TẠI CÁI THỜI THẾ NÓ SINH RA NHƯ THẾ?
Tạ Phong Tần
Jun 11, '10 11:23 AM
http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/70/70
Bài đã đăng báo Người Việt
Hồi tôi sáu bảy tuổi, cha tôi có tiệm chụp hình nên so với bà con chòm xóm gia đình tôi thuộc loại “lao động sang trọng” chớ không phải “chân lấm tay bùn”. Khác với bây giờ, tiệm hình mở cửa cả ngày lẫn đêm, tiệm nhà tôi lúc đó khách đến chụp hình phần lớn là dân trong các xã, ấp vùng sâu ra thị trấn, lại thích chụp hình phong cảnh bên ngoài bằng ánh sáng trời, chiều xuống một chút là không còn khách, nên trời vừa sụp tối là tiệm đóng cửa không làm nữa. Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, cha tôi thường cầm cây đàn ghi-ta cũ ra ngồi ở ghế sa-lông ngoài phòng khách vừa đờn vừa hát “bài ca muôn thuở” của ông:
“Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt bông lúa tình quê thêm đậm đà
Rào rạt bao niềm thương trong mái lá
Bờ dâu xanh, cô gái hát êm êm
Tầm mai chín gởi anh dâng mẹ hiền
Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên...”
Tôi hỏi: “Sao cha cứ bài này hát hoài? Cha hát bài khác đi!”. Cha tôi nói: “Ở trong ruộng nhà nội như vậy đó”. Chỗ này tôi giải thích thêm là người dân xứ tôi không xài từ “quê”, từ “nông thôn” mà xài từ “ruộng”. Thay vì nói “trong quê”, “dưới quê”, “dân quê”, “dân nông thôn” thì nói “trong ruộng”, “dưới ruộng”, “dân ruộng”.
Sau này, tôi mới biết bài hát được sáng tác và được nhiều người ưa chuộng vào thập niên 60. Thôn quê thời ấy, dù là đang chiến tranh, mà sao không khí đầm ấm, vui tươi, dạt dào tình người đến vậy.
Mấy ngày nay, khi báo trong nước gần như cạn đề tài “tình tiền tù tội” sau khi cố vớt vát khai thác đến kỳ thứ 7 câu chuyện người thanh niên Nguyễn Ðức Nghĩa cắt đầu người yêu cũ để cướp tài sản, dân tình mấy quán cà phê vỉa hè, góc cột đèn coi bộ bớt phần xôn xao bàn tán, thì đùng một cái, hàng loạt vụ giết người “giựt gân” khác liên tục xảy ra được “lên khuôn” tờ báo mà tình tiết có phần còn “giựt gân” hơn vụ cũ.
Sau ba ngày bị cái computer nó “hành” không đọc được báo, hôm nay tôi điểm hết các đầu báo trong nước mới thấy một sự thật kinh hoàng khi người ta bình thản giết nhau như ngóe vì những nguyên nhân hết sức đơn giản.
Tiền Phong ngày 3 tháng 6 năm 2010 đăng tin một ông Quàng Văn Nỏ (sinh năm 1964) ở xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên vì mấy câu nói của vợ làm không vừa ý mà Quàng Văn Nỏ đâm vợ hai nhát dao đâm chí mạng vào tim và xuyên qua phổi, làm chị Lò Thị Âu chết ngay tại chỗ. Nguyên nhân Nỏ đâm vợ vì nghi vợ ngoại tình.
Cũng báo Tiền Phong (04 tháng 6 năm 2010) cho hay: Lúc 23 giờ, anh Vũ Văn Ninh (sinh năm 1979) tạm trú tại xã Hạ Long, huyện Vân Ðồn, Quảng Ninh đang ngủ trong nhà của mình thì bị điện giật 3 lần liên tiếp nhưng trời còn thương nên không chết ngay lập tức. Anh Ninh phát hiện hai cổ chân mình bị cột dây điện và người châm điện không ai khác hơn là chị vợ Vũ Thị Thủy. Nhờ giằng được dây điện buộc ở hai cổ chân ra rồi bỏ chạy ra ngoài nên anh Ninh không bị tử vong. Theo anh Ninh, anh nghi ngờ vợ anh (Vũ Thị Thủy) ngoại tình.
Dẫn nguồn tin từ công an tỉnh Ðồng Nai, báo Lao Ðộng cho hay vào ngày 3 tháng 6 năm 2010 người dân địa phương phát hiện thi thể hai người đàn ông trên đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua phường Tân Tiến, đường Ðồng Khởi, thành phố Biên Hòa. Một người được nhận dạng là anh Nguyễn Ðức Phúc - thiếu úy công tác tại Bộ Chỉ Huy quân sự tỉnh Ðồng Nai. “Cả 2 nạn nhân đều bị chém nhiều nhát vào vùng đầu và ngực. Trong đó, người không mặc quần áo là Nguyễn Ðức Phúc”. Người còn lại bị chém nhiều nhát, được đưa đi cấp cứu, hiện chưa rõ sống chết và chưa xác định được danh tính. Chết trong tình trạng không mặc quần áo khiến người ta nghi ngờ lại là một vụ án tình.
Chưa hết rùng mình bởi cái sự tử thi không mặc quần áo thì tiếp tục ngày 4 tháng 6 năm 2010, người dân tỉnh Bến Tre vớt được hai xác chết (một nam, một nữ) trôi trên sông thuộc xã Thạnh Phong. huyện Tân Phú, tỉnh Bến Tre. Công an tỉnh Bến Tre cho biết vẫn chưa xác định tung tích hai tử thi. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, cả hai nạn nhân đều bị chém nhiều nhát vào đầu. Nạn nhân nữ khoảng 32-35 tuổi, người đàn ông khoảng 34-35 tuổi. Xác người phụ nữ khi phát hiện không mặc quần áo (báo Lao Ðộng). Vụ này e rằng cũng lại là một vụ án tình.
Một vụ “yêu nhau lắm cắn nhau đau” khác tuy không chết người nhưng hậu quả không kém phần thảm khốc là chồng tạt dầu sôi vào mặt vợ khi vợ đang ngủ, làm toàn bộ khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng hoàn toàn. Nguyên nhân là nghi vợ không chung thủy, trong lúc bực mình Phan Ngọc Sơn đã hắt cả một chảo dầu nóng vào mặt vợ. Vụ việc xảy ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 3 tháng 6 tại chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, Sài Gòn.
Có vẻ như bây giờ người ta khi đã hết tình cảm với nhau thì luôn thích sử dụng bạo lực để thỏa mãn cái tôi của mình.
Người lớn thích giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực như vậy, nên trẻ em mới có tí tuổi đầu cũng chẳng kém phần khi trở thành những “sát thủ máu lạnh”. Báo Người Lao Ðộng ngày 5 tháng 6 năm 2010 cho hay công an tỉnh Tiền Giang đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Phạm Nguyên Lộc (sinh năm 1993) ngụ phường 8, thành phố Mỹ Tho là học sinh lớp 11B15 trường THPT bán công Trần Hưng Ðạo (Tiền Giang) về hành vi giết người cướp tài sản.
Tại cơ quan công an Lộc khai, sáng cùng ngày đã đến bến xe miền Tây (Sài Gòn) thuê anh Bùi Chí Dũng hành nghề chạy xe ôm (ngụ xã Trung Nguyên, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) chở Lộc về huyện Chợ Gạo với giá 270 ngàn với mục đích là cướp xe. “Tới địa bàn xã Song Bình thì Lộc rút dao đâm hai nhát vào người anh Dũng. Tuy bị đâm nhưng anh Dũng đã rút chìa khóa bỏ chạy và tri hô. Người dân đã đưa anh Dũng đến bệnh viện nhưng vết thương quá nặng anh Dũng đã tử vong”.
Tôi nhớ câu chuyện Án Tử người nước Tề đi sứ nước Sở trong sách Ðông Chu Liệt Quốc. Vua Sở muốn làm nhục sứ Tề mới giả vờ bắt một người đem đến trước mặt Án Tử nói rằng đây là người nước Tề bị bắt vì tội ăm trộm. Án Tử trả lời vua Sở rằng: “Tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài
Bây giờ người ta thích cãi nhau, đánh nhau, động tí thì sử dụng bạo lực, tay chân, dao búa để “nói chuyện phải quấy” với nhau, bất chấp pháp luật, xem thường tính mạng người khác. Phong thổ nước Nam vẫn vậy, núi sông nước Nam vẫn vậy, có khác chăng là giờ đây môi trường ô nhiễm nhiều hơn, phá rừng, lũ lụt nhiều hơn thì cũng không thể là nguyên nhân khiến tâm tính con người ta thay đổi.
Tôi lại nhớ trong “Thư gởi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”, ông Hồ Chí Minh viết: “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập” (Hồ Chí Minh, 3 tháng 9 năm 1945).
Phải chăng cái thời thế nó sản sinh ra những con người thích hành xử với nhau tàn ác, vô lương như thế?
Tạ Phong Tần
.
.
.
No comments:
Post a Comment