Wednesday, June 23, 2010

NHÀ VĂN và BÓNG ĐÁ

Nhà văn và bóng đá {I}

Galeano, Eduardo

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

22.06.2010

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=42D219D7823068327D660213045BE6AB?action=viewArtwork&artworkId=10806

[Xem tiểu sử Eduardo Galeano]

Chắc hẳn trong giới văn chương có nhiều người mê bóng đá, nhưng có lẽ nhà văn Eduardo Galeano là một trong những “fan” nổi danh nhất. Bên cạnh những tác phẩm văn chương lừng lẫy, ông đã viết cuốn El fútbol a sol y sombra [“Túc cầu dưới mặt trời và trong bóng tối”], một cuốn sách diễn tả niềm say mê của ông đối với môn bóng đá, ghi lại những cảm nghĩ và kinh nghiệm của ông từ vị trí của một khán giả đã theo dõi môn chơi này suốt cả cuộc đời.

Mở đầu cuốn sách, Eduardo Galeano viết:

Những trang sách này xin tặng cho những đứa trẻ — những người, cách đây nhiều năm, tôi đã từng gặp ở Calella de la Costa. Họ đã chơi bóng đá và đã hát rằng:

Thắng, hay thua,

đều sướng như vua...

Trong không khí nhộn nhịp của Giải Bóng Đá Thế Giới 2010, người dịch xin gửi đến độc giả một số chương trích từ cuốn sách kỳ thú của Eduardo Galeano. Sách dày hơn 250 trang, gồm những chương ngắn gọn nhưng đầy thi vị. Dưới đây là hai chương đầu tiên. Bản dịch tiếng Việt của mỗi chương được đăng kèm với băng ghi âm chính tác giả Eduardo Galeano đọc nguyên tác tiếng Tây-ban-nha.

LỜI TRẦN TÌNH CỦA TÁC GIẢ

Giống như tất cả những đứa trẻ ở xứ Uruguay, hồi còn bé tôi đã ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Tôi chơi rất khá, phải nói là tuyệt vời, nhưng chỉ vào ban đêm khi tôi đang say ngủ. Vào ban ngày thì tôi là cái cẳng gỗ duy nhất chạy trên những sân bóng đá ở xứ tôi.

Như một kẻ mê xem bóng đá, tôi cũng có rất nhiều điều mơ ước. Hồi ấy Juan Alberto Schiaffino và Julio César Abbadie chơi cho đội Peñarol, đội của phe địch. Tôi là một fan trung thành của đội Nacional và tôi đã tìm mọi cách để thù ghét họ. Nhưng với những cú giao bóng bậc thầy, el Pepe Schiaffino đã dàn trận cho những cuộc chơi của đội Peñarol như thể ông đang theo dõi họ từ toà tháp cao nhất của sân vận động, và el Pardo Abbadie, chạy bằng đôi hia bảy dặm, đã dẫn bóng xuống tận lằn vạch trắng ở cuối sân, mặc sức tung hoành mà chẳng thèm nhìn vào trái bóng, chẳng thèm ngó các đối thủ. Tôi không thể nào mà không ngưỡng mộ họ, và thậm chí tôi còn muốn reo lên để tán thưởng họ.

Nhiều năm đã trôi qua và cuối cùng tôi đã biết chấp nhận mình như là chính mình: một kẻ hành khất cầu xin được xem các trận đấu bóng hay. Tôi đi lang thang trên thế giới, chìa bàn tay ra, và trong các sân vận động tôi van vỉ:

— Xin Trời ban cho một cuộc chơi đẹp mắt!

Và khi một trận bóng tuyệt vời diễn ra, tôi cảm ơn phép lạ và tôi chẳng cần biết đội nào hay nước nào chơi trong trận ấy.

[Bấm vào đây để nghe

Eduardo Galeano đọc “Lời trần tình của tác giả”

bằng tiếng Tây-ban-nha]

BÓNG ĐÁ

Lịch sử của bóng đá là một hành trình đi từ cái đẹp đến nhiệm vụ được giao phó. Khi môn thể thao này đã biến thành kỹ nghệ, thì cái đẹp sinh ra từ niềm vui của cuộc chơi đã bị nhổ tróc rễ. Trong cái thế giới cuối thế kỷ hai mươi này, môn bóng đá chuyên nghiệp đã chê trách tất cả những gì vô dụng, và vô dụng có nghĩa là không sinh ra lợi nhuận. Chẳng có ai kiếm chác được gì từ cái cảm giác điên rồ đã biến một người đàn ông thành một đứa trẻ chơi với trái bóng, như một con mèo chơi với một cuộn chỉ; một vũ công ballet nhảy múa với một khối cầu nhẹ như quả bong bóng hay một cuộn len; chơi mà thậm chí không biết mình đang chơi, chơi không cần mục đích, không cần đồng hồ, không cần trọng tài.

Cuộc chơi trở thành ngoạn mục, với một vài người đóng vai chính và nhiều người dự khán. Bóng đá là để cho người ta nhìn ngắm. Và sự ngoạn mục ấy đã trở thành một trong những thương vụ sinh ra lợi nhuận nhiều nhất trên thế giới. Vì thế nó được tổ chức không để chơi cho vui, nhưng để xoá bỏ cái tâm lý chơi cho vui. Tính kỹ trị của thể thao chuyên nghiệp đã tạo ra một kiểu bóng đá với tốc độ chóng mặt và sức mạnh dã man, một kiểu chơi đầy tính toán, phủ định niềm hoan lạc, giết chết óc lộng tưởng và gạt bỏ sự liều lĩnh.

May thay, trên sân bóng, bạn vẫn còn thấy, dù chỉ thỉnh thoảng, một vài kẻ táo tợn ngông cuồng dám bất chấp sách vở, một mình dẫn quả bóng xuyên qua cả trận đồ của đối phương, làm sửng sốt cả trọng tài và đám đông trên khán đài, tất cả chỉ vì niềm hoan lạc dấn thân vào cuộc phiêu lưu bị cấm đoán, để đạt đến sự tự do.

[Bấm vào đây để nghe

Eduardo Galeano đọc “Bóng đá”

bằng tiếng Tây-ban-nha]

------------

Dịch từ nguyên tác “Confesión del autor” và “El fútbol”, trong Eduardo Galeano, El fútbol a sol y sombra (Segunda Edición, Siglo Veintiuno Editores, México, 1995) trang 1-2. Nhan đề “Nhà văn và bóng đá” là do người dịch đặt ra chung cho những chương được dịch ra tiếng Việt. http://www.tienve.org/home/literature/images/elfutbol.jpg

.

.

.

No comments: