏ tiền ra làm phim đến cả trăm tỷ đồng mà phim lại mang “Hồn Trung Hoa, da nước Việt,” làm có cái sân khấu dùng vài hôm mà phải di chuyển cả hàng cây sứ trăm năm tuổi “đi ngược với tinh thần văn hóa”; dựng ra hàng loạt khẩu hiệu, quảng cáo về lễ hội, riêng chi phí để “ép” nhà phố Hà Nội mặc áo đồng phục “vàng - xanh” hàng loạt lên đến hơn 50 tỷ đồng... mà “không mang lại hiệu quả gì cả.”

Chính vì những điều bất hợp lý sờ sờ vẫn được tiến hành làm mỗi ngày, ông Ðào Trọng Thi - Chủ nhiệm ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội nghi vấn: “Bởi để thực hiện Ðại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thì một khoản kinh phí bỏ ra là rất lớn. Và rất có thể, có những người lạm dụng chuyện đó để tư lợi.”

Báo Phụ Nữ TP HCM (ngày 30 tháng 3, 2010) đặt câu hỏi: “Vậy thì các dự án làm phim xã hội hóa đó có đáng hoan nghênh không khi cả trăm tỷ đồng huy động được thực ra đều là tiền Nhà nước? Chưa nói đến việc cho ra đời những sản phẩm văn hóa dễ dãi có thể gây ảnh hưởng xấu lâu dài, chứ không phải như một vị chức sắc đã ra vẻ ‘trách nhiệm’: ‘Hay dở chúng tôi tự chịu.’ Vì sao cứ phải làm phim lịch sử để kỷ niệm trong khi có nhiều việc thiết thực hơn cần làm?.” Không biết các vị “đầy tớ của dân” chịu trách nhiệm như thế nào khi mà từ trước đến nay chưa có ai bị cách chức hay tự mình từ chức vì những sai phạm đại loại như thế cả.

Bất ngờ hơn, chua xót hơn khi nghe Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi đồng ý xử nghiêm. [...]Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là ‘chặt chém’ ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm.” Hóa ra người Việt bất tài đến thế sao? Hơn 84 triệu người Việt Nam mà không đào đâu ra vài triệu người để “mần việc nước”? Người Việt cả nước bất tài, hay chính vì sự tham quyền cố vị, vì sự khư khư bám giữ quyền lực công như một thứ “đặc quyền đặc lợi” cho một nhóm xã hội theo kiểu “cha truyền con nối,” không mở rộng ra mọi tầng lớp xã hội mà dẫn đến sự “khan hiếm nhân tài”? Hiểu một cách khác, câu “như vậy thì hết người, không có người để làm” của Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng có nghĩa là “toàn bộ cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước đều sai phạm tè lè hết”? Mà lại là những sai phạm thuộc loại “sai cực kỳ trầm trọng cần được xử lý, thậm chí có những cái sai liên quan tới vận mệnh dân tộc” (như lời cảnh báo qua câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy của đại biểu Dương Trung Quốc) mới chết chứ!

Theo lời GS.TS Nguyễn Ðức Dân thì “ở ta có nhiều loại bằng: trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,... Nhưng tôi chỉ phân biệt hai loại bằng: Loại I, bằng cấp có trước lúc làm quan, nghĩa là đi học rồi mới làm quan. Loại II, bằng cấp có sau lúc làm quan, nghĩa là làm quan rồi mới đi học.” Xem ra, ở ta số “công bộc” có bằng loại II chiếm phần... hơi bị nhiều, nên có thể thấy cái viễn cảnh con cháu chúng ta sẽ phải “è lưng è cổ kéo cày trả nợ cho những kế hoạch vĩ đại và những tầm nhìn xa nửa thế kỷ của cha ông chúng” đang bày ra trước mắt.

.

Ðến đường nước “siêu sáng tạo”

Trong khi đa số các ông bà nghị nhà ta đang say sưa với mệnh đề “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc” do đại biểu Trần Tuấn Cảnh đưa ra, dự án làm đường sắt cao tốc có nhiều khả năng được “bấm nút” thông qua, khi mà chủ đầu tư là Tổng công ty Ðường Sắt Việt Nam mời 21 ông bà nghị đi tham quan miễn phí bằng tiền của doanh nghiệp nhà nước (nên cũng là tiền nhà nước); thì ngay giữa trung tâm thủ đô “1000 năm Thăng Long” văn hiến đã nhiều năm tồn tại hệ thống đường nước “siêu sáng tạo” làm cho người dân thủ đô vô cùng khốn khổ, bức xúc, kêu trời hổng thấu.

Báo Dân Trí (ngày 16 tháng 6, 2010) trưng ra hàng loạt hình ảnh rất là “trực quan sinh động” về các kiểu “sáng tạo” muôn hình vạn trạng của người dân “cực kỳ phong phú” để có nước sinh hoạt ở các khu chung cư cũ tại Hà Nội. Nếu đem những hình ảnh này mà ra “cạnh tranh” với thế giới, hổng chừng Việt Nam ta giành giải nhất.

Mỗi địa điểm là một “chùm” ống nước nhựa ngả màu đen xỉn, dơ dáy “mọc” búa xua ra, vươn thẳng lên khoảng không rồi rẽ ngoặt ngang qua đầu người ở lối đi chung như một kiểu “cổng chào” có thể độ ập xuống đầu người qua lại bất cứ lúc nào. Hay “một chùm” ống nước khác dùng lâu ngày đã trở nên mềm nhũn, oằn lên oằn xuống như con rắn, thi nhau bò bám lấy vách tường cũ mốc xỉn, nếu tác giả không chú thích rõ là “Không phải dây điện đâu nhé” thì đố biết nó là ống nước.

Ðây còn là nơi “tập trung trưng bày” hàng loạt máy bơm nước cá nhân đủ chủng loại, nhiều đến nỗi khó có nơi nào nhiều hơn.

Báo Dân Trí bình luận: “Thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở những khu chung cư cũ đã là chuyện ‘biết rồi khổ lắm nói mãi.’ Song, chính câu chuyện chung cư 4 mùa khát cháy đã biến nơi đây trở thành những gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt máy bơm, ống nước mà hiếm nơi nào có được. Mỗi con người sinh sống ở khu chung cư kiểu này là một nghệ sỹ tài ba và không kém phần linh hoạt để sáng tạo ra muôn hình vạn kiểu cấp nước cho gia đình mình. Hẳn trong mỗi chúng ta, những người từng sinh sống ở khu tập thể cao tầng ra đời trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, sẽ thấu hiểu cặn kẽ về giới hạn của việc cấp nước.

Thường thì những khu như vậy, nước chỉ cấp đến sân khu tập thể và phần còn lại phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi gia đình để có cách riêng đưa nước về nhà sinh hoạt. Và từ đây, ‘bản đồ’ đường nước ra đời.”

Một blogger đã mai mỉa hệ thống đường nước này là: “sơ đồ 3D hệ thống đường sắt cao tốc.”

...

Tôi không muốn mời quý vị đại biểu đến sông Pô Kô để “chơi trò” đu dây qua sông như người dân ở đây, hay ngồi ô tô đi qua cầu Bình Triệu (Sài Gòn), như thế thì mất thời gian và mất công quý vị di chuyển trên một đoạn đường dài. Theo Vietnamnet, tin giờ chót là “Quốc hội đồng ý chủ trương làm đường sắt cao tốc.” Theo nghị trình, Quốc hội sẽ ấn nút nghị quyết này vào phiên bế mạc (chiều 19 tháng 6).

Quý vị đại biểu đang họp tại Hà Nội, nên tôi có ý kiến là trước khi quyết định xây đường sắt cao tốc bằng mọi giá, xin mời những người có quyền quyết định “xây” hãy đến ngay những nơi có “đường nước siêu sáng tạo” ngay trung tâm thủ đô Hà Nội này. Không phải để ngó qua ngó lại “tham quan” rồi về, mà hãy sống chung với người dân trong chung cư đó chừng vài tháng, rồi hãy “bấm nút” về những “kế hoạch vĩ đại” của các ngài.

Tạ Phong Tần

http://dantri.com.vn/c20/s20-402678/ban-do-duong-nuoc-dan-thu-do.htm

.

.

.

No comments: