Wednesday, June 9, 2010

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP : TAI HỌA và THỬ THÁCH

Sửa đổi Hiến Pháp: Tai họa và thử thách

Vũ Đông Hà

Đăng bởi vudongha on Tháng Sáu 9, 2010

http://vudongha.wordpress.com/2010/06/09/s%e1%bb%ada-d%e1%bb%95i-hi%e1%ba%bfn-phap-tai-h%e1%bb%8da-va-th%e1%bb%ad-thach/#more-1985

Vào ngày sáng 2/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung vào chương trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (1). Chương trình chuẩn bị này dự kiến sẽ xảy ra năm 2011.

.

Trong sự việc này, có 2 điểm bất thường:

(1) Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII sẽ kết thúc vào năm 2011 và kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIII sẽ tiến hành khoảng tháng 5.2011 (2). Một vấn đề nghiêm trọng như sửa đổi hiến pháp lại được đưa ra quốc hội bàn thảo vào những tháng cuối nhiệm kỳ là một việc không bình thường và hợp lý.

(2) Trong phần trình bày của chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì tất cả đều gói gọn trong những dự kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; trong đó có 22 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết nằm trong chương trình chính thức, 12 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết thuộc chương trình chuẩn bị. Không có một thông tin nào về những nội dung hiến pháp cần được thay đổi.

.

Hai điểm bất thường này chỉ có thể được giải thích:

Việc sửa đổi hiến pháp là do sự sắp xếp, dàn dựng sẳn của TW đảng CSVN và các ĐBQH chỉ làm vai trò đóng dấu thông qua trước khi chấm dứt nhiệm kỳ.

Mục tiêu của việc sửa đổi hiến pháp là để luật cũ lẫn luật mới sẽ ban hành không bị hoặc bớt “chỏi” với hiến pháp. Đây là một tiến trình ngược và như thế luật pháp đã đứng trên hiến pháp.

.

Theo Blogger Kami (3) trích từ Wikipedia: Hiến pháp (Constitution) là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nói một cách khác, chính quyền có bổn phận xây dựng luật nằm trong quy định của hiến pháp, không thể ra ngoài.

Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 trên thực tế chỉ là một “giao kèo” đơn phương do chính đảng CSVN tự dựng ra chứ không phải là một cam kết công bằng giữa chính phủ với nhân dân. Hơn thế nữa, đảng CSVN, chủ nhân của Hiến pháp 1992, với sợi dây thòng lọng “Điều 4 Hiến Pháp” và cụm từ “được qui định bởi pháp luật” đã hủy hoại vai trò, chức năng và giá trị của hiến pháp quốc gia. Với sự tự tạo và đứng trên hiến pháp này, Việt Nam thực sự không có hiến pháp theo đúng tinh thần và định nghĩa phổ quát của nhân loại.

.

Tình hình nội bộ đảng CSVN hiện nay với ảnh hưởng của đảng CS Trung Quốc, nhu cầu bảo vệ quyền độc tôn cai trị trước áp suất của quần chúng về các vấn đề lãnh hải, lãnh thổ, rừng, tài nguyên, vấn nạn xã hội… sẽ dẫn đến chiều hướng ngày càng xiết chặt mọi sinh hoạt chính trị của công dân Việt Nam. Người lạc quan nhất cũng khó mà hy vọng Hiến Pháp tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Sửa đổi hiến pháp chỉ có thể gia tăng tai họa cho dân tộc Việt Nam.

.

Việt Nam đã và đang đối diện với những hiểm họa to lớn và lâu dài về vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên. Để góp phần giải quyết vấn nạn chung của đất nước, mỗi công dân Việt Nam đã phải luồn lách, đối diện với nhiều nguy cơ bị trấn áp, tù đày bởi cái thòng lọng “Hiến Pháp + theo luật lệ quy định“. Viễn ảnh của hiến pháp 2011 sẽ là một vòng dây treo cổ 1992 xiết chặt hơn và giới hạn hơn những hoạt động yêu nước của công dân Việt Nam. Viễn ảnh đầy tai họa này lại thêm một thử thách lớn cho dân tộc.

.

Những thử thách thù trong giặc ngoài đã từng xảy ra trong lịch sử của đất nước. Nhân danh thiên tử dẫn dắt thần dân hay nhân danh đảng vinh quang độc quyền trị nước trước sau vẫn là tư duy phong kiến. Nhưng tổ tiên chúng ta đã vượt qua được những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử để chúng ta có được dải giang sơn gấm vóc ngày hôm nay.

.

Vượt qua được những thử thách này mới chứng minh được dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất khuất trong mọi thời đại và xứng đáng với lịch sử hơn 4000 năm mà mỗi chúng ta đều tự hào; mới không phụ lòng với xương máu của những thế hệ quá khứ trên con đường dựng nước và giữ nước, mới có thể đưa con tàu Việt Nam vươn ra biển lớn của tương lai. Vượt qua những thử thách này thì vận mạng, tương lai của mỗi cá nhân, gia đình mới thực sự tươi sáng trong sự tươi sáng chung của vận mạng đất nước.

.

Mỗi người chúng ta đều có thể góp phần vào hành trình không thể không có này. Dù đó là những hành động can đảm đứng lên như những nhà dân chủ kiên cường, hay là những nỗ lực âm thầm, ẩn danh tán phát thông tin của các bloggers. Dù đó là lời cảnh báo dõng dạt về thảm họa rừng đầu nguồn của hai vị tướng lão thành Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (4), hoặc là lời kêu gọi bắt đầu từ những chuyện nhỏ cùng ký tên đổi tên Biển Trung Hoa thành Biển Đông Nam Á của cô gái 17 tuổi Nguyễn Đắc Hải Di (5). Dù đó là những đêm lén lút bày tỏ lòng yêu nước bằng những dòng chữ HS-TS-VN trên đường phố Sài Gòn, Huế, Hà Nội, hay là những công khai thách thức của Ls Cù Huy Hà Vũ đối với những vi phạm pháp luật của quan chức nắm quyền…

.

Mỗi chúng ta đều có thể làm được. Mỗi chúng ta đều đang làm. Sẽ thêm nhiều người nữa cùng làm. Thiện phải thắng Ác. Chế độ nào không đáp ứng được nguyện vọng của người dân sẽ phải sụp đổ. Mọi sự thay đổi đều bắt đầu bằng lý tưởng và sự kiên trì của một thiểu số. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử. Mỗi người dân chúng ta đều có thể góp bàn tay và trí tuệ vào con đường tất yếu đó bằng sự khiêm tốn và trách nhiệm của một công dân nhỏ bé trước vấn nạn to như núi đang lì lợm cản đường thăng tiến của đất nước thân yêu.

Vũ Đông Hà

(1) http://vneconomy.vn
(2) http://www6.vnmedia.vn
(3)
http://postsbykami.multiply.com/journal/item/77
(5) http://boxitvn.blogspot.com
(4) http://freelecongdinh.wordpress.com

.

.

.

No comments: