Thursday, June 17, 2010

MỸ - CHẤN HƯNG TRONG NƯỚC, ĐỊNH HÌNH NGOÀI NƯỚC

Mỹ- Chấn hưng trong nước, định hình ngoài nước

Tác giả: Barack Obama

Bài đã được xuất bản.: 11/06/2010 07:30 GMT+7

http://tuanvietnam.net/2010-06-11-my-chan-hung-o-trong-nuoc-dinh-hinh-o-ngoai-nuoc

Trong chiến lược an ninh Quốc gia 2010, Tổng thống Obama loan báo nước Mỹ chuẩn bị thế nào cho mục tiêu định hình một trật tự thế giới mới.

>> Kỳ 1

Khái quát về chiến lược an ninh quốc gia

Vào buổi bình minh của thế kỷ 21, nước Mỹ đang đứng trước một loạt thách thức to lớn và phức tạp đối với an ninh quốc gia của chúng ta.

Đúng như nước Mỹ đã góp phần quyết định tiến trình phát triển của thế kỷ 20, giờ đây chúng ta phải xây dựng các nguồn lực sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ, và định hình một trật tự quốc tế có khả năng vượt qua những thách thức của thế kỷ 21.

1.1 Thế giới như nó vẫn là vậy, chiến lược cho thế giới mà chúng ta nỗ lực tìm kiếm.

Để thành công, chúng ta phải đối mặt với thế giới như nó vẫn là vậy. Hai thập kỷ qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã được ghi dấu cả bằng hứa hẹn và hiểm họa của sự thay đổi. Khối các nền dân chủ hòa bình đã mở rộng; bóng ma chiến tranh hạt nhân đã được dỡ bỏ; các cường quốc lớn chung sống hòa bình; nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng; thương mại đã gắn kết số phận của các dân tộc lại với nhau; ngày càng nhiều cá nhân có thể quyết định vận mệnh của mình.

Tuy nhiên, những tiến bộ này lại đi cùng với những vấn đề dai dẳng. Các cuộc chiến tranh về ý thức hệ đã nhường chỗ cho các cuộc chiến tôn giáo và sắc tộc; các nguy cơ hạt nhân đã lan rộng; bất bình đẳng và bất ổn kinh tế ngày càng sâu sắc; sự tàn phá môi trường, vấn đề an ninh lương thực, các mối đe dọa đối với sức khỏe con người đang ảnh hưởng đến tất cả; chính những công cụ tăng cường sức mạnh cho các cá nhân lại tạo điều kiện cho họ hủy diệt.

Mặt trái của thế giới toàn cầu hóa đã lộ rõ đối với người Mỹ vào ngày 11/9/2001. Mối đe dọa trực tiếp do các cuộc tấn công hủy diệt gây ra trên chính đất Mỹ đòi hỏi phải có các phương thức hành động mạnh mẽ và kiên trì để bảo vệ tổ quốc của chúng ta.

Trong những năm kể từ đó, chúng ta đã tiến hành cuộc chiến chống lại Al Qaeda và các mạng lưới của chúng, quyết địn tiến hành một cuộc chiến ở Irắc và đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng.

Mặc dù vậy, xét trên phương diện rộng lớn hơn, chúng ta đã vật lộn để làm thế nào thúc đẩy các lợi ích của nước Mỹ trong một thế giới đã thay đổi- một thế giới mà ở đó cấu trúc quốc tế của thế kỷ 20 đang oằn mình dưới sức nặng của các mối đe dọa mới, nền kinh tế toàn cầu đã đẩy nhanh sự cạnh tranh mà người dân và doanh nghiệp của chúng ta đang phải đối mặt, và những ước nguyện phổ quát về tự do và nhân phẩm đứng trước những lực cản mới.

Đất nước của chúng ta có những đặc tính đã hỗ trợ cho vai trò lãnh đạo thế giới của chúng ta trong nhiều thập kỷ, đó là: các liên minh vưng chắc, một quân đội mạnh nhất, nền kinh tế lớn nhất thế giới, nền dân chủ mạnh mẽ và luôn tiến triển; người dân năng động.

Nhìn về phía trước, hẳn không còn nghi ngờ gì nữa: nước Mỹ sẽ tiếp tục quyết định an ninh toàn cầu thông qua các cam kết của chúng ta đối với các đồng minh, các đối tác và các thể chế; sự chú trọng của chúng ta vào việc đánh bại Al Qaeda và mạng lưới của chúng ở Apsganixtan, Pakixtan và trên khắp toàn cầu; quyết tâm của chúng ta trong việc ngăn chặn xâm lược và ngăn ngừa sự phổ biến các vũ khí nguy hiểm nhất của thế giới.

Khi chúng ta làm những điều này, chúng ta phải thừa nhận rằng không một quốc gia dân tộc nào - dù mạnh đến đâu - có thể tự mình đối phó được với các thách thức toàn cầu. Như chúng ta đã làm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ cần phải chuẩn bị cho tương lai, đồng thời tạo dựng các phương thức hợp tác giữa các quốc gia để mang lại kết quả.

Bởi vậy, chiến lược an ninh quốc gia của chúng ta tập trung vào việc tiếp tục lại vai trò lãnh đạo của Mỹ để chúng ta có thể thúc đẩy hiệu quả hơn các lợi ích của chúng ta trong thế kỷ 21. Chúng ta sẽ làm điều này bằng việc phát huy các nguồn lực sức mạnh trong nước, đồng thời định hình một trật tự thế quốc tế có thể ứng phó với các thách thức của thời đại chúng ta.

Chiến lược này thừa nhận mối liên hệ căn bản giữa an ninh quốc gia của chúng ta, khả năng cạnh tranh, sự phục hồi và tấm gương đạo đức của chúng ta.

Chiến lược này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc theo đuổi lợi ích thông qua hệ thống quốc tế mà qua đó tất cả các quốc gia có những quyền và trách nhiệm nhất định. Điều này sẽ cho phép nước Mỹ tạo lực đòn bẩy cho sự can dự của chúng ta ở ngoài nước để con người được thụ hưởng nhiều tự do và cơ hội hơn, các quốc gia có những sự khích lệ để hành động một cách có trách nhiệm và ngược lại sẽ phải hứng chịu hậu quả.

1.2 Tiếp tục lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ- Chấn hưng ở trong nước, định hình ở ngoài nước

Phương cách tiếp cận của chúng ta bắt đầu bằng cam kết xây dựng một nền tảng vững chắc hơn cho vai trò lãnh đạo của nước Mỹ vì những gì diễn ra trong biên giới của chúng ta sẽ quyết định sức mạnh và ảnh hưởng của chúng ta ở bên ngoài.

Chân lý chỉ có thể được đề cao trong một thế giới có sự kết nối lớn hơn - một thế giới mà ở đó sự thịnh vượng của chúng ta có mối liên hệ hữu cơ với sự thịnh vượng toàn cầu, an ninh của chúng ta có thể bị thách thức trực tiếp bởi những diễn biến ở bên kia bờ đại dương và các hành động của chúng ta được xem xét kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.

Cốt lõi các nỗ lực của chúng ta là cam kết khôi phục nền kinh tế của chúng ta, vốn là nguồn sức mạnh Mỹ. Người dân Mỹ giờ đây đang vươn lên từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Khi chúng ta tiếp tục hành động để đảm bảo rằng sự phục hồi của chúng ta là rất lớn và bền vững, chúng ta cũng đặt nền tảng cho tăng trưởng dài hạn và khả năng cạnh tranh của người dân chúng ta.

Những khoản đầu tư của chúng ta cho sự phục hồi kinh tế là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn và nó sẽ đóng góp cho sức mạnh của chúng ta thông qua việc tạo ra một nền giáo dục có chất lượng; đẩy mạnh khoa học và sáng tạo; biến sự tiết kiệm năng lượng của chúng ta thành những việc làm và ngành công nghiệp mới về điện năng; giảm chi phí y tế cho người dân và doanh nghiệp; giảm thâm hụt Liên bang.

Mỗi biện pháp như vậy sẽ duy trì khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ khi mà sức mạnh kinh tế và cơ hội cá nhân ngày càng rộng mở. Những nỗ lực này cũng gắn kết chặt chẽ với các cam kết của chúng ta về việc đảm bảo một quốc gia có khả năng trụ vững kiên cường. Sự phục hồi của chúng ta bao gồm tái thiết cơ sở hạ tầng mà sẽ trở nên an toàn và tin cậy hơn trước các mối đe dọa khủng bố và thiên tai. Sự chú trọng của chúng ta vào giáo dục và khoa học có thể đảm bảo rằng những đột phá của ngày mai sẽ diễn ra tại nước Mỹ.

Sự phát triển các nguồn năng lượng mới của chúng ta sẽ làm giảm bớt sự lệ thuộc của chúng ta vào nguồn dầu lửa của nước ngoài. Cam kết giảm thâm hụt ngân sách sẽ khiến chúng ta phải đưa ra những lựa chọn đầy khó khăn và tránh hành động quá sức. Những biện pháp như vậy bổ sung cho các nỗ lực của chúng ta trong việc thống nhất an ninh nội địa với an ninh quốc gia, trong đó bao gồm sự phối hợp thông suốt giữa các chính quyền địa phương, bang và Liên bang nhằm ngăn ngừa, bảo vệ và ứng phó trước các mối đe dọa và thảm họa thiên tai.

Cuối cùng, công việc xây dựng một nền tảng vưng chắc hơn cho vai trò lãnh đạo của Mỹ bên trong biên giới của chúng ta thừa nhận rằng cách thức hiệu quả nhất để Mỹ thúc đẩy các giá trị của mình là hãy tuân theo các giá trị đó.

Cam kết của Mỹ đối với dân chủ, nhân quyền và sự cai trị của pháp luật là nguồn sức mạnh và ảnh hưởng quan trọng của chúng ta trên thế giới. Chúng cần được thúc đẩy thông qua việc chúng ta bác bỏ những hành động như tra tấn vì không phù hợp với các giá trị của chúng ta, bằng cam kết của chúng ta về theo đuổi công lý phù hợp với Hiến pháp của chúng ta và bằng quyết tâm trước sau như một của chúng ta trong việc mở rộng sự hứa hẹn của Mỹ đến với mọi người dân của chúng ta. Nước Mỹ luôn là ngọn hải đăng cho các dân tộc trên thế giới khi chúng ta đảm bảo rằng ánh sáng của tấm gương Mỹ đang chiếu rọi.

Việc xây dựng một nền tảng vững chắc hơn sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực của Mỹ trong việc định hình một trật tự quốc tế có thể đối phó với các thách thức của thời đại chúng ta.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính nước Mỹ đã đi đầu trong việc xây dựng một kiến trúc quốc tế mới nhằm duy trì hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng - từ NATO và Liên Hợp Quốc đến các hiệp ước để điều hành luật pháp và vũ khí chiến tranh; từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến một mạng lưới rộng lớn các thỏa thuận thương mại. Kiến trúc này, mặc dù còn có những khiếm khuyết, nhưng đã đẩy lùi được chiến tranh thế giới, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho việc chia sẻ gánh nặng trách nhiệm giữa Mỹ, các đồng minh và đối tác của chúng ta.

Ngày nay, chúng ta cần phải nhìn rõ sức mạnh và hạn chế của các thể chế quốc tế vốn đã được phát triển nhằm đối phó với các thách thức của thời đại trước đó và sự thiếu vắng ý chí chính trị mà có lúc đã làm tê liệt việc thực thi các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiện, an ninh quốc gia của Mỹ và an ninh toàn cầu có thể bị hủy hoại nếu Mỹ sử dụng sự nổi lên của các thách thức mới và sự bất cập của hệ thống quốc tế làm cái cớ để từ bỏ nó.

Thay vào đó, chúng ta phải tập trung sự can dự của Mỹ vào việc tăng cường các thể chế quốc tế và huy động hành động tập thể để có thể phục vụ những lợi ích chung như chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực; ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo an toàn cho các nguyên liệu hạt nhân; đảm bảo tăng trưởng kinh tế cân đối và bền vững; thúc đẩy các phương án hợp tác trước các mối đe dọa biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang và dịch bệnh.

Điểm khởi đầu cho hành động tập thể sẽ là sự can dự của chúng ta với các nước khác. Hòn đá tảng của sự can dự này chính là mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, bạn bè thân cận của Mỹ ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ và Trung Đông- các mối quan hệ bắt nguồn từ các lợi ích và giá trị chung, đã phục vụ cho an ninh giữa các nước chúng ta và nền an ninh và sự thịnh vượng rộng lớn hơn trên thế giới. Chúng ta nỗ lực xây dựng các mối quan hệ đối tác sâu sắc và hiệu quả hơn với các trung tâm ảnh hưởng chính khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga cũng như các quốc gia có ảnh hưởng ngày càng lớn như Braxin, Nam Phi và Inđonêxia để chúng ta có thể hợp tác về các vấn đề song phương và toàn càu với sự thừa nhận rằng quyền lực, trong một thế giới liên kết với nhau, không còn là cuộc chơi một mất một còn. Chúng ta đang mở rộng tầm hoạt động, vươn ra các quốc gia đang nổi, đặc biệt là những quốc gia có thể là mô hình của sự thành công và ổn định khu vực từ châu Mỹ đến châu Phi và Đông Nam Á.

Và chúng ta sẽ theo đuổi sự can dự với những quốc gia thù địch để kiểm nghiệm những ý định của họ, trao cho chính quyền các nước này cơ hội để thay đổi tiến trình, chìa tay ra với những người dân của họ và huy động các liên minh quốc tế.

Sự can dự này sẽ làm cơ sở cho cam kết của chúng ta đối với một trật tự quốc tế dựa trên các quyền và trách nhiệm. Các thể chế quốc tế cần phải đại diện một cách hiệu quả hơn cho thế giới của thế kỷ 21 với tiếng nói lớn hơn và trách nhiệm cũng lớn hơn đối với các cường quốc đang nổi và các thể chế này phải được hiện đại hóa để tạo ra kết quả thực chất hơn đối với những vấn đề lợi ích toàn cầu.

Các biện pháp mang tính xây dựng của các nước đối với các vấn đề từ an ninh hạt nhân đến biến đổi khí hậu phải được khích lệ, do vậy những quốc gia lựa chọn thực hiện trách nhiệm của mình thì sẽ được lợi về hành động trách nhiệm của mình. Luật lệ phải được tuân thủ và những nước phá luật chắc chắn sẽ hứng chịu hậu quả.

Quá trình hiện đại hóa các thể chế, tăng cường các quy tắc quốc tế và thực thi luật pháp quốc tế không phải là nhiệm vụ của riêng nước Mỹ nhưng cùng với các quốc gia có chung tư duy, chúng ta có nhiệm vụ lãnh đạo. Một nguồn lực lãnh đạo chính của Mỹ trong suốt lịch sử của chúng ta là lợi ích tự thân khai sáng.

Chúng ta mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu của chúng ta và chúng ta tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nếu con cháu của các dân tộc khác có thể sống trong tự do và thịnh vượng. Niềm tin cho rằng các lợi ích của chúng ta gắn bó chặt chẽ với lợi ích của các dân tộc khác sẽ tiếp tục dẫn dắt sự can dự của chúng ta với các quốc gia và dân tộc khác.

1.3 Thúc đẩy các ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu

Đúng như chiến lược an ninh quốc gia của chúng ta tập trung vào việc tiếp tục lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ về lâu dài, nó cũng tạo điều kiện cho hành động trước mắt đối với các ưu tiên hàng đầu. Chính quyền này không có trách nhiệm nào lớn hơn là bảo đảm an toàn và an ninh của người dân Mỹ. Và không có mối đe dọa nào đối với người dân Mỹ lớn hơn vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhất là mối nguy cơ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân của những kẻ cực đoan bạo lực và sự phổ biến vũ khí hủy diệt đến nhiều các quốc gia hơn.

Đó là lý do giải thích tại sao chúng ta đang theo đuổi một nghị trình an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện dựa trên cơ sở các quyền và trách nhiệm của các quốc gia. Chúng ta đang cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và sự phụ thuộc của chúng ta vào vũ khí hạt nhân trong khi đảm bảo tính tin cậy và hiệu quả của sự răn đe của chúng ta.

Chúng ta đang tăng cường Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) coi đó là nền tảng cho việc chống phổ biến, đồng thời thông qua NPT buộc các nước như Iran và Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc họ không đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế. Chúng ta đang đi đầu trong một nỗ lực toàn cầu đảm bảo an toàn không để các nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay bọn khủng bố. Và chúng ta đang theo đuổi các chiến lược mới nhằm bảo vệ chống lại các cuộc tấn công sinh học và thách thức đối với các hệ thống mạng quan trọng của chúng ta.

Khi chúng ta đảm bảo an ninh cho các vũ khí nguy hiểm nhất của thế giới, chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến chống lại một mạng lưới hận thù và bạo lực sâu rộng. Chúng ta sẽ phá vỡ, đập tan và tiêu diệt Al Qaeda và các mạng lưới của chúng thông qua một chiến lược tổng thể không cho chúng có nơi trú ẩn an toàn, tăng cường các đối tác ở tuyến đầu, bảo đảm an ninh tổ quốc của chúng ta đối phó với các âm mưu và thủ đoạn giết người của chủ nghĩa cực đoan bằng một nghị trình của niềm hy vọng và cơ hội.

Tuyến đầu của cuộc chiến này là Apsganixtan và Pakixtan, nơi chúng ta đang không ngừng tăng áp lực đối với Al Qaeda, phá vỡ động lực của Taliban và tăng cường an ninh, năng lực của các đối tác. Trong nỗ lực này, quân đội của chúng ta một lần nữa đang thể hiện sự phục vụ xuất sắc, chịu đựng những hy sinh rất lớn trong lúc hiểm nguy và họ có sự hỗ trợ đầy đủ của chúng ta.

Ở Irắc, chúng ta đang chuyển giao cho một đất nước Irắc đầy đủ chủ quyền và trách nhiệm- một quá trình bao gồm việc rút quân đội của chúng ta, việc tăng cường năng lực dân sự của chúng ta và một mối quan hệ đối tác lâu dài với Chính phủ và người dân Irắc. Chúng ta sẽ không nao núng trong việc theo đuổi một nền hòa bình toàn diện giữa Ixraen và các nước láng giềng của Ixraen, trong đó có giải pháp về hai nhà nước nhằm đảm bảo an ninh cho Ixraen, đồng thời hoàn thành nguyện vọng chính đáng của người dân Palextin về một quốc gia của riêng mình. Và sự can dự rộng lớn hơn của chúng ta với các cộng đồng Hồi giáo trên thế giới sẽ thúc đẩy tiến bộ về an ninh và chính trị quan trọng, đồng thời tăng cường các quan hệ đối tác trên một loạt vấn đề rộng lớn dựa trên lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau.

Khi chúng ta tái thiết sức mạnh kinh tế mà sự lãnh đạo của chúng ta dựa vào đó, chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng cân đối và bền vững, tạo điều kiện cho sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu. Điều này bao gồm các biện pháp trong và ngoài nước để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác.

Chúng ta đã chuyển trọng tâm sang G20 coi đó là một diễn đàn hàng đầu cho sự hợp tác kinh tế quốc tế và đang nỗ lực tái cân bằng nhu cầu toàn cầu để nước Mỹ tiết kiệm hơn và xuất khẩu nhiều hơn trong khi các nền kinh tế mới nổi tạo ra nhiều nhu cầu hơn. Và chúng ta sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại song phương và đa phương để thúc đẩy sự thịnh vượng chung, đồng thời đẩy nhanh đầu tư vào phát triển để có thể thu hẹp sự bất bình đẳng, mở rộng thị trường và hỗ trợ cơ hội cá nhân và năng lực của nhà nước ở nước ngoài.

Những nỗ lực thúc đẩy an ninh và thịnh vượng này được tăng cường bằng sự ủng hộ của chúng ta đối với các giá trị nhất định mang tính phổ quát. Các quốc gia tôn trọng nhân quyền và các giá trị dân chủ là những đối tác thành công hơn và mạnh mẽ hơn và các cá nhân có được sự tôn trọng như vậy có khả năng phát huy được hết tiềm năng của mình. Mỹ bác bỏ sự lựa chọn sai lầm giữa sự theo đuổi hẹp hòi các lợi ích của chúng ta và chiến dịch áp đặt giá trị của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta nhận thức được sự ủng hộ cho một nền hòa bình công bằng là điều căn bản đối với lợi ích của chúng ta, một nền hòa bình mà ở đó các cá nhân được trao những quyền căn bản mà họ xứng đáng được hưởng.

Để duy trì sự chú trọng vào nền tảng sức mạnh và ảnh hưởng của chúng ta, chúng ta đang thúc đẩy các giá trị phổ quát ở nước ngoài bằng cách tuân theo các giá trị này ở trong nước và chúng ta sẽ không tìm cách áp đặt những giá trị này bằng vũ lực.

Thay vào đó, chúng ta đang nỗ lực tăng cường các quy tắc quốc tế để bảo vệ nhân quyền, đồng thời hoan nghênh tất cả các phong trào dân chủ hòa bình. Chúng ta ủng hộ sự phát triển các thể chế trong khuôn khổ các nền dân chủ mong manh, hợp nhất các quyền con người như một phần của các cuộc đối thoại của chúng ta với các chính phủ và ủng hộ sự phổ biến các công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự do tiếp cận thông tin. Và chúng ta thừa nhận cơ hội kinh tế là quyền của con người và đang thúc đẩy nhân phẩm của tất cả mọi người thông qua sự hỗ trợ cho y tế, an ninh lương thực toàn cầu và các hợp tác ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Cuối cùng, các nỗ lực của chúng ta trong việc định hình một trật tự quốc tế để thúc đẩy một nền hòa bình công bằng cần phải tạo điều kiện cho sự hợp tác giải quyết các vấn đề của thời đại chúng ta. Trật tự quốc tế này sẽ hỗ trợ các lợi ích của chúng ta nhưng cũng là mục đích của chúng ta. Các thách thức mới cho thấy triển vọng cơ hội nhưng chỉ khi cộng đồng quốc tế phá bỏ thói quen nghi kỵ trước đây để cùng xây dựng dựa trên những lợi ích chung. Nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần phải khiến các quốc gia hành động nhằm cắt giảm khí thải và cam kết giảm bớt tác động của chúng. Các nỗ lực ngăn chặn xung đột và duy trì hòa bình sau đó có thể ngăn không để tình trạng bất ổn lan rộng. Hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự lan tràn dịch bệnh có thể thúc đẩy y tế công.

Sẽ không dễ dàng để thực hiện nghị trình này. Để thành công, chúng ta phải cân đối và hợp nhất tất cả các thành tố của sức mạnh Mỹ và tăng cường năng lực an ninh quốc gia của chúng ta trong thế kỷ 21. Chúng ta phải duy trì ưu thế về quân sự thông thường, đồng thời tăng cường năng lực để đánh bại các mối đe dọa phi đối xứng. Năng lực ngoại giao và phát triển của chúng ta cần phải được hiện đại hóa và năng lực viễn chinh dân sự của chúng ta cần được tăng cường để hỗ trợ cho các ưu tiên của chúng ta. Các nỗ lực tình báo và an ninh nội đại phải thống nhất với các chính sách an ninh quốc gia của chúng ta và của các đồng minh và đối tác của chúng ta. Và khả năng đồng bộ hóa các hành động của chúng ta trong khi thông tin hiệu quả với công chúng ở nước ngoài cần phải được tăng cường để duy trì sự ủng hộ toàn cầu.

Tuy nhiên, tài sản vĩ đại nhất của nước Mỹ vẫn là con người của chúng ta. Trong một kỷ nguyên sẽ được định hình bởi khả năng nắm bắt cơ hội trong một thế giới ngày càng kết nối thì chính người dân Mỹ sẽ tạo ra sự khác biệt- những người lính và nhân viên dân sự phục vụ trong chính quyền của chúng ta, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các thể chế giáo dục hoạt động trên toàn cầu; những công dân năng động và nhiệt huyết vươn lên trong một thế giới ngày càng thu nhỏ. Toàn cầu hóa một phần là sản phẩm của sự lãnh đạo của Mỹ và sự sáng tạo của người dân Mỹ. Chúng ta ở vị trí phù hợp duy nhất để nắm bắt triển vọng đầy hứa hẹn của nó.

Câu chuyện của chúng ta là không thể hoàn hảo. Tuy nhiên, ở vào mỗi thời điểm bước ngoặt lịch sử, chúng ta đã thúc đẩy an ninh của chính chúng ta, đồng thời đóng góp cho sự nghiệp tiến bộ loài người. Để tiếp tục như vậy, chiến lược an ninh quốc gia của chúng ta cần phải được thông báo cho mọi người dân, được thúc đẩy bởi những đóng góp của Quốc hội và được tăng cường bởi sự đoàn kết của người dân Mỹ. Với một tinh thần mới, chúng ta có thể xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tôn trọng nhân phẩm hơn.

Còn tiếp....

.

.

.

No comments: