Wednesday, June 23, 2010

ĐẢO MẤT, NƯỚC MẤT THÌ ĐÃ CHẾT AI ?

Đảo mất, nước mất thì đã chết ai?

Kim Châm - Radio CTM

Cập nhật ngày: 23/06/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article9917

.

Tháng 12 năm 2007, khi thanh niên sinh viên, văn nghệ sĩ xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cùng thái độ gây hấn thô bạo của họ đối với ngư dân Việt Nam, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã đưa nhân vật quyền lực nhất nhì thành phố là ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực ủy ban nhân dân thành phố, tới gặp nhóm biểu tình để giải quyết. Khi một thanh niên đặt vấn đề về trách nhiệm của Thành Ðoàn trong việc tổ chức những cuộc biểu tình yêu nước như vậy cho thanh niên. Ông Nguyễn Thành Tài hứa sẽ ra lệnh cho Thành Ðoàn nội trong tuần lễ sau đó phải tổ chức một cuộc biểu tình chính thức, mà theo ông là để nói rõ “quyết tâm của người Việt Nam trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc.” Và ông trấn an thanh niên rằng, “Các anh tin tôi đi. Tại sao tôi tin các anh mà các anh không tin tôi?”

Từ đó đến nay không một ai trong Thành Ðoàn hay trong bất cứ bộ phận nào của nhà nước tổ chức một cuộc biểu tình nào trong tinh thần vừa kể. Không những thế, sau những tuyên bố của ông Nguyễn Thành Tài, nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã thẳng tay đàn áp những người lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt nam đối với hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa, như blogger Điếu Cày, blogger Hồ Lan Hương, đạo diễn Song Chi, cô Phạm Thanh Nghiên,....

.

Năm 2009, khi giới trí thức lên tiếng phản đối các dự án cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và gần đây, phản đối việc thuê rừng dài hạn ở nhiều vùng mang tính cách chiến lược của đất nước, nhà nước Việt Nam lại trấn áp, sách nhiễu, bắt giam một số người lên tiếng phản đối, và tiếp tục trấn an dư luận bằng chiêu bài: “Mọi người đừng lo! Đó là chuyện ngoại giao giữa 2 quốc gia, hãy để cho nhà nước lo!”

Nhưng bên cạnh cách hành xử xảo quyệt đó của nhà cầm quyền, cũng có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là người dân Việt Nam, với mối bận tâm cơm áo, bận rộn hàng ngày, đa phần thấy rằng chủ quyền và an ninh của đất nước là chuyện xa vời. Có người còn cho rằng, những vấn đề đó, nhất là những quần đảo xa xôi, chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Chưa kể đến việc sẽ rước những rắc rối từ phía nhà nước về cho bản thân và gia đình mình. Và để yên ổn an thân thì nên hướng sự quan tâm vào đời sống thường ngày.

.

Có thật như thế không? Đảo mất thì đã chết ai? An ninh và môi trường thì ảnh hưởng gì đến ai?

Trước mắt, những người bị ảnh hưởng trực tiếp là ngư dân ven biển suốt duyên hải miền Trung. Chỉ trong mấy năm gần đây hàng trăm ghe thuyền đã bị lính kiêm hải tặc Trung Quốc bắt cóc, đâm chìm, cướp bóc. Nhiều người bị hành hạ, giết hại. Cả ngư trường to lớn của ông cha để lại bị thu hẹp lại chỉ còn một khoảng hẹp gần bờ. Nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú của đất nước trong lòng và dưới đáy biển bị cưỡng đoạt. Vùng biển quen thuộc của ông cha để lại là nguồn sinh sống duy nhất của hàng triệu ngư dân ta, nay nguồn mưu sinh này đã mất. Bao gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn....

Tương tự, việc khai thác bauxite trên Tây Nguyên đã cướp đi những diện tích canh tác rộng lớn, cùng bao nhiêu nhà cửa, làng mạc của dân ta. Biết bao người dân đã bị đẩy lùi ra khỏi nơi sinh sống. Rừng xanh bị thu hẹp, không khí bị ô nhiễm bởi bụi độc, đất đai cằn cỗi không thể canh tác... (1). Hàng triệu người sống dọc theo hạ lưu các dòng sông cũng sẽ lãnh hậu quả do nguồn nước bị nhiễm độc khi khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

.

Nhìn rộng hơn một chút, khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp nói trên, thì các ngành liên quan đến kỹ nghệ đánh cá, các cơ sở, nhà máy sản xuất nước mắm dọc theo các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cá tôm, hải sản là những nguồn thực phẩm giàu đạm tố dinh dưỡng (protein) cho người dân một nước nghèo cũng sẽ ít hẳn đi trong bữa cơm hàng ngày của từng gia đình.

.

Nghiêm trọng hơn là mối nguy hiểm về mặt an ninh quốc phòng. Nhà nước Việt Nam đồng ý cho công nhân Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua con đường xuất khẩu lao động, như đã được chính tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cảnh báo cho giới cầm quyền (2), không chỉ cướp đi công ăn việc làm của dân ta, mà quan trọng hơn, những làng Trung Quốc đã bắt đầu mọc rễ và phát triển ở nhiều nơi, sẽ là những ổ nội ứng cho quân xâm lược đâm vào sau lưng quân dân ta, nếu có chiến tranh xâm lược từ phương bắc. Với tham vọng bành trướng và sự tráo trở của Trung Quốc, đây là những mối nguy rất có thể xẩy ra. Lúc đó, những vùng địa đầu chiến lược của tổ quốc, là thành luỹ, phên dậu che chắn bảo vệ đất nước, đã nằm trong tay người Tàu qua việc cho thuê rừng dài hạn, thì không biết phải mất bao nhiêu máu xương của người Việt đổ ra mới bảo vệ được giang sơn phía sau những thành luỹ thiên nhiên đó....

.

Nếu nối liền các phân tích trên, hẳn ai cũng thấy được những nguy cơ đã hiển hiện và đã lăn bánh, chứ không chỉ là những cảnh báo. Tác hại của việc dâng đất nhượng biển, cho khai thác bauxite Tây Nguyên, cho thuê đất rừng đầu nguồn, cho lập các khu biệt lập của người ngoài trên đất Việt, v.v... sẽ đổ lên đầu cả nước chứ không chỉ những nạn nhân sinh sống sát cạnh các vùng dâng nhượng. Và lại càng không thể giao khoán chuyện bảo vệ đất nước vào tay giới lãnh đạo hiện tại khi chính họ là kẻ đang cắt xén từng phần đất nước, từ trong bờ đến ngoài biển, để mặc cả quyền lợi với ngoại bang.

.

Không những thế, những người bán nước hôm nay còn ra sức che đậy, đánh lạc hướng và giam cầm những ai dám vạch ra sự thật. Một sự kiện hiển nhiên nhất là những hiệp định biên giới, biển đảo ký kết từ 10 năm qua nhưng đến nay nhà nước CSVN vẫn giấu nhẹm các bản đồ chi tiết đi kèm với hiệp định. Lý do duy nhất có thể giải thích thái độ lấm lét này là vì họ đã dâng nhượng quá nhiều giang sơn của tổ tiên cho Tàu. Vào tháng 10 năm 2009, trong buổi thuyết trình về biên giới, biển đảo, trước sinh viên phân khoa Quốc Tế, đại học Hà Nội, khi được hỏi về vấn đề bản đồ, Chủ Nhiệm Uỷ Ban Biên Giới Quốc Gia, kiêm thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn vẫn nhẵn mặt nói rằng, do khả năng làm website của Việt Nam còn quá kém nên chưa đưa được các bản đồ lên trang mạng để công bố.... Đây là câu trả lời đầy tính khinh thường trí khôn của sinh viên và người dân Việt Nam; vì chắc chắn ngay lúc này phải có đến hàng trăm ngàn người dân Việt có thể chỉ cho nhà nước cách chụp và đăng các bản đồ này trong vòng vài giờ đồng hồ. Hơn thế nữa, liệu còn có ai tin nổi lời nói của ông Hồ Xuân Sơn không, khi mà ông tướng công an Vũ Hải Triều vừa khoe là ngành của ông đã có trình độ đánh sập hơn 300 trang mạng và blog cá nhân trong năm qua!?

.

Trở lại với bổn phận của mỗi con dân đối với đất nước. Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc và trăm năm Pháp thuộc đã khẳng định nhiều lần: Mất tổ quốc là mất tất cả! Và khi giặc ngoại xâm đã kéo đến cửa thành thì đã quá trễ! Người dân Việt Nam không thể bàng quan, thụ động, phó thác số phận của đất nước - trong đó có bản thân mình - vào tay một nhóm người vô trách nhiệm bằng việc tự lừa dối bản thân rằng: việc mất đất, mất đảo, mất biên giới không ảnh hưởng gì đến cá nhân mình.

(1) http://www.tuanvietnam.net/khai-thac-bo-xit-tay-nguyen-3-van-de-3-kien-nghi
(2) http://i303.photobucket.com/albums/nn152/enter-pvh/LetterVNG2NTD.gif

.

.

.

No comments: