Friday, June 4, 2010

TÂM SỰ NHỮNG NGƯỜI LÍNH MỸ

Tâm sự những người lính Mỹ

Uyển Mai Lược dịch và giới thiệu

04-06-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7490

Tâm sự những người lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam

Uyển Mai
Trong chiến tranh Việt Nam, dù ở phía nào, Nam hay Bắc, người lính Việt Nam đều chiến đấu ở ngay trên quê hương với lý tưởng bảo vệ đất nước của mình. Nhưng còn những người lính Hoa Kỳ thì sao? Họ từ rất xa đến và chiến đấu cho ai? Những người lính trẻ trên chiến trường xa lạ đã từng nghĩ gì?

3 triệu người chúng tôi đến từ nơi xa đây 10 ngàn dặm để chiến đấu trong cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Khi tới nơi ở bãi biển Đà Nẵng, trên sân bay nhộn nhịp Tân Sơn Nhất, hay trong cái nóng đổ lửa Vịnh Cam Ranh chúng tôi là những thanh niên thon thả và hăng hái, vui nhộn và sợ sệt. Dù da trắng hay đen, gốc Mễ hay Mỹ, người đảo Guam hay Hawai thì chúng tôi đều còn rất trẻ, hầu hết chưa quá tuổi mới lớn. Những người chỉ huy gọi chúng tôi là “Cherries”, hay “Newbies” hay “FNGs” – “Fucking New Guys” (đám ma mới) mà có lẽ sau vài tháng nằm trong bụi cây sẽ bớt nhi nhô đi để rắn đanh lại. Chúng tôi rồi cũng sẽ giống như họ nhanh thôi, khi những trái Cherrie đỏ mọng vỡ tung toé.

Trích ( “Dear America: Letters Home from Vietnam, trang 33)

Để nhớ tới những người lính Hoa Kỳ, hãy cùng với người thân của họ đọc lại những dòng chữ trong những cánh thư những chiến binh đó đã viết từ chiến trường Việt Nam khốc liệt gởi về nhà.

***
Cha mẹ thương nhớ,

Cha mẹ có tin rằng tới bây giờ con mới biết mình chính thức nằm trong toán quân nào không? Con đợi chuyện này quá lâu nên bây giờ mới thở phào yên tâm. Địa chỉ mới của con, chắc sẽ không thay đổi, là:

Đại đội A, Tiểu đoàn 4, Quân đoàn 3 Bộ binh
Lữ đoàn 11 Bộ binh, APO San Franciso 96217

Con không biết cha mẹ có gởi thơ cho con chưa, nếu có thì thơ vẫn chưa tới và e rằng nó cũng sẽ chẳng bao giờ tới. Nhưng khi có địa chỉ rõ ràng rồi thì thơ sẽ tới được thôi. Cha mẹ đừng lo lắng nhé...
Con được cho biết rằng những AO của phía ta đều khá an toàn. Hầu như không có đụng độ với Charlie, và nếu có đi nữa thì cũng hiếm khi thành đánh nhau vì họ thường chạy trốn. Cái nguy hiểm chính ở đây là những bẫy mìn (booby trap).

Sau khi đã nói chuyện với nhiều người, con có thêm một vài suy nghĩ mới về cuộc chiến này. Phần lớn con chẳng thấy ai hừng hực lên vì yêu nước cả. Dĩ nhiên vẫn có một số nào đó cảm thấy phấn kích khi giết người. Một trung úy kể với con có lần anh ta lăn lông lốc một mạch 100 yards từ trên đồi xuống bãi biển với cái súng máy nhưng lại cảm thấy khoái ghê lắm. Ở đây có hai cách giúp người ta giữ được lòng hăng hái: một là để giữ mình
nếu mình không bắn nó thì trước sau gì nó cũng bắn mình; hai là để trả thù. Cái lúc thấy người bạn của mình nổ banh xác vì bẫy mình của VC thì thật kinh khủng, và rồi mình sẽ chẳng thể nghĩ được gì khác ngoài việc phải báo thù.

Tuy được đọc Stars and Stripes và nghe phát thanh của đài AFVN nhưng con vẫn cảm thấy mình bị chặt đứt khỏi thế giới ngoài Việt Nam. Nếu cha mẹ gởi mua được tờ Newsweek cho con thì thật tuyệt. Mà này, nhà ta nghĩ sao về chuyện Bobby (Kenedy) thành tổng thống nhỉ? Còn nhiệm vụ mới của (Tướng William) Westmoreland thì sao? Tất cả có nghĩa gì không đây?

Cho con nói thêm về cuộc chiến này một lần rồi thôi nhé. Con thật hết sức ấn tượng về kẻ địch mà mình sẽ phải đối đầu đấy. Qua những bản phúc trình, địch quân quả là một kiện tượng về chiến tranh; họ đang giữ mình rất giỏi trước một quân đội mạnh nhất thế giới. Nhưng cái làm con nể hơn cả là sự kiên trì của họ. Họ làm việc thật nhiều, thật bền bỉ. Cha mẹ có nghe nói tới cái đường hầm họ đào không? Một người VC bị bắt kể lại rằng anh ta đã đi bộ từ Bắc Việt vào Saigon suốt 200 miles trong lòng đất. Bất cứ ai đào 200 dặm đường hầm và vẫn còn tiếp tục làm thế sau khi đã chiến đấu suốt 30 năm dài thì người đó chắc phải có cái lý gì chứ!

Thương yêu,

Mike

***
Cha và mẹ của con,

Con vừa nhận được lá thơ đầu tiên của cha mẹ với hình của Johnson và của con. Không thể tả được con vui như thế nào khi nhận được tin cha mẹ...

Tuần rồi con đã mất đi người lính đầu tiên. Anh ấy chết chỉ vì tai nạn, vì một người khác trong tiểu đội. Lúc đó con gởi tiểu đội đi mai phục trong đêm. Vài giờ sau khi mọi người đã vào vị trí, người lính ở cánh hông bò ra ngoài, có lẽ để đi tiểu. Khi quay về thì người khác lại tưởng là một tên dink và nổ súng. Anh ấy chết trên chiếc trực thăng đến bốc đi.

Lòng con đau như xé khi mất một đồng đội, nhất là mất đi như thế, nhưng con không thể tỏ ra mình bị dao động. Con phải cố đè nèn tình cảm của mình, phải cố tiếp tục làm việc. Tụi con ở đây ai cũng phải làm như thế. Ai cũng đều buồn thương vì cái chết của đồng đội; nhưng người đã đi rồi biết làm sao hơn. Bây giờ cả bọn (vì chúng con quả đã kết chặt với nhau) đâm lo là rồi cái người lỡ bắn nhầm kia sẽ thành ra thế nào đây. Anh ấy có bị mất tinh thần không, sẽ còn thực hiện được nhiệm vụ không? Đấy mới là cái điều bọn con lo lắng dữ dội nhất. Chiến tranh thật khốn khiếp!

Cha mẹ chắc còn nhớ câu chuyện đùa “Làm sao để nhận ra ai là người ngay ai là kẻ gian” chứ? Hà, chuyện đó ở Bronxville hay Dorset thì nghe tếu lắm, nhưng ở đây, chẳng ai cười nổi. Địch quân trong vùng của bọn con ban ngày là nông dân nhưng ban đêm là VC. Mọi người dân đều phải đi đăng ký tại cơ quan đầu não địa phương, sau đó phải mang theo căn cước có hình chụp, dấu tay, v.v... Vậy thì ai có nguồn gốc là VC chắc chắn sẽ không dám làm thẻ căn cước, đơn giản quá hả? Phe ta chỉ cần vào trong làng và kiếm người nào không có căn cước, đúng không nào? Vậy mà ba tháng trước tụi con bắt được một ổ VC chuyên làm thẻ căn cước giả. Bất kỳ ai bị tóm cũng đều nói: “Me Vietnamese Numbah 1, VC Numbah 10” vậy là phải thả họ ra. Nhưng hơn một lần tụi con đã bắt và giết những kẻ có mang vũ khí, trong số đó có những khuôn mặt cười cười mà trước kia chúng con đã bắt và thả ra. Thật là muốn điên lên được khi biết quá rõ rằng bọn họ là dinks nhưng vẫn bó tay ngoại trừ trường hợp bắt được họ với vũ khí hay khi họ thực sự bắn vào mình.

À, con quên nói, “Number 1” có nghĩ là rất tốt còn “Number 10” là rất xấu theo lối nói tiếng Anh ba rọi. Để con thêm vài chữ thông dụng nữa phòng khi cha mẹ tính đi nghỉ hè ở cái thiên đàng nhiệt đới này: titi - rất ít; boo koo (nói trại từ tiếng beaucoup) - rất nhiều; boom boom - gái điếm; didi mow - ra khỏi đây ngay. Có muốn biết thêm gì không?...

Sẽ còn kể tiếp.

Thương yêu,

Mike


(Trung úy Robert C. (“Mike”) Ransom, Jr. sinh trưởng tại Bronxville (New York), đã đến Việt Nam tháng Ba 1968. Tử trận sau hai tháng ở VN, tám ngày sau khi bị trúng mìn. Mike 23 tuổi)
(Trích “Dear America: Letters Home from Vietnam” - Trang 39-49)

***
Red,

Thật vui khi lâu lâu nhận được lời thăm hỏi để thay đổi không khí. Tin hay không thì tùy, nhưng mà thơ của bạn là lá thơ đầu tiên tôi nhận được từ khi đến Nam. Nên bạn có thể nói mình đã ghi dấu đầu tiên rồi đấy. Không phải tôi đang ca cẩm rằng-thì-là “Tôi, người lính chiến cô đơn xa nhà ngoài ý muốn” đâu nhé. Tôi đã đến đây vì tôi muốn đến đây. Hoàn toàn tự nguyện làm cái điều tôi tin là đúng và chẳng thấy nhớ nhà dek gì hết. Nhưng vẫn rất vui khi nhận được thơ
Chắc tôi vẫn còn là
người, đôi khi thôi, chứ hả?

Đúng thế, tôi vẫn nghĩ đặt chân lên mặt trăng thật là một chiến công, và đéo vào cái thế giới chủ nghĩa. Tôi vui mừng khi thấy lá cờ Hoa Kỳ bay trước. Khoái gì đâu! Cũng phục mấy phi hành gia nữa, can đảm thực đấy. Tôi toát cả mồ hôi lúc nhìn phi thuyền đáp xuống hay bay lên. Chỉ mong sao loài người đừng có làm hỏng thái dương hệ với ba cái khí thải và gấu ó nhau trong nhà như đang làm với Mẹ Đất...
Đèn yếu rồi
và bạn chắc
cũng hiểu tại sao không được để đèn ban đêm, nên tôi phải dừng bút thôi. Sẽ gởi lá thơ khỏi cái đồi này trong hai ngày tới. Nếu bạn có thì giờ và nếu muốn, tôi cho phép bạn viết thơ cho tôi (nói thật đấy). Lá thơ nào cũng sẽ được hân hoan chào đón và trả lời nếu có thể. Thơ nào không thể trả lời, thì, tôi sẽ hồi đáp trong tâm tưởng.

George.

(Trích thơ của Sp/4 George T. Olsen gởi bạn học. Anh đến Việt Nam tháng 8/1969. Là lính Biệt kích, Đại đội G, Tiểu đoàn 75, hành quân tại Chu Lai. Chết tháng 3/1970, lúc 23 tuổi)

(Trích “Dear America: Letters Home from Vietnam” - Trang 43)

***
Mẹ ơi, con thích đọc những lá thơ mẹ viết lắm. Mẹ đừng lo những điều trong thơ chỉ là những điều “vụn vặt, lẩm cẩm” mẹ nhé. Với con , những chuyện đó chẳng vụn vặt chút nào hết. Con đã đọc ngấu nghiến những chuyện mẹ kể về gia đình ta đấy. Chắc mẹ không hình dùng được những chuyện “vụn vặt” đó đối với con quan trọng đến mức nào đâu nhỉ, nó giúp đưa con ra khỏi chỗ này, nó giúp con thành người trở lại.

Trong cái khoảnh khắc bình yên với lá thơ, con được làm người bình thường, con không phải giết người, hay lo sợ bị người giết. Lúc đó con không mang súng và lựu đạn; con lại được đi trượt băng với em David hay vào tiệm đổi cái chụp đèn. Thật là hạnh phúc khi biết được gia đình ta được an toàn, được sống trong một đất nước vững chãi; vững chãi vì đã có hàng ngàn, hàng ngàn đã người chết cho nó.

Khi ở Philippines, con đi xe bus qua những con đường kinh hoàng, nơi đã có đổ máu, tại Bataan. Con thấy những nghĩa trang với cả hàng, cả hàng thánh giá trắng. Hàng ngàn, hàng ngàn người đã nằm xuống. Đó là những ngôi mộ của người Mỹ - chiến binh Mỹ trên đất Phi. Rồi con nghĩ tới những ngôi mộ của người lính Hoa Kỳ ở Okinawa, Đại Hàn, Pháp, Anh, Bắc Phi - ở khắp thế giới. Và con thấy hãnh diện được là người Mỹ, hãnh diện là lính Thủy Quân, hãnh điện được chiến đấu ở Á châu. Con đã hứa với những người đi trước, những người Mỹ đã hy sinh để có được một đời sống bình yên cho trượt băng, những cửa hàng và những cái chụp đèn.

Không, mẹ ơi, những điều mẹ kể chẳng vụn vặt tí nào đâu. Với con, chúng quan trọng vô cùng. Đấy mới chính là những điều quan trọng nhất chứ không phải là những gì con đang làm. Con mong mẹ sẽ viết luôn về những thứ “lẩm cẩm” đó mãi nhé, vì đó là điều con thích biết nhất đấy mẹ ạ.

Con trai của cha mẹ,

Rod

(Trích thơ Đại úy Rodney R. Chatant (Mobile, Alabama), viết tháng 10 năm 1967, trong thời gian 13 tháng quân vụ tại Việt Nam với Marine Air Group 13, 1st Marine Air Wing tại Đà Nẵng. Anh bị giết ngày 22 tháng 10, lúc 25 tuổi.)

(Trích “Dear America: Letters Home from Vietnam” - Trang 211)

***
Gởi Bầy Sói con 508

Saratoga, California.

Anh không biết nói thế nào để cám ơn những quà tặng tuyệt vời của các em đã gởi cho anh và các bạn của anh.

Bọn anh đóng quân trên một đỉnh đồi cô lập. Cách duy nhất để tới được đây là bằng chopper. Nói vậy là các em hiểu bọn anh không mấy khi được những món như quà của các em đâu. Sau những lon đồ hộp C-ration thì bắp rang, bánh ngọt và kẹo thật đúng là vàng ròng. Nhưng món quà quý giá nhất là cây thông Giáng sinh bằng nhựa đấy.

Tuần rồi anh bị sốt và phải nằm 3 ngày trong lều y tế. Nằm cạnh anh là một cậu bé Việt Nam khoảng 12 tuổi bị trúng mìn trái phá ở vai và khuỷu tay. Cậu ta đang núp trong hầm với cha mẹ rồi một trái lựu đạn phát nổ, cả gia đình đều bị giết. Anh làm thân và tìm cách trò chuyện dù cả hai không biết tiếng nói của nhau. Khi anh chia cho cậu mấy món quà của các em, lần đầu tiên cậu bé mỉm cười. Chắc là cậu ấy quên được một chút.

Bọn anh có nghe nói về những phản đối và biểu tình ở bên ấy và bọn anh rất giận. Khi thấy đồng đội chết, bọn anh lại hỏi tại sao. Nhưng cũng vừa nghĩ đến mấy tên nhóc ở đàn I và đàn V và hiểu ra rằng có những việc phải làm là phải làm. Mới thấy chúng ta thật may mắn được sống trên đất Mỹ.

Anh cầu nguyện sao cho không có ai trong các em phải mặc đồ lính để chiến đấu vì thù hận.
Bạn của các em,

David Hockett

(Sp/4 David Hockett, Đại đội A, Tiểu đoàn phát tín hiệu 13. Bị thương tháng 2/1968 trong trận Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện sống tại Santa Rosa (California)

(Trích “Dear America: Letters Home from Vietnam” - Trang 213)

***

“Dear America: Letters Home from Vietnam” (Gởi Hoa Kỳ mến yêu: Những lá thơ từ Việt Nam) với hơn 200 lá thơ của những người lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Sách do Bernard Elderman sưu tầm và biên tập năm 1985 và được đạo diễn Bill Couturié chuyển thành phim năm 1987.

© DCVOnline


Bernard Elderman từng là phóng viên chiến trường trong những năm 1970 tại Việt Nam. Ông là nhà văn, biên tập viên và nhiếp ảnh gia. Elderman hiện là Phó Giám đốc phòng Policy & Government Affairs của Vietnam Veterans of America (Hội Cựu quân nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ)
AO - Area of Operations - Khu vực hoạt động, vùng hành quân.
booby trap - Bẫy mìn - Quân du kích Việt Cộng chế mìn bằng cách trộn đinh, sỏi với chất nổ dẻo rồi nhồi cứng vào những chiếc lon đủ cỡ. Tuy không có sức công phá mạnh, nhưng loại mìn này cũng có khả năng sát thương tròng vòng 5 mét. Loại đáng sợ nhất là các trái đạn pháo binh của VNCH bị lép; Việt Cộng chế lại thành mìn bẫy. Tiếng nổ của nó rất khủng khiếp. Người bị mìn khó còn được chút da thịt nào lớn hơn bàn tay.
Charlie - Tiếng lóng của lính Mỹ gọi lính Bắc Việt vì “Charlie” có chữ “C” như trong “Vietcong”.
dink - Tiếng lóng chỉ người gốc Tàu hay Đông Nam Á, cũng dùng để chỉ lính Bắc Việt.
chopper - Tiếng lóng để chỉ máy bay trực thăng có trang bị vũ khí.
C-ration - Đồ hộp thức ăn đã nấu chín của quân đội Hoa Kỳ, được dùng khi thức ăn tươi (A-ration) hoặc thức ăn chưa chín (B-ration) không thể nấu ngoài chiến trường, và lương khô (K-ration hay D-ration) không đủ chất bổ.

Nguồn: “Dear America: Letters Home from Vietnam – Google Book, http://snipurl.com/x25i6

.

.

.

No comments: