Sunday, June 6, 2010

NHỮNG CHƯỚNG NGẠI CHO GIẤC MỘNG SIÊU CƯỜNG

Những chướng ngại cho giấc mộng siêu cường

Francesco Sisci

Trần Ngọc Cư dịch

07/06/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=20856

Bắc Kinh – Nhiều người Trung Quốc ước mơ rằng một ngày nào đó tổ quốc họ sẽ trở thành “số một”. Ước mơ này là chính đáng – như trong bất cứ cuộc chạy đua nào, ai cũng muốn giành phần thắng về mình; hay trong bất cứ cuộc cạnh tranh kinh tế nào, người ta đều muốn vượt qua đối thủ. Đây là một thuộc tính của chế độ tư bản, một hệ thống kinh tế đã lan tràn từ Phương Tây đến mọi quốc gia trên thế giới.

Trên chính trường quốc tế, cuộc cạnh tranh này có một thuộc tính tế nhị, liên quan đến các vấn đề quân sự nguy hiểm.

.

Liệu quân lực Trung Quốc có bắt kịp quân lực của Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) hay không? Và nếu có, thì khi nào? Nhiều nhà chiến lược Bắc Kinh đang tự vấn những câu hỏi này, mà động lực thúc đẩy tư duy của họ chính là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

.

Khi nền kinh tế Trung Quốc đủ mạnh, nó “đương nhiên” đủ sức gánh chịu những chi phí quân sự ngày một to lớn hơn, và như thế, đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ có một sức mạnh quân sự vượt trội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có nhiều nhược điểm cho lối suy nghĩ một chiều này. Một trong những nhược điểm đó có liên quan đến tiến bộ kỹ thuật: Trung Quốc đứng sau Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực công nghệ, và Trung Quốc khó mà bắt kịp được.

.

Hoa Kỳ có thể trở thành “số hai” về kinh tế, nhưng vẫn giữ được ưu thế công nghệ trong quân sự nhiều thập niên sau khi Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên, thậm chí Trung Quốc có bắt kịp về công nghệ quốc phòng đi nữa, người ta vẫn tự hỏi liệu Trung Quốc có đủ tự do tư tưởng cần thiết để có được những phát kiến trong lãnh vực nghiên cứu nhằm tạo ra một nền công nghệ đột phá và có hiệu năng cao, một nền công nghệ có khả năng biến Trung Quốc thành một gã khổng lồ trong lãnh vực quân sự như địa vị hiện nay của Hoa Kỳ.

.

Những vấn đề này là rất hiện thực, và biết đâu, Bắc Kinh đã có một số giải pháp. Tuy nhiên, các vấn nạn liên quan đến sự vươn dậy về mặt quân sự của Trung Quốc không thể được giải quyết đơn giản bằng các dự phóng về sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập niên tới.

.

Nhưng trước hết, chúng ta cứ giả thử rằng tăng trưởng kinh tế có thể lo liệu hết mọi việc. Chúng ta có thể nghĩ một cách đơn giản rằng trong vòng 20 năm nữa, GDP (tổng sản lượng trong nước) của Trung Quốc có thể vượt quá GDP của Hoa Kỳ. Khi đó, nhờ sức mạnh kinh tế mới mẻ này, quân lực Trung Quốc có thể ở vào một tư thế vượt trội quân lực Hoa Kỳ, một điều mà Trung Quốc nghĩ có thể xảy ra trong 10 năm hay 20 năm sau đó (tức khoảng 2040-2050). Tuy nhiên, thậm chí khi đó, tức vào giữa thế kỷ này, những thách thức quân sự mà Trung Quốc cần phải đối phó vẫn còn rất nhiều.

Trung Quốc vẫn là một nước đơn độc chống lại một liên minh gồm có Hoa Kỳ cộng thêm các nước Châu Âu, Nhật, Ấn Độ và nhiều nước Châu Á khác. Tất cả những quốc gia này có thể muốn liên minh với Hoa Kỳ hơn với Trung Quốc trong trường hợp có một cuộc đối đầu quân sự.

Một liên minh như thế sẽ tiêu biểu cho một thế lực công nghệ, quân sự và kinh tế lớn hơn Trung Quốc rất nhiều trong một tương lai có thể thấy trước được, ngay cả khi chúng ta phóng tầm nhìn đến cuối thế kỷ. Trung Quốc không thể nào tấn công tất cả các nước này trong cùng một lượt, và thực ra, trong những thập niên tới, Trung Quốc sẽ phải dựa nhiều vào sự can thiệp của Hoa Kỳ trong khu vực để làm giảm căng thẳng với các nước láng giềng.

.

Liệu Trung Quốc có thể trở nên hùng mạnh hơn Hoa Kỳ vào khoảng 2030-2040 rồi có thể thay thế luôn Hoa Kỳ trong mô hình liên minh rộng lớn này không? Ở một chừng mực nào đó, vâng Trung Quốc có khả năng này, nhưng trong trường hợp có một cuộc đối đầu quân sự thực sự, khả năng này không thể xảy ra vì tất cả mọi quốc gia đều lo sợ sự lớn mạnh của Trung Quốc. Sự thể cũng chỉ vì Trung Quốc là một cường quốc mới xuất hiện (a newcomer), và vì thế có những hành vi rất khó tiên đoán. Trung Quốc quá lớn, tăng trưởng quá nhanh, và quá “mới mẻ” đối với nền bang giao quốc tế hiện đại. Nhưng chủ yếu vẫn là, tất cả những quốc gia này đều lo sợ vì chính trị của Trung Quốc không minh bạch và Bắc Kinh thiếu công khai về tiến trình làm quyết sách của mình vì Trung Quốc thiếu dân chủ.

.

Ví như Trung Quốc có bao giờ trở thành “số một” chăng nữa, điều trước tiên mà Trung Quốc cần đến không phải là một quân lực hùng mạnh có kỹ thuật tiên tiến, nhưng là những đồng minh đích thực và những người bạn đích thực – không phải những người bạn như Bắc Hàn hay thậm chí như Pakistan, một quốc gia nếu bị bắt buộc phải chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tình thế hiện nay thì rất có thể vẫn sẽ chọn Hoa Kỳ. Muốn có bạn, Trung Quốc phải trở thành một quốc gia dân chủ, và mặc dù điều này chưa hẳn là một giải pháp toàn bộ, nhưng nó sẽ là một bước cần thiết.

.

Với tư thế hiện nay của Hoa Kỳ, con đường để Trung Quốc đi đến đài vinh quang nhất định phải kinh qua một thứ tương nhượng và thoả hiệp chính trị nào đó với Hoa Kỳ. Một khó khăn trong việc này là, Trung Quốc sẽ phải tạo một quan hệ hữu nghị mới mẻ với Hoa Kỳ mà không bỏ rơi các quốc gia khác.

Điều này có nghĩa là, Trung Quốc sẽ phải xây dựng quan hệ tốt với nhiều quốc gia vốn là bạn của Hoa Kỳ, cũng như tiếp tục xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ. Chỉ khi nào Trung Quốc có thể dệt được một mạng lưới phức tạp bằng những quan hệ chính trị mới mẻ, khi đó Trung Quốc mới thực sự có hi vọng trở thành “số một” về phương diện chính trị một thời gian sau khi đã trở thành “số một” về mặt kinh tế. Và khi đó Trung Quốc mới có thể đương nhiên thừa hưởng vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới và cả mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ.

Viễn tượng này đặt ra một số câu hỏi mở: Hiện nay Trung Quốc tăng cường quân sự vì mục đích gì? Liệu những vũ khí hiện đại của Trung Quốc sẽ thực sự được sử dụng để chiếm Đài Loan hay áp đặt quyền thống trị của Trung Quốc trong Biển Nam Trung Hoa [ta gọi Biển Đông, ND] hay không? Trong một tương lai có thể thấy trước, Trung Quốc có thể đạt được cả hai mục tiêu này, nhưng nếu việc này xảy ra, Trung Quốc sẽ tức khắc bị bóp nghẹt về chính trị cũng như kinh tế ngay sau khi chiếm đoạt hai vùng trên. Trung Quốc biết điều này khá rõ và cố tránh theo đuổi đường lối này, vì nó sẽ tức khắc chấm dứt mọi ước mơ của Trung Quốc.

.

Nhưng khuynh hướng hiện nay của Trung Quốc – không từ bỏ đe dọa quân sự đối với Đài Loan — được thúc đẩy bởi các lý do chính trị nội bộ: đó là sự thôi thúc của thành phần dân tộc chủ nghĩa, những người này không thực sự có ý niệm rõ ràng về phương cách để Trung Quốc có thể thực sự trở thành “số một”.

Chắc chắn là, giấc mộng trở thành “số một” của Trung Quốc cũng mang lại nhiều kẻ thù, trong đó có nhiều người tự nhận là người Trung Hoa. Chẳng hạn, trường hợp Mao Trạch Đông. Một số người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc kiểu mới coi Mao là vị anh hùng vĩ đại nhất của thế kỷ trước. Nhưng, 30 năm thí nghiệm chính trị của ông đã chặn đứng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Vào cuối Thế chiến II, GDP của Nhật Bản ngang hàng với GDP của Trung Quốc. Nếu ta dùng sự kiện này làm thước đo, với điều kiện không có Mao, GDP của Trung Quốc đã có thể tương đương với 2/3 GDP của Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1980. Một cách hiện thực hơn, nếu ta lấy GDP mỗi đầu người (GDP per capita) của Đài Loan làm thước đo cho tiềm năng phát triển GDP của cả nước Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc đã có thể vượt qua kinh tế Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1970.

.

Những dự phóng này có thể gây ra nhiều tranh luận nhưng lại là một thao tác trí tuệ hữu ích vì từ luận cứ này ta có thể nhận ra rằng, vì có Mao, Trung Quốc đã mất đi khoảng 50 năm phát triển. Như vậy, nhìn lại lịch sử, người ta có thể nói Mao là người bạn thân nhất của kẻ thù của Trung Quốc, và bây giờ vũ khí tốt nhất mà kẻ thù của Trung Quốc có thể phát minh sẽ là tạo ra một Mao thứ hai.

Suy nghĩ này có lẽ sẽ trở nên quan trọng trong hai năm tới đây, vì Trung Quốc đang chuẩn bị đưa vào vị trí quyền lực một loạt những nhà thống trị mới, xuất thân từ giai đoạn Mao-ít cực đoan (the ultra-Maoist experience). Rất có thể tất cả những nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản 2012 đã từng là Vệ binh Đỏ, như vậy họ có kinh nghiệm trực tiếp về những thảm bại của cái thời Trung Quốc mất thế đứng. Nhưng, biết đâu họ còn mang một não trạng Mao-ít rất quan trọng: “vô thiên, vô pháp” (“không có trời, không có luật”), chào đón mọi khả năng và dám làm bất cứ điều gì vì lợi ích cao nhất cho tổ quốc của họ.

Francesco Sisci là Biên tập viên Châu Á của nhật báo La Stampa (Ý).

Nguồn: “Superpower dreams interrupted”, Asia Times Online, 13.5.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments: