Wednesday, June 9, 2010

BA GÓC NHÌN VỀ TRUNG QUỐC

Ba góc nhìn về Trung Quốc

Tác giả: Quỹ Jamestown

Quốc Thái biên dịch

Bài đã được xuất bản.: 07/06/2010 06:00 GMT+7

http://www.tuanvietnam.net/2010-06-06-ba-goc-nhin-ve-trung-quoc

Quỹ Jamestown vừa ấn hành một tài liệu phân tích và thông tin vắn tắt về Trung Quốc, trong đó nêu ba khía cạnh. Một là, cánh tay vươn dài của Trung Quốc tới Mỹ Latinh nhằm tìm kiếm nguyên liệu đầu vào phục vụ cho đà tăng trưởng nóng của mình. Hai là, tình trạng bất ổn xã hội gia tăng trong nước xuất phát từ sự bất mãn, thất vọng của các cá nhân. Ba là, vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề khu vực. Tuần Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc.

.

1. Vị trí ngày càng lớn ở Mỹ Latinh

Ngày 21/5 vừa qua, công ty dầu mỏ Statoil của NaUy thông báo nhất trí bán 40% cổ phần (3 tỷ USD) của mỏ dầu Peregrino ở ngoài khơi lòng chảo Campos của Brazil cho Tập đoàn dầu khí Sinochem của nhà nước Trung Quốc. Thương vụ Peregrino diễn ra ngay sau khi Công ty dầu hải ngoại của Trung Quốc (CNOOC) cũng công bố nắm giữ 50% cổ phần (3,1 tỷ USD) trong một công ty liên doanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần năng lượng Bridas của Argentina.

Trong khi hai thương vụ trên còn phải chờ sự phê chuẩn của chính phủ hai nước, các thỏa thuận này đã cho thấy rõ mục tiêu mới của các hoạt động của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, cũng như vai trò và hình ảnh của Bắc Kinh đang gia tăng trong khu vực.

Tại Brazil, theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và gã khổng lồ năng lượng Petrobras của Brazil đã ký thỏa thuận "đổi dầu lấy tín dụng". Theo đó, Petrobas đồng ý cung cấp dầu trong 10 năm tới (khoảng 200.000 thùng dầu/ngày) cho Sinopec để đổi lại các khoản vay trị giá 10 tỷ USD từ CDB trong khung thời gian này.

Tại Argentina, Chủ tịch CNOOC Yang Hua bình luận: "Với danh mục tài sản dầu và khí đốt được xếp hạng thế giới, Bridas xứng đáng là đầu cầu để chúng tôi (CNOOC) bước vào Mỹ Latinh. Thông qua thương vụ này, chúng tôi sẽ tạo dựng một sự hiện diện công bằng tại khu vực."

Bridas cũng có các hoạt động khai thác và sản xuất tại Bolivia và Chile; và theo một thông cáo của CNOOC niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong, Bridas còn sở hữu 40% cổ phần của Pan American Energy LLC, một chi nhánh của BP Plc.

Tại Venezuela, Trung Quốc mới đây đã nhất trí dành 20 tỷ USD cho Caracas vay nợ, trả theo hai đợt là 10 tỷ USD và 70 tỷ nhân dân tệ (10,25 tỷ USD). Trung Quốc và Venezuela sẽ thành lập một công ty liên doanh để khai thác mỏ Junin-4 Block, thuộc vành đai dầu nặng Orinoco, dự kiến khai thác 2,9 tỷ thùng dầu thô nặng trong 25 năm theo hợp đồng.

Theo Wang Peng, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Latinh của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội uy tín của Trung Quốc, ý nghĩa của khoản vay này là "70 tỷ NDT sẽ nhằm quốc tế hóa đồng NDT. Xét đến trữ lượng dầu khá lớn và tiềm năng khai thác lớn, việc ký kết thỏa thuận bằng đồng NDT sẽ giúp tăng vị thế của đồng tiền Trung Quốc trong ngành thương mại dầu mỏ".

Giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo lắng về tình trạng mất an ninh khi nước này ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài. Nhằm giảm các tác động có thể có khi giá dầu tăng cao, Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp "quyến rũ" Mỹ Latinh thành một trong ba khu vực cung cấp năng lượng lớn của mình. Dù nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ khu vực này vẫn còn ít so với từ các nơi khác, nhưng các thỏa thuận mới đạt được ở Argentina, Brazil và các vùng khác đang đẩy Trung Quốc ngày càng dần hơn tới đích.

Như các thỏa thuận gần đây cho thấy, sự xuất hiện của Trung Quốc ở Mỹ Latinh không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo tiếp cận với các thị trường và nguồn nguyên liệu đầu vào. Nó còn mang tính chiến lược.

Nhìn vào mức độ phát triển tương đối tinh vi trong một số lĩnh vực công nghệ cao của Brazil và Argentina, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy Brasilia và Buenos Arie đang nổi lên như những mục tiêu chính của "mũi tiến công" của Trung Quốc trong khu vực. Tiến bộ trong hợp tác về thương mại, đầu tư và chính trị, cũng như quốc phòng, thường gắn chặt với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, cả BrazilArgentina đều sở hữu một ngành công nghiệp hạt nhân tiên tiến, một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ hùng mạnh và một cơ sở hạ tầng viễn thông vững chắc.

Nhằm chống lại các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các hoạt động của Trung Quốc ở Mỹ Latinh ngày càng rõ rệt. Trong khi tác động của cuộc khủng hoảng này đối với các nền kinh tế phương Tây không được giảm bớt, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của Trung Quốc với các nước trong khu vực này đã rõ ràng hơn khi Trung Quốc trở nên tự tin và quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của mình. Dù chưa rõ quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với Mỹ Latinh kéo dài sẽ khiến các lợi ích của Mỹ phải trả giá như thế nào, nhưng bối cảnh này buộc Washington phải cam kết nhiều hơn tại Mỹ Latinh và duy trì quan hệ bằng hữu với khu vực này, nhất là khi trọng tâm quyền lực đang dần chuyển về phía Đông.

.

2. Bất ổn gia tăng

Chính quyền Bắc Kinh đã nâng cảnh báo an ninh toàn quốc lên mức cao nhất - lần đầu tiên kể từ Thế vận hội Olympic 2008 - sau một loạt vụ giết người ở trường học và nhà trẻ, mẫu giáo làm ít nhất 27 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Bộ Công an và Bộ Giáo dục cùng các cơ quan hữu quan khác đã vào cuộc nhằm đảm bảo an toàn cho các quận có trường học.

Theo các thông tin chính thống của Trung Quốc, đã xảy ra 7 vụ giết người từ ngày 23/3 đến 19/5 tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học và ít nhất một trường cấp hai ở các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Tây, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Hải Nam. Theo báo chí Hong Kong, khoảng một chục vụ khác nhỏ hơn chưa được thống kê. Hung thủ đã bị tử hình 16 ngày sau khi gây án. Động cơ của hắn được báo giới đăng là do bất mãn vì thất bại trong kinh doanh và vì bị sa thải bất công khỏi một công việc trước đó.

Giới lãnh đạo nước này gọi đây là "những vụ khủng bố đô thị liên quan đến các cá nhân bất mãn". Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ra lệnh toàn bộ các cơ quan chính phủ ngay lập tức có các biện pháp tránh tái diễn những trường hợp tương tự và đảm bảo ổn định và hài hòa xã hội. Các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều biện pháp an ninh khẩn cấp ở mức cao nhất đã được áp dụng. Nhiều thành phố đã huy động mỗi trường học một cảnh sát. Thủ đô Bắc Kinh huy động thêm 20.000 nhân viên an ninh vì mục đích này.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận rằng có những lý do sâu xa hơn đằng sau các vụ giết người dã man trên. Ông nhấn mạnh bên cạnh việc thúc đẩy tuần tra và các biện pháp thắt chặt luật pháp khác, các bộ ngành cần phải khắc phục các mâu thuẫn xã hội, giải quyết các xung đột và tiến hành hòa giải từ cấp cơ sở.

Người phát ngôn Bộ Công An Trung Quốc cũng cho rằng một loạt vụ tấn công vào các trường tiểu học là triệu chứng của tình trạng bất ổn về kinh tế - xã hội. Theo ông, một số mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời đã nổ tung. Các xung đột dân sự đã biến thành các vụ án hình sự với những biện pháp cực đoan nhằm trả đũa xã hội.

Tại sao có những mâu thuẫn ở bên trong như vậy? Chuyên gia xã hội học của Bắc Kinh, ông Tang Jun cho biết bọn giết người đã tấn công trẻ em bởi việc này sẽ gây tác động tiêu cực lớn nhất đến xã hội. Bọn chúng không biết rõ về các nạn nhân, vì vậy các vụ tấn công hàng loạt này là cách để thể hiện sự bất mãn của chúng với toàn xã hội.

Theo một chuyên gia khác ở Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, ông Hu Xingdou, các vụ tội phạm dã mãn trên cho thấy sự tuyệt vọng ở một số công dân tầng lớp thấp mà các kiến nghị của họ bị từ chối và họ không được pháp luật bảo vệ. Ông Hu bày tỏ lo ngại rằng khi khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, các phản ứng tương tự có thể trở nên thường xuyên hơn.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã ý thức về "quả bom hẹn giờ" này. Trong báo cáo làm việc của Chính phủ lên Quốc hội hồi tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết đảm bảo mọi người dân Trung Quốc có thể sống đàng hoàng. Về phần mình, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh trong một bài phát biểu nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 rằng công nhân sẽ được xếp vào hàng công việc được đánh giá cao.

Một số biện pháp cũng đã được đưa ra để hỗ trợ những người Trung Quốc gặp khó khăn. Ví dụ, lương cơ bản của hơn 10 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã được nâng lên 10% từ đầu năm nay. Mức lương tháng tối thiểu ở Thượng Hải, Quảng đông và Triết Giang đã đạt mục tiêu 1.000 NDT (146,4 USD).

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự phân cực về kinh tế - xã hội đang ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc. Những con số thống kê mới công bố cho thấy trong 22 năm qua, lương công nhân Trung Quốc chỉ chiếm 20% GDP. Một thống kê khác cho thấy 1% những hộ giàu nhất Trung Quốc nắm giữ 41,4% tài sản quốc gia, khiến Trung Quốc trở thành một trong những nước có sự phân biệt giàu nghèo lớn nhất.

Trong khi đó, các kênh để những người bị thiệt thòi bày tỏ bất bình ngày càng thu hẹp. Chính quyền cơ sở đã có các biện pháp siết chặt khiến các nạn nhân của bất công xã hội không có cơ hội khiếu kiện lên cấp cao hơn.

Ngoài các vụ tấn công trường tiểu học và mẫu giáu, sự hài hòa xã hội Trung Quốc đã bị phá vỡ bởi các vụ việc liên quan đến người lao động. Trước tiên phải kể đến hàng loạt vụ tự tử trong năm nay của 11 công nhân nhà máy linh kiện máy tính của Đài Loan ở Thâm Quyến, thuộc tập đoàn Hồng Hải (còn gọi là Foxconn). Sau đó là ý định tự sát bất thành của ít nhất 20 công nhân trong cùng nhà máy này.

Giới chức Bắc Kinh đổ lỗi vụ việc trên cho cách quản lý không thỏa đáng của lãnh đạo công ty. Nhưng trên thực tế, nỗi thất vọng của các công nhân liên quan đến các vấn đề như điều kiện làm việc quá khắc nghiệt và việc cấm thành lập hiệp hội công đoàn không chính thức trên cả nước.

Theo một báo cáo về khả năng cạnh tranh quốc tế, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Trung Quốc xếp hàng cuối trong các nước G-20 (Nhóm các nước phát triển và mới nổi) trong lĩnh vực quản lý xã hội, bao gồm thực thi pháp luật và giữ gìn trật tự. Còn về "hệ thống xã hội" và "hệ thống hành chính công", Trung Quốc đứng thứ 13 và 14 trong 20 nước.

Còn tiếp...

Quốc Thái biên dịch

.

.

.

No comments: