Saturday, June 5, 2010

CHÍNH SÁCH TIÊU DIỆT SẮC TỘC THIỂU SỐ của CSVN

“Góc tối” nơi dòng sáng thuỷ điện

Lao Động số 127 Ngày 05/06/2010 Cập nhật: 7:50 AM, 05/06/2010

http://www.laodong.com.vn/Home/Goc-toi-noi-dong-sang-thuy-dien/20106/187127.laodong

(LĐ) - Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền sơn cước chịu nhiều thiệt thòi khi phải rời bỏ làng mạc, bờ xôi ruộng mật, di dời đến ở nơi khác, để nhường chỗ cho công trình xây dựng thuỷ điện Sông Ba Hạ (thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai).

.

Gia đình H’Chát ăn ở tạm bợ ở buôn tái định cư Xây Dựng. Ảnh: L.P.

http://www.laodong.com.vn/avatar.aspx?ID=138060&at=0&ts=236&lm=634113248148470000

.

Nhưng khi dòng sáng thuỷ điện này đã hoà điện lưới quốc gia, đã bừng sáng muôn nơi, thì người dân ở đây vẫn tiếp tục gánh chịu khổ cực, ở tạm bợ khi phải di dời nhà nhiều lần vì nước dâng ngập làng tái định cư (TĐC) mới.

Không những thế, đã 6 năm đến TĐC, họ vẫn chưa được cấp tấc đất nào để sản xuất. Đói nghèo, không việc làm, họ "buộc bụng" kéo nhau đi phá rừng cấm quốc gia Krông Trai để tìm kế sinh nhai... Đây đang là "góc tối" nơi dòng sáng thuỷ điện Sông Ba Hạ (TĐSBH)!

.

Khổ vì nhiều lần dời nhà
Con đường đất đào như cái rãnh kênh xói lở, nham nhở. Vài nhà tạm bợ trên khoảng đất san ủi trông còn dang dở. Một cơn gió nhẹ thoảng qua đã tung bụi mù mịt khắp làng. Những em thơ đen trùi trũi đang nô đùa bên cái “vực” làng, chỉ cần sơ sẩy chân là có thể rơi tõm xuống lòng hồ chết đuối. Các mí, ma đang gùi từng bầu nước dưới cái nắng như đổ lửa. Vợ con Y Moa chui vào ở trong hai mái tôn che tạm nằm sát mặt đất để nghỉ ngơi, nấu ăn!...

Không thể tin vào mắt mình, đây đang là “bức tranh” khu TĐC mới buôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hoà ở sát lòng hồ TĐSBH! Một công trình thuỷ điện khá lớn với công suất 220MW và tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4.274 tỉ đồng, nhưng lại xây dựng một khu TĐC cho dân một cách tạm bợ, tệ hại đến thế! Bà H’Chát - vợ ông Y Moa - chua chát nói: “Năm 2004, nhà tôi đã dỡ đi để giao đất làm lòng hồ. Vừa dựng lại được căn nhà ở đây thì năm ngoái thuỷ điện tích nước, nước dâng ngập làng xóm nên phải tiếp tục dỡ nhà ra ở tạm, rồi chờ thuỷ điện nâng cao nền khu TĐC này. Bây giờ, gia đình tôi đã có mặt bằng, nhưng khó khăn nên chưa làm lại nhà để ở”.

Lật lại “sổ tay” của phóng viên Lao Động về công trình xây dựng TĐSBH, tôi còn ghi chép rõ: Ngày 11.6.2009, TĐSBH đã phát điện tổ máy 1 hoà vào điện lưới quốc gia; phát điện hoà lưới tổ máy 2 vào ngày 26.11.2009. Nhưng, cũng trong thời gian dòng điện bắt đầu bừng sáng thì nước lòng hồ thuỷ điện dâng đến cao trình 105m làm ngập nhà cửa, vườn tược của người dân TĐC buôn Xây Dựng (66 hộ/30ha đất). Không thể hiểu nổi đơn vị chức năng thuỷ điện quy hoạch, đo đạc, xây dựng khu TĐC kiểu gì mà để xảy ra cơ sự như vậy?

Ngay lập tức, Cty CP TĐSBH và chính quyền địa phương thống nhất phương án TĐC tại chỗ cho 17 gia đình bị ngập nước ở buôn Xây Dựng, bằng cách di dời dân rồi nâng mặt bằng khu TĐC buôn này lên mốc cao trình 106,5m, xây dựng đê bao, hàng rào lưới B40 bên bờ hồ đảm bảo vững chắc trước mùa mưa 2009. Vậy là một lần nữa đời sống của dân bị xáo trộn, phải tháo dỡ, dời nhà lần 2 ra ở tạm bợ trong cảnh “màn trời chiếu đất” để chờ nâng cấp mặt bằng...

Nhưng thật trớ trêu, một lần nữa dân lại chờ dài cổ, đến tháng 4-5.2010 mới có được mặt bằng tạm để xây dựng lại nhà mới. Bởi giữa tháng 7.2009, Ban Giám đốc Cty CP TĐSBH đã hợp đồng Cty TNHH đầu tư xây dựng và PTNT Phú Thành triển khai xây dựng mặt bằng, nhưng sau khi bên B bỏ vốn thi công được 50% khối lượng công việc thì Hội đồng Quản trị Cty CP TĐSBH quyết định đưa công trình nâng cấp, bổ sung khu TĐC này vào diện đấu thầu, chứ không theo cơ chế 797/400 - tức là vừa thiết kế, vừa thi công!

Điều này làm cho dự án có thời điểm phải ngừng và tiến độ thi công rất chậm; đến nay vẫn chưa xây dựng hoàn thành đường sá, đê bao, hàng rào lưới B40 bên bờ hồ để phục vụ dân sinh. Chính những việc làm tắc trách, không thống nhất trong nội bộ của BQL thuỷ điện đã “hành” người dân ở khu TĐC buôn Xây Dựng phải gánh chịu những vất vả, gian khổ kéo dài (mà lẽ ra không đáng có) ở nơi ăn, chốn ở mới!
.
Dân đói vì không đất sản xuất
Về các khu TĐC TĐSBH, tôi như muốn... vỡ tung màng nhĩ khi đông đảo bà con “bủa vây” lớn tiếng phàn nàn chuyện họ nhường bờ xôi ruộng mật để tích nước lo TĐSBH, nhưng đến nay đã 6 năm trôi qua vẫn chưa được cấp một tấc đất để sản xuất nhằm ổn định đời sống kinh tế tại nơi ở mới!

Trước đây, nhà ông Ma Hon có 8,6 sào ruộng lúa, hơn 5ha rẫy trồng bắp, mè, sắn... Nhờ vậy, cả nhà làm quần quật quanh năm suốt tháng mà vẫn không hết việc, lúa bắp đầy nhà. Nhưng mấy năm qua, khi đến TĐC ở buôn Xây Dựng, 6 người trong nhà Ma Hon đành phải “ngồi chơi xơi nước”! Giờ tuổi đã cao, không còn đủ sức đi làm thuê, hằng ngày, ông Ma Hon đan lưới rồi xuống hồ thuỷ điện đánh cá kiếm ăn.

Vợ và các con Ma Hon đào xới mảnh đất mấy chục mét vuông ở ngay sau nhà và lấy nước giếng tưới để gieo trồng lúa... Tình cảnh gia đình chị HNhoi càng bi đát hơn, khi tiêu xài hết tiền đền bù, rồi ăn nhờ ở đậu nhà người khác và chẳng biết việc gì để làm. “Cái bụng đói thì cái tay, cái chân phải đi rẫy làm ăn. Nhưng ngặt nỗi chẳng lấy đâu ra đất để sản xuất cải thiện đời sống gia đình” - chị HNhoi buồn rầu nói.

Công cuộc “giải phẫu” lòng hồ TĐSBH bắt buộc 420 hộ dân (trong đó có 208 hộ thuộc các huyện Sơn Hoà, Sông Hinh - Phú Yên, 212 hộ thuộc huyện Krông Pa - tỉnh Gia Lai) phải di dời TĐC và mất hàng ngàn hécta đất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà - chỉ tính riêng ở địa bàn huyện Sơn Hoà có đến 386 hộ bị mất 890,93ha đất sản xuất, trong số đó có 98 hộ thuộc diện TĐC bị mất trắng đất sản xuất.

Suốt 6 năm qua, họ đau đáu chờ cấp đất nông nghiệp ở nơi mới để sản xuất, nhưng đến nay, tất cả các dự án xây dựng cánh đồng 110ha ở xã Suối Trai do tỉnh Phú Yên và Cty CP TĐSBH đầu tư; dự án trạm bơm Buôn Lé tưới cho 300ha; trạm bơm điện Ia Rmok (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai) cung cấp nước tưới cho 150ha lúa, hoa màu; trạm bơm Krông Năng (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai) tưới cho 160ha... vẫn còn “treo” trên giấy!

Khi hỏi về công tác chậm xây dựng các công trình thuy lợi, cải tạo mặt bằng đồng ruộng để cấp đất cho dân, ông Đặng Văn Tuần – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty CP TĐSBH - đã đổ lỗi cho việc “vướng” về đền bù, về thủ tục đầu tư, thiết kế, thẩm định dự án..., đồng thời “hứa” quý IV năm nay sẽ hoàn thành xây dựng đồng ruộng Suối Trai, trạm bơm Buôn Lé; còn các trạm bơm thuộc các khu TĐC huyện Krông Pa (Gia Lai) sẽ thực hiện khi... có quy hoạch của địa phương!
.
Lâm tặc bất đắc dĩ

Không đất sản xuất, không vụ mùa thu hoạch, không được tập huấn, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, không việc làm..., hàng trăm người dân ở các khu TĐC TĐSBH đành “bấm bụng” kéo nhau đi phá rừng cấm quốc gia Krông Trai và họ bất đắc dĩ trở thành “lâm tặc” vì kế sinh nhai. Buổi trưa “đội” nắng gay gắt đi dọc con đường xuyên rừng cấm này vào các khu TĐC, tôi vẫn nghe văng vẳng bên mình tiếng máy cưa gỗ trái phép trong rừng, nhưng không thấy lực lượng kiểm lâm tuần tra, xử lý!

Đến đây, không ai không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều khu đồi với nhiều loại cây gỗ quý thuộc rừng cấm đã thay bằng những nương lúa, đám sắn, và đây đó còn những khoảng rừng đang bị đốt dở, tạo thành những đám cây cháy “da beo” trên các triền dốc dọc theo các buôn Xây Dựng, Thống Nhất, Đoàn Kết...

Ông Nguyễn Bá Chánh – cán bộ Trạm kiểm lâm Thống Nhất (thuộc BQL rừng cấm Krông Trai) - cho hay: “Trước đây, khu vực xã Suối Trai rất ít xảy ra các vụ phá rừng cấm. Nhưng từ ngày dân bức bách không có đất sản xuất, đã phá rừng rất dữ. Chúng tôi không thể nào quản lý xuể!”.

Trước khi rời TĐSBH, ông Trương Hiếu Hoàng - Trưởng BQL rừng cấm Krông Trai – bức xúc nói: Trước đây, rừng cấm Krông Trai với diện tích hơn 22.900ha, bây giờ thu “gọn” chỉ còn 13.700ha. Tình trạng phá rừng cấm gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã xảy ra 89 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở địa bàn rừng cấm Krông Trai, trong đó có 70 vụ khai thác rừng cấm trái phép để làm rẫy, với tổng diện tích hơn 295.000m2.

Mới đây, Toà án Nhân dân huyện đã đưa ra xét xử và tuyên phạt ông Ma Cam và bà H’Trai (cùng ở buôn Xây Dựng) lần lượt 5 năm, 3 năm tù giam về tội phá hơn 17.000m2 rừng cấm, nhằm để răn đe, giáo dục, nhưng xem ra tình hình phá rừng vẫn chưa tạm lắng. Nếu tình trạng dân thiếu đất kéo dài, đời sống dân sinh ở các khu TĐC không ổn định, thì nạn phá rừng làm rẫy sẽ diễn ra gay gắt hơn, và cứ đà này, chẳng bao lâu sau, rừng cấm quốc gia Krông Trai sẽ biến thành rẫy sắn, nương mía và đồi trọc...

Lưu Phong

.

.

.

No comments: