Trung Quốc đang thất bại trong thử nghiệm ở Đông Nam Á?
Evan A. Laksmana/ The Jakarta Post
Đăng bởi bvnpost on 11/06/2010
Với tất cả những lời nói khoa trương trong dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ Trung – Indonesia trong vài tháng qua, nhiều người dường như không để ý đến những phát triển gần đây trên Biển Đông. Trong hai tuần qua, các chi tiết cho thấy rõ về sự quyết đoán ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc và khả năng phô trương [sức mạnh] hải quân trong khu vực.
Trong một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, một đội tàu nhỏ gồm sáu tàu từ Hạm đội Bắc Hải khởi hành ngày 18 tháng 3 cho “cuộc diễn tập huấn luyện đường dài” ở vùng biển tiếp giáp với Đá Chữ thập trong quần đảo Trường Sa, và theo tin tức, cũng [có luyện tập] gần eo biển Malacca.
Giữa tháng 4, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, một lực lượng đặc nhiệm thứ hai với ít nhất 10 tàu chiến từ Hạm đội Đông Hải (gồm các tàu khu trục lớn và tàu khu trục nhỏ) đi qua eo biển Miyako, dừng lại phía Đông của Đài Loan, và tiến hành diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm.
Nhóm này dường như chỉ dừng lại khi [nhận được tin] các ngư dân Việt Nam vây quanh các tàu tuần tra đánh cá Trung Quốc trên Biển Đông – mà họ được gửi tới ứng cứu – rút khỏi khu vực.
Trích dẫn lời của Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, nói rằng: "Trung Quốc cần phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình qua việc phô trương sức mạnh hải quân đường dài".
Các phát triển này báo hiệu khả năng Hải quân của Trung Quốc lớn mạnh – và họ có ý định có thể sử dụng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Sau cùng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khi lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng xem Trung Quốc là một sức mạnh phòng thủ, Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng "lực lượng hiệu chuẩn" trong quá khứ, đặc biệt là khi nói đến tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Trung Quốc đã giải quyết hầu hết các vấn đề biên giới một cách hòa bình (17 trong số 23 tranh chấp kể từ năm 1949), mà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cần thiết để tập trung vào phát triển kinh tế và để cho thế giới thấy rằng họ có thể là một nước lãnh đạo thế giới có trách nhiệm.
Mặc dù, với sự phức tạp quanh việc hoạch định chính sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay, họ vẫn giữ nguyên các khó khăn để đánh giá đầy đủ điều kiện gì mà Trung Quốc ngày nay sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ những gì mà họ xem là “chủ quyền không thể tranh cãi của họ”.
Các cuộc tập trận quân sự hồi tháng 3 và tháng 4 cũng đã chứng minh khả năng Hải quân tổ chức và tiến hành các hoạt động xa, [phối hợp] với nhiều loại vũ khí và có khả năng phối hợp tốt ba hạm đội của họ.
Điều này cho phép Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên vượt ra khỏi "chuỗi đảo thứ nhất" (một thuật ngữ dùng để mô tả sự hình thành của các quần đảo Aleutian, Kuriles, Nhật Bản, Ryūkyūs, Đài Loan, Philippines, và Borneo), mà sẽ có hậu quả chiến lược rất lớn cho sự cân bằng quyền lực trong khu vực những năm tới.
Chuyên gia khu vực, ông Michael Auslin lập luận rằng, điều này là một phần trong chiến lược mới “phòng thủ ngoài khơi” của Trung Quốc, bắt đầu từ “phòng thủ ven bờ” truyền thống của họ, điều đó có thể dự báo ý định của Trung Quốc đóng "vai trò mở rộng trong khu vực".
Quyết định của Trung Quốc hồi tháng 12 năm 2008 tham gia hoạt động chống cướp biển quốc tế ở Vịnh Aden, tiếp tục mở rộng Hải quân, và sự cố tàu USS Impeccable năm 2009, dường như để tăng thêm trọng lượng cho lập luận này.
Vì thế, rất khó cho các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự quyết đoán của Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong khu vực tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc, đã gây ra sự bất bình trong nội bộ của một số nước thành viên.
Cho nên trong khi gia tăng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc là một biện pháp tích cực trong việc ngăn cản các mối lo ngại trong khu vực – mà việc "lấy lòng" trong ngoại giao của Bắc Kinh cũng giúp tạo điều kiện – là phép thử cuối cùng trong quan hệ chín chắn giữa Trung Quốc – Đông Nam Á ở Biển Đông.
Việc tranh chấp hàng thập kỷ (liên quan đến Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, Đài Loan và Trung Quốc) thì rất nghiêm trọng không chỉ đối với chủ quyền, mà còn làm xáo trộn nguồn năng lượng trên biển, và tầm quan trọng về địa chiến lược của các đường vận chuyển, kiểm soát liên lạc các tuyến đường biển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Với Indonesia, các vùng biển quanh quần đảo Natuna cũng bị đe dọa.
Vì những lợi ích này, sẽ phản tác dụng nếu bất kỳ nước nào đang tranh chấp mà sử dụng hoặc đe dọa sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, Tuyên bố Ứng xử của Các bên trên Biển Đông năm 2002 giữa Trung Quốc – ASEAN đã không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, và các cơ chế hiện có trong đối thoại tránh "các câu hỏi khó khăn", sự tin tưởng chiến lược giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, đang đặt trên nền tảng không vững chắc.
Thứ nhất, việc hiện đại hóa nhanh của Hải quân Trung Quốc, sự hung hăng và dường như không thỏa mãn các nguồn năng lượng của họ và lập trường cứng rắn khi nói đến tranh chấp lãnh thổ, làm cho họ khó hơn để trấn an các mối lo ngại trong khu vực, trong thời gian dài.
Kế đến, khoảng cách kinh tế và chính trị trong khu vực Đông Nam Á, và các lợi ích chiến lược khác nhau của các nước thành viên chủ chốt trong việc xử lý Trung Quốc, làm cho ASEAN khó khăn để đưa ra một mặt trận thống nhất trong việc hỗ trợ các nước thành viên của mình để đối phó với những tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là các nước Đông Nam Á cần phải hiểu nỗi sợ hãi của Trung Quốc rằng thỏa hiệp trên Biển Đông có thể gửi tín hiệu sai lầm đến Đài Loan và Tây Tạng, trong khi Trung Quốc gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và lệ thuộc rất lớn vào eo biển Malacca, đòi hỏi Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) xem xét các lựa chọn quân sự để bảo vệ chúng.
Mặt khác, Trung Quốc cũng cần phải hiểu lý do vì sao việc sử dụng lực lượng quân sự theo cách của mình có thể không được hiểu một cách hòa bình ở Đông Nam Á.
Và tại sao chỉ "tấn công mê hoặc" về ngoại giao và kinh tế sẽ không đủ để duy trì sự tin tưởng chiến lược lâu dài trong khu vực đang phát triển, nơi mà chủ nghĩa dân tộc và chủ quyền vẫn là một lá bài chủ về chính trị.
Dĩ nhiên, điều này nói thì dễ hơn làm. Tuy nhiên, tránh những câu hỏi khó khăn có nghĩa là hoãn lại [những điều] không thể tránh được.
Tác giả là một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Jakarta, và hiện là thành viên của ASC tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương ở Honolulu.
Ngọc Thu dịch
Dịch từ: TheJakartapost
.
.
.
No comments:
Post a Comment