Cuộc vận động dân chủ trước một khúc quanh quan trọng
Nguyễn Văn Huy
Đăng ngày 14/06/2010 lúc 02:45:54 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4868
Năm nay là 35 năm từ ngày cả nước vào tay cộng sản. Trong suốt thời gian đó, nước vẫn chảy dưới cầu, không biết bao nhiêu biến cố và sự kiện đã xảy ra, cuộc vận động đổi mới đất nước cũng biến chuyển không ngừng. Nói chung, dưới một bề ngoài êm ả, cán cân lực lượng giữa một bên là chính quyền cộng sản muốn duy trì chế độ toàn trị để giữ mãi đặc quyền đặc lợi và một bên là xã hội dân sự đang tự cởi trói, không ngừng thay đổi. Cuộc đấu tranh dằng co này có lúc bất lợi cho chính quyền cộng sản, có lúc bất lợi cho phía đối lập. Cái giá mà chính quyền cộng sản phải trả khi đàn áp những tiếng nói đối lập là sự khinh thường của thế giới và sự phân hóa trong nội bộ. Cái giá mà những người đấu tranh cho dân chủ phải trả là tù tội, sách nhiễu, trù dập, đáng buồn hơn là sự thờ ơ của quần chúng. Nhưng không vì thế mà cuộc vận động dân chủ bế tắc. Nó chỉ đang trải qua một cuộc lột xác bắt buộc.
Tổng kết tóm lược: sau 35 năm cố gắng kết quả không là bao nhiêu, sự hưởng ứng của quần chúng trong nước gần như không có, hoặc rất rời rạc. Chính quyền cộng sản đã làm đủ mọi cách để người Việt trong nước không quan tâm đến đất nước, và đã thành công. Ưu tư của đa số thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ là kiếm tiền và hưởng thụ, chủ nghĩa áp đảo hiện nay là chủ nghĩa luồn lách. Sự dửng dưng này buộc những người đấu tranh cho dân chủ phải xét lại.
Bình thường, cố gắng nào sau 35 năm cũng phải mang lại ít nhiều kết quả, nhưng phong trào dân chủ Việt Nam không những dẫm chân tại chỗ mà còn có nguy cơ bị chính quyền cộng sản lũng đoạn và lố bịch hóa.
Cuộc vận động dân chủ trong nước không có kế hoạch và tổ chức nên không thể phát triển lâu dài để tồn tại với thời gian. Nói thẳng ra là nó thiếu một tổ chức đầu tàu hướng dẫn. Phần lớn những nhóm chống đối chính quyền cộng sản trong nước được thành lập một cách vội vàng, chỉ có khung chứ không có người, hoặc có người nhưng không có tư tưởng chỉ đạo, do đó rất dễ bị khống chế hay vô hiệu hóa ngay từ trứng nước. Từ sau 1975 đến nay, chưa một tổ chức chống đối nào trong nước qua mặt được mạng lưới an ninh tình báo của chính quyền cộng sản. Như vậy phải kết luận rằng phương thức đấu tranh bí mật đã thất bại. Đấu tranh công khai như thế nào là một chuyện khác.
Tại hải ngoại, mạng lưới tình báo của đảng cộng sản cũng rất tích cực. Công an cộng sản không phải chỉ thu thập tin tức, họ còn thành lập những tổ chức chống cộng cuội để gài bắt những người chống cộng thật trong nước (như đảng Việt Nam Phục Quốc năm 1976) hay lũng đoạn phong trào dân chủ hải ngoại (như trường hợp đảng Nhân Dân Hành Động từ năm 1991 đến gần đây). Một sự thật đáng buồn là gần như tất cả những tổ chức đối lập trong và ngoài nước không nhiều thì ít đều mắc bẫy. Những cố gắng cảnh giác nghiêm chỉnh, như trường hợp ông Nghiêm Văn Thạch lột mặt nạ đảng Nhân Dân Hành Động, không những không được biết ơn mà còn gây bực bội cho những người và tổ chức nhận ra là mình đã hố.
Hình thức xâm nhập muôn hình vạn trạng, tùy theo cơ hội và hoàn cảnh. Hình thức quen thuộc là đóng vai "cộng sản bất mãn" và làm quen với các tổ chức chống cộng. Nhiều Việt kiều khi về nước bị công an gọi lên "làm việc" đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh chụp về mình trong những buổi hội thảo, những cuộc xuống đường biểu tình chống cộng tại hải ngoại, v.v. bày ra trước mắt. Hậu quả của những buổi làm việc này là Việt kiều đó chấm dứt hoạt động phản kháng, thậm chí còn có thể ít nhiều hợp tác với công an để còn được về lại Việt Nam làm ăn hoặc du lịch. Biện pháp làm áp lực này tuy khá lỗi thời nhưng vẫn còn hiệu nghiệm.
Đây là trường hợp của những cán bộ cộng sản lộ diện, còn những người hoạt động trong bóng tối thì sao?
Ngay sau ngày 30-4-1975, hàng trăm nếu không muốn nói hàng ngàn cán bộ cộng sản giả dạng thường dân trà trộn vào số thuyền nhân vượt biển "tìm tự do", tất cả đều được hưởng qui chế tị nạn chính trị và được đưa đi định cư tại các quốc gia dân chủ phương Tây. Những người này ngày nay đã có một cuộc sống ổn định và không chừng còn khá giả hơn đám đông còn lại nhờ được yểm trợ. Họ xuất hiện như những người tị nạn cộng sản chân chính và thường lấy những lập trường chống cộng rất quyết liệt. Bây giờ giai đoạn bám trụ tại các quốc gia dân chủ phương Tây đã qua, nhiều người đã công khai lộ diện. Họ là ai? Hãy nhìn vào danh sách số người tham dự những hội nghị Việt kiều tổ chức tại Việt Nam hàng năm, trong đó cũng có những người đi tị nạn thực và trong thâm tâm không ưa cộng sản nhưng đã qui thuận chế độ vì những lý do rất thực tiễn.
Đợt thứ hai bắt đầu ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, một số cán bộ tình báo được chế độ cử ra nước ngoài ngăn chặn sự xâm nhập ý hệ dân chủ vào trong nước. Đây là những chuyên viên tình báo có trình độ kiến thức và kỹ thuật cao, được đào tạo từ những trường đại học tình báo của Liên Xô cũ, của công an và quân đội trong nước, hay đã qua các khóa huấn luyện và tu nghiệp tại Trung Quốc. Trong thập niên 1980, những người này được cử sang các quốc gia Đông Âu để báo cáo và kiểm soát tư tưởng và sinh hoạt của những lao động xuất khẩu. Sau 1990, họ được đưa sang các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ, dưới nhiều hình thức (ngoại giao, trao đổi văn hóa, du sinh, vượt biên chui, tị nạn chính trị, v.v.) để xâm nhập vào các tổ chức chống cộng nhằm ngăn chặn công tác tuyên truyền hay báo cáo về những hoạt động chống đối. Nhiều người trong số này trở thành cố vấn hay lý thuyết gia của nhiều tổ chức "chống cộng thứ thiệt", những tác phẩm của họ viết về những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hay xã hội miền Bắc trong giai đoạn sau 1954 được rất đông người đọc. Những cán bộ này còn bày mưu hiến kế đưa người xâm nhập vào trong nước để tổ chức lật đổ chính quyền. Thực tế là đã có rất nhiều người cả tin hăng hái về nước để rồi bị bắt, bị bêu xấu, và sau đó bỏ cuộc.
Sự xâm nhập của những cán bộ tình báo đợt 2 này gây nhiều tai hại trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhờ chinh phục được lòng tin của cộng đồng, khi cung cấp một vài "bí mật phòng the" về đời tư của Hồ Chí Minh hay các nhân vật lãnh đạo đã chết của đảng cộng sản, họ có đủ "tư cách" để chi phối dư luận, chia rẽ các tổ chức đối lập, và một phần nào đã thành công.
Làm thế nào để phân biệt những người ly khai thực sự để đứng vào hàng ngũ dân chủ và những thành phần xâm nhập? Không khó đối với những tổ chức nghiêm chỉnh vì bản chất của những phần tử xâm nhập là lưu manh, một điều không thể giấu lâu.
Tại hải ngoại, một số tổ chức đã lộ diện là hoặc do chính quyền cộng sản lập ra (như Đảng Nhân Dân Hành Động), hoặc nhảm nhí (như tổ chức Nguyễn Hữu Chánh), nhưng vẫn tiếp tục bám trụ nhờ vài nhân sĩ bênh vực. Họ biết khai thác một tâm lý "rất người" là tâng bốc hoặc phong cho những nhân sĩ này những chức vụ "cao trọng". Tuy nhiên, nếu tinh ý, người ta sẽ thấy họ ít khi tham gia vào những gì liên quan đến Trung Quốc, như xuống đường đòi lại đất đai và biển, hay khai thác bauxite trên Tây Nguyên.
Đợt xâm nhập thứ ba đang diễn ra ngay lúc này. Thật ra nó đã bắt đầu từ năm 2004, với nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của bộ chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đối tượng nhắm đến là giới trẻ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đó là những thành phần ưu tú có kiến thức và đỗ đạt cao, với những bằng cấp rất có giá trị mà Việt Nam đang cần. Mục đích của chính quyền cộng sản cũng rất giản dị, không mất tiền đào tạo mà vẫn được hưởng kiến thức và khả năng của giới trẻ hải ngoại.
Kiểm soát tư tưởng của giới trẻ này là một chiến lược mới mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam phải gấp rút thực hiện. Những thành phần ưu tú trong các đại học đã được tuyển dụng vào các cơ quan kỹ thuật tiên tiến của quân đội và công an để làm nhiệm vụ kiểm soát này. Họ được huấn luyện sử dụng những trang thiết bị điện tử và điện toán tối tân để vô hiệu hóa những thông tin bất lợi cho chính quyền cộng sản, đồng thời cũng để phát hiện ngay từ trứng nước những mầm mống chống đối hay kêu gọi bạo loạn trên mạng hay trên các blog internet khác.
Đối lập dân chủ Việt Nam đã chuẩn bị cho cuộc đấu kỹ thuật này chưa? Hình như là chưa, vì phương pháp đấu tranh từ sau 1975 đến nay vẫn không thay đổi: xuống đường, biểu tình, mít tinh, hội thảo, rải truyền đơn, phát tán tài liệu, dán bích chương, treo cờ, trương biểu ngữ, viết bài v.v. Phong trào dân chủ có vẻ xuống dốc và hụt hơi, vì từ trước đến nay nó chỉ quanh quẩn chung quanh những hành động này, những hành động đã mất hết sức thu hút. Nhưng thực ra phong trào dân chủ không mất mát gì cả.
Ai cũng biết đấu tranh phải có tổ chức nhưng ít ai đủ tài năng và kiên nhẫn để xây dựng tổ chức và sống với tổ chức. Đó là đặc tính khó nhất của những con người văn minh và phải bùi ngùi thừa nhận rằng người Việt Nam nói chung chưa văn minh, ngay cả khi có học thức.
Quan điểm cho tới nay vẫn được đại đa số những người đối lập đề cao là đối lập ngoài nước hỗ trợ đối lập trong nước. Vấn đề là người trong nước bị khống chế và không thể chủ động. Trừ những người chỉ tìm kiếm danh tiếng, ngay cả những người đấu tranh thực sự, dù ở trong hay ngoài nước, đều phải nhìn nhận công thức "quốc nội là điểm, hải ngoại là diện, quốc nội chủ động, hải ngoại yểm trợ" không đúng trong lúc này. Nhưng 35 năm đã trôi qua, hình như tất cả đều đã thay đổi trừ lập trường này, cuộc vận động cho dân chủ chính vì thế vẫn bế tắc. Những tiếng nói đối lập trong nước mà cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ không phải là những tổ chức, họ chỉ là những cá nhân, có ủng hộ họ cũng chỉ có tác dụng vinh danh họ chứ chẳng có lợi gì cho cuộc vận động dân chủ. Điều tệ hại hơn nữa là không phải tất cả những người tự nhận là "dân chủ" trong nước đều đáng kính trọng, một số trong những cá nhân này hoạt động vì danh và tiền chứ không có một lý tưởng nào cả.
Trường hợp vận động thành phần dân oan là một điển hình. Họ là nạn nhân của các cấp chính quyền cộng sản địa phương. Nhà cửa, ruộng vườn của họ bị cường hào ác bá tước đoạt, bị trưng mua với giá rẻ mạt. Khiếu nại với chính quyền địa phương không được, họ dắt nhau lên trung ương khiếu kiện để hồ sơ được cứu xét. Có người đã phải chực chờ hàng nhiều tháng, những người không có thân nhân tại Hà Nội hay Sài Gòn phải ăn bờ ngủ bụi. Gần như tất cả thành phần dân oan này đều bất mãn với chính quyền và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chờ hồ sơ được cứu xét. Lợi dụng sự bất mãn và khốn khổ của khối dân này, người ta xúi họ treo biểu ngữ, rải truyền đơn đòi dân chủ, kêu gọi bảo vệ biển và hải đảo v.v. Nhưng kiến thức và trình độ của những người dân oan này không đủ để tranh cãi về dân chủ hay chủ quyền trên biển và đất liền, hơn nữa đó không phải là quan tâm của họ. Hậu quả của việc tranh giành ảnh hưởng trong khối dân oan chưa hề có ý thức chính trị này là việc Nguyễn Khắc Toàn và đồng bọn mua chữ ký để tố cáo Trần Khải Thanh Thủy với công an và làm tất cả để đưa Trần Khải Thanh Thủy vào tù.
Sự thất vọng với phong trào dân chủ khiến nhiều người hướng về các tôn giáo và hy vọng các tôn giáo sẽ là chủ lực của cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài. Những tranh chấp về đất đai và nhà cửa của các giáo hội, những thay đổi nhân sự trong nội bộ giáo hội, đều được những tổ chức và cá nhân đối lập ở hải ngoại long trọng hóa thành những tranh chấp tôn giáo và chính trị. Thái độ đạo tặc của chính quyền cộng sản - sử dụng bọn xã hội đen và đem công an tới đến đàn áp và đánh đập những người cầu nguyện - cũng đã phần nào khiến những tranh chấp đất đai biến thành đàn áp tôn giáo. Dầu vậy sự phản kháng của các tôn giáo không thể đi xa hơn vì nó không hề nằm trong một tư tưởng chính trị nào mà chỉ giới hạn trong những thỉnh nguyện tầm thường và cụ thể.
Gần đây những thay đổi nhân sự trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được khuếch đại thành chính trị. Do không có thực lực trong nước, nhiều tổ chức và nhân sĩ muốn những hàng giáo phẩm đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ cho Việt Nam, điều mà những vị này vừa không có tư cách vừa không có khả năng để đảm nhiệm. Không được toại nguyện, người ta qui chụp những nhà tu hành này là hèn nhát. Người ta không biết hay cố tình quên rằng cuộc đấu tranh giành dân chủ không thể do các tôn giáo lãnh đạo. Nó là một cuộc đấu tranh chính trị vì đất nước và vì dân chủ, trong khi các tôn giáo không phải là những lực lượng dân tộc, họ coi tôn giáo của họ quan trọng hơn dân tộc; dân chủ cũng không phải là quan tâm của các tôn giáo vì không có tôn giáo nào dân chủ cả.
Trong nước hiện nay không có một tổ chức chính trị đối lập nào. Tại hải ngoại, các đảng phái cũ đã suy yếu một cách không thể đảo ngược được vì không có gì để đề nghị. Những tổ chức thành lập sau 1975 trên thực tế không còn lại bao nhiêu và con số sẽ ngày càng nhỏ lại vì một lý do giản dị là một tổ chức chính trị chỉ có thể phát triển, thậm chí chỉ có lý do tồn tại, nếu được quan niệm và xây dựng như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và thực hiện một dự án chính trị. Nhưng có bao nhiêu tổ chức có tư tưởng chính trị? Có lẽ bài học lớn nhất mà những người đối lập Việt Nam học được trong 35 năm qua là xây dựng một tổ chức không phải là chuyện dễ. Sự rã rượi và yếu kém này buộc những người dân chủ Việt Nam phải xét lại mình. Tình thế đã quá nguy ngập để có thể cho phép chúng ta nói một cách nể nang, bóng gió.
Giữa lúc phong trào đấu tranh đang còn lấn cấn giữa đấu tranh có tư tưởng và đấu tranh có tổ chức thì chính quyền cộng sản Việt Nam đã tiến thêm một bước mới trong tiến trình đàn áp đối lập: kiểm soát tư tưởng và thông tin của giới trẻ trong và ngoài nước bằng kỹ thuật tin học. Từ 2004, nghĩa là sau khi nghị quyết 36/NQ-TW được ban hành, Hà Nội đã mở ra một trận tuyến mới: chủ động trên mạng internet để khống chế các trang mạng đối lập ngoài nước. Trong suốt sáu năm qua, bộ máy kiểm soát tư tưởng qua hệ tin học này không ngừng kiện toàn. Hà Nội đã không ngần ngại chi tiền và tuyển dụng nhân tài vào bộ máy đàn áp mới này. Hai cơ quan được ủy nhiệm thực hiện công tác kiểm soát này là Tổng Cục II của bộ quốc phòng và Tổng Cục An Ninh I của bộ công an, qua các công ty quốc doanh viễn thông Viettel, FPT và VNPT.
Tiến trình hiện đại hóa bộ máy kiểm soát thông tin trên mạng internet của chính quyền cộng sản đến nay đã khá kiện toàn. Tất cả các báo điện tử và các blog có chút uy tín đều bị liên tục đánh phá với kỹ thuật ngày càng cao. Nhiều báo và blog đã bị thiệt hại nặng, trong một số trường hợp bị đánh sập luôn. Cũng nên biết từ đầu tháng 5-2010, tất cả các máy vi tính (PC) tại những địa điểm thuê bao internet đều phải cài đặt một phần mềm vào bộ nhớ để các cơ quan an ninh có thể xâm nhập vào máy tính để theo dõi và kiểm soát những trao đổi trên mạng, hay ngăn cản những trang nhà mà chính quyền cộng sản cho là bất lợi như Facebook, Twitter, v.v. Nhiều tổ chức bênh vực nhân quyền và tự do ngôn luận đã lên tiếng tố cáo những vi phạm này. Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã ra một thông báo ngày 27-5-2010 phản đối vụ việc này. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans Frontières) đã liệt kê Việt Nam vào danh sách "Kẻ thù của Internet".
Hiện nay Việt Nam có gần 25 triệu người sử dụng internet mỗi ngày, kiểm soát khối người này, ngay cả với những phương tiện khổng lồ, càng ngày càng là chuyện đội đá vá trời. Đây là một mặt trận có tầm quan trọng quyết định, trong đó chính quyền cộng sản có thể sẽ thảm bại và đối lập dân chủ có thể thắng lớn. Không những quan trọng mà còn bắt buộc, bởi vì mọi phong trào chính trị muốn thành công phải có một phong trào tư tưởng đi trước. Internet chính là dụng cụ cho cuộc vận động tư tưởng này.
Nhưng đối lập Việt Nam đã chuẩn bị để vào trận đấu này chưa? Có lẽ là chưa. Bằng cớ là rất nhiều người vẫn vui mừng khi hay tin một số biểu ngữ đã được vẽ và treo, một số truyền đơn đã được rải bí mật trong đêm tối tại một số thành phố. Nhưng bao nhiêu người trong số 87 triệu người Việt Nam thấy và đọc được những truyền đơn này? Và nếu đọc được thì sẽ nhận được thông điệp nào, sẽ có thêm niềm tin nào và biết mình phải làm gì? Thực ra các hoạt động này chỉ nhắm một mục đích là chứng tỏ lực lượng dân chủ có đủ thực lực để thách đố chính quyền cộng sản. Tuy vậy chúng đều đã chứng tỏ điều ngược lại: số biểu ngữ và truyền đơn quá ít và sau đó những người tham gia đều bị bắt. Cũng may là những người chủ xướng những hành động này chỉ là một thành phần nhỏ trong phong trào đối lập.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ đang bước vào một khúc quanh mới, mặt trận quan trọng nhất diễn ra trên mạng internet. Cuộc đấu mới này không còn giới hạn trong không gian và biên giới, nó liên tục và khắp nơi. Phải giành thắng lợi dứt khoát trong cuộc đấu mới này. Cần nhắc lại một lần nữa đây là cuôc đấu mà chắc chắn chính quyền cộng sản, cũng như mọi chính quyền toàn trị khác, sẽ thảm bại.
Tất cả những điều trình bày trên đây đều rất hiển nhiên và đáng lẽ không cần nói ra nếu chúng ta thực sự đấu tranh thay vì chỉ muốn làm ra vẻ đấu tranh. Đáng buồn là chúng đã cần được nhắc lại. Cho tới nay hình như tuyệt đại đa số những người và tổ chức đối lập không hề đặt câu hỏi "phải làm thế nào để đánh bại chính quyền cộng sản?".
Một thiểu số có lẽ chỉ muốn nói lên tiếng nói của lương tâm chứ không hề có một ý định tranh đấu nào cả. Đối với nhiều người khác tự coi là tham gia tranh đấu và kêu gọi tranh đấu, hình như trong kịch bản của họ cũng không hề có vấn đề đánh bại chế độ cộng sản. Trong kịch bản này chế độ cộng sản có sụp đổ hay không là do một thế lực quốc tế hay một biến cố trọng đại nào đó hoàn toàn độc lập với những người dân chủ Việt Nam. Như thế vấn đề đặt ra cho những người "tranh đấu" chỉ là làm thế nào để được biết đến thật nhiều, rồi một ngày nào đó khi thời cơ đến sẽ có một thế lực nào đó đưa lên cầm quyền hay tham chính. Hậu quả của cách suy nghĩ này là cách làm chính trị nhân sĩ, là những "tổ chức" được thành lập một cách đột xuất, là cuộc chạy đua gây tiếng vang. Và là lý do khiến sau 35 năm chúng ta vẫn chưa có nổi một tổ chức đối lập dân chủ có tầm vóc, bởi vì những hành động này thực ra rất có hại cho cuộc vận động dân chủ, chúng lôi kéo sự chú ý của quần chúng và dư luận khỏi những cố gắng nghiêm túc.
Ngày nay thời gian phần nào đã làm công việc của nó. Càng ngày càng có ý thức rõ rệt là sẽ không có thế lực nào hay biến cố nào lật đổ chế độ cộng sản cho chúng ta cả. Hoặc chúng ta đánh bại được chế độ cộng sản, hoặc nó sẽ tiếp tục. "Chúng ta" ở đây là toàn bộ những người dân chủ, những người đối lập công khai cũng như những người sáng suốt trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản.
Nhưng làm thế nào để đánh bại chế độ cộng sản? Câu trả lời cũng rất hiển nhiên nếu câu hỏi được đặt ra một cách thành thực: điều kiện bắt buộc đầu tiên là phải có tổ chức. Không thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh. Điều kiện này ai cũng biết, sở dĩ cho tới nay nó vẫn bị tránh né là vì nhiều người chưa đặt vấn đề một cách thành thực, là vì người ta vẫn làm chính trị theo kiểu đường xua lối cũ, vẫn mơ mộng làm giả ăn thực.
Sau cơn mộng mị ấy sự lột xác bắt buộc của phong trào đối lập dân chủ phải là chuyển hóa từ lối làm chính trị cá nhân sang đấu tranh có tổ chức. Như vậy mọi người và mọi hành động phải được đánh giá trên tiêu chuẩn người đó hay hoạt động đó đóng góp gì cho việc xây dựng tổ chức dân chủ. Nếu câu trả lời là "Không" thì rất có thể chỉ là phù phiếm, không nên khuyến khích mà chỉ nên khuyến cáo.
Nguyễn Văn Huy
Thông Luận số 248, tháng 6-2010
© Thông Luận 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment