Sunday, June 13, 2010

CHIẾN SĨ VÕ ĐẠI TÔN KÊU GỌI TUỔI TRẺ DẤN THÂN

Chiến Sĩ Võ Ðại Tôn trên chuyến Hành Trình Công Tâm kêu gọi tuổi trẻ

Nguyên Huy/Người Việt

Saturday, June 12, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114272&z=157

Trên chặng đường “Hành Trình Công Tâm để xây dựng lại Niềm Tin”, ông Võ Ðại Tôn người chiến sĩ đầu tiên trở về quê hương tranh đấu phục quốc sau 30 tháng 4 năm 1975 đã dừng lại tại Little Saigon nhiều ngày và đã mở một cuộc nói chuyện tâm tình cùng đồng hương và tuổi trẻ Việt Nam nhân dịp ông ra mắt thêm tập thơ mới của ông tại nhà hàng Emerald Bay vào chiều hôm Thứ Bẩy 12 Tháng Sáu.

.

Sau cuốn phim ngắn của phóng viên người Nhật không bị tịch Cộng Sản tịch thu ghi hình được trong cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội mà ông Võ Ðại Tôn đã lừa được Cộng Sản, tố cáo tội ác Cộng Sản trước dư luận thế giới cùng là những lời giới thiệu của ban tổ chức và của nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, ông Võ Ðại Tôn người chiến sĩ tranh đấu tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từng được thế giới biết đến và can thiệp cho thoát khỏi ngục tù Cộng Sản, đã buồn kể lại những cuộc gặp gỡ làm mất thêm bạn bè, chỉ vì những câu hỏi mà ông tạm tóm tắt trong bốn điểm. Ðó là hỏi về sức khỏe có cao máu cao mỡ không, con cái đã đỗ đạt bác sĩ kỹ sư mua nhà mới chưa và đã về Việt Nam chơi chưa.

.

Nhưng trước cử tọa đến với ông chiều hôm nay thì ông khẳng định rằng sẽ “tiếp tục cùng quí vị tạo thành một tổng lực chính trị để cùng trong nước tạo nên một cuộc cách mạng cứu nguy dân tộc. Ðó là trách nhiệm và bổn phận của mỗi chúng ta”.

.

Trong chuyến “Hành Trình Công Tâm để xây dựng lại Niềm Tin”, ông Võ Ðại Tôn kể lại những cuộc gặp gỡ rơi nước mắt.

Trên những miền đất mà người Việt Nam có lúc đã phải tạm dừng trên con đường tìm tự do ở Thái, ở Mã lai, ở Indonesia, ông đã có dịp nhìn những nấm mộ Thuyền Nhân hoang lạnh nơi ven rừng tại các miền đất này trong đó có một cái Miếu nhỏ mà người dân Mã lai gọi là Miếu Ba Cô do người dân địa phương dựng lên để giải oan khuất cho ba cô gái Việt Nam vượt biên bị hải tặc cưỡng hiếp trôi giạt vào bờ rồi vì quá ô nhục nên cả ba đã cùng treo cổ tự sát. Ở phía bên kia bờ biển là đất nước Việt Nam, cũng trên bờ biển có một căn biệt thự thật tiện nghi của con gái Nguyễn Tấn Dũng dùng làm nơi nghỉ mát, thỉnh thoảng ra ở. Cùng là người con gái Việt Nam, sao lại có kẻ phải nhục nhã vùi thân nơi xứ người, kẻ lại sống hoang phí, kiêu sa? Ðó là điều mà người Việt hải ngoại nên suy nghĩ.

.

Một câu chuyện khác ông Võ Ðại Tôn kể là khi ông ra khỏi tù Cộng Sản được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế mời đi nói chuyện về nhân quyền. Một lần tới Moscow, ông được một cô du sinh Việt Nam gốc Hà Nội làm thông dịch cho ông 5 ngày. Khi từ giã, cô thông dịch đã chạy theo và kín đáo xin được ôm lấy ông mà nói “Bố ơi, xin Bố đừng bỏ con”.

.

Một câu chuyện khác nữa ông kể khi bị Cộng Sản đưa vào nhà tù, một em bé gái 5 tuổi con một giám thị trại thường đến bên song sắt nhà tù nhờ ông làm đồ chơi và gọi ông là Ông. Năm năm sau, khi cô 10 tuổi, đã không thèm trả lời khi ông gọi hỏi. Lại 5 năm nữa khi cô là cô gái 15 tuổi, đi qua khung cửa sắt nhà tù đã nhìn vào mặt ông mà nói: “Cái đồ phản quốc. Ðồ ngụy quân ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ!” Câu chuyện này cho ta thấy sự giáo dục tuổi trẻ Việt Nam của người Cộng Sản.

.

Ðến đây thì chiến sĩ Võ Ðại Tôn xin được nói chuyện cùng tuổi trẻ. Ông nhắc đến hai người chiến hữu của ông tình nguyện theo ông về nước hoạt động. Ðó là anh Vũ Ðình Khoa khi ấy mới 29 tuổi đang cùng người yêu sửa soạn định cư ở Pháp. Khi được biết đến Võ Ðại Tôn, anh đã tìm đến xin đi cùng, bỏ lại người yêu và tờ giấy được nhập cư Pháp quốc. Khi cả hai bị truy sát cùng đường tại Lào, anh đã khẳng khái hô lên “Thầy chạy đi, con ở lại làm bia đỡ đạn cho Thầy”. Người thứ hai là anh Nguyễn Văn Lộc, trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến khi bị giải giao đi khắp các nhà tù thường bị bỏ đói thì anh Lộc đã nhường gói cơm và nói: “Thầy ăn đi, con còn trẻ có thể sống được”. Cả hai đã hy sinh dưới tay bạo quyền Cộng Sản nhưng với ông Võ Ðại Tôn thì “cả hai tiếng nói thể hiện hai tâm tình ấy cho mãi đến bây giờ vẫn còn vọng đến tai tôi và đã làm cho tôi đứng vững được trong những ngày tù và thúc đẩy tôi đi tiếp tục khi còn sống”.

.

Kể những chuyện ấy, ông Võ Ðại Tôn xin gửi đến những bạn trẻ đã thành công, đỗ đạt văn bằng này, đạt chức vị nọ hãy nhớ đến những cái chết ấy, những hy sinh của biết bao nhiêu người chỉ mong cho đất nước và dân tộc thoát khỏi chế độ Cộng Sản. Và ông Võ Ðại Tôn thiết tha nhắc tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại rằng “Hãy làm người Việt Nam đầy đủ và hãy nhớ đến tổ quốc Việt Nam”.

.

Mặc dù cũng là một buổi ra mắt sách nhưng tác giả Hoàng Phong Linh Võ Ðại Tôn chỉ nhắc sơ qua rằng “Trên mọi chặng đường tranh đấu, những giọt lệ nghẹn ngào trước tình cảnh dân tộc, những khắc khoải khôn nguôi trong đêm trường đã thôi thúc viết ra những đoạn văn, những dòng thơ nước mắt, những đoạn trường văn chương để xin các em hãy cứu lấy dân tộc. Không phải vì hận thù mà vì tình thương phải xây dựng lại con người Việt Nam đích thực mà Cộng Sản đã làm mất hết bản sắc dân tộc”.
.

Cùng trong chuyến đi này, người bạn đời từng phải nhiều phen đứt quãng ấm êm, bà Tuyết Mai cựu xướng ngôn viên đài TV số 9 Quốc Gia Việt Nam trước năm 1975 đã tâm sự: “Là đàn bà ai chẳng muốn có cuộc sống lứa đôi ấm êm hạnh phúc. Nhưng là người đàn bà Việt Nam, tôi luôn tuân phục những ý định hoài bão của chồng. Công việc của anh có nguy hiểm thế nào tôi cũng ráng chịu. Nay anh đã thoát khỏi tù ngục, tôi vẫn không hề ngăn cản anh tiếp tục con đường tranh đấu. Mặc dầu điều kiện tài chánh của chúng tôi rất khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng cùng anh thực hiện được những chuyến đi mà anh thấy là cần thiết. Chỉ mong giới trẻ hải ngoại đón nhận những tâm tình của anh thôi”.

.

Buổi nói chuyện tâm tình của chiến sĩ Võ Ðại Tôn đã được nhiều giới chức trong cộng đồng người Việt ở Nam California trân trọng gửi đến ông những chân tình thiết tha qua những bó hoa tươi thắm, những sự ngưỡng vọng tinh thần tranh đấu kiên cường của ông. Trước những biểu tỏ sự trân quí của mọi người, ông Võ Ðại Tôn đã xúc động và nói rằng: “Ðây là những món nợ ân tình, khó mà trả hết. Nó là động lực chính thúc đẩy tôi đi tiếp con đường cùng toàn dân đấu tranh cho một Việt Nam được tự do hạnh phúc, nhân quyền được tôn trọng”.

.

.

.

No comments: