Thursday, June 10, 2010

THỰC DÂN, NÔ LỆ, ĂN MÀY (2)

Thực dân, nô lệ, ăn mày (2)

Nguyễn Hoàng Văn

10/06/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=21230

.

(Xem kì 1)

.

Vậy thì phải trở ngược lại một chút với tiến trình “tôi đòi hoá” trong lịch sử Trung Hoa, nơi mà, theo nhà chuẩn khoa bảng, vua chúa chúng ta hay dân tộc chúng ta “từ đó mà ra”. Khi chấm dứt thời kỳ phân phong để tóm thu thiên hạ về một mối, Tần Thuỷ Hoàng đã tóm thu chữ “trẫm” của thiên hạ vào cái lưỡi của mình và biến tất cả thành “tôi”, như một thứ tôi đòi.[1] Mà cũng không phải trở ngược hơn 20 thế kỷ, chỉ hơn nửa thế kỷ thôi đã thấy cái sự thể tương tự khi, vào năm 1945, lúc mới có 55 tuổi, Hồ Chí Minh đã buộc cả nước, trong đó có những thế hệ 80 hay 90, gọi mình là “bác”. Dù không độc chiếm chữ ấy như bạo vương họ Tần đã làm với “trẫm”, ông chủ tịch này cũng đã ngạo ngược không kém.[2] Và cho dù mức độ có khác nhau bởi thời thế đã khác nhau, ông chủ tịch cũng chỉ hành động theo cùng một triết lý với bạo vương là tạo nên khoảng cách trong ý đồ lễ trị.

Khoảng cách giữa những bậc quân vương như Tần Thủy Hoàng với bề tôi là một khoảng cách thực xa, trong đó kẻ tôi mọi không thể ngẩng mặt đối diện mà chỉ có thể nhìn vào bực thềm dưới chân: “Muôn tâu bệ hạ”.[3] Khi một “bề tôi” như Xuân Diệu không dám ngẩng mặt trong cách “muôn tâu” hiện đại Con ngồi trước Bác mênh mông / Tội nhiều chưa dám ngẩng trông cha già thì khoảng cách ấy có thể phần nào xích lại nếu, như có thể thấy ở phần sau, vượt qua được cái chướng ngại “tội nhiều” bằng cách… lập công”.[4] Bằng danh xưng “Bác”, lãnh tụ của hệ thống thực dân nội hoá đã ranh mãnh tạo nên một khoảng cách vừa xa, vừa gần. Đủ xa để thấy ông ta vĩ đại quá, cao cả quá. Đủ gần đề thấy ông ta gần gũi quá, thân thuộc quá, như thể cùng chia sẻ một phần máu huyết với mình. Và để tạo nên cái khoảng cách vừa xa vừa gần ấy, nhà cách mạng đội mũ cối không nhất thiết phải độc chiếm chữ “bác” nhưng lại chiếm hữu những thứ khác thâm hiểm hơn nhiều.

.

Như cái bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng”, cũng ra đời vào năm 1945, chẳng hạn.[5]

Khi nhồi sọ vào các thế hệ mầm non những câu hát thuộc loại Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng / Ai yêu các em nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, hệ thống toàn trị đã xâm lấn vào những tâm hồn trong sáng và những giềng mối quan hệ cùng tình cảm gia đình. Không ai có thể so đo hơn thua trong những tình cảm tế nhị và thiêng liêng như thế nhưng, ngay từ đầu, đầu óc non nớt của các em đã bị ô nhiễm với cái ý tưởng kỳ thị cảm tình. Không ai yêu các em bằng “Bác”, kể cả cha mẹ ông bà. Các em cũng không thể yêu ai hơn là yêu “Bác”, kể cả ông bà cha mẹ. Mà nếu phải chăm chỉ học hành thì trước hết, các em phải học để “xứng đáng” là “cháu Bác Hồ Chí Minh”[6] Một phương pháp giáo dục như thế không chỉ tách đứa bé ra khỏi những khuôn mặt gần gũi và thân yêu nhất của mình mà còn tách các em ra khỏi chính các em, vong gia và vong thân. Cực kỳ phản sư phạm.

Không chỉ phản sư phạm, đó còn là một phương pháp sặc mùi thực dân và cái ông “Bác kính yêu” ấy không chỉ kế thừa từ thực dân cái mũ cối ở trên đầu mà còn thừa kế cả cái dã tâm xâm lược ở trong tim. Khi nhồi sọ những đứa trẻ bằng những bài ca hay vè như thế, bộ máy cai trị của ông ta đã xâm lược vào những giềng mối quan hệ thiêng liêng, thâm hiểm hơn cả thực dân Tây hay thực dân Tàu.

.

Thật vậy. Khi áp dụng chính sách đồng hoá người Việt cổ, thực dân Trung Hoa của ngàn năm Bắc thuộc đã xâm lấn và hủy hoại những giềng mối quan hệ của tổ tiên chúng ta thời ấy với lớp tổ tiên đi trước. Khi hủy diệt những dấu vết văn tự trên đất nước chúng ta, thực dân Trung Hoa của 10 năm Minh thuộc đã tiến hành cái trò xâm lược thâm hiểm tương tự. Khi dạy cho học trò tiểu học bài sử đầu tiên “Tổ tiên chúng ta là người Gôloa”, thực dân Pháp đã thâm hiểm một thể với mục tiêu cắt đứt giềng mối quan hệ giữa học sinh thời ấy với những thế hệ tổ tiên từ trong các huyền sử xa xăm. Nhưng khi can thiệp vào những giềng mối và quan hệ tình cảm của các em thơ, hệ thống toàn trị mũ cối đã đẩy cái trò xâm lược thâm hiểm này xa hơn, sâu hơn vào từng ngóc ngách gia đình, can thiệp sâu vào tình cảm giữa những thế hệ đang giáp mặt với nhau.

.

Nếu Khổng Tử cho rằng “lễ” phải đi kèm với “nhạc” thì những bằng chứng “lễ/nhạc” như thế cho thấy lãnh tụ mũ cối của chúng ta đã áp dụng y hệt nguyên lý cai trị của các bậc quân vương.

Khi bề tôi của các bậc quân vương có liều mình xả thân, họ đã không ý thức rõ rằng họ đang xả thân cho đất nước của họ. Như những kẻ ăn lộc vua, họ xả thân là để báo đáp ơn vua. Trần Quốc Toản ngày xưa, có bóp nát quả cam trong tay tại Hội nghị Bình Than rồi trở về thành lập toán quân nghĩa dũng, vị anh hùng trẻ tuổi này cũng chỉ hành động với khẩu hiệu “Phá cường địch báo hoàng ân” chứ không nêu cao khẩu hiệu “vì nước”. Nếu “nước”, trong cách hiểu theo khái niệm “quốc gia” hiện đại, là sản phẩm của cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu châu và du nhập vào các nước Á – Phi trong nỗ lực giải thực thì, chính với những cuộc vận động giải thực này, người dân các thuộc địa này mới hiểu thế nào là xả thân cho đất nước của mình. Nhưng đó là những cuộc cách mạng thực sự là… giải thực. Với thứ “cách mạng” chỉ để thay màu da dưới cái mũ cối thì sự thể vẫn vậy nên, có xả thân thì, trước hết, những công dân ưng ý nhất của nó cũng phải nêu cao cái khẩu hiệu dâng công lên lãnh tụ và bộ máy cai trị nói chung. Thời thực dân Pháp, thanh niên Việt Nam bị dẫn dụ hay ép buộc sang chiến trường hay cơ xưởng Âu châu để đền đáp “ơn khai hoá” của nhà nước Đại Pháp chung chung. Thời thực-dân-hậu-thực-dân thì những thế hệ tiếp nối cũng chỉ lập lại cùng cái công việc đền đáp mang bản chất ăn mày với những khẩu hiệu lập công “dâng Đảng”, “dâng Bác” hay để “xứng đáng” với niềm tin mà hai thứ ấy đã trao. Nhỏ thì chăm học để xứng là “cháu”, lớn thì chăm chăm lao vào chỗ chết để xứng hay chăm chăm với ý tưởng làm sao để xứng với “niềm tin” của bộ máy cai trị. Đất nước có thể nào ngóc đầu lên nổi khi thế hệ tiếp nối thế hệ chăm chăm nhau cái sự “xứng đáng” ngu xuẩn này?[7]

.

Đó là những thế hệ mà giềng mối tình cảm, trong đó có cả giềng mối quan hệ với đất nước của mình, đã bị xâm lược và hủy hoại. Mà cả lãnh tụ đội mũ cối cũng đã bị hủy họai như thế nên, khi trăn trối một cách bình tĩnh trong bản di chúc viết đi viết lại trong vòng 4 năm trời, từ 1965 đến 1969, ông ta đã không mảy may đề cập đến những tổ tiên mà chính ông ta từng nhắc nhở là “có công dựng nước”. Có viết đi viết lại thì ông ta cũng chỉ viết về cái ngày “đi gặp cụ Mác cụ Lê” và “các bậc cách mạng đàn anh” vậy thôi.[8] Như thế thì vị lãnh tụ che đầu bằng cái mũ cối thực dân này cũng chỉ là một thứ ký sinh và ở đợ tinh thần. Ông ta thản nhiên rằng ông “không có tư tưởng nào khác ngoài tư tưởng Mác – Lê Nin”. Ông ta vui vẻ rằng ông không cần viết sách lý luận và hãy để việc này cho Mao Chủ tịch chu tất.[9] Rồi ông ta sắt son rằng ông ta có thể sai chứ Mao và Stalin không thể nào sai![10] Lãnh tụ “kính yêu” mà đã thế thì nói gì là những sản phẩm ưng ý nhất của cái hệ thống giáo huấn mà ông ta nặn ra?

Đó là hệ thống nhất quán từ A tới Z, bắt đầu từ tiếng “Bác”, từ bài “đồng dao” vong thân cho lứa tuổi nhi đồng đến khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn…” v.v… trong lớp học cho đến những mức độ tôi đòi hoá cao hơn, phức tạp hơn về những giá trị “vĩ đại” và “vinh quang” đầy tính tôi đòi. Và đó cũng chính là những giới hạn không thể vượt qua, cũng giống như hệ thống giáo dục khoa cử Nho học với những “húy” mà sĩ tử không thể phạm, những giáo điều phải học thuộc lòng. Để “thành đạt” trong một hệ thống như thế thì phải làu làu như những sản phẩm ký sinh của hệ thống, làu làu một cách hồn nhiên hay vờ vịt hồn nhiên.

.

Quen với một môi trường giáo dục như thế nên tôi đã ngạc nhiên đến ngẩn người trong lớp học tạm bợ ở trại tỵ nạn về những nền tảng giáo dục và văn hoá Tây phương. Lớp học dành cho những người tỵ nạn lõm bõm đôi chút tiếng Anh, đủ để làm việc cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và buổi thảo luận do một nhân viên của cơ quan quốc tế này hướng dẫn tưởng là bình thường như một cơ hội để hoàn thiện tiếng Anh: “Theo bạn, ai là người vĩ đại nhất nhân loại”. Bình thường thôi và chúng tôi, đâu khoảng mười học viên, tiếp nối nhau nêu tên thần tượng của mình, vận dụng bằng hết khả năng Anh ngữ để chứng minh thật thoả đáng luận điểm của mình. Người theo Đạo Phật thì có Đức Phật. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì có Chúa Jesus. Kẻ mê khoa học thì Albert Einstein, người mê văn chương thì Victor Hugo, Leo Tostoy và, có người thì đơn giản: “Mẹ tôi”. Chúng tôi thảo luận rào rào như thế bằng kiến thức và ngôn ngữ chắp vá của mình cho đến khi nhận được câu trả lời riêng cho từng người, để trong hộp giấy cứng, mang ra đọc ở ngoài hành lang.

Lời đáp thật đơn giản và thật bất ngờ: một tấm gương soi dưới đáy để câu trả lời, cho bất cứ ai đến lượt, cũng chỉ là khuôn mặt của mình.

Đó không đơn thuần là lời đáp cho một câu hỏi mà là một triết lý, một nền tảng văn hoá đã làm tôi ngây người như một phát minh thú vị. Mà quả là thú vị khi, trong một hoàn cảnh trớ trêu như thế lại có thể, vô hình trung, gặp lại Nguyễn Thái Học trên một miền đất lạ. Bạn mới là người vĩ đại nhất. Bạn cho rằng Đức Phật là người vĩ đại nhất ư? Bạn cũng có thể có trở thành Phật lắm chứ, vấn đề là bạn có muốn làm hay không! Bạn cho rằng Einstein là người vĩ đại nhất ư? Tại sao bạn không cố lên, bạn cũng có thể trở thành một nhà khoa học như ông ta lắm chứ? Vân vân, bao nhiêu là tên tuổi vĩ đại nhưng cứ ước mơ, cứ tưởng tượng và cứ gắng sức, hoàn toàn không có một giới hạn nào đặt ra trước mặt: Không thành công cũng thành nhân.

Không thành công cũng thành nhân và hiện tại đã có quá nhiều lời ta thán về tình trạng “không thành công mà cũng chửa thành nhân” của nền giáo dục toàn trị với sự khủng hoảng hầu như toàn diện. Khủng hoảng từ sự áp dụng máy móc của những giáo điều xơ cứng đến sự lúng túng, thiếu sáng tạo trước những đòi hỏi gay gắt của cuộc sống. Khủng hoảng từ nhân phẩm của ông thầy cho đến đạo đức của học trò. Khủng hoảng từ chương trình giảng dạy cho đến thể lệ thi cử, khủng hoảng từ những thay đổi xoành xoạch chẳng đâu vào đâu và những chính sách mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau. Một cuộc khủng hoảng mà, cả những người trí thức nhất và tâm huyết nhất vẫn phải bó tay trong cái khát vọng tạo nên cú hích thay đổi. Họ bó tay, bất lực. Họ mù tịt, chẳng biết phải bắt đầu cú hích ở chỗ nào.

.

Thì cũng dễ hiểu thôi. Khi nền giáo dục đóng khung trong những giới hạn không thể vượt qua thì tự thân nó đã là một giới hạn không thể vượt qua, trớ trêu như là tự mắc vào cái bẫy của chính mình với cái tình thế Catch –22 không thể nào giải quyết.[11] Nếu hệ thống chỉ nhắm đến việc đào tạo những sản phẩm ký sinh thì những thành viên thành đạt nhất phải chứng tỏ được khả năng ký sinh cao nhất. Mà thành đạt nhất cũng có nghĩa là quyền lực nhất. Trong mối quan hệ cộng sinh giữa quyền lực như thế với và tình-trạng-hiện-hữu, cái status quo của hệ thống, thành viên nào dám vứt hết những phần thưởng nhận được để phá vỡ sự ổn cố của hệ thống đang trao thưởng cho mình?

Như thế, chính bản chất thực dân của hệ thống toàn trị mới là căn nguyên lớn nhất của tình trạng khủng hoảng nói trên. Cái cuộc khủng hoảng toàn diện không thể nào cải tổ mà, để giải quyết, phải tiến hành sự thay đổi toàn diện mang tính cách mạng.

.

Như cuộc khủng hoảng về đạo đức thầy trò chẳng hạn. Trang bị cái gọi “văn hoá mới xã hội chủ nghĩa” hay “văn hóa quần chúng”, hệ thống toàn trị đã xâm lấn vào văn hoá truyền thống và do đó “tách” công dân của mình ra khỏi những giá trị truyền thống ở đó thầy phải ra thầy và trò phải ra trò cùng những chuẩn mực “hiền minh” để tin, theo khác. Bác đã lên đường nhẹ bước tiên, Mác Lê Nin thế giới người hiền, nếu chuẩn mực “hiền minh” của thứ “văn hoá mới” này là những lãnh tụ chuyên hô hào đập phá, hô hào cái sự tiêu diệt giai tầng khác để bảo đảm quyền lợi của giai tầng mình thì hậu quả phải là những thành viên quen mùi đập phá, quen mùi tiêu diệt và quen mùi với quyền lợi riêng mình, trong đó có những “thằng thầy” và những “thằng trò”.[12]

.

Hay như, những lời ta thán về sự xuống cấp của tiếng Việt. Đây đó, đã có những lời báo động về ảnh hưởng của kỹ thuật, nhưng sự nhiễu xạ từ tác động kỹ thuật chỉ thuần túy là cạnh kỹ thuật bởi, trước sự du nhập của những cái máy computer hay cái mobil phone, ngôn ngữ chẳng đã từng bị ta thán là bết bát cái sự xuống cấp là gì? Vấn đề ở đây là, khi hệ thống toàn trị tách rời con người ra khỏi đất nước mình, do đó tách rời họ ra khỏi tiếng nói chung gọi là “Quốc ngữ” của mình và ngày đêm nhét vào tai họ ngôn ngữ chính trị của hệ thống. Hậu quả phải là tình trạng loạn ngôn khi tiếng nói đã bị nhiễu xạ và xuống cấp theo ngôn ngữ đấu tố, ngôn ngữ nghị quyết và ngôn ngữ tuyên truyền, thứ ngôn ngữ mang bản chất thực dân và mỵ dân của bộ máy giáo huấn toàn trị.[13]

.

Và như, những lời ta thán về vấn đề sang nhượng lãnh thổ và sự thờ ơ của đa số công dân trước vấn đề lãnh thổ. Đã tiến hành “cách mạng” chỉ để thay đổi màu da dưới cái mũ cối thì hệ thống cũng chỉ kế thừa lãnh thổ như thể là kế thừa cái mũ ấy trên đầu. Đã kế thừa lãnh thổ như một thứ thực dân thì cũng hành động như một thứ thực dân và hậu quả là đất đai bị tùng xẻo y như là thời… mất nước. Và khi con người bị hệ thống tách ra khỏi đất nước, phải tồn tài bằng cách bám vào hệ thống như một thứ ký sinh, họ đâu còn biết đến “lãnh thổ quốc gia”? Cái mà họ biết hay chỉ vờ vịt biết là không gian sinh tồn, là cương vực riêng của hệ thống.

.

Hẳn nhiên, những chủ trương ngu dân như thế không thể thể nào dung hợp với khát vọng sống của con người. Nếu đã không hợp với con người mà những từ ngữ dành cho sản phẩm của nó như “nô lệ”, “ăn mày”, “ở đợ tinh thần”, “con tin” hay “con nợ” và “ký sinh trùng chính trị” đã trở thành nhàm chán, chúng ta có thể nào sử dụng đến từ “con thú”?

Xã hội thì phải luôn tiến hoá. Mà khi hệ thống toàn trị đang đẩy xã hội và con người đi vào những bước thoái hoá nối dài thì, có lẽ, hệ thống thực dân nội địa này cũng đang dần biến con người chúng ta trở thành con thú…[14]

8.6.2010

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas

-------------------------------------

[1] Trước đó thì là “trẫm” là đại danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhưng từ đây thì chỉ mỗi Tần Thuỷ Hoảng được xưng “trẫm”, còn lại thì tất cả phải là “tôi”, nghĩ “tôi tớ”.

Sử ký của Tư Mã Thiên, chương “Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, bản dịch của Nhữ Thành, đã ghi với lời chú:.

“… Quả nhân, một người nhỏ bé hưng bính trừ khử bọn bạo nghịch làm loạn. Nhờ uy linh của tôn miếu, sáu nước đều chịu tội thiên hạ bình định. Nay nếu không thay đổi danh hiệu thì không sao xứng với cái công lao đã làm được và truyền cho đời sau. Các ngươi hãy bàn nên đặt hiệu đế như thế nào.

Thừa tướng là Vương Quán, ngự sử đại phu Phùng Kiếp, đình úy Lý Tư đều tâu:

-Ngũ Đế ngày xưa đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của man di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh, giết bọn tàn ác và nghịch tặc, bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận và huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ đến nay chưa hề có, Ngũ Đế đều không bằng. Bọn thần sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bậc sĩ thấy rằng: Ngày xưa có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, nhưng Thái Hoàng là cao quý nhất. Bọn thần liều chết xin dâng tôn hiệu của nhà vua là Thái Hoàng, mệnh ban ra gọi là “chế”, lệnh ban ra gọi là “chiếu”, thiên tử tự xưng gọi là “trẫm” (1).

Nhà vua nói:

-Ta bỏ chữ “thái”, lấy chữ “hoàng”, thêm chữ “đế”, của những vị đế thời thượng cổ hiệu gọi là Hoàng Đế còn những điều khác thì như lời các khanh tâu.

……………………..

1. Các đời trước không dùng danh từ “chế” và “chiếu”. “Chế” quan trọng hơn “chiếu”, chỉ nhà vua mới được dùng chữ ấy, còn Thái Hậu thì có khi dùng chữ “chiếu” khi thay thế nhà vua trị dân, nếu gọi là “chế” tức là có ý muốn làm vua. “Trẫm” trước là một đại từ chỉ ngôi thứ nhất dành cho mọi người. Sách đạo giáo dùng chữ trẫm để chỉ một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng không ai trông thấy. Bọn Lý Tư đề nghị dùng chữ này là vì thế.”

…”

[2] Theo tiểu sứ chính thức thì Hồ Chí Minh sinh ngày 19.5.1890, nghĩa là năm 1945 mới có 55 tuổi.

Xin dẫn câu thơ của Xuân Diệu, bài “Anh Cụ Hồ”, Thơ dâng Bác, tuyển tập 1945 -1955

Trẻ con sớm dậy thoảng tơ vương.

Bác ở trong lòng biết mấy thương!

Bô lão đêm nằm mơ lứa tuổi,

Thấy vui như nhớ một vừng dương.

[3] Bậc tôi tớ, không được ngẩng đầu nhìn thẳng mặt bậc quân vương, chỉ được phép nhìn vào bệ đá dưới chân vua mà tâu.

[4] Xuân Diệu, “Thơ dâng Bác Hồ”, viết năm 1953

[5] Phong Nhã, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (3 lần)

Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam.”

Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1924. Bài này sáng tác vào cuối năm 1945, lúc Hồ Chí Minh mới có 55 tuổi nhưng cũng đã “già hoá” ông ta: “Hồ Chí Minh kính yêu Bác đã bao phen bôn ba nước ngoài vì giống nòi / Bác nay tuy đã già rồi / Già rồi nhưng vẫn vui tươi…”

[6] Bài thơ “Thư Trung thu” của Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân Dân ngày 25-9-1952:

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh?

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh

Các cháu hãy cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình

Để tham gia kháng chiến

Để gìn giữ hoà bình

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh.

[7] Thí dụ như ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục: “ Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận / Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác / Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người / Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời…”

Cũng có thể thấy điều này qua các khẩu hiệu mới nhất như “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” hay “Đảng, mùa Xuân, Dân tộc”.

Xem: Nguyễn Tôn Hiệt, “Những khẩu hiệu quái đản”, Tiền Vệ:

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=10633

[8] Theo thông tin chính thức của Đảng Cộng sản thì Hồ Chí Minh bắt đầu viết di chúc vào dịp sinh nhật của mình vào năm 1965, và sửa đi sửa lại trong những dịp sinh nhật tiếp theo. Trong di chúc có đoạn:

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.”

Xem:

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=344472#Kwl9PlPEcFPR

[9] Nguyễn Văn Trấn (1995) Viết cho mẹ & Quốc hội, California: Văn Nghệ, tr. 143:

“Hôm đó, là tổ trưởng, tôi làm nhiệm vụ phản ảnh trực tiếp. Một mình Bác Hồ, một mình tôi. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo Đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau biết chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói một điều quan trọng như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói đi nói lại là hơn. Hồ Chí Minh nhắm hí mắt như Staline khi gặp vấn đề khó nghĩ, và tìm chữ. Tôi thưa tiếp: – Có đồng chí còn nói: Hay ta viết “tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh” có phải hay hơn không! – Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ: – Không, tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin.”

Chuyện xảy ra trong Đại hội Đảng lần thứ hai, năm 1951 tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang/ Tổ này “Tổ Nam bộ” hay “Tổ quốc tế” gồm Hồ Viết Thắng, Kay Xon (sau là Tổng Bí thư ĐCS Lào), Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng. Trần Công Tường, Trần Duy Hưng, v.v…

Trong một cuộc phỏng vấn, khi một ký giả hỏi tại sao ông không bao giờ viết các tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng, Hồ Chí Minh trả lời “Tôi có gì để viết nữa, tất cả lý luận cần thiết Mao Chủ tịch đã nghĩ đến và viết ra rồi”.

Xem: William J. Duiker (2000) Ho Chi Minh. New York: Hyperion, tr. 5.

[10] Bùi Minh Quốc. “Làng văn một thời, và…” talawas [23/6/2004 ]

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2180&rb=0102

[11] Catch 22 là tên một tác phẩm của nhà văn Mỹ Joseph Heller, xuất bản lần đầu năm 1961 và nhưng từ ngữ này đã trở thành một thành ngữ diễn tả tình trạng bị ràng buộc bởi hai phía, tiến thoái lưỡng nan.

Nhân vật trong truyện là Đại úy Joseph Yossarian, phi công lái máy bay oanh tạc trong Đệ nhị Thế chiến. Phi công này xin nghĩ bay với lý do bị tâm thần, không đủ sức bay theo điều khoản Catch-22. Tuy nhiên theo bác sĩ quân y thì khi phi công này đến yêu cầu “nghỉ bay vì lý do tâm thần”, chứng tỏ anh ta còn tỉnh táo.

[12] Trích trong bài “Bác ơi” của Tố Hữu, bài thơ đề ngày 6.9.1969.

[13] Tôi đã hai lần trình bày về tác động giữa quyền lực và ngôn ngữ trên Tiền Vệ.

Xem: Nguyễn Hoàng Văn, “Ngôn ngữ, văn học và chính trị”:

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3927

cùng: “Ngôn ngữ và quyền lực”:

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=5605

[14] Liên quan đến “con thú” và “con người”, tôi nhớ câu thoại trong đoạn mở đầu phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”.

Theo dõi những cuộc tranh luận hay cãi cọ về dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam sẽ tìm thấy rất nhiều kiểu lập luận theo kiểu “quay lưng… chăm lo riêng cho bộ da của mình”:

- Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Muốn “chọn phương án hoành tráng nhất, làm đường sắt cho tốc độ 300 km/h dù chỉ chở được hành khách vì “muốn đi ngay vào hiện đại”.

- Bộ Trưởng 4T, Lê Doãn Hợp: “Nếu ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với Việt Nam chứ nếu ta muốn đầu tư nông thôn, vùng sâu vùng xa thì làm sao vay được”.

- Giám đốc công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều: “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?”.

Xem:http://boxitvn.wordpress.com/2010/06/05/n%E1%BB%A3-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngoi-nhi%E1%BB%81u-con-nghi%E1%BB%87n-s%E1%BB%91ng-d%E1%BB%9F-ch%E1%BA%BFt-d%E1%BB%9F/

.

.

.

Phản hồi

.

Trương Đức nói:

10/06/2010 lúc 6:33 chiều

“Bằng danh xưng “Bác”, lãnh tụ của hệ thống thực dân nội hoá đã ranh mãnh tạo nên một khoảng cách vừa xa, vừa gần. Đủ xa để thấy ông ta vĩ đại quá, cao cả quá. Đủ gần đề thấy ông ta gần gũi quá, thân thuộc quá, như thể cùng chia sẻ một phần máu huyết với mình. Và để tạo nên cái khoảng cách vừa xa vừa gần ấy, nhà cách mạng đội mũ cối không nhất thiết phải độc chiếm chữ “bác” nhưng lại chiếm hữu những thứ khác thâm hiểm hơn nhiều.”(Nguyễn Hoàng Văn)

Các bác thân mến,

Xin được chia sẻ với các bác vài suy nghĩ như thế này:

1. Trước hết, xin cám ơn rất nhiều bác tác giả Nguyễn Hoàng Văn! Bởi vì, hình như đã thành thông lệ đối với tôi, tôi rất trông chờ và đọc “ngấu nghiến” những bài viết của bác NHV do tính “không khoan nhượng” và “đi vào cốt lõi xương tủy của vấn đề” của phương pháp luận, hay nói theo chị Hoài là văn cách, của bác NHV. Cho tôi được làm một phép so sánh như thế này, nếu coi chị Song Chi với các bài viết của chị ấy đăng tải trong mấy tuần vừa qua như một “bác sĩ phẫu thuật tim” (chị SC đã thành công trong “ca mổ tim đen của ĐCSTQ và ĐCSVN”!:)), thì bác NHV là một “giáo sư phẫu thuật não” tầm cỡ thế giới! Mà đúng vậy, tôi xin “giải trình bày” cái sự so sánh này với các bác ở điểm 2 như sau:

2. Số là, cách đây 3 tháng, hai cha con tôi, tôi và “ông già” tôi, có tranh luận với nhau rất sôi nổi sau khi đọc bài Nguyễn Hoàng Văn – Ám ảnh vũ khí và huyền thoại về hiểm hoạ từ bên trong. Tức là chúng tôi tranh luận với nhau để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi “Tại sao Phong trào Cộng sản(PTCS) mà hiện thân là cái ĐCSVN ở VN lại “thành công”(tức là nó(ĐCSVN) vẫn “sống nhăn răng” tại VN hiện giờ), còn PTCS của các nước XHCN Đông Âu cũ lại “thất bại”(tức là đã “ngủm củ tỏi” 20 năm nay rồi)?”. Đầu tiên là tôi đã nêu lên cái nguyên nhân chính là “dân trí VN thấp”, cộng với cái “bóng đè” khổng lồ là ĐCSTQ luôn luôn “đè” lên ĐCSVN. “Ông già” tôi thì cho rằng, đó không phải là những nguyên nhân chính. Ông cụ lập luận, dân trí mình tuy có thấp, nhưng cũng không đến nỗi thua kém các dân tộc khác trên thế giới, nếu xét về cùng thời kỳ trước khi “nảy sinh” ra cái gọi là PTCS, hay CNCS, hoặc ngay như ở thời kỳ xa xưa mà VN còn là một nước phong kiến, dân trí cũng có thể gọi là “tương đương” với các dân tộc khác trên thế giới, nếu không muốn nói là còn có mặt hơn, bởi ảnh hưởng của văn hóa TQ, nền văn hóa mà đã từng là “cái nôi văn minh” của nhân loại. Về cái “bóng đè ĐCSTQ” của ĐCSVN, ông cụ nói rằng, các nước XHCN Đông Âu cũ cũng có cái “bóng đè khổng lồ” là ĐCS Liên Xô đấy chứ! Rồi ông cụ đưa ra câu trả lời của mình là, cái nguyên nhân chính ở đây, là có sự khác biệt “cốt lõi” giữa hai PTCS, tức là về bản chất, ĐCSVN khác rất nhiều so với các ĐCS ở châu Âu. Ông cụ giải thích: các ĐCS châu Âu được ra đời trong một môi trường và hoàn cảnh khác hẳn ĐCSVN. Ở châu Âu, từ những năm cuối của thế kỉ XVIII, bắt đầu bằng cuộc Cách mạng Pháp (1789), một nền dân chủ đã được hình thành và phát triển gần như khắp châu Âu, tức là mầm mống dân chủ như một “gien dân chủ”, đã xuất hiện trong xã hội con người và được duy trì tiếp tục theo như Lịch sử châu Âu đã ghi chép lại cho chúng ta thấy. Sau này, các ĐCS châu Âu được ra đời, phần lớn cũng là do cái “tính dân chủ” đã có được của xã hội châu Âu. Nói nôm na là những người CS châu Âu cũng mang trong người cái “gien dân chủ” như những đảng viên của những “đảng dân chủ” khác, chỉ có điều là, trong những năm trước sự kiện “Bức tường Berlin”, ở các nước XHCN Đông Âu cũ, cái “gien dân chủ” này mang tính “lặn”. Còn ở VN thì sao? Tình hình khác hẳn, ĐCSVN được ra đời dưới sự lãnh đạo của ông Hồ và từ tầng lớp có thể nói là “áo rách khố ôm” của xã hội, hay nói theo cách của ĐCSVN là giai cấp vô sản. Dân trí VN thời đó đã thấp, lại bị chế độ phong kiến và tiếp theo là chế độ thực dân làm cho “ngu” thêm, huống hồ là cái “gien dân chủ”, thì có “đốt ngàn ngọn đuốc giữa ban ngày” cũng không thể “tìm thấy” được. Sau khi “cướp chính quyền” vào tay mình, ĐCSVN đã “sáng tạo” ra con đường đi lên cho VN là CNXH, không qua CNTB. Một trong những mục đích thâm sâu của sự “sáng tạo” này, chính là cản trở, không cho cái “gien dân chủ” nảy sinh ra ở VN! Bởi vì họ đã học kinh nghiệm của lịch sử châu Âu: các cuộc “cách mạng dân chủ”, “cách mạng khoa học kỹ thuật” đã tạo nên những “mầm mống dân chủ đa nguyên đa đảng” cho các nước châu Âu, và từ đó cái “gien dân chủ” đã góp phần quyết định trong cuộc thay đổi chế độ ở các nước XHCN Đông Âu cũ. Bên cạnh đó, ở VN, ĐCSVN, với bao “thủ đoạn cầm quyền”, đã giữ vững được chế độ độc tài toàn trị cho đến ngày nay!

3. Để tạm kết luận, tôi xin nêu ra đây một cái ý như thế này(ý của “ông già” tôi!:)): một trong “những thứ khác thâm hiểm hơn nhiều” mà “Bác” Hồ đã cố tình “chiếm giữ”, chính là cái “gien dân chủ” của dân tộc VN!

4. Giá mà vài chục năm trước đây, VN ta cũng có được những tiếng nói “khai trí” như của bác NHV! Nhưng “muộn còn hơn không”, phải không các bác?!

.

.

.

No comments: