Saturday, June 5, 2010

NHÌN LẠI QUÁ KHỨ VÌ ĐẤT NƯỚC NGÀY MAI

Nhìn lại quá khứ vì đất nước ngày mai

Lê Quế Lâm
Đăng ngày 04/06/2010 lúc 07:50:58 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4852

Vừa rồi có một buổi ra mắt sách Tâm tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng và quyển Ngàn Giọt Lệ Rơi của bà Đặng Mỹ Dung. Cả hai tác phẩm đều ra mắt ngày Chúa Nhật 16/5/2010 và cùng nói đến nỗi đau thương chung của dân tộc khi Miền Nam lọt vào tay CS, nhưng nội dung khác nhau. Sách của T/s Hưng đề cập đến việc công, chuyện quốc gia đại sự. Còn sách của bà ĐMD nói về việc tư, chuyện một gia đình VN nhưng có liên quan mật thiết với lịch sử đất nước và vận mạng dân tộc.

Tâm tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là quyển sách thứ ba của T/s Nguyễn Tiến Hưng liên quan đến việc HK kết thúc chiến tranh VN. Quyển sách đầu, tác giả viết chung với ký giả Jarrold L. Schecter, tựa đề The Palace File (Hồ sơ Mật Dinh Độc Lập - HSM/DĐL) xuất bản năm 1986-1987. Sách đề cập nhiều đến HĐ Paris 1973 cùng 35 lá thư của TT Nixon và Ford gởi TT Thiệu, với lời cam kết HK sẽ trả đũa mãnh liệt nếu BV vi phạm hiệp định hoà bình. Song HK đã thất hứa, phản bội đồng minh. Mục đích của tác giả, viết “cho độc giả người Mỹ để họ hiểu rõ hơn về cuộc chiến VN và nhận thức được lý do quan trọng nào đưa tới sự sụp đổ của MN. Hai là để đóng góp vào việc soi sáng một phần nào cho lịch sử về cuộc bang giao Việt Mỹ. Lịch sử đó không thể chỉ để cho các tác giả HK hoặc ngoại quốc viết, hoặc do CS viết”.

Quyển thứ hai là Khi Đồng Minh Tháo Chạy, xuất bản năm 2005, mô tả việc HK “tháo chạy” như thế nào trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến VN. Sách này dựa vào một phần cuốn HSM/DĐL, được tác giả bổ sung bằng những phỏng vấn với các viên chức hữu trách về cả hai phía VNCH và HK; đặc biệt là TT Thiệu, TT Ford, NT Kissinger, tướng Haig, tướng Murray, các Tổng trưởng QP liên hệ như Schlesinger, Laird, Richardson và các viên chức cao cấp CIA. Riêng TT Nixon đã từ chối cuộc phỏng vấn vì lý do sức khoẻ. Mục đích của sách KĐMTC là để “cho người VN chúng ta rõ cung cách mà một số chính khách HK, đặc biệt là Kissinger và phần nào hai ông Nixon, Ford cũng như một số nghị sĩ, dân biểu với con mắt thiển cận, đã hành xử đối với nhân dân MN”.

Qua hai sách trên, T/s Hưng đã giúp TT Thiệu giãi bày để độc giả hiểu rõ thêm về việc ông lên án HK phản bội, bỏ rơi đồng minh trong diễn văn từ chức chiều ngày 21/4/1975. T/s Hưng là chuyên viên kinh tế, ông tự nhận không biết gì nhiều về quân sự chính trị, nhưng có cam đảm viết sách nặng về quân sự, chính trị để bênh vực TT Thiệu, chứng tỏ ông là người hết mực trung nghĩa, trong khi những người thuộc Hội đồng An Ninh Quốc gia như TT Khiêm và Tr/tướng Quang đến nay vẫn im tiếng. Cựu Tổng TMT/QLVNCH -Đ/tướng Cao Văn Viên cho biết sau khi HĐ Paris ra đời, những buổi họp về quân sự được tổ chức tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của tổng thống, tổng tư lệnh tối cao của quân đội, với sự có mặt của phó tổng thống, thủ tướng đương kiêm bộ trưởng QP và cố vấn an ninh quốc gia -Tr/tướng Đặng Văn Quang (Những ngày cuối của VNCH, tr. 272)

Chi tiết trên, khiến người viết nhớ lại, ngày 25/10/1972 Cảnh sát Đặc biệt tỉnh Quảng Tín tịch thu được một tài liệu tối mật của Quân khu 5 CS, chỉ thị các cấp thực hiện kế hoạch lấn đất giành dân vào ngày hiệp định hoà bình được ký kết 27/10/1972. Tr/tướng Trưởng Tư lệnh QĐ1 được lệnh TT Thiệu chuyển cấp tốc tài liệu về Sài Gòn. Người viết đã khai thác tài liệu trên, nội dung được trình lên Tổng TMT. Đ/tướng Viên bút phê trình thẳng phủ tổng thống. Sáng ngày 26/10/1972, Tr/tá CHT Trung tâm Khai thác Tài liệu hướng dẫn một đại uý và một trung uý đến Dinh Độc Lập. Nhờ đó, một trung uý như tôi được vinh dự ngồi vào chiếc bàn chữ nhật lớn của Hội đồng ANQG, đối diện với Tr/tướng Quang, trình bày về HĐ Paris. Trong khi trình bày, thấy có điểm gì quan trọng, Tr/tướng Quang thường ngắt lời “Các anh có báo việc này cho ông Viên chưa?”. Tôi còn nhớ nguyên văn, lệnh của ông “Sao ngay tờ trình này, tổng thống đang họp với mấy thằng nhỏ”.

Vì trung thành với TT Thiệu và xót xa vận nước khiến T/s Hưng đã cố công sưu tầm được nhiều tài liệu, kể cả một số vừa được giải mật được dẫn chứng trong ba quyển sách của ông. Những sách đó giúp độc giả có dịp thảo luận hoặc tìm hiểu thêm, để mỗi người có nhận định riêng của mình. Cá nhân tôi cũng có dịp phân tích những tài liệu đó, rồi tổng hợp với nhiều nguồn tin khả tín khác để phác hoạ ra toàn cảnh chung về một giai đoạn nhất định của lịch sử. Ngày trước, để giúp cấp chỉ huy nắm được tình hình mà hành động. Còn ngày nay, giúp người đọc có thể thấy được trong hoàn cảnh như vậy thì phải ứng xử ra sao.

HSM/DĐL được Đ/t Cao Văn Viên nhận xét “Cuốn The Palace File -ở những phần viết về QLVNCH; Bộ Tổng Tham Mưu; và về cá nhân tác giả (CVV)- chỉ là những tiểu thuyết có luận đề, và chỉ có giá trị như những tiểu thuyết không hơn không kém”. (Sđd, tr.268). Phần tôi, từng làm công tác nghiên cứu tài liệu, tôi nhận thấy nhận xét sau đây của T/s Hưng không đúng: “Đối với những người Việt miền Nam, bốn năm trời chiến đấu từ 1969 đến 1973 chẳng được đền bù gì cả, nếu căn cứ vào kết quả cuối cùng của cuộc thương thuyết này. Bản HĐ Paris trên căn bản, đã khôn khéo chứa đựng những điều khoản giống hệt bản đề nghị của BV từ tháng 5/1969”. Trong một trang khác, ông viết “Trong thời gian gần 4 năm mà Kissinger điều đình để có được hoà giải, máu đã tiếp tục đổ nhiều hơn: thêm 15 ngàn người Mỹ bị thiệt mạng và 100 ngàn người bị thương, trong lúc hàng trăm ngàn sinh mạng VN đã bị hy sinh. Rồi cuối cùng ông ta đạt được một bản hiệp định mà trong thực chất nó giống y hệt bản hiệp định mà CS đã đưa ra gần 4 năm trước đó, hồi tháng 5/1969” (HSM/DĐL, tr 270 & 602).

Tác giả còn liệt kê “Kế hoạch 10 điểm của BV ngày 9/5/1969” để đối chiếu với 22 điều của HĐ Paris 1973 (Sđd, Phụ lục B, tr. 740-749). Thật ra, đó là “Giải pháp toàn bộ 10 điểm của MTGPMN” chớ không phải của BV, được Lê Duẩn trích đăng trong quyển Bốn mươi lăm năm hoạt động của Đảng Lao Động Việt Nam (Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 144-145).

Lập trường 10 điểm của MTGPMN được Trần Bửu Kiếm trưởng đoàn đầu tiên của MTGP công bố tại hội nghị bốn bên ở Paris hồi giữa tháng 5/1969. Trong đó có điểm 4: “Nhân dân MNVN tự giải quyết công việc nội bộ của mình, không có sự can thiệp của nước ngoài” từng khiến phái đoàn BV sửng sốt vì nó phù hợp với chủ trương của HK, trong khi lập trường của Hà Nội là “Công việc MNVN do nhân dân MNVN giải quyết theo cương lĩnh của MTGPMN” (Phạm Văn Đồng, Thắng lợi vĩ đại, tương lai huy hoàng. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 170) Ngay sau đó, Trần Bửu Kiếm bị thay thế bởi bà Nguyễn Thị Bình.

Hai điểm mà TT Thiệu sợ nhất: một thể chế trung lậpmột chính phủ liên hiệp sẽ thành hình ở MNVN sau khi hiệp định ra đời. Nhưng trong HĐ Paris 1973 không có điều khoản nào nói đến trung lập, như nội dung điểm 5 và 6 trong giải pháp toàn bộ 10 điểm của MTGPMN. Cũng không có điều khoản nào nói đến một chính phủ liên hiệp, như nội dung điểm 5 của MTGPMN.

Ngoài ra có sự khác biệt quan trọng là điểm 3 trong giải pháp toàn bộ 10 điểm của MTGPMN ghi rằng: “Quyền của nhân dân Việt-nam chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mình là quyền tự vệ thiêng liêng bất khả xâm phạm” đã được thay thế bằng Điều 9 trong HĐ Paris 1973:

a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị miền Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế.
c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam”.

Như thế không thể bảo là hai bản văn giống y hệt nhau. CSBV đã dựa vào điểm 3 trong giải pháp toàn bộ 10 điểm của MTGPMN để biện minh cho sự can dự của bộ đội BV vào MN “để chiến đấu bảo vệ tổ quốc mình”. Điểm này đã bị bác bỏ. Trái lại nội dung điều 9 của HĐ Paris, minh chứng sự can thiệp của HK vào Nam VN là tạo cơ hội giúp người dân Nam VN hành xử quyền thiêng liêng bất xâm phạm của họ, là quyền tự quyết định tương lai chính trị của MNVN. Đó là cơ sở để chấm dứt chiến tranh, như phần mở đầu của HĐ đã nêu rõ, vừa là nền tảng giúp nhân dân VN xây dựng thể chế dân chủ tự do.

Đọc quyển HSM/DĐL tôi cứ ưu tư. Sách đề cập nhiều đến HĐ Paris 1973, nhưng dẫn chứng trên đây cho thấy Dinh Độc Lập, hay là tác giả Nguyễn Tiến Hưng, không hiểu HĐ Paris 1973 và cũng không hiểu HK đã làm gì cho VNCH. Vậy phải chăng, đó là bí mật của Dinh Độc lập, được T/s Hưng bật mí, hay tác giả tự thú nhận một điều ông không hiểu? Cũng nên nói thêm là nội dung mấy chục lá thư của TT Nixon gởi TT Thiệu không có gì bí mật cả. Đó là những khuyến cáo, thuyết phục, hứa hẹn của ông Nixon với ông Thiệu, chỉ vì quyền lợi hỗ tương của hai cá nhân đó mà thôi. Trong đó, Nixon yêu cầu TT Thiệu cùng với ông thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, nếu BV vi phạm, HK sẽ trả đũa mãnh liệt. Nếu TT Thiệu đưa các thư đó ra bàn thảo tại Hội đồng ANQG hoặc Quốc hội, chắc chắn cụ Hương, các tướng Khiêm, Quang và chủ tịch lưỡng viện QH sẽ lưu ý ngay điều đó.

Những lời hứa của Nixon có thể tin được. Vì hoà bình, ông đã ra lệnh rải mìn phong tỏa cảng Hải Phòng, Hà Nội ngày 8/5/1972, để ngăn chận nguồn tiếp tế của khối CS cho BV. Hành động này có thể khiến Brezhnev đình hoãn cuộc họp thượng đỉnh với Nixon vào cuối tháng 5/1972. Nhưng Nixon bất cần, hoà bình VN là ưu tiên số một của ông. Đến mùa Giáng sinh 1972 ông ra lệnh B52 oanh tạc Hà Nội Hải Phòng để kết thúc chiến tranh VN trước khi mãn nhiệm kỳ ngày 20/Giêng/1973. Do đó, nếu hiệp định hoà bình bị BV vi phạm, Nixon lúc chưa bị Quốc hội tước “quyền tuyên bố chiến tranh”, ông sẽ dùng sức mạnh để thực hiện mục tiêu hoà bình của mình. Rất tiếc, chủ trương của TT Thiệu là tiếp tục chiến tranh, nên ông phải giấu kỹ những lá thư của Nixon. Mãi đến phút cuối, ông mới tuyên bố “nếu tôi là nhân tồ cản trở hoà bình, tôi xin từ chức để có hoà bình”. Lúc đó đã quá muộn.

Còn KĐMTC ra sao? Từ tháng Tám 1969, HK đã tuần tự rút quân khỏi Nam VN theo một lịch trình sắp sẵn. Cuối tháng Ba/1973, những đơn vị Mỹ cuối cùng làm lễ cuốn cờ rời VN, Bộ Tư lệnh MACV chính thức giải tán. Hạ tuần tháng Tư 1975, đích thân TT Ford gọi điện báo cho Tổng Bí thư Brezhnev, yêu cầu LX thông báo cho BV: hãy để HK rút lui trong an toàn. Chỉ có Đồng minh của HK mới tháo chạy khi TT Thiệu ra lệnh rút bỏ Vùng I và II. Khi Cộng quân tiếp cận Sài Gòn, đồng minh của Mỹ tháo chạy đến Toà Đại sứ Mỹ khiến Đ/sứ Martin phải lo sắp xếp việc di tản trong rối loạn. Còn phần Mỹ, chỉ cần vài chục chuyến trực thăng là sẽ bốc hết người Mỹ khỏi Sài Gòn trong vòng vài giờ là xong.

T/s Hưng về nước tham chính từ tháng Năm 1973, ông chỉ trình bày cái ngọn của vấn đề VN trong thời gian MN sắp rơi tay CS, mà không nói rõ cái gốc. VNCH mất có thể ví như một người thân yêu trong gia đình qua đời vì chứng bệnh nan y. Con cháu đổ lỗi cho thầy thuốc bất nhân, không tiếp tục chữa trị, lại còn nhẫn tâm rút ống dưỡng khí. Bà con lối xóm tiếc thương nên cũng có ý nghĩ thầy thuốc vô nhân đạo. Có mấy ai chịu nghĩ, thầy thuốc đã chẩn bệnh và đã thấy căn bệnh từ đầu. Nhưng người bệnh không theo cách chữa trị của thầy thuốc.

Thầy thuốc của VNCH là HK. Từ sau HĐ Genève 1954, họ đã thấy mầm mống căn bệnh. Vi trùng CS chỉ phát triển trong môi trường xã hội bất công, nên lúc đầu HK yểm trợ VNCH phát triển kinh tế và xây dựng quân đội để tự vệ. Năm 1960 MTGP ra đời, HK yêu cầu TT Diệm cải tổ chính trị, đoàn kết quốc gia; đồng thời gởi cố vấn quân sự đến giúp MN chống du kích CS. Cộng quân ngày lớn mạnh, khi MN bên bờ vực của sự sụp đổ, HK đưa hơn nửa triệu quân đến MN trực tiếp chiến đấu chống quân BV. Từ sau trận tổng tấn công Tết Mậu Thân, Cộng quân bị thiệt hại nặng nề phải chạy sang bên kia biên giới Miên. HK trao trả trách nhiệm lại cho VNCH, bình định nông thôn để thực hiện chương trình “Ngày Cày Có Ruộng”. Đại đa số những tiểu điền chủ mới là những nông dân đang trực canh; vì bám ruộng để mưu sinh, con cháu họ bị CS bắt làm du kích, bổ sung vào bộ đội, phần lớn đã tử trận. Sự hy sinh của họ, nay được chính phủ VNCH đền bù xứng đáng.

Từ 1969, HK bắt đầu rút quân và áp lực Hà Nội chấm dứt chiến tranh. HĐ Paris 1973 ra đời, trong bối cảnh thuận lợi nghiêng về chính phủ VNCH. TT Nixon tin tưởng VNCH sẽ chiến thắng CS bằng chính trị qua HĐ Paris nên mời TT Thiệu đến San Clémente (đầu tháng 4/1973), khuyến cáo VNCH thành lập Hội đồng Quốc gia Hoà giải Hoà hợp Dân tộc để tiến hành cuộc tuyển cử tự do. Tháng 5/1973, Nixon chỉ thị Kissinger trở lại Paris gặp Lê Đức Thọ để cải thiện việc thi hành HĐ Paris. Hai bên đã ký bản Tuyên cáo chung ngày 13/6/1973, cam kết sẽ nghiêm chỉnh thi hành hiệp định.

Cùng ngày 13/6/1973, TT Nixon gởi lá thư cuối cùng đến TT Thiệu:

“Nếu Ngài tiếp tục từ chối (bản Tuyên cáo chung) thì coi như Ngài khước từ toàn bộ chính sách của tôi vẫn hằng ủng hộ Ngài, quí chính phủ và quí quốc…Chẳng cần phải nói dài dòng, nỗ lực của chúng tôi trên toàn cõi Đông Dương sẽ chấm dứt. Tôi coi sự lựa chọn của Ngài như chống đối sự phán đoán và cam kết của chính bản thân tôi. Đây là vấn đề giữa tôi và Ngài. Sự lựa chọn là do Ngài”. (HSM/DĐL, tr. 342)

Kế hoạch hoà bình của Nixon bất thành. Ngày 9/8/1974 Nixon từ chức. Ngày 21/4/1975 TT Thiệu tự nhận mình là nhân tố cản trở hoà bình, nên từ chức. Chín ngày sau, MN lọt vào tay CS.

Người xưa có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Đất nước hưng thịnh, người có trách nhiệm càng lớn, công càng to, bổng lộc càng nhiều. Đất nước suy vong, mọi người đều có tội, ai có trách nhiệm lớn, tội càng nặng. Con người vốn ‘tham sinh uý tử”, mình không dám chết, thì cũng đừng đòi người khác phải chết khi nước mất. Hãy để họ tự xử giữa cái vinh và cái nhục: “danh lưu sử sách muôn đời” hoặc “lưu xú vạn niên”. Không nhận lỗi mà còn đổ cho người khác thì càng tệ hơn. Và cũng đừng tự mãn vì những lời hối tiếc của các cựu viên chức HK. Họ đã thắng chiến tranh lạnh, giờ còn “giả nhân giả nghĩa”. Còn kẻ làm mất nước lại không biết hối hận hay sao?

Đổ lỗi cho Mỹ và thù hận Mỹ nhưng thù hận ai? Là những người phản chiến? vì họ đòi chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh, để con em họ khỏi chết nữa, để họ khỏi đóng nhiều thuế nữa… Điều đó có đáng lên án không? Giả thử, hồi cuối thập niên 1970 khi thanh niên VN bị đưa sang chiến đấu ở Kampuchia, nếu MN có dân chủ như Mỹ, thì đồng bào ta sẽ hành xử ra sao? Đổ lỗi cho TT Nixon? Ông ta đã tận lực giúp VNCH nhưng vì TT Thiệu đã “chống đối sự phán đoán và cam kết” của ông, nên đành bất lực, đã từ chức làm sao còn giúp VN được nữa. Đổ lỗi cho TT Ford? Ông ta có cam kết gì đâu với TT Thiệu! Đổ lỗi cho Quốc hội Mỹ? Quốc hội do dân bầu, người dân đòi chấm dứt chiến tranh. VN đã có hoà bình, viện trợ tất nhiên phải giảm dần, từ 2,2 tỷ năm 1973 xuống còn 1, 26 tỷ năm 1974…để VNCH thấy đó mà tính toán, tự lo liệu số phận của mình.

Đổ lỗi cho Mỹ không ích lợi gì cả. Bắc Kinh đã lên án CSVN là phường vong ân bội nghĩa, đồng bào trong nước hiện đang gánh chịu sự phản bội này. Còn những người thuộc hàng ngũ Quốc gia cứ đổ lỗi cho Mỹ rồi thù hận mà quên đi 6 vạn binh sĩ Mỹ đã chết và hơn 30 vạn bị thương tật tại chiến trường VN với chiến phí lên đến mấy trăm tỷ đô la. Đó có phải là hành động vong ân hay không? Một dân tộc toàn là phường vong ân phản bội thì số phận của dân tộc đó sẽ ra sao? Ai cũng có thế đoán được.

VNCH mất, nhưng dân tộc còn. Phải nghĩ đến đất nước ngày mai! Người Việt Quốc gia còn trách nhiệm đối với đồng bào cả nước, sứ mạng mang lại dân chủ tự do cho dân tộc chưa hoàn thành! Vì ưu tư đó, tôi trông chờ được nghe Tâm Tư TT Thiệu với kỳ vọng tâm tư của ông khác xa những gì mà T/s Hưng trình bày trong hai quyển BMDĐL và KĐMTC.

Tâm tư thường là nỗi lòng thầm kín, chỉ thố lộ với vợ con hoặc những cộng sự viên thân tín như Đ/tướng Khiêm hoặc Tr/tướng Quang biết được mà thôi. Họ là những người từ trước đến nay luôn im hơi lặng tiếng. Nay mới lên tiếng, chỉ vì họ từng được TT Thiệu bày tỏ nỗi lòng ít nhiều qua các buổi tâm tình, luận bàn chuyện cũ. Tâm tư đó, phải khác với những gì ông đã làm hoặc những gì được người khác nói thay cho ông. Nỗi niềm đó hàm chứa sự cay đắng, hối tiếc lẫn ân hận khi nhìn lại quá khứ. Tôi xin nêu vài thí dụ:

* HĐ Paris 1973: TT Thiệu đã chống nó quyết liệt, nhưng ở tuổi cuối đời, phải chăng ông đã thấy giá trị của nó? Vì thế năm 1993 ông đã gởi thơ đến Tổng Thư Ký LHQ –ông Boutros Boutros Ghali, yêu cầu LHQ thi hành HĐ Paris 1973.

* Lập trường 4 không: Nếu TT Thiệu không khăng khăng với lập trường này, bớt đi một vài cái “không”, ông có thể điều hành đất nước một cách uyển chuyển tùy theo tình thế chuyển biến. Chẳng hạn, khi HĐ Paris ra đời, ông nghe khuyến cáo của Nixon, thành lập Hội đồng Quốc gia Hoà giải Dân tộc, tổ chức cuộc tuyển cử bầu Quốc hội Lập hiến cho MN. Với uy tín lớn, ông dễ dàng được đồng bào tín nhiệm, tiếp tục lãnh đạo MN. Ông sẽ dành một số ghế trong chính phủ cho MTGP để thể hiện việc hoà giải của người lãnh đạo quốc gia. Ông đã bỏ qua cơ hội thuận lợi. Đến tháng Ba/1975 tình thế cũng chưa đến đổi tuyệt vọng, MN vẫn còn cơ may sống còn

* Việc rút bỏ Vùng 1 và 2: Sau khi mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu triệu Tr/tướng Ngô Quang Trưởng về Dinh Độc Lập. Ông vạch một đường thẳng ngang tỉnh Phú Yên, tuyên bố đó là ranh giới mới của MN tự do và ra lệnh tướng Trưởng bỏ Vùng 1 Chiến thuật, rút lực lượng TQLC và ND về phía Nam. Hôm sau ông đến Cam Ranh ra lệnh tướng Phạm Văn Phú rút bỏ Cao nguyên, đưa Sư đoàn 22 và 23 BB về vùng duyên hải để thực hiện chiến lược trên. Việc điều động các đại đơn vị kể trên được coi như hành động chuẩn bị để tái chiếm Ban Mê Thuột. Nhưng thực chất là để củng cố phần đất từ Phú Yên trở vào. Khi việc chuyển quân hoàn tất, TT Thiệu tuyên bố thẳng với HK và Hà Nội là VNCH muốn ngưng bắn thực sự với ranh giới hẳn hòi chớ không mập mờ như kiểu da beo. Vì thế VNCH chấp nhận cho MTGP tạm thời quản lý một nửa lãnh thổ phía bắc. Hai bên ngưng bắn tức khắc, chính phủ hai bên MN sẽ tiến hành ngay việc đàm phán, giải quyết vấn đề nội bộ MN theo tinh thần HĐ Paris.

Nếu không kẹt vì “lập trường bốn không” của mình, TT Thiệu nói thẳng thế chiến lược mới của quốc gia là như vậy và chắc chắn hai tướng Phú và Trưởng đã thi hành nghiêm chỉnh, miền Trung đã không hỗn loạn khiến phải mất nước.

* Việc TT Thiệu định cư ở HK: Do yêu cầu của TT Ford, ông Thiệu phải tạm sống ở Đài Loan và Anh Quốc. Nhưng từ đầu thập niên 1980, đã có cả triệu thuyền nhân VN đến định cư ở Mỹ. Khi kế hoạch giải quyết vấn đề thuyền nhân của Cao Uỷ tị nạn LHQ chấm dứt, HK mở ra chương trình ODP và HO để trực tiếp đón nhận thêm người VN. Điều đó cho thấy, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, dù trước hay sau 1975, chính phủ Mỹ luôn mở rộng vòng tay cứu giúp VN. Nước Mỹ là nơi tập trung nhiều người Việt định cư, ông Thiệu từng là lãnh tụ VNCH, ông nên dẹp bỏ tự ái và định kiến cá nhân, mà vì lợi ích chung, đến sống ở Mỹ để chứng tỏ ông thù hận Mỹ mà biết ơn nghĩa cử của họ đối với đồng bào của ông.

TT Thiệu còn là biểu tượng của VNCH, một thời đã cùng các nước đồng minh Thế giới Tự do chiến đấu chống CS, không những cho VN mà cho cả TGTD. Sự thất thủ của MN tự do là điều bất hạnh của dân tộc VN. Nhưng lại tạo ra điều kiện thuận lợi khiến CS Liên Xô sụp đổ. Sự hy sinh của VNCH không phải vô ích. TT Thomas Jefferson cũng là tác giả Bản Tuyên ngôn Độc lập HK, đã nói “Cây tự do phải luôn được vun bồi qua thời gian bằng máu những người yêu nước (yêu tự do) và máu của những bạo chúa độc tài” (The tree of liberty must be refreshed from time to time with the blood of patriots and tyrants).

Những tâm tư đại khái như vậy, có thể đã nảy sinh qua các buổi tâm tình giữa ba ông Thiệu, Khiêm, Quang, chớ không cần phải dông dài, trích dẫn những tài liệu mật đã hết mật. Tâm tư đó xuất phát từ nỗi bất hạnh của dân tộc với sự hối tiếc chân thành của những người đã lãnh đạo đất nước. Điều này có ích hơn là thù hận Mỹ. Tôi tin, rồi đây hai ông Khiêm và Quang sẽ phải lên tiếng khi T/s Hưng đề cập đến hai cái lệnh của TT Thiệu về việc rút bỏ Cao Nguyên, trong khi dư luận từ trước đến nay chỉ nghe có một lệnh duy nhất của TT Thiệu. Ngày nay, chỉ còn hai nhân chứng còn sống là cựu Đ/t Khiêm và cựu Tr/tướng Quang, T/s Hưng đặt vấn đề là họ “có đủ can đảm mà nói lên sự thật” hay không.

Tôi không kỳ vọng nhiều vào quyển Tâm Tư TT Nguyễn Văn Thiệu dài 700 trang của T/s Hưng. Sách chưa được đọc, nên tôi không dám có ý kiến. Tuy nhiên qua phỏng vấn của Đinh Quang Anh Thái trên báo
Người Việt, cùng những lời giới thiệu trên mạng của tác giả, tôi cảm thấy có nhiều điều không ổn.

ĐQAThái hỏi “Tại sao TT Thiệu không công bố những lá thư TT Nixon đã viết cho ông Thiệu cam kết HK sẽ đổ quân vào VN nếu CSBV xé bản hiệp định để xâm chiếm MN?”. Việc HK đổ quân vào VN chính là tâm tư, điều mong muốn lớn nhứt của TT Thiệu hồi tháng Ba và tháng Tư/1975. Vì thế, ông đã có những quyết định quá liều lĩnh dẫn đến sự sụp đổ của MN tự do. Nhưng TT Nixon không hề cam kết như vậy. TT Thiệu đã trao tất cả các thư của Nixon cho T/s Hưng. Ông không được vòng vo, mà phải thành thật, trả lời thẳng: Không có lá thư nào của TT Nixon viết rằng “HK sẽ đổ quân vào VN”. Có lẽ ông Hưng chưa đọc hết các thư đó mà chỉ nghe TT Thiệu nói.

ĐQA Thái còn hỏi “Lý do nào TT Thiệu lại không đi Mỹ mà lại chọn Anh Quốc để lưu vong?” T/s Hưng trả lời: “Lúc ông Thiệu sang đến Đài Loan thì TT Ford -mà tôi cho là ông Kissinger đứng đàng sau- cử một đặc sứ sang để nói với ông Thiệu, không nên sang Mỹ tại vì phong trào phản chiến còn mạnh lắm, sang Mỹ ông sẽ gặp phiền phức. Ông Thiệu đau đớn lắm, họ nói như vậy thì ông cũng chẳng thèm sang Mỹ nữa và ông quyết định sang nước Anh…Đến năm 1986, có lẽ TT Reagan rất quý mến ông, và phải đến nhiệm kỳ thứ hai, khi ông Reagan ngồi chắc trên “lưng voi” rồi thì ông mới dọn sang Mỹ”.

Người viết nghĩ rằng, việc làm của TT Ford không dính dáng gì đến Kissinger, ông chỉ tế nhị, không muốn thấy hai cựu TT Nixon và Thiệu đau buồn vì vụ VN. Cả hai là đồng minh thân thiết trong chiến tranh, nhưng đối nghịch khi hoà bình được tái lập. Hậu quả là cả hai đều từ chức, mục tiêu chung vì sự tồn tại của Nam VN như là một nước tự do cũng đã thất bại. T/s Hưng giải thích là ông Thiệu giận lẫy TT Ford nên “chẳng thèm đến Mỹ” nhưng sau đó chỉ vì lý do “có lẽ” TT Reagan rất quý mến ông và đến khi Reagan ngồi chắc trên “lưng voi” rồi, ông mới dọn sang Mỹ. Tôi thực không hiểu ý T/s Hưng muốn nói gì? Nếu TT Reagan vì rất quý mến nên đã gởi thơ mời ông Thiệu dọn sang Mỹ, thì có thể hiểu được.

Trong phần hai đề cập đến Tâm tư về Đồng minh, T/s Hưng đi đến kết luận là “bốn năm hoà đàm để đưa đến HĐ Paris năm 1973 chỉ là hư ảo - vô ích!” Nhận xét này chứng tỏ tác giả dù sống lâu ở Mỹ, tốt nghiệp và dạy đại học ở Mỹ, song không hiểu gì về HĐ Paris và thiện chí của Mỹ đối với VNCH. Chiến lược của HK là không mưu tìm chiến thắng quân sự ở VN. Vì thế, từ 1969 đến 1973, TT Nixon đã nỗ lực kết thúc chiến tranh VN theo như đòi hỏi của nhân dân Mỹ, vừa giúp VNCH giành thắng lợi về mặt chính trị trong thời bình, bằng HĐ Paris 1973. Nhận định trên của T/s Hưng không những đã phủ nhận công lao QLVNCH và Đồng minh, mà còn phản bội sự hy sinh của trên 30 vạn tử sĩ và hơn 60 vạn thương phế binh. Trong khi tác giả du học thành tài, về nước giữ chức vụ cao, hưởng bổng lộc lớn.

Nếu MN tự do rơi vào tay CS -chỉ vì TT Thiệu thi hành HĐ Paris, chấp nhận tham gia cuộc tuyển cử tự do và đã thua CS- thì T/s Hưng có lý do chỉ trích HĐ Paris. Trái lại, phủ nhận công lao chiến sĩ, muốn tiếp tục chiến tranh. Hàng chục vạn binh sĩ VNCH lại chịu thương vong để chống hiệp định và để… mất nước. Nước mất, quyền lợi không còn, có lẽ nào vì tiếc nuối quá khứ vàng son, lại đổ tội cho Nixon và cho HĐ Paris là hư ảo, vô ích?

Cựu TT Thiệu đã hai lần nói với T/s Hưng “Je suis responsible mais pas coupable” (Tôi có trách nhiệm nhưng không có tội). Không có tội, vì VNCH đã bị Mỹ phản bội, ông không muốn nhắc lại chuyện cũ nữa. Ông đã tâm tình với T/s Hưng: “Tôi nói thật với anh, Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng có vạch áo cho người xem lưng, đừng có bêu xấu nhau nữa, người ta cười cho”. Rõ ràng “cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng”, T/s Hưng cố chứng minh “Mỹ phản bội” lại vô tình đã vạch áo cho người ngoài thấy cái trí của người lãnh đạo, cái tâm tư suy nghĩ của vị lãnh tụ quốc gia cũng quá tầm thường. Sách chẳng giúp ích gì cho cố TT Thiệu mà còn tai hại cho đất nước ngày mai.

Cuối cùng, tôi xin mượn chuyện “trà dư tửu hậu” để kết thúc bài viết. Thứ sáu vừa qua, tôi được anh Miêng -Hội trưởng hội Thân hữu Cao niên VN (Sydney) đưa đến thăm cựu Đ/tá Thọ, đường 9 Nam Lào năm 1971. Cùng đi có các anh Quý, Đức, Chung đều là thân hữu của ông Thọ, riêng tôi lần đầu tiên được gặp ông. Sau khi hỏi thăm nhau sức khoẻ, tôi hỏi ông: Đ/tá đã tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719, có người nói HK muốn dùng cuộc hành quân này để thử nghiệm khả năng của QLVNCH về VN hoá chiến tranh, đ/tá nghĩ sao? Ông Thọ đáp ngay: HK không thử nghiệm, không VN hoá chiến tranh gì cả. CS có xe tăng, còn Mỹ thì không yểm trợ ta vũ khí chống tăng. HK đâu có muốn mình thắng! Họ đã có chủ trương về VN từ lâu…từ sau thế chiến thứ hai.

Nghe nói từ sau thế chiến hai, tôi thấy dài dòng quá, nên chuyển đề tài nói về CSVN sau 1975: Tự hào thắng Mỹ lại đem đất nước tùy thuộc LX để bị TC lên án là phản bội, dạy cho bài học. Còn TC khôn ngoan, nhờ Mỹ, Nhật và Tây phương giúp họ “hiện đại hoá TQ”. Giờ đây TC phát triển mạnh về kinh tế, họ cho Mỹ vay, giúp Mỹ giải quyết nạn kinh tế khủng hoảng. TC coi như mạnh nhưng lại yếu, vì lệ thuộc Mỹ. Còn điều nghịch lý nữa, CSVN ngày nay hợp tác toàn diện với TC nhưng lại bị TC xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của VN. Trong khi HK tuyên bố ủng hộ Hà Nội bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, đó là nội dung điều 1 của HĐ Paris mà HK đã ký với Hà Nội năm 1973. Nghe đến đó, ông Thọ cười lớn và nói: như thế thì rõ ràng là VN làm chủ nhưng TC quản lý còn lãnh đạo là HK. Tôi liền góp chút ý để chấm dứt câu chuyện: “Quản lý gì mà tham lam thâm độc quá, chắc ông chủ phải bỏ thôi. Còn lãnh đạo, thấy người quản lý có quá nhiều tham vọng muốn lấn chủ, sản xuất hàng dỏm, lại không có dân chủ, chắc cũng phải tìm quản lý mới. Có vẻ Mỹ đang chú ý tới Ấn Độ, quốc gia có nền dân chủ lâu dài, dân trí cũng cao, dân số lại nhiều không thua gì TC.

Đ/tá Thọ nhận xét khá dí dóm về làm chủ, quản lý và lãnh đạo! Dí dỏm nhưng hữu lý, cầu mong đó là sự thật.

Sydney (Australia ), 01/06/2010
Lê Quế Lâm

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: