Thursday, June 10, 2010

THỰC DÂN, NÔ LỆ, ĂN MÀY (1)

Thực dân, nô lệ, ăn mày (1)

Nguyễn Hoàng Văn

10/06/2010 7:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=21228

Tháng Ba năm 1906, phẫn nộ trước hình ảnh người Trung Quốc hả hê thưởng thức cảnh lính Nhật cắt cổ đồng bào mình trên màn ảnh trong một giảng đường y khoa tại Nhật, Lỗ Tấn đã dứt khoát từ bỏ hoài bão làm thầy thuốc nhen nhúm từ tấm bé và nung nấu khát vọng canh tân ở tuổi chớm biết ưu tư để lao vào cái nghề cầm bút nghiệt ngã, bấp bênh. Làm thầy thuốc thì chỉ có thể chữa những bệnh tật trên thể xác của con người. Cái mà dân tộc Trung Hoa cần chữa là những căn bệnh sâu trong tinh thần của mấy trăm triệu người.[1]

Tháng Tư năm 2010, những triệu chứng của chứng bệnh ấy lại lộ ra, không với dân tộc của Lỗ Tấn mà với chúng ta. Khi một bậc chuẩn khoa bảng ngành American Studies, qua sự tiếp tay của một nhà truyền thông, bực dọc đưa ra “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” để biện minh cho sợi thòng lọng mà hệ thống toàn trị láng giềng đang siết dần vào cổ họng đất nước mình, cả hai đã hả hê thưởng thức tương tự, không hơn không kém.[2] Hả hê trước những tâm cảm nhức nhối về thân phận nhược tiểu của đất nước mình. Hả hê trước tình cảnh điêu đứng của những anh em chú bác mình, những người vừa cắn răng chịu đựng một chính quyền không ra chính quyền, vừa bươn chải chịu đựng gã láng giềng đang tập tành tướng đi đế quốc nhưng chưa bao giờ ra dáng đế quốc bởi không thể gột bỏ hết bản chất vô sản lưu manh kiểu bần cố nông đấu tố như có thể thấy qua những hành vi cướp biển bần tiện, nhỏ mọn.[3] Và khi hả hê thưởng thức như thế, những con bệnh tim não cùng những ủng hộ viên khác đã thưởng thức với sự mãn nguyện của những đầu óc nô lệ, ăn mày.

.

Tôi không hề quá đáng, nặng lời. Khi cho rằng người Việt phải tri ân hệ thống toàn trị Trung Hoa qua những khoản đầu tư đã bỏ ra trong thời chiến, bậc chuẩn khoa bảng suy nghĩ có khác nào hạng ăn mày khi ghi tâm khắc cốt những ân huệ bố thí mà không đếm xỉa gì đến động cơ hay cung cách bố thí?[4] Và khi khăng khăng rằng mình hoàn toàn đúng bởi đã hành xử chính xác theo “Tiêu chuẩn biên tập BBC”, nhà truyền thông nối giáo cũng chỉ thể hiện một đầu óc nô lệ mà Phan Khôi đã chỉ ra trên Phụ Nữ Tân Văn hơn 80 năm trước:

“Chẳng những một mình ông, tôi thấy có nhiều người cũng nói như ông vậy. Họ nói: Quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt t với c, có g với không g. Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại phải viết theo từng nét? Sao họ không viết là ving đi mà phải viết vingt? Sao họ không nói ‘j’alle’, ‘tu alles’, ‘il alles’ đi mà lại phải nói ‘je vais’, ‘tu vas’, ‘il va’? Tôi mong rằng rày về sau đừng có ai nói như ông nữa mà làm cho tôi thương tâm quá! Vì trong sự này tôi thấy ra cái tánh nô lệ của người ta: các anh bồi từ phòng khách đến phòng ăn, phòng ngủ của Tây thì các anh giữ quét dọn sạch sẽ luôn; còn chỗ xó của vợ chồng anh ấy nằm thì tha hồ là dơ dáy. Song nô lệ cách này còn được; chớ nô lệ cách kia thì thôi, hết mong gì nữa!”[5]

.

Thì cũng là cái cảnh “hết mong gì nữa”. Người thì chăm chút “quét dọn sạch sẽ” sao cho đúng “tiêu chí biên tập” của kẻ giữ sổ lương, còn lại “tha hồ là dơ dáy”. Người thì, như một nghiên cứu sinh ngành American Studies, chắc chắn sẽ không bao giờ dám bộc lộ sự “bực dọc” tương tự trước những George Washington hay Benjamin Franklin, những người Mỹ đã dứt bỏ mối ràng buộc với nước Anh, cái mẫu quốc mà thuộc địa Mỹ “từ đó mà ra”. Từ những kẻ trong “xó nằm dơ dáy” cho đến hạng học thức hơn, sang cả hơn, chân trời đã rộng mở rất nhiều. Nhưng có mở đến đâu cũng vậy, cũng chỉ là cái tinh thần ở đợ và do đó vấn đề không thuộc về những cá nhân cụ thể mà là cái hình bóng chung thấp thoáng sau lưng họ, sau lưng những ủng hộ viên nhâng nháo, những kẻ đang lật bật muá may với những “ân phước” hay tinh hoa văn hoá Trung Hoa để làm nhiễu loạn mối ưu tư của cộng đồng Việt về sự sinh tồn trong mai hậu.

.

Như thế thì phải tìm hiểu kỹ hơn cái hệ số chung “bồi”. Như một chuẩn siêu cường đang lên, nước Trung Hoa hãnh tiến hôm nay đang càng ngày càng ra dáng thực dân và hệ quả là sự hình thành của lớp bồi Tàu đương đại, như một sự tiếp nối của những lớp “quăng vùa hương xô bàn độc” / “chia rượu lạt gặm bánh mì” thượng lưu hay hạ đẳng ngày trước.[6] Nếu sức mạnh cơ giới của thực dân Pháp từng khiến một Tôn Thọ Tường khiếp đảm đến độ đầu hàng không điều kiện Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc / Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay thì sức mạnh của thực dân Trung Hoa hôm nay cũng đang thai nghén nên một lớp kế thừa tương tự.[7] Nhưng thần phục thực dân cũng có nghĩa là thần phục sức mạnh. Não trạng nô lệ và ăn mày thực dân, thực chất, cũng chỉ là biểu hiện của não trạng nô lệ và ăn mày trước sức mạnh chính thống.

.

Khuynh hướng phò thực dân, như thế, chỉ là biểu hiện nhất thời và sa đoạ của khuynh hướng phò chính thống. Và nếu khái niệm “thực dân” luôn được hiểu như là những thế lực đến từ bên ngoài thì đã đến lúc chúng ta phải nhận diện thứ “thực dân” sinh sản bên trong.[8]

.

Khi quyền lực chính thống tự tách mình ra, không nương tay bóc lột cộng đồng để phục vụ lấy mình như một cộng đồng con, nó đã là hiện thân của một thứ “thực dân”. Nội hoá hay ngoại hoá, đã đối phó với khát vọng sống của cộng đồng thì thứ thực dân nào cũng ngay ngáy kiểm duyệt để che đậy bản chất ăn cướp và bóc lột của mình. Nhưng kiểm duyệt cũng chỉ là một biện pháp cụ thể trong mục tiêu ngu muội hoá con người, như một đường lối nhất quán. Khi hệ thống toàn trị sắt máu hơn cả chính quyền thực dân trong chính sách ngu muội hoá ấy, nó đã sợ hãi sự thật và mong mỏi công dân của mình ngu dốt hơn cả thế lực cai trị bên ngoài đã từng sợ và từng mong.[9] Như thế, nếu cái mũ cối được xem là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân phương Tây thì hệ thống toàn trị hiện tại không chỉ kế thừa từ thực dân Pháp cái mũ ở trên đầu mà kế thừa cả cái chủ trương ngu dân ở bên trong cái đầu.

.

Cuộc cách mạng đắt giá mà hệ thống toàn trị vẫn ồn ào kỷ niệm đi kỷ niệm lại, xem ra, chỉ là thứ “cách mạng” để thay đổi màu da dưới cái mũ cối. Chỉ thay màu da thôi nên sau đó vẫn là những trò ngu muội hoá con người quen thuộc, vẫn là những cuộc xâm lược nhắm vào giềng mối quan hệ và tình cảm quen thuộc. Và có quen thuộc như thế nên những hình ảnh sinh động và bi phẫn nhất trong “Á Tế Á Ca” hay “Bình Ngô Đại Cáo” vẫn tiếp tục sinh động và tiếp tục bi phẫn như một thứ “hiện thực phê phán”.[10]

.

Khi thực hiện chính sách ngu dân trên đất nước chúng ta, thực dân Pháp đã đần độn hoá con người để vừa có thể đầu độc và bóc lột thậm tệ bằng thuốc phiện hay sưu cao thuế nặng, vừa có thể cao rao sứ mạng “khai hoá”. Hệ thống toàn trị kế thừa cũng tiếp tục như vậy để vinh quang hoá cái sự nghiệp ghê tởm xây dựng từ những cuộc đấu tố, những trại cải tạo, những trò cướp bóc tập thể, những cơn mê sảng vĩ cuồng mà hậu quả nhãn tiền là đói rách, nợ nần và tụt hậu. Hệ thống cần làm vậy để những sai lầm tiếp nối sai lầm vĩnh viễn thuộc về trách nhiệm của một “quá khứ” chung chung, của những “lý do lịch sử” chung chung hay “yếu tố khách quan” chung chung. Và nó cần vậy để mối quan hệ rành rành giữa kẻ cướp và con mồi mới trở thành “quan hệ hữu nghị hướng tới bền vững, ổn định”.

.

Để thoải mái cai trị và, thậm chí, để được thoải mái… hèn, hệ thống toàn trị phải kìm hãm, phải duy trì công dân của mình trong thân phận của những kẻ nô lệ hay ăn mày ngây dại, hồn nhiên.[11]

Như cái kiểu hồn nhiên khi chúng ta nắn nót những “đơn xin” đầy tính ăn mày. Cứ dựa theo tiêu chí dân quyền của một xã hội dân sự thì, trừ một thiểu số quyền lực, những ai đang từng hay đã từng sống dưới với hệ thống cai trị ấy mà không phải gánh chịu kiếp ăn mày? Dưới hai cái ách cai trị thực dân và quân chủ, cha ông chúng ta phải chịu thân phận ăn mày ấy khi viết “đơn xin” gởi lên “quan Công sứ” với lời kết “Muôn đội ơn quan lớn” đã đành.[12] Thời của những chính quyền “nhân dân”, “dân chủ” hay “cộng hoà”, chúng ta cũng phải tiếp tục các phẩm giá tương tự trong những “Đơn xin” in sẵn và những “Đơn xin” tự biên tự diễn tương tự. Đơn xin nhập học. Đơn xin chuyển trường. Đơn xin chuyển hộ khẩu. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng. Đơn xin mượn giấy tờ trong hồ sơ sinh viên. Đơn xin làm lại thẻ sinh viên.[13] Xin, xin và… xin. Chúng ta vẫn phải đi ăn xin và vẫn phải “đội ơn” như thể là thời thuộc địa cho dù ngôn ngữ khác đi, có màu mè thêm ra kiểu “Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của quý cấp tôi xin bày tỏ nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn sâu xa”.

.

Ăn xin cho đáng ăn xin / Lấy chồng cho đáng bù nhìn giữ dưa… Có hạ mình đi xin thì cũng nên xin những gì cho đáng chứ? Và để xứng đáng là “chính quyền nhân dân” thì cũng phải bình thường hoá những chuyện như thế như là những “thao tác” thuần túy kỹ thuật chứ? Khi phức tạp hoá những “thao tác kỹ thuật” ấy bằng một thứ ngôn ngữ và những thủ tục ăn mày, hệ thống cai trị đã biến nó thành một “hành động chính trị” để, qua đó, chính trị hoá vấn đề, biến công dân của mình thành những con tin hay con nợ nhằm tiện bề thao túng và chi phối.

Nhưng không chỉ là những quan hệ xin-cho lặt vặt mà là chủ trương ăn mày hoá như một phần trong hệ thống giáo huấn ngu dân. Chính tính nhất quán và sự tiếp nối của những hệ thống giáo huấn ngu dân nối tiếp nhau qua bao thời kỳ quân chủ, thực dân và thực-dân-hậu thực-dân mới có thể biến chúng ta thành những con tin hồn nhiên và ngây thơ như thế. Nó huấn nhục và tôi mọi chúng ta. Nó lột sạch phẩm giá con người của chúng ta. Nó bắt chúng ta tư duy như là những thực thể ký sinh, chỉ có thể tồn tại bằng cách ăn xin hệ thống, bám chặt vào hệ thống, như một thứ tôi đòi.

(Còn 1 kì)

© 2010 Nguyễn Hoàng Văn

© 2010 talawas

------------------------------------------------

[1] Cha mất từ rất sớm và ký ức tuổi thơ gắn liền với hình ảnh của tiệm cầm đồ và tiệm thuốc: cầm đồ xong thì đến tiệm thuốc mua thuốc. Lớn lên muốn theo đuổi khoa học và nghe tin cuộc canh tân của Nhật khởi sự từ việc du nhập y khoa hiện đại Tây phuơng, Lỗ Tấn đã theo học tại Học viện Y khoa Tiên Đài (Sendai Medical Academy). Nhập học từ năm 1904, đến năm 1906 thì bỏ học để lao vào hoạt động văn học. Chuyện được kể lại trong lời nói đầu của tuyển tập tập truyện ngắn Gào thét (Call to Arm), đề ngày 3/12/1922:

“[..] These inklings took me to a provincial medical college in Japan. I dreamed a beautiful dream that on my return to China I would cure patients like my father, who had been wrongly treated, while if war broke out I would serve as an army doctor, at the same time strengthening my countrymen’s faith in reformation.

I do not know what advanced methods are now used to reach microbiology, but at that time lantern slides were used to show the microbes; and if the lecture ended early, the instructor might show slides of natural scenery or news to fill up the time. This was during the Russo-Japanese War, so there were many war films, and I had to join in the clapping and cheering in the lecture hall along with the other students. It was a long time since I had seen any compatriots, but one day I saw a film showing some Chinese, one of whom was bound, while many others stood around him. They were all strong fellows but appeared completely apathetic. According to the commentary, the one with his hands bound was a spy working for the Russians, who was to have his head cut off by the Japanese military as a warning to others, while the Chinese beside him had come to enjoy the spectacle.

Before the term was over I had left for Tokyo, because after this film I felt that medical science was not so important after all. The people of a weak and backward country, however strong and healthy they may be, can only serve to be made examples of, or to witness such futile spectacles; and it doesn’t really matter how many of them die of illness. The most important thing, therefore, was to change their spirit, and since at that time I felt that literature was the best means to this end, I determined to promote a literary movement.”

[2] Đỗ Ngọc Bích, “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100417_do_ngoc_bich.shtml

Truy cập ngày 25.5.2010.

Và:

Nguyễn Giang, “Về bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích trên BBC”.

http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2010/04/ve-bai-cua-ba-do-ngoc-bich-tre.html

Truy cập ngày 25.5.2010.

[3] Khi chính quyền không đủ sức, thậm chí không có đủ dũng khí để bảo vệ người dân thì nó không ra dáng một chính quyền nữa. Và đó không phải là hiện tượng cá biệt mà lặp đi lặp lại, không chỉ mất tài sản mà có khi còn mất mạng. Xem thí dụ gần nhất: Trà Minh, “12 ngư dân được thả sau khi nộp 200 triệu đồng tiền chuộc”, Tuổi Trẻ 15.5.2010.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/378771/12-ngu-dan-duoc-tha-sau-khi-nop%C2%A0200-trieu%C2%A0dong-tien-chuoc%C2%A0.html

[4] Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam thống nhất và hùnh mạnh, do đó chỉ viện trọ nhỏ giọt để nuôi dưỡng cuộc chiến du kích. Tuy nhiên, cả trong việc viện trợ này Trung Quốc cũng lạm dụng để gặm nhấm dần lãnh thổ Việt Nam.

Xem: “Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?”, Mặc Lâm phỏng vấn Dương Danh Dy, đài RFA 2.7.2009.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html

[5] Phan Khôi, “Viết chữ Quốc ngữ phải viết đúng”, Phụ Nữ Tân Văn số 31 (5.12.1929). Dẫn theo Tranh luận văn nghệ khế kỷ XX, (2002) tập 1, NXB Lao Động, tr. 106.

[6] Nguyễn Đình Chiểu, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”:

“Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.”

[7] Bài thơ “Giang sơn ba tỉnh” của Tôn Thọ Tường:

Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây,

Trời đất xui chi đến nỗi này?

Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo

Mây tuôn đẹn kịt khói tàu bay.

Xăn văn thầm tính, thương đôi chỗ,

Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.

Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,

Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!

[8] Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa “thực dân” là “Nhân dân di cư ra nước ngoài để làm ăn”.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (NXB Đà Nẳng 2004) thì định nghĩa (2) là “Người ở nước tư bản, thuộc tầng lớp bóc lột, thống trị ở nước thuộc địa, trong quan hệ với nhân dân nước thuộc địa.”

[9] Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ Fred, Rob”, Diễn đàn talawas, 19.8.2005.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5180&rb=0307

“Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa rồi của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải – phát biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân.

Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng.”

[10] “Á tế á ca” hay “Bài thơ về châu Á”, bài thơ dài 200 câu làm theo thể song thất lục bát, được dùng làm tài liệu giảng dạy ở Trường Đông Kinh Nghĩa thục (1907), gọi là “Đề tỉnh quốc dân ca”. Chưa rõ tác giả dù có người đoán là của Phan Bội Châu, nội dung lên án chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân Việt Nam noi gương Nhật, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.

Xin trích những đoạn khá “đắt” với chính sách kinh tế XHCN thời “bao cấp”:

Rượu ta nấu, nó cho rượu lậu

Muối ta làm, nó bảo muối gian

Hay:

Các hạng thuế các làng thương mãi…

Hết đinh điền rồi lại trâu bò

Thuế chó cũi, thuế lợn lò

Thuế muối, thuế rượu, thuế đò, thuế ghe

Thuế sản vật, thuế chè thuế thuốc

Thuế môn bài, thuế nước thuế đèn

Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền

Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn

thuế cả hết phấn son đường phố

Thuế những anh thuốc lọ gầy còm

Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn

Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.

Hay “Bình Ngô Đại Cáo” (bản dịch Ngô Tất Tố):

[…] Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế

Gây thù kết oán trải mấy mươi năm

Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,

Ngán thay cá mập thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,

Khốn nỗi rừng sâu nước độc.

Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.

Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.

Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,

Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.

Thằng há miệng, đứa nhe răng,

Máu mỡ bấy no nê chưa chán,

Nay xây nhà, mai đắp đất,

Chân tay nào phục dịch cho vừa ?

Nặng nề những nổi phu phen

Tan tác cả nghề canh cửi.

[11] Xem bài báo “Đồng chí Trương Tấn Sang: Nhà báo phải cống hiến nhiều hơn vì nhân dân” của Tr.Bình – M.Anh trên Sài Gòn Giải Phóng ngày 20.6.2009.

http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2009/6/194492/

Ngày 19-6, kỷ niệm 84 năm ngày “Báo chí Cách mạng Việt Nam”, ông Trương Tấn Sang đã đến “làm việc” với Hội Nhà báo Việt Nam, và trong “làm việc” này có lúc họ Trương “lưu ý” Hội nhà báo: “Trước một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, kể cả vấn đề hệ trọng liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước còn có biểu hiện vội vàng, chủ quan, chạy theo dư luận, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành. Một số cơ quan báo chí còn đưa thông tin sai, gây tác hại về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và các địa phương, doanh nghiệp…” .

Chú ý chữ “gây khó khăn cho công tác lãnh đạo”.

[12] Tôi dựa vào một số đơn từ trong Quảng tập viêm văn của Edmond Nordemann, bản dịch của Nguyễn Bá Mão (NXB Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hoá Đông Tây, 2005), tập trung trong chương thứ 3, kể từ trang 70. Nguyên tác Chrestomathie Annamite – Contenant 180 textes en dialecte Tonkinois, xuất bản năm 1898. Tác giả là giảng viên Trường Thông Ngôn, lấy tên Việt là Ngô Đê Mân.

[13] Có thể xem một số mẫu đơn trong các trang web sau:

http://khudothimoi.com/dulieu/mau-hop-dong/351-mau-don-mau-giay-to-xin-cap-phep-xin-giay-chung-nhan.html

hay:

http://ussh.edu.vn/mot-so-mau-don-va-giay-chung-nhan/140

.

.

.

No comments: