Thư gửi Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung Ương và các Uỷ viên BCHTƯ Khoá 10
Thư của các Tướng Lê Hữu Đức, Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều cách mạng lão thành
http://viet-studies.info/kinhte/Thu_NguyenTrongVinh.htm
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2010
Một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng sắp đến (Đại hội 11) là bầu cử được Ban chấp hành T.W. gồm những đại biểu ưu tú nhất của Đảng, những người gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng nhất, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, có ý chí đấu tranh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, có tầm nhìn chiến lược và năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội. Tổng bí thư và các uỷ viên Bộ chính trị phải là những người ưu tú nhất trong BCH.T.W. Dứt khoát không để những người có dính đến tham nhũng và những người Việt gốc nước ngoài vào BCH.T.W.
Để có được một BCH T.W có đầy đủ các tiêu chí nói trên, công tác nhân sự đại hội cần được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, trong sáng và với trách nhiệm cao của mỗi đại biểu.
.
Nhận thức rõ, đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ người đảng viên ghi trong điều lệ Đảng, chúng tôi những cán bộ cao cấp đã nghỉ các chức danh công tác trong biên chế nhà nước, đã 80, 90 tuổi đời; 60-70 tuổi Đảng, đã đem cả tâm trí và sức lực của đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, xin được đóng góp một số ý kiến về công tác nhân sự đại hội:
.
1. Phải đảm bảo các đại biểu về dự đại hội có đầy đủ các tiêu chí cần thiết, phải là những người ưu tú nhất về phẩm chất, đạo đức, năng lực. Bộ chính trị, Ban Bí thư T.W. khoá 10 và Ban thẩm tra tư cách đại biểu cần đề cao trách nhiệm, rà soát kỹ lưỡng, kể cả với những đại biểu là uỷ viên T.W khoá 10 để phát hiện và trình đại hội xem xét tư cách những đại biểu vừa qua có vi phạm kỷ luật và những và có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, những người có dính đến tham nhũng, những đại biểu là người Việt gốc nước ngoài.
2. Danh sách để bầu BCH T.W. phải tổng hợp từ 3 nguồn:
- Một phần do BCH.T.W cũ đề cử (khoảng 60%).
- Một phần không nhỏ nên để các Đảng bộ, các đảng viên, đoàn đại biểu đề cử.
- Một phần nên khuyến khích đại biểu tự ứng cử.
Danh sách để bầu (tính cả chính thức và dự khuyết) nên có số dư ít nhất 25% so với số cần bầu.
Danh sách bầu B.C.T, Ban bí thư, UBKT T.W cần có số dư ít nhất 25%.
Danh sách bầu chức danh cụ thể nên có từ 2 người trở lên.
- Nên để đại hội trực tiếp bầu Tổng bí thư. Vì lẽ đó việc thông qua điều lệ sửa đổi nên làm trước lúc bầu cử.
3. BCH T.W. khoá 11 không nên vượt số lượng 150, không nên cơ cấu rải đều Bộ, ngành, tỉnh, thành nào cũng có uỷ viên T.W., quan trọng là chất lượng.
Trẻ hoá là cần, nhưng không quá cứng nhắc về tuổi tác, mà cần một sự kế thừa, hài hoà giữa các độ tuổi. Cũng cần có ngoại lệ vể tuổi tác với chức danh Tổng bí thư. Nếu có đồng chí ưu tú nổi trội hơn cả trong các đảng viên ưu tú, phẩm chất đạo đức gương mẫu, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, với dân, với nước, có năng lực, có tầm nhìn xa, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí tự cường tự chủ, có tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia, tác phong dân chủ, có uy tín trong Đảng trong dân, có khả năng đoàn kết toàn Đảng, toàn dân tộc thì vấn đề tuổi không đặt ra, miễn là còn đủ sức khoẻ đảm đương trọng trách.
4. Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 11, phải thực sự dân chủ, phải thể hiện tốt tinh thần phê bình, tự phê bình, phải có tính chiến đấu, phải tranh luận để tìm ra cái đúng cái sai, không nên phát biểu theo đơn đặt hàng. Bỏ lối tham luận tràng giang đại hải, nói vài câu “nhất trí với báo cáo” rồi kể lể thành tích của tỉnh mình, ngành mình một cách vô bổ.
Các vấn đề chung của đại hội cần được tiến hành trong các phiên họp công khai, hết sức hạn chế những cuộc họp riêng tại các đoàn đại biểu, không nên quá lạm dụng các phiên họp trù bị. Cần dành tối đa thời gian đại hội cho việc thảo luận tranh luận tại hội trường.
5. Hiện tại số đảng viên trong đội ngũ cán bộ hưu trí các chức danh trong biên chế nhà nước và theo luật lao động chiếm già một nửa trong tổng số trên 3,1 triệu đảng viên. Đảng viên không hưu trí về Đảng, họ vẫn có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong Đảng, họ phải được đối xử bình đẳng như những đảng viên đương chức, đương quyền. Vì lẽ đó trong đại hội Đảng các cấp cho đến đại hội toàn quốc của Đảng, họ cần có một tỷ lệ thích đáng trong thành phần đại biểu đại hội các cấp. Nếu đủ tiêu chuẩn và sức khoẻ họ có quyền ứng cử vào các cấp uỷ Đảng từ cơ sở quận, huyện, tỉnh thành đến T.W.
6. Để giúp các đồng chí trong Bộ chính trị, Ban bí thư T.W Đảng kiểm điểm trách nhiệm của mình trước BCH.T.W và trước đại hội, rút ra được những bài học cần thiết không những cho bản thân mà còn cho những đồng chí giữ các trọng trách trong Bộ chính trị - Ban Bí thư T.W. khoá 11, chúng tôi sẽ lần lượt tham gia ý kiến, trước mắt trong phạm vi bức thư này, xin được góp ý với 4 đồng chí:
l. Với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nói thực là cả bản thân chúng tôi cũng như dư luận đông đảo cán bộ, đảng viên thất vọng về những gì mình mong đợi và hy vọng ở 2 nhiệm kỳ Tổng bí thư của đồng chí. Dư luận chê nhiều hơn khen bản lĩnh chính trị của đồng chí trong ứng xử với nhiều sự kiện, nhiều công việc cả đối nội và đối ngoại. Người ta không lý giải được đó là do năng lực hay do sức ép nào đó? Dư luận nhiều cán bộ đảng viên cho rằng trong lúc đồng chí chưa thực hiện đầy đủ chức năng Tổng bí thư (việc chính của mình) trong xây dựng Đảng lại lấn sân sang việc của Chủ tịch nước và Thủ tướng (thoả thuận, ký kết với các chính phủ nước ngoài một số nội dung thuộc chức năng nhà nước). Có dư luận cho rằng đồng chí đã vi phạm nguyên tắc trong quan hệ với nước ngoài ở những vấn đề mà Bộ chính trị chưa bàn bạc.
Là Tổng bí thư song ít thấy đồng chí chủ động phát hiện và đề xuất những vấn đề cần bàn, những vấn đề bức xúc của Đảng, của đất nước để Bộ chính trị bàn bạc thảo luận. Chẳng hạn như phá bỏ hội trường Ba Đình sau khi có phản ứng quyết liệt của lão thành cách mạng, của các nhà khoa học, của đa số nhân dân; cho nước ngoài đầu tư khai thác Bô-xít Tây nguyên; vấn đề chủ quyền trên biển đảo; vấn đề công nghiệp quốc phòng, hiện đại hoá quân đội; các vấn đề nổi cộm về sai phạm của Tổng cục II, và Nguyễn Chí Vịnh. Nguyễn Chí Vịnh phẩm chất xấu xa, làm nhiều sai trái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho T.B.T không nên đề bạt Trung tướng, đ/c Nông Đức Mạnh trả lời Đại tướng là “không thăng Trung tướng, còn chưa biết đưa đi đâu để rèn… luyện”, nhưng rồi vẫn đề bạt Trung tướng và Thứ trưởng quốc phòng, còn tặng huân chương cao nữa (mà đ/c lại là Bí thư Đảng uỷ quân sự), để một số nơi cấp uỷ can thiệp sâu vào việc truy tố xét xử; các vụ án mà BCH T.W. khoá 8, bàn giao cho T.W khoá 9. Là người đứng đầu Bộ chính trị, với trách nhiệm chủ yếu trong việc xây dựng Đảng, đã để những vấn đề cốt lõi trong Đảng như dân chủ nội bộ không thực hiện, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên làm quá ít. Tệ quan liêu chuyên quyền độc đoán phát triển mạnh; phê bình tự phê bình dần dần vắng bóng trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, từ cơ sở đến T.W., đến Bộ chính trị. Hai nhiệm kỳ rồi mà cái gọi là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền tiêu cực chẳng những không được thu hẹp mà lại lớn dần lên. Mất dân chủ và cán bộ hư hỏng đã làm cho Đảng mất tín nhiệm quá lớn. Nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư đã lợi dụng chức quyền để gò ép nơi này nơi kia đưa con trai, con gái, con rể vào các chức danh mà năng lực, phẩm chất, đạo đức không tương xứng.
2. Đồng chí (đ/c) uỷ viên B.C.T Nguyễn Phú Trọng: Qua hai nhiệm kỳ tham gia Bộ chính trị, với vai trò là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.W., Chủ tịch Quốc hội, tuy có làm được một số việc, nhưng so với trọng trách thì còn nhiều hạn chế. Cả một thời gian dài là Bí thư Thành uỷ Hà Nội để thành phố quá trì trệ; để nhiều cán bộ dính đến tiêu cực về tài sản, tài chính, nhà đất, có cả Chủ tịch và một số Phó chủ tịch thành phố. Nghiêm trọng là để cho Chủ tịch lợi dụng chức quyền làm giầu, dùng tiền công quỹ mua ô tô quá đắt, quá sang để dùng (người ta bảo rằng 3000 con trâu của nông dân). Lên T.W. với cương vị Chủ tịch Hội đồng lý luận chưa thấy phát hiện được vấn đề gì mới về lý luận, nhiều dư luận cho đồng chí giáo điều, sao chép.
Là Chủ tịch Quốc hội chưa phát huy dân chủ, trí tuệ của các đại biểu và quyền lực cao nhất của quốc hội chỉ xin nêu một vài việc điển hình:
- Việc phá bỏ hội trường Ba Đình, một di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, gắn với nhiều hoạt động của Bác Hồ; gắn với 10 nhiệm kỳ Quốc hội với nhiều đại hội Đảng toàn quốc vậy mà bất chấp các kiến nghị tâm huyết của đông đảo các nhà lão thành cách mạng, các nhân sĩ tri thức, các nhà khoa học, nhà quản lý và tuyệt đại đa số nhân dân, đồng chí đã thuyết phục bằng được Quốc hội biểu quyết thông qua.
- Việc mở rộng thủ đô Hà Nội, xoá đi hẳn một tỉnh để nhập vào một đơn vị khác vậy mà Chủ tịch Quốc hội không chủ động đưa vấn đề trọng đại đó ra Quốc hội bàn bạc thấu đáo, đưa Quốc hội vào tình thế “việc đã rồi”, chẳng làm thế nào khác được!
- Vấn đề đầu tư khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên, một việc liên quan đến an ninh - quốc phòng không những ở Tây Nguyên mà với cả nước; liên quan đến môi trường không những ở Tây Nguyên mà với nhiều tỉnh thành Nam bộ; liên quan đến lợi ích đồng bào thiểu số Tây Nguyên; liên quan đến vấn đề dự trữ tài nguyên lâu dài của đất nước, vậy mà khi đi thăm Tiệp Khắc, kiều bào hỏi, đ/c nói là vấn đề nhỏ Quốc hội không cần bàn.
- Khi họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Khi một số đại biểu quốc hội đề nghị bàn thảo, thì Chủ tịch Quốc hội cắt không cho bàn, nói rằng vấn đề đã được quyết định.
3. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng: Qua một nhiệm kỳ làm Phó thủ tướng thường trực và một nhiệm kỳ làm Thủ tướng, đ/c đã làm được một số việc như xây dựng cơ sở vật chất, mở mang đường sá, xây nhiều cầu, có những cầu hiện đại, sân bay, bến cảng, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, kinh tế có phát triển (nhưng không vững chắc) có góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế v.v…
Nhưng có nhiều việc yếu kém, không tốt:
- Không làm tròn trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước.
Để lâm tặc phá rừng rất nhiều, rừng cháy nhiều, lại bán rừng mất rừng nhiều quá, chứng tỏ Thủ tướng không quản lý được rừng.
Nhiều nơi, than, khoáng sản các loại “bị thổ phỉ” và khai thác bừa bãi.
Tài chính thất thoát nhiều, do tham nhũng, lãng phí. Ban đầu Thủ tướng nói rất hăng, nhưng không ngăn chặn được, cứ phát triển, tiền đầu tư vào chính phủ điện tử coi như mất không, không được việc gì, do Văn phòng chính phủ phải chịu trách nhiệm nhưng rồi cũng trôi.
- Thiên về thu hút đầu tư địa ốc, nước nhỏ mà để phát triển hơn trăm sân gôn, để cho bán đất trái phép nhiều nên mất ruộng, đất rất nhiều nhất, nông dân thất nghiệp.
- Hàng hoá nước ngoài tràn ngập thị trường, nhập siêu liên miên, số tiền lớn.
- Lạm phát không hạn chế được, tiền mất giá, mọi thứ nhu cầu của dân giá cả tăng vọt, có thứ 100%.
- Vay nợ nước ngoài nhiều nhất, cho cả dự án không cần gấp.
- Ngoài ra khá nhiều dư luận các tỉnh miền Nam, kể cả ở Kiên Giang cho rằng đồng chí và gia đình có những biểu hiện về tài sản không minh bạch, xây nhà thờ họ quá lớn, quá qui mô hoành tráng tốn đến 40 tỷ (trong khi đó thì Hội trường Ba Đình lịch sử quan trọng bậc nhất lại phá đi).
4. Đồng chí Tô Huy Rứa UV BCT Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.W., có khá nhiều dư luận từ Đồ Sơn, từ Hải Phòng cho rằng thời kỳ ở Thành uỷ Hải Phòng đồng chí đã để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực về nhà đất, kéo dài không được xử lý nghiêm minh. Lên T.W. với vai trò Chủ tịch Hội đồng lý luận, đồng chí làm được quá ít, nhược điểm lớn là thiếu thực tế do vậy không phát hiện được vấn đề nào mang tính sáng tạo, dễ giáo điều, sao chép. Với chức danh Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá T.W., dư luận cho rằng cả về mặt lý luận, tư duy quá nghèo nàn, mà năng lực hoạt động thực tiễn cũng rất hạn chế, để quá nhiều tiêu cực phát sinh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa tới cấp độ báo động, dẫn đến bị động, đối phó lúng túng, đi tới sử dụng nhiều các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, cấm đoán làm cho tình hình đã rối càng rối rắm thêm. Phát động học tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tưởng rằng để chỉnh đốn tư tưởng, nhưng những người nắm quyền ở các cấp là đối tượng cần học là chính thì không mấy ai học, những cán bộ tham nhũng, quan liêu, hách dịch thì không có biểu hiện gì chuyển biến thành ra tốn tiền vô ích. Tuyên truyền chỉ một chiêu tô hồng, ai nói lên sự thật thì phạm cấm, coi là kẻ xấu.
.
Cả 4 đồng chí đều đã tham gia 2 đến 3 nhiệm kỳ BCH T.W. và những bất cập và khuyết nhược điểm của các đồng chí, tín nhiệm của các đ/c trong đảng viên và nhân dân giảm sút, mong rằng nhiệm kỳ tới đây (Đại hội 11) các đồng chí nên thôi ứng cử, nhường chỗ cho các đồng chí khác để cho lòng tin đối với Đảng được nâng lên, Tổ quốc, dân tộc phát triển nhanh và các đ/c cũng không mang tiếng tham quyền, cố vị.
.
Xin gửi đến Bộ chính trị - Ban Bí thư T.W. lời chào kính trọng và chúc các đồng chí cùng với BCH T.W. chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cả về văn kiện và nhân sự đại hội.
.
Danh sách đồng ký tên:
.
Lê Hữu Đức – Trung Tướng F.650 87 tuổi đời – 64 tuổi Đảng tham gia mặt trận Việt Minh từ tháng 10 năm 1943: Tôi nhất trí hoàn toàn, xin cho bổ sung 2 điểm:
1. Với đồng chí Nông Đức Mạnh - Khuyết điểm trầm trọng nhất là ngả hẳn vào bọn Trung Quốc, không thấy được âm mưu muôn đời của Trung Quốc là muốn nuốt chửng nước ta, không thấy qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, chỉ Vương triều nào nhu nhược chạy theo bọn Trung Quốc là mất nước hay sao? Cần kiểm điểm nghiêm khắc trước khi nghỉ việc để làm gương cho những đồng chí khác tránh vết xe đổ nát của đồng chí Nông Đức Mạnh.
2. Với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng tôi cũng nhất trí như bản trình bày. Tôi thấy gần đây đồng chí Dũng có một chủ động đáng hoan nghênh là đã nhất trí với Bộ Quốc Phòng qua Nga mua tàu săm ngầm và máy bay Mic 29 về trang bị. Vũ khí tối tân mới giữ được Trường Sa và chống lại được mọi kẻ xâm lược từ phía đông Tổ Quốc. Đề nghị đồng chí Dũng tiếp tục ủng hộ Bộ Quốc Phòng nên để Nga vào lại căn cứ Cam Ranh, có như vậy thì mới đập tan mọi âm mưu bành trướng muốn chiếm nước ta trước hết là bọn “Ác bá – Trung Quốc”
Nguyễn Trọng Vĩnh – Nguyên UVTW Đảng – Lão thành cách mạng.
Huỳnh Đắc Hương – Thiếu Tướng, Chính uỷ Quân khu, Tư lệnh kiêm Chính Uỷ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Lào, Thứ Trưởng Bộ Lao Động - Thương Binh Xã Hội.
Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn) – Lão thành cách mạng – 50 tuổi Đảng.
Nguyễn Thị Cương – Cán bộ tiền khởi nghĩa, 64 tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng 3.
Trần Đức Quế – Lão thành cách mạng, Chuyên Viên đã nghỉ hưu.
Hữu Anh – Thiếu Tướng, Lão thành cách mạng, nguyên cục trưởng …Bộ Quốc Phòng.
Trần Bá – Cựu chiến binh Nam tiến, 85 tuổi đời, 46 tuổi quân, 64 tuổi đảng.
Lê Hữu Hà – Lão thành cách mạng, Trưởng ban tổ chức liên khu uỷ IV, chuyên viên tư vấn của các ông Huỳnh Tấn Phát, Đỗ Mười.
Lê Mai Anh – Lão thành cách mạng, cựu chiến binh , gần 50 tuổi đảng.
Nguyễn
Phạm Văn Hiện – Đại Tá, Lão thành cách mạng.
Trần Nguyên – Lão thành cách mạng, 86 tuổi đời, 60 tuổi đảng, 40 tuổi quân.
Nguyễn Bá Bảo – Cán bộ viện nghiên cứu Bộ công nghiệp, 75 tuổi đời, 45 tuổi đảng.
Nguyễn Văn Tuyên – Đại Tá QĐND Việt Nam, Lão thành cách mạng, 85 tuổi đời, 63 tuổi đảng.
Vũ Thuận – Lão thành cách mạng, 85 tuổi đời, 60 tuổi đảng, Huân chương độc lập.
Lê Minh Châu – Lão thành cách mạng, 50 tuổi đảng.
Nguyễn Văn Bé – Lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, 86 tuổi đời.
Nguyễn Văn Mậu – Trung Tướng, Lão thành cách mạng, 90 tuổi đời, gần 70 tuổi đảng
.
.
.
No comments:
Post a Comment