Thursday, June 17, 2010

NGUYÊN NHÂN GÂY SÓNG GIÓ TRONG QUAN HỆ MỸ - TRUNG

Nguyên nhân gây ra sóng gió trong quan hệ Trung - Mỹ? (Phần 1)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-06-12

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Causes-for-tensions-on-us-sino-relations-part1-ntran-06122010093314.html

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã trở nên căng thẳng, nhất là kể từ đầu năm nay, khi Hoa Kỳ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan đã làm Trung Quốc giận dữ.

Từ đó đến nay quan hệ giữa hai nước trải qua nhiều sóng gió. Cho đến đầu tháng này, khi Trung Quốc bất ngờ quyết định hủy bỏ chuyến viếng thăm của ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, nhân dịp ông có mặt trong khu vực, cùng với việc “đấu khẩu” giữa hai viên chức cao cấp quân sự Trung - Mỹ tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 9 ở Singapore, cho thấy quan hệ giữa hai nước thật sự đang căng thẳng.

Đâu là nguyên nhân chính gây ra những căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ? Phải chăng việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan như mọi người đều biết, thật sự đã gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước hay còn có nguyên nhân sâu xa nào khác? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu.

.

Bán vũ khí cho Đài Loan gây căng thẳng?

Sau khi Hoa Kỳ thông báo kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá $6,4 tỉ đô la hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã tỏ ra hết sức giận dữ. Ngay sau đó, Trung Quốc tuyên bố đình chỉ các kế hoạch thăm viếng quân sự giữa hai nước, hoãn một cuộc họp cao cấp về kiểm soát vũ khí và đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Hoa Kỳ thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí này.

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Ông Hà Á Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc đến để phản đối, rằng: “Hoa Kỳ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và gây nguy hại đến nỗ lực thống nhất của Trung Quốc một cách hòa bình”.

Cũng xin nhắc thêm, năm 1982, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký thông cáo chung, trong đó Hoa Kỳ hứa sẽ giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan. Có lẽ vì vậy mà bà Khương Du, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Hoa Kỳ đã vi phạm những cam kết năm 1982.

Đáp lại những lời cáo buộc của Trung Quốc, Washington cho biết việc bán vũ khí cho Đài Loan là góp phần giữ vững an ninh trong khu vực, bởi vì Trung Quốc luôn đe dọa sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan, và số vũ khí kia chỉ giúp Đài Loan tự vệ. Ông Lindsey O'Graham, Thượng nghị sĩ Hoa kỳ, nói: “Trung Quốc nên hiểu rằng chúng ta không thể là đối tác tốt trừ khi chúng ta trung thực với nhau. Tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngưng việc dùng quân sự đe dọa tấn công Đài Loan”.

.

Các thông điệp mâu thuẫn!

Phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc đã gửi đi các thông điệp không rõ ràng.

Sau khi lên tiếng trừng phạt các công ty Hoa Kỳ, hãng hàng không Trung Quốc đã mua 20 chiếc máy bay của hãng Airbus, thuộc tập đoàn châu Âu, thay vì mua máy bay Boeing của Mỹ như đã dự tính.

Thế nhưng, trong lĩnh vực quân sự, ngược lại với tuyên bố đình chỉ các hoạt động quân sự với Hoa Kỳ, hôm 17 tháng 2, Trung Quốc đã cho tàu sân bay USS Nimitz của Hoa Kỳ cập cảng Hong Kong, mặc dù trước đó Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngưng các cuộc trao đổi quân sự với Hoa Kỳ. Như mọi người đều biết, Trung Quốc thường cấm các tàu sân bay của Mỹ tới Hong Kong vào thời điểm mà họ cho là nhạy cảm, thế nhưng việc tàu sân bay Hoa Kỳ cập cảng Hong Kong trong tháng 2 vừa qua, khi Trung Quốc tuyên bố đình chỉ các hoạt động quân sự với Mỹ, là một quyết định khó hiểu.

Thêm một quyết định mâu thuẫn khác của Trung Quốc là cuối tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh đã đồng ý cho ông Robert Willard, Tư lệnh Thái Bình Dương, cùng với phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến Lược Trung - Mỹ tại Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc đã chính thức đình chỉ đối thoại quân sự song phương, trong khi đối thoại quân sự là một phần của đối thoại chiến lược giữa hai nước.

Trong khi đó, đầu tháng 6 này, Trung Quốc lại hoãn chuyến viếng thăm của ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, dự kiến đến thăm Trung Quốc cùng với bốn nước khác trong khu vực, ngay sau khi tham dự hội nghị Shangri-La ở Singapore. Chuyến đi đã lên kế hoạch của ông Robert Gates đến Trung Quốc là thực hiện lời mời của tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Mặc dù trước đó hai bên đã đồng ý chương trình về chuyến đi của ông Gates, cho đến giờ phút chót phía Trung Quốc cho biết không thể tiếp phái đoàn Hoa Kỳ, nhưng không cho biết lý do, ngoại trừ thông báo với phía Mỹ rằng, lúc này “không phải là thời điểm thuận tiện” để đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và phái đoàn của ông.

.

Phản ứng lại Trung Quốc

Có lẽ thái độ bất thường từ phía Trung Quốc đã làm cho Hoa Kỳ khó chịu. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 5 tháng 6 vừa qua, ông Robert Gates cho rằng, quyết định của Trung Quốc là vô lý.

Ông nói: “Các quan chức Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ giữa hai quân đội, viện lý do Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Với nhiều lý do khác, lý do này không hợp lý chút nào. Trước hết, việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan không có gì mới. Chuyện này đã xảy ra hàng thập kỷ và đã kéo dài qua nhiều đời Tổng thống Mỹ. Kế đến, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã đưa ra quan điểm không ủng hộ Đài Loan độc lập. Cuối cùng, bởi vì Trung Quốc đẩy mạnh việc gia tăng quân sự, chủ yếu tập trung vào Đài Loan, nên việc Hoa Kỳ bán vũ khí là điều quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển và trên toàn khu vực”.

Liên quan tới việc Trung Quốc đe dọa tấn công Đài Loan, đầu năm nay, Trung Quốc đã đưa nhiều tên lửa Trường Kiếm 10 đến binh đoàn 215, đóng ở Quảng Tây, mà Đài Loan cho rằng mục đích của Trung Quốc nhằm đe dọa đảo quốc này. Đây là loại tên lửa có tầm hoạt động vươn xa hơn 1.500 km, có khả năng nhắm vào các mục tiêu ở Đài Loan, Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.

Tháng 3 vừa qua, ông Robert Willard, Tư lệnh Thái Bình Dương cũng cho biết thêm, Trung Quốc đã đưa thêm nhiều loại tên lửa tầm xa đất đối không do Nga sản xuất vào khu vực chỉ cách Đài Loan khoảng 160 km, cũng với mục đích đe dọa Đài Loan.

Trái lại với hành động sử dụng vũ lực để đe dọa của Trung Quốc, phát biểu tại Đối thoại Shangri- La, ông Mã Hiểu Thiên, Phó Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sử dụng lời lẽ ôn hòa, kêu gọi các quốc gia nên “bình tĩnh” và tập “kềm chế”. Ông nói: “Các vấn đề nóng bỏng trong khu vực một lần nữa đã dấy lên. Chúng tôi tin rằng khi đối mặt với tình hình an ninh phức tạp, các quốc gia liên quan cần giữ bình tĩnh, tập kềm chế và tránh leo thang căng thẳng, để cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan có phải là nguyên nhân chính gây nên căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước hay không? Đó sẽ là nội dung trong kỳ phát thanh tới.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Nguyên nhân gây sóng gió trong quan hệ Trung – Mỹ (phần 2)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-06-17

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Causes-for-Tensions-on-US-Sino-Relations-NTran-06172010101029.html

Kỳ này, chúng tôi sẽ trình bày một số căng thẳng giữa hai nước Mỹ - Trung, cũng như tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân chính gây nên căng thẳng trong mối quan hệ ấy.

.

Bán vũ khí: chẳng có gì mới!

Có lẽ nhiều người đã hiểu lý do vì sao ông Robert Gates có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc tại Hội nghị Shangri-La hôm 5 tháng 6 vừa qua.

Ông Gates cho rằng, Trung Quốc không hề xa lạ về việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, bởi vì Hoa Kỳ đã thực hiện điều này hơn ba thập kỷ qua. Kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hồi năm 1979, từ đó đến nay Hoa Kỳ đã liên tục bán vũ khí cho Đài Loan 53 lần.

Không những thế, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama cũng đã thông báo với phía Trung Quốc rằng, Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, và Trung Quốc đã biết trước điều đó.

Ông Gates cho biết, mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc bất đồng về việc bán vũ khí cho Đài Loan, thế nhưng Hoa Kỳ đã thực hiện việc này trong nhiều thập kỷ qua và rằng điều này đã không ngăn cản Trung Quốc xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế và các vấn đề an ninh khác mà hai nước cùng quan tâm.

Ông Gates cũng cho biết thêm, việc đình chỉ các cuộc trao đổi quân sự cao cấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là tạm thời, và điều đó không làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Ông nói: “Chỉ trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước, các vấn đề an ninh quan trọng bị trì hoãn, nói thẳng ra đó chỉ là tin cũ. Tất cả mọi người đều rõ, hơn 30 năm qua kể từ khi bình thường hóa, việc gián đoạn quan hệ quân sự của chúng tôi với Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan”.

Có lẽ việc sử dụng lời lẽ cứng rắn của ông Robert Gates trong bài phát biểu tại hội nghị dành cho các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 nước châu Á – Thái Bình Dương ở Singapore vừa qua, ngoài lý do Trung Quốc bất ngờ tạm hoãn chuyến đi của ông Gates, còn có một nguyên nhân khác.

Giới chuyên gia cho rằng, chính bài phát biểu của ông Quan Du Phi, Thiếu tướng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một phiên họp riêng về Đối thoại Kinh tế và Chiến lược tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 5, đã làm cho các viên chức Hoa Kỳ bực bội. Trong bài phát biểu hôm 24 tháng 5 vừa qua, ông đã bất ngờ tấn công Hoa Kỳ bằng những lời lẽ cay nghiệt.

Ông Quan Du Phi nói với các viên chức Hoa Kỳ rằng, trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mọi chuyện đi đúng đường chính là nhờ Trung Quốc, còn những chuyện đi sai đường là lỗi ở Hoa Kỳ. Ông đã lên án Hoa Kỳ đang thực hiện quyền bá chủ, bao vây Trung Quốc bằng những đồng minh chiến lược. Không những thế, ông còn cáo buộc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan chứng tỏ rằng Hoa Kỳ xem Trung Quốc như kẻ thù.

.

Khéo ngụy trang

Trái ngược với những lời lẽ “dao to búa lớn” của ông Quan Du Phi, trong bài phát biểu tại Singapore hôm 5 tháng 6 vừa qua, ông Mã Hiểu Thiên, Phó Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã khéo léo hơn. Ông Mã không hề đề cập trực tiếp đến Hoa Kỳ chính là gây ra nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, thế nhưng ngụy trang đằng sau những lời phát biểu của mình, là những “nhát dao” mà ông Mã Hiểu Thiên đã công khai nhắm thẳng vào Hoa Kỳ.

Ông nói: “Tâm lý chiến tranh lạnh vẫn còn tồn tại, như thường được thấy qua các nỗ lực tăng cường liên minh quân sự, thông qua công nghệ mới, đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.

Có lẽ không khó khăn lắm để mọi người nhận ra rằng, những lời nói mà ông Mã Hiểu Thiên đã sử dụng, rõ ràng là đang nhắm vào Hoa Kỳ, do từ trước tới nay Trung Quốc luôn nói rằng việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Khi được hỏi lý do giảm bớt các cuộc gặp gỡ quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung quốc, ông Mã Hiểu Thiên lý luận rằng, chỉ có các chuyến thăm cao cấp giữa hai nước bị đình chỉ.

Ngoài ra, ông Mã còn đề cập đến tầm quan trọng trong “quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi” và tìm kiếm “an ninh thông qua hợp tác”. Thế nhưng, có lẽ mọi người đều nhận ra rằng, đó chỉ là những lời nói đầu môi, và chẳng ai xem các lời nói đó của ông Mã Hiểu Thiên là nghiêm túc, bởi vì những lời nói êm dịu đó khác xa với thực tế. Ông nói rằng, Trung Quốc muốn tìm kiếm quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, cùng lúc với việc Trung Quốc đã làm mất mặt Hoa Kỳ khi bất ngờ đình chỉ chuyến đi của ông Robert Gates.

.

Đâu là nguyên nhân chính?

Những lời nói đã được hai viên chức cao cấp quân sự Trung - Mỹ nhắm nhau vào hôm thứ bảy ngày 5 tháng 6 vừa qua cho thấy, quan hệ quân sự giữa hai nước thật sự đang có vấn đề.

Như phát biểu của ông Robert Gates, việc bán vũ khí cho Đài Loan từ trước tới nay chỉ là chuyện cũ, không thể xem đó là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong quan hệ hai nước. Phải chăng bên trong còn có nguyên nhân sâu xa nào khác?

Có lẽ mọi người đều nhận ra rằng, trong thời gian qua Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, tăng cường các cuộc tập trận trên biển với mục đích phô trương sức mạnh, đã làm cho Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các vấn đề kinh tế và ngoại giao trên toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, gần một năm qua, những người theo chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ chính sách cứng rắn hơn ở Trung Quốc đã đạt được một số ảnh hưởng và những ảnh hưởng đó thể hiện trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Kinh.

Các chính sách cứng rắn của Bắc Kinh trong thời gian qua có thể thấy qua việc Trung Quốc thông qua một lập trường cứng rắn hơn đối với Đài Loan, cũng như trong việc tranh chấp các quần đảo ở Biển Đông, khi Trung Quốc tuyên bố rằng, Biển Đông là "mối quan tâm hàng đầu" của họ.

Phải chăng vì thế mà Trung Quốc muốn áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Hoa Kỳ trong thời gian gần đây?

Để thay lời kết, chúng tôi xin mượn lời của ông David Shambaugh, chuyên gia nghiên cứu về Đảng Cộng sản và Quân đội Trung Quốc tại Đại học George Washington, ông nói: “Hiện đang có sự thay đổi lớn và thái độ cứng rắn trong suy nghĩ của chính phủ Trung Quốc về mối quan hệ với Hoa Kỳ trong vòng sáu hoặc tám tháng qua. Trong bối cảnh này, Washington cần phải tiến hành đánh giá toàn bộ các chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, từ trên xuống dưới”.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: