Monday, June 14, 2010

HẬU QUẢ CỦA MÔ HÌNH "PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀ TẤT CẢ"

Hậu quả của mô hình “phát triển kinh tế là tất

Nguyễn Minh
Đăng ngày 14/06/2010 lúc 15:29:33 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4869

Trong hai ngày từ 29 đến 30-5-2010, hội nghị thượng đỉnh giữa ba quốc gia phát triển nhất Đông Á (Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản) đã nhóm họp tại Nam Hàn, trên đảo Jeju.

Các ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc, Lee Myung-bak tổng thống Nam Hàn và Yukio Hatoyama thủ tướng Nhật Bản đã cùng nhau thảo luận chiến lược phát triển khu vực. Một bản thông cáo chung đã được công bố ngày 30-5, theo đó lãnh đạo ba quốc gia Đông Á đã biểu quyết chiến lược hợp tác và phát triển 10 năm tới, với tên gọi Viễn tượng hợp tác 2020 giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.
Nội dung chiến lược này tập trung vào việc củng cố sự hợp tác giữa ba quốc gia trong việc xây dựng một cơ chế hợp tác bền vững, đặc biệt là xóa bỏ những rào cản trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Lãnh đạo ba quốc gia cũng hứa sẽ gia tăng khối lượng trao đổi thương mại, tài chánh và tiền tệ, chống mọi hình thức bảo hộ kinh tế, tăng cường quan hệ và hợp tác với nhóm G20, khối ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản) và khối APEC (Hợp tác kinh tế giữa các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương).
Bên lề hội nghị là những buổi hội thảo song phương vê các vấn đề an ninh và lãnh thổ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc rất quan tâm đến sự ổn định của khu vực, mọi tranh chấp phải được giải quyết trong sự tương kính và bình đẳng trên tinh thần cùng có lợi (win-win).
Theo dõi kỹ lời phát biểu của Ôn Gia Bảo, người ta thấy có sự lo lắng cho tương lai của Trung Quốc. Ông nói : "Thế giới đang chứng kiến những chuyển biến phức tạp và sâu rộng, khu vực Đông Á đang phải đối diện với những thử thách và khó khăn mới. Chúng ta phải lấy quyền lợi cơ bản của các dân tộc trong ba quốc gia để tăng cường thông tin và hợp tác, lắng nghe những ưu tư của nhau, giải quyết hợp tình hợp lý những vấn đề nhạy cảm, gia tăng sự tin tưởng vào thể chế chính trị và giữ gìn hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Á". Lời phát biểu tuy ngắn ngủi nhưng xúc tích này đã nói lên tất cả : Trung Quốc đang đối diện với những khó khăn nội bộ đang bắt đầu lộ diện và đe dọa sự thống nhất của Trung Quốc.
Thử thách và khó khăn nào ? Đó là nạn tranh giành quyền lực trong nội bộ và làm cách nào để giữ vững chỉ tiêu phát triển.


Tranh giành quyền lực : một tam quốc mới ?


Năm 2012, đảng cộng sản Trung Quốc sẽ bầu lại ban chấp hành trung ương mới. Đây không phải là một công tác dễ dàng. Từ đây đến đó, một cuộc tranh giành chức vụ đang diễn ra tuy âm thầm nhưng rất khốc liệt. Không phe nào chịu nhượng phe nào, và khi không áp đảo được đối phương thì thỏa hiệp để chia chác quyền lợi nếu được vào ban chấp hành trung ương đảng.
Với 76 triệu đảng viên, tương đương với dân số Thô Nhĩ Kỳ (Turkey), Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay không còn là một đảng chính trị đúng nghĩa nữa, nó là một giai cấp cầm quyền với những đặc quyền đặc lợi mà không một đảng phái chính trị nào trên thế giới có thể so sánh. Chính vì thế được kết nạp vào đảng cộng sản trong lúc này là cả một may mắn, vì chỉ có thể giàu thêm lên chứ không thể nghèo hơn. Và khi chỉ còn một giai cấp cầm quyền, tranh chấp quyền lợi giữa các lãnh chúa địa phương sẽ làm Trung Quốc vô hình chung bể thành nhiều mảng, thống nhất có thể sẽ chỉ còn là một kỷ niệm.
Trong bối cảnh sinh hoạt chính trị hiện nay tại Trung Quốc, người ta thấy có ba khuynh hướng lớn đang cạnh tranh lẫn nhau. Một là phe Thành đoàn do Hồ Cẩm Đào cầm đầu, hai là phe Thượng Hải do Giang Trạch Dân lãnh đạo và ba là phe Thái tử đảng, gồm những cấp lãnh đạo không thuộc hai phe nhóm trước. Tuy chưa xuất đầu lộ diện đe dọa bất cứ ai, nhóm Thái tử đảng đang càng ngày càng mở rộng vòng đai ảnh hưởng, kết hợp với các tỉnh vừa duyên hải vừa lục địa dọc hai bờ sông Chu Giang gồm Quảng Đông, Hồ Nam và Trùng Khánh. Nói chung, không phe nào mạnh hơn phe tại một địa phương nào, ảnh hưởng quyền lực và quyền lợi của ba phe này đan xen chồng chéo lẫn nhau trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Một cuộc đảo chánh nội bộ lật đổ phe kia do đó cũng khó thực hiện.
Hiện nay, phe Thành đoàn (Hồ Cẩm Đào) đang giữ thế thượng phong vì nắm trong tay một số chức vụ lớn trong đảng và trong xã hội. Thành tích đáng kể nhất của phe này là truất phế được Vương Lạc Tuyền, bí thư tỉnh ủy Tân Cương, nơi vừa xảy ra cuộc bạo loạn của người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) tháng 7-2009 vừa qua làm hàng trăm người thiệt mạng. Ngày 24-4-2010, ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ra thông báo giải nhiệm Vương Lạc Tuyền (65 tuổi), điệu về Bắc Kinh làm phó thư ký ủy ban chính trị pháp luật trung ương.

Nhắc lại, họ Vương còn nổi danh với biệt hiệu "vua Tân Cương". Trong suốt 15 năm cầm quyền trên vùng đất này, Vương Lạc Tuyền đã xây dựng cho mình cả một vòng đai thân tín, một hệ thống quyền lực và quyền lợi gồm những người gốc Sơn Đông, nắm giữ tất cả những chức quyền quan trọng và béo bở nhất tỉnh.
Trong thực tế việc truất phế Vương Lạc Tuyền không giản dị như phe Bắc Kinh tin tưởng, tìm người thay thế ông là cả đoạn đường chiến binh. Bí thư đảng ủy Tân Cương là một chức vụ rất quan trọng, vì đây là một tỉnh địa đầu, giáp ranh với nơi cư trú của những nhóm Hồi giáo quá khích, lấy khủng bố làm phương tiện đấu tranh. Bí thư tỉnh này phải là một người rất bản lãnh, vì nắm trong tay cả quân đội lẫn công an, hai lực lượng võ trang được trang bị hùng hậu nhất, để trấn áp mọi cuộc bạo loạn. Tìm người đứng đầu tỉnh này đã khó, tìm người vừa giỏi vừa ngoan lại càng khó hơn. Chính vì khó tìm ra con người lý tưởng đó nên phe nào cũng muốn đề cử thân tín của mình vào thay thế.
Không chấp nhận bị tước mất một vùng đất chiến lược quan trọng phía tây-bắc, phe Thượng Hải đề nghị Mạnh Kiến Trụ, bộ trưởng bộ công an, ra đảm nhiệm. Không bỏ lỡ thời cơ, phe Thái tử đảng đề cử Bao Hy Lai, bí thư tỉnh Trùng Khánh, lên thay. Do tương quan sức mạnh của các phe phái ở Tân Cương ngang nhau, cuối cùng Trương Xuân Kiên (56 tuổi), bí thư tỉnh Hồ Nam, một người không thuộc khuynh hướng nào được bổ nhiệm. Thành tích gần đây nhất của họ Trương là đã giải quyết thành công nạn tuyết lớn năm 2008 và khôi phục danh dự cho Hồ Diệu Bang khi làm bí thư tỉnh ở Hồ Nam.
Nhân cuộc vận động cử người thay thế vào chức vụ cao nhất ở Tân Cương, vị thế của Hồ Nam cũng đã vô tình được nâng cao. Nằm trên lưu vực sông Chu Giang, Hồ Nam là tỉnh có tầm quan trọng chiến lược vì nối liền cả miền duyên hải trù phú với lục địa giàu tài nguyên qua sông Chu Giang, một đường vận chuyển hàng hóa chiến lược từ lục địa ra duyên hải và ngược lại. Chính vì thế phe phái nào cũng muốn kéo Hồ Nam về phía mình.
Để thế chỗ họ Trương ở Hồ Nam, Chu Cường (50 tuổi), tỉnh trưởng Hồ Nam, được đưa lên thay. Chu Cường đã từng giữ chức vụ bí thư thứ nhất trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh trong suốt 8 năm và là một trong những thân tín của chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Hồ Nam. Khả năng được vào bộ chính trị trong năm 2012 của họ Chu rất cao. Thay chỗ Chu Cường trong chức tỉnh trưởng Hồ Nam là Lý Tiểu Phụng, phó tỉnh trưởng Sơn Tây. Lý Tiểu Phụng là trưởng nam của cố thủ tướng Lý Phụng (1988-1989).
Qua cách sắp xếp người vào các chức vụ cao trong đảng cộng sản tại Tân Cương và Hồ Nam, người ta nhìn ra hai phe đang có thế mạnh quyết định trong đại hội đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012 sắp tới là phe Thành đoàn do Hồ Cẩm Đào cầm đầu và phe Thái tử đảng. Phe Thượng Hải do Giang Trạch Dân lãnh đạo phần lớn đều đã già yếu, nhân sự còn lại không có lực cạnh tranh và chỉ cố gắng tiếp tục nắm giữ các chức vụ và cơ sở kinh doanh đã có trong tay.

Có thể tóm tắt nhân sự có uy thế và uy tín nhất của các phe phái hiện nay như sau :

Phe Thành Đoàn của Hồ Cẩm Đào :
Lý Khắc Cường, phó thủ tướng thứ nhất
Lý Nguyên Triều, trưởng ban tổ chức đảng
Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông
Hồ Xuân Hoa, bí thư khu tự trị Nội Mông
Trương Cường, bí thư tỉnh ủy Hồ Nam
.
Phe Thái tử đảng đang lên ở lưu vực sông Chu Giang :
Tập Cẩm Bình, phó chủ tịch nước
Bao Hy Lai, bí thư Trùng Khánh
Vương Kỳ Sơn, phó thủ tướng
Lý Tiểu Phụng, tỉnh trưởng Hồ Nam

.

Phe Thượng Hải của Giang Trạch Dân :
Mạnh Kiến Trụ, bộ trưởng công an
Hàn Chính, thị trưởng Thượng Hải
Hoàng Kỳ Phương, thị trưởng Trùng Khánh
Vương Lạc Tuyền, bi thư khu tự trị Tân Cương vừa bị cất chức

Không phái nào :
Trương Xuân Kiên, cựu bí thư Hồ Nam

.

Sự sắp xếp nhân sự lãnh đạo vào một trong ba phe này cho thấy Trung Quốc đăng đứng nguy cơ chia rẽ và có nhiều khả năng tan ra làm ba hoặc làm bốn mảnh như thời Tam Quốc hay thời Xuân Thu. Cũng qua bảng này người ta có thể xét đoán thành phần lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai gồm những ai.


Nhân sự lãnh đạo Trung Quốc tương lai

Ngoài Tập Cẩm Bình và Lý Khắc Cường, hai người có khả năng sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo năm 2012, còn hai khuôn măït mới đang lên khác là Uông Dương và Bao Hy Lai.
Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, đã từng làm việc ở trung ương đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc nên cũng tạo cho mình một thế lực riêng như Lý Khắc Cường và Trương Cường. Phong cách làm việc của Uông Dương trở nên khác thường từ khi làm tỉnh trưởng Quảng Đông hơn 10 năm trước, có lẽ vì quá bận tâm đến kế hoạch phát triển vùng châu thổ Chu Giang. Tham vọng biến Quảng Châu thành thủ đô phía Nam của Trung Quốc (Nam Đô) đã rất rõ.
Nhắc lại, Uông Dương là một trong những người đề xướng việc thành lập hiêïp ước đối tác kinh tế (EPA-Economic Partnership Agreements) giữa các tỉnh thuộc châu thổ Chu Giang với Hongkong, Macao và cả Tứ Xuyên. Ông là người tích cực nâng tầm hội chợ mẫu hàng Quảng Châu, triển lãm xe hơi Quảng Châu và Á Vận Hội Quảng Châu (tháng 10-2010) lên hàng quốc tế, kể cả việc xây đường xe hơi cao tốc Quảng Châu-Vân Nam (tháng 2-2009), nhằm cạnh tranh với Bắc Kinh, Thượng Hải.
Để bảo vệ quyền lợi kinh tế của các xí nghiệp vùng Chu Giang, Uông Dương đã từng xung đột ý kiến với thủ tướng Ôn Gia Bảo trong những năm 2006-2007, khi Bắc Kinh yêu cầu các địa phương thực hiện luật cơ bản lao động quy định tăng mức lương tối thiểu của công nhân. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới 2008 khiến chính phủ trung ương phải tạm ngừng chính sách xây dựng xã hội hài hòa để đổi qua chính sách hỗ trợ tài chánh trên 500 tỷ USD, Uông Dương đã chứng minh Quảng Đông đúng khi đi trước cả nước để tiếp tục tăng trưởng trên 15% trong một năm bằng cách tích cực chuyển cơ cấu kinh tế qua các ngành công nghệ dùng kỹ thuật cao cấp của Đài Loan, Nhật, Pháp, bất chấp lao động nông thôn (lưu dân) khó tìm việc làm phải trở vê quê hay sống lây lất trong các đô thị Quảng Châu.
Trường hợp của Bao Hy Lai cũng rất ly kỳ. Ông là con của cố phó thủ tướng Bao Nhất Ba, cánh tay mặt của Đặng Tiểu Bình và Lý Tiên Niệm. Thời niên thiếu, Bao Hy Lai đã chứng kiến nỗi đau khổ của cha khi ngầm ủng hộ Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Thời làm bí thư Đại Liên, hay tỉnh ủy Liêu Ninh, Bao Hy Lai cũng từng hô hào loại bỏ các chướng ngại vật ngăn cản việc mở cửa kinh tế. Nhưng từ khi được cử làm bí thư Trùng Khánh (thành phố trực thuộc trung ương có 40 triêïu dân, cạnh tỉnh Tứ Xuyên), ông từ chức bộ trưởng thương mại và trở thành một cấp lãnh đạo đức hạnh. Chính ông đã cương quyết dẹp tan băng đảng Tứ Xuyên ở Trùng Khánh, đưa ra tòa xét xử và tuyên án tử hình một loạt cán bộ công an, quan thuế, tòa án ; ông còn in phát không cho dân chúng sách đỏ tuyển tập Mao. Từ đó uy tín của ông lên cao trong quần chúng và được sự ủng hộ của những thành phần trong sạch trong đảng (phong trào Tứ Trùng Trùng Khánh).
Như Uông Dương, Bao Hy Lai cũng có tham vọng muốn biến Trùng Khánh thành Tây Đô, cạnh tranh với Bắc Đô (Bắc Kinh), Đông Đô (Thượng Hải) và Nam Đô (Quảng Châu). Nhân cuộc khủng hoảng tài chánh 2008, họ Uông kêu gọi giới tư bản quốc tế vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (Komatsu, Bosco), sản xuất gia công xe hơi hybrid xài ít nhiên liệu (Prius, R Wagon), mở các siêu thị dịch vụ hiện đại và sang trọng (Yokado, 7x11, Family Meat, Carrefour, H&M, Uniglo, Lanson, Printemps). Trong khi các xí nghiệp Đài Loan hệ Quốc Dân Đảng đang bị làm khó dễ ở Bắc Kinh và Thượng Hải, Bao Hy Lai dành cho đồng hương hải ngoại những địa điểm tốt để kinh doanh và lập văn phòng (trong các tòa nhà cao hạng thứ 15 và 16 trên thế giớùi tại Hoa Tây, tỉnh Giang Tô).
Cùng với hội chợ quốc tế Thượng Hải (từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10-2010), lãnh đạo các tỉnh phía nam cũng đang ráo riết chuẩn bị Châu Á Vận Hội Quảng Châu vào tháng 10 sắp tới để thu hút sự chú ý của thế giới.


Tăng trưởng thật hay ngụy tạo ?


Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gần đây đã được hình thành như thế nào ? Thử nhìn quá trình di chuyển đầu tư từ duyên hải vào nội địa để hiểu rõ hơn.
Lấy thí dụ làng Hoa Tây, tỉnh Giang Tô. Làng này trước kia là nơi sản xuất và cung cấp rau tươi cho thành phố Thượng Hải, vì có nhiều ruộng nước và vườn tược, nhất là nguồn lao động nông nghiệp dồi dào. Trước sự mở rộng của thành phố Thượng Hải sang các vùng phụ cận, tỉnh Giang Tô nhờ đó cũng phát triển theo, đặc biệt là làng Hoa Tây. Chỉ cần ra khỏi thành phố Thượng Hải chừng ba giờ xe lửa, người ta có thể thấy từ xa tòa nhà chọc trời Greenland Square Zifeng Tower, cao thứ 15 trên thế giới, 328 mét, với 74 tầng lầu, vừa được xây xong hồi tháng 6-2010, đứng lừng lững dưới trời xanh bên cạnh những tòa nhà chọc trời trung bình khác.

Cho đến thập niên 1960, Hoa Tây vẫn còn là một làng nghèo. Nhưng từ khi có công trường sản xuất đầu xe lửa của xí nghiệp Hương Trấn, các ngành chế tạo công nghiệp khác đua nhau mọc lên trong làng, nào là xí nghiệp dệt, xí nghiệp hàng tạp hóa rồi công trường chế thép... Thu nhập ngoài nông nghiệp của nông dân Hoa Tây tăng nhanh như một phép lạ. Trình độ dân trí cao cộng với lợi tức gia tăng, dân chúng Hoa Tây xây nhà theo kiểu Nam Âu, nghĩa là nhà cửa cao rộng với mái ngói đỏ cam nằm xen kẻ với các loại cây dương, nhìn từ xa trông rất đẹp mắt. Mỹ thuật tạo ra lợi tức : nhờ có phong thủy hài hòa, vừa phương Đông và vừa phương Tây, du khách đua nhau đến đây chiêm ngưỡng cảnh đẹp và nghỉ ngơi giữa một thiên nhiên trong sạch.
Việc xây dựng ngôi nhà chọc trời nhằm thúc đẩy sự phát triển của Hoa Tây không tương xứng, vì đây chỉ là một ngôi làng nông nghiệp được biến thành một làng du lịch, cùng lắm là cần có nhiều văn phòng du lịch chứ không cần có văn phòng kinh doanh và giao dịch. Lý do xây dựng là vì được sự khuyến khíchg và giúp đỡ của trung ương, ban lãnh đạo địa phương không có sáng kiến nào khác là xây một tòa nhà cao hơn 300 mét, tốn hơn 300 triệu USD, để phô trương.
Không riêng gì Hoa Tây, từ hơn 5 năm qua trên toàn lục địa Trung Quốc nảy sinh một phong trào, nếu không muốn nói là một cuộc chạy đua xây dựng những công trình hạ tầng vĩ đại như đường sắt cao tốc, đường xe điện ngầm, xa lộ, phi trường, nhà máy phát điện, các công trường, cao ốc, biệt thư. Nơi nào giới đầu tư nói có thể xây dựng được là các chính quyền địa phương liền tìm cách thực hiện, bất chấp môi sinh và môi trường, bất chấp quyền lợi của những cư dân đang sinh sống trên mảnh đất đó để hưởng hoa hồng.
Sự bùng phát xây dựng nhà cửa này đã làm giá sắt, thép, xi măng, nhôm, nhựa hóa học... trên toàn thế giới tăng lên vùng vụt. Quả bong bóng địa ốc và tài chánh của Trung Quốc cũng từ đó phồng lên một cách giả tạo, với những chỉ số tăng trưởng hai số vượt ngoài tưởng tượng. Không ai dám tiên đoán tình hình thế giới sẽ như thế nào khi Trung Quốc tuyên bố khánh tận. Cũng nên biết giá thép trong vài năm qua đã tăng gần gấp đôi năm 2009, 100-110 USD/tấn ; giá than đá của Úc lên đến 98 USD/tấn (tăng hơn 40% so với năm trước). Sự lên giá nguyên nhiên vật liệu làm giảm hiệu quả của biện pháp kích cầu 1.400 tỷ USD của Bắc Kinh, ban hành hồi tháng 11-2008 vừa qua, dành cho các chính quyền địa phương và xí nghiệp quốc doanh. Ngân sách xây dựng cao ốc Hoa Tây đã được trích từ nguồn vốn này.
Trái với suy đoán của những chuyên gia về Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh muốn nhắm tới không phải tận dụng những hạ tầng kiền trúc vừa được xây xong để phát triển kinh tế. Ê kíp Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo chỉ nhắm tới việc tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân, đặc biệt là công nhân xây dựng trong các công trường để tạo một hình ảnh ổn định, kinh tế phục hồi và khắp nơi xây dựng.
Lấy công trình xây dựng mới nhất của Trung Quốc là tuyến đường sắt nối liền Quảng Châu và Vũ Hán, vừa hoàn thành tháng 12-2009. Đây là tuyến đường cao tốc, dài 1.069 km, mà tàu cấp hành có thể chạy với vận tốc 350 km/giờ. Về mặt chính trị, đây là một thành công lớn, nó chứng tỏ Trung Quốc từ một quốc gia nghèo nay đã bắt kịp đà tiến hóa cao của thế giới. Nhưng về mặt kinh tế, đây là một đầu tư thất bại, không tương xứng với thu nhập/phí tổn. Trừ khách du lịch quốc tế, ít người Trung Quốc nào đủ tiền mua một vé hạng 2 với giá 72 USD (490 CNY). Lương bình quân của một công nhân là 160 USD/tháng, việc xây dựng đường sắt với giá vé đắt như vậy có ý nghĩa gì ?

Tất cả chỉ vì muốn đạt mức tăng trưởng trong Quý 1-2010 lên 11,9% mà Bắc Kinh muốn khoe với thế giới. Trong con số này, phần đầu tư của chính phủ và các xí nghiệp quốc doanh là 6,9%, khả năng tiêu thụ của dân chúng là 6,2%, tỷ lệ xuất khẩu giảm - 1,2%. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn khoe khoang là mình đang vươn lên trong khi thế giới đang ngã quỵ vì suy thoái để... trả thù sự thua kém.
Điều mà ban lãnh đạo Trung Quốc sợ nhất là mất tăng trưởng, vì mất tăng trưởng là mất tất cả. Đặng Tiểu Bình đã từng nói tăng trưởng sẽ giải quyết tất cả vì khi kinh tế tăng trưởng, tệ nạn nghèo khó, thiếu đói thực phẩm, địa vị quốc tế của Trung Quốc sẽ dần dần được cải thiện. Thực ra Đặng Tiểu Bình chỉ muốn nhắn nhủ với thế hệ đảng viên kế tục rằng phải giữ tăng trưởng vì chỉ tăng trưởng mới giải quyết được tính chính thống để đảng cộng sản tiếp tục cai trị đất nước.
Chính vì thế, nhiều con số được nhà nước cộng sản Trung Quốc tung ra làm thế giới kinh ngạc. Chẳng hạn số đàn piano mà dân chúng Trung Quốc đang sử dụng lên đến 150 triệu chiếc, cao hơn dân số Nhật Bản (135 triệu người), tỷ lệ tăng trưởng năm 2010 trở lại mức hai con số, dự trữ ngoại tệ trên 2.000 tỷ USD, số xe hơi dự trù sẽ bán ra trong năm 2010 trên 15 triệu chiếc, v.v. Toàn những chỉ số cho thấy Trung Quốc đang trở thành một cường quốc giàu có và hùng mạnh. Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Sự phát triển và phồn vinh của Trung Quốc là có thật, nhưng chỉ giới hạn trong các thành phố lớn. Rời khỏi trung tâm thành phố không xa là sự lạc hậu và nghèo khổ, Trung Quốc phải mất ít nhất vài thập niên nữa mới xóa bỏ được hố cách biệt giàu nghèo, nông thôn thành thị, để bắt kịp đà tiến bộ chung của các khu vực thành thị và duyên hải. Đó là chưa kể tham nhũng, hối lộ, cấm sáng kiến và ý kiến, hủy hoại môi trường, không an toàn thực phẩm là những yếu tố kiềm hảm phát triển.

Qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sau cú sốc Lehman Brother, Bắc Kinh đã chụp lấy cơ hội để làm đầu tàu cứu nguy kinh tế thế giới, vì nắm giữ trong tay một trọng lượng quốc trái Mỹ khổng lồ. Có lẽ cũng từ đó Mỹ ít chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền và dân chủ hóa. Qua đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh càng cảm nhận phương châm "tăng trưởng giải quyết tất cả" của Đặng Tiểu Bình là đúng.
Việc đầu tư có nhiều phần vô lý của chính quyền Hồ Cẩm Đào hiện nay vào những công trình hạ tầng đồ sộ mang tính chính trị nhiều hơn kinh tế. Nhìn từ bên ngoài, xã hội Trung Quốc có vẻ phồn vinh vì sự sang trọng của các thành phố duyên hải, nhưng nếu có dịp quan sát kỹ từ bên trong người ta sẽ thấy dân chúng vẫn lo sợ trước một tương lai đầy bấp bênh, do đó sức tiêu thụ vẫn không tăng mặc dù đời sống có đỡ hơn trước nhưng.
Việc lạm dụng khuyến khích đầu tư của chính phủ để vay tiền xây dựng bất động sản đang đưa Trung Quốc đến một hố thẳm, quả bong bóng bất động sản của Trung Quốc có thể bị nổ bất cứ lúc nào. Ở Thượng Hải, giá bất động sản tăng từ 10 đến 20 lần thu nhập đầu người/năm. Sự kiện này dẫn đến tình trạng đổ xô đi mua xe làm giá xe tăng lên một cách giả tạo. Trong khi đó tiền lương công nhân không những không tăng mà còn bị ép giảm xuống, đình công xảy ra liên tục cao khiến nhiều xí nghiệp phải đóng cửa như ở Sơn Đông và Quảng Châu.
Hệ quả của mô hình phát triển là tất cả đang dẫn đưa Trung Quốc đến bế tắc. Sự tranh giành quyền trong nội bộ đảng cộng sản đang là mối nguy làm tan vỡ sự thống nhất của Trung Quốc. Và cho dù có giữ được sự gắn bó bề ngoài, mỗi lãnh chúa địa phương đang xây dựng cho mình một giang sơn và một lãnh thổ riêng, nhiều khi còn giàu có và hùng mạnh hơn trung ương. Khi trung ương trừng trị hay vô hiệu hóa một lãnh chúa thì hàng chục lãnh chúa khác liền hiện ra.
Với 76 triệu đảng viên cộng thêm gia đình, đảng cộng sản Trung Quốc đã trở thành một giai cấp cầm quyền với nhiều tranh chấp nội bộ. Tính trạng này giống như thời Tam Quốc đời xưa, các lãnh chúa đánh phá lẫn nhau và người nào mạnh nhất chiếm hữu lãnh thổ của những người khác để lên cầm quyền một mình.
Trong thực tế, Trung Quốc hiện nay có thể có trên 30 lãnh chúa cai trị 31 tỉnh, thành phố lớn. Mỗi lãnh chúa có toàn quyền chiếm đoạt đất đai, xây dựng nhà cửa, đường sá trên lãnh thổ mình bất chấp có sự đồng ý của trung ương hay không. Hơn nữa họ còn tìm cách khống chế trung ương vì cứ mỗi lần sắp diễn ra đại hội đảng, không ai nhường ai trong việc tranh giành các chức vụ ở cấp trung ương từ bộ chính trị đến ban thường vụ, ủy ban trung ương đảng.
Một yếu tố có ảnh hưởng thấy ngay cùng với việc thăng chức của các lãnh chúa là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, điều này chỉ có thể đạt được bằng cách mở rộng đầu tư tại các địa phương. Được trung ương bơm tiền, chính quyền địa phương nào cũng tìm cách gia tăng tài sản cố định bằng cách xây dựng nhà cửa, hạ tầng cơ sở để phô trương sự giàu có của địa phương mình trước dân chúng và thế giới. Đó cũng là cách bảo vệ quyền lợi và quyền lực của mình tại địa phương. Gây bè kết đảng là lẽ thường tình trong quan hệ chính trị tại Trung Quốc.
Có thể nói với chính quyền độc đảng hiện nay, Trung Quốc có đảng cầm quyền chứ không có quốc gia theo đúng nghĩa. Đảng cầm quyền đặt quyền lợi của "giai cấp" lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Sự phát triển của Trung Quốc, nếu có, không thể kéo dài lâu vì không có sự tham gia của dân chúng. Chừng nào chưa xem trọng người tiêu thụ, tôn trọng trí thức và sinh hoạt tri thức, Trung Quốc chưa thể được xếp vào hạng quốc gia tiền tiến.

Nguyễn Minh
(Tokyo)

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: