Gió đang đổi chiều: Nói “Không” với đường sắt cao tốc!
Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Hai, 21 tháng 6 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/khong-voi-duong-sat-cao-toc-06-21-2010-96817834.html
Có thể nói ngày thứ bảy 19-6 vừa qua là một ngày đi vào lịch sử của Quốc hội trong nước.
Vì xưa nay, các đại biểu Quốc hội, với gần 90 % là đảng viên cộng sản, 10 % còn lại cũng lại do lãnh đạo đảng lựa chọn kỹ, thường ngoan ngoãn dơ tay tán thành mọi ý kiến của lãnh đạo, của Bộ Chính trị, của chính phủ. Các cuộc bỏ phiếu thường đạt từ 90 đến 99%, có khi còn hơn nữa, gọi là sự đồng thuận tuyệt đối.
Thế mà kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 19-6 về tán thành hay không tán thành đề nghị của chính phủ thực hiện Đại đề án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) đã như một quả bom phát nổ ngay giữa hội trường Quốc hội đang nín thở chờ đợi.
Mặc dầu Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trổ hết tài quảng cáo, thuyết phục, rằng kinh tế tài chính đất nước đang có đà phát triển, nước ta đang có tốc độ tiến nhanh, vững, việc nghĩ đến ngay từ lúc này làm ĐSCT là thích hợp, là tất yếu, là không có gì đáng quan ngại, rằng “tôi rất yên tâm với đề án hiện đại này”.
Bộ trưởng giao thông Hồ Nghĩa Dũng còn mạnh mẽ hơn, hùng hồn hơn, rằng mọi nước hiện đại đều làm ĐSCT, rằng nước ta có chiều dài dài nhất thế giới (!?), không thể không làm, rằng nhiều nước sẵn sàng cấp vốn, không thể bỏ qua dịp tốt và hiếm.
Tại Quốc hội có đại biểu ca ngợi sự sáng suốt của đảng và chính phủ, kích động rằng “các nước làm ĐSCT đều có chỉ số IQ – chỉ số thông minh – cao”, ngụ ý rằng chỉ có kẻ ngu si, đần độn mới chống lại chủ trương lớn trị giá 56 tỷ đôla này. (hiện toàn bộ thu nhập quốc dân ta mới đạt hơn 100 tỷ đôla).
.
Cho dù lãnh đạo rất e ngại, rất sợ sự phản biện, đến mức ra nghị quyết cấm người dân phản biện công khai các chủ trương lớn, những phiên họp Quốc hội vừa qua nhiều đại biểu đã đứng dậy phản biện quyết liệt, gọi đại dự án ĐSCT là một cuồng vọng nguy hiểm, một căn bệnh vĩ cuồng dại dột, không thật cấp thiết cho cuộc sống của đông đảo nhân dân, nên dành vốn cho những việc khác cấp bách hơn, như giáo dục, y tế, an sinh, giao thông nông thôn, nếu cứ làm sẽ chỉ chồng chất nợ trên vai các thế hệ kế tiếp.
Một số cơ quan truyền thông trong nước đã rất tích cực truyền bá những lập luận phản biện sắc sảo của một số đại biểu quốc hội, còn đăng thêm những luận văn, bình luận của trí thức, chuyên viên trong và ngoài nước bác bỏ từng điểm một quan điểm và lập luận của đại diện chính phủ, hỗ trợ cho tiếng nói cứng cỏi rất có tầm và có tâm của hơn mười đại biểu Quốc hội có lập trường đối lập trong vụ việc này.
.
Mạng bauxite –info đã đi đầu trong cuộc hỗ trợ quý báu này. Đáng chú ý là những bài luận văn chỉ ra cái bẫy ODA (Official Development Assistance – Hỗ trợ Chính thức cho Phát triển ) cũng như cái bẫy FDI (Foreign Direct Investment – Đầu tư trực tiếp của nước ngoài ) đều có 2 mặt, nếu không biết sử dụng khôn khéo, thông minh thì một mảng lớn sẽ nuôi béo các nhà tư bản nước ngoài cùng bọn tham nhũng trong nước móc ngoặc nhau, còn dân thì kéo cày trả nợ không biết đến đời nào mới hết được.
.
Kết quả là khi được thăm dò, có đến 129 đại biểu yêu cầu bỏ phiếu kín về chủ trương của chính phủ.
Kết quả thật bất ngờ cho cả 2 phía. Phía đảng và chính phủ không ngờ thất bại nặng đến thế, chỉ có 185 trên 439 đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành; 208 bác bỏ. Số không bỏ phiếu là 34. Đại dự án ĐSCT bị gác lại, loại ra khỏi chương trình nghị sự.
.
Lần đầu tiên một Đại dự án được quảng cáo mạnh mẽ bị Quốc hội do chính đảng CS lập nên và kiểm soát chặt chẽ bác bỏ sau một cuộc tranh luận khá sôi nổi kéo dài 2 tuần lễ.
Nhất định Bộ Chính trị và chính phủ không chịu thúc thủ, chịu thua. Bộ trưởng giao thông Hồ Nghĩa Dũng phát biểu “Tôi không quá buồn”. Nghĩa là buồn, nhưng còn tuyên bố theo kiểu cố đấm ăn xôi “chính phủ sẽ trình dự án khác”.
.
Vấn đề là các thế lực đối lập trong nước – đối lập với từng chủ trương của đảng và chính phủ độc đảng cũng như đối lập với cả chế độ chính trị độc đảng phản dân chủ – nhận ra thật rõ ý nghĩa thắng lợi quan trọng bước đầu này, tỉnh táo rút kinh nghiệm, phát huy dân chủ trong xã hội, phát triển nền truyền thông tự do, đẩy lùi lề lối cầm quyền chủ quan, duy ý chí, theo phe nhóm lợi ích riêng (crony economy) do các chuyên gia Đại học Harvard chỉ ra, thừa thắng tự tin bước tới.
Gió đang đổi chiều. Gió dân chủ thổi bạt gió độc đoán phản dân chủ.
Bài học quý từ sự kiện hiếm hoi này là trong tình hình hiện tại, trong thời mở cửa, đảng buộc phải cam kết tôn trọng luật pháp và thực thi dân chủ, các lực lượng tiến bộ, yêu nước thương dân vẫn có thể đẩy lùi từng bước thế lực độc đoán mù quáng vụ lợi, ghi được những thắng lợi bước đầu, tạo thêm niềm tin cho đại khối dân tộc đang khao khát độc lập, dân chủ và tự do.
.
.
.
No comments:
Post a Comment