Hơn một năm người Việt
tại Nga thích ứng với tình hình mới
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 26/06/2023 - 11:21
Tình
hình căng thẳng suốt ngày 24/06/2023 ở Rostov và nhiều địa phương khác ở phía
tây nam Nga do vụ « binh biến » do ông chủ tập đoàn
lính đánh thuê Wagner phát động. Chiến dịch chống khủng bố được triển khai ở
Matxcơva. Từ sáng sớm, các địa điểm quan trọng nhất ở thủ đô Matxcơva đã được
tăng cường bảo vệ. Nhiều chốt kiểm tra được dựng lên gần điện Kremlin và Duma,
rà soát gầm xe ô tô. Quảng trường Đỏ bị phong tỏa.
Ảnh
minh họa : Cổ động viên Việt Nam ủng hộ đội tuyển Nga gặp đội tuyển Ả Rập Xê Út
trên SVĐ Luzhniki, Matxcơva, Nga, trong trận khai mạc giải Vô địch Bóng đá Thế
giới 2018 ngày 14/06/2018. AP - Rebecca Blackwell
Xe ben chở
vật liệu xây dựng được huy động về cản đường đoàn xe thiết giáp của Wagner
trong trường hợp tiến vào thành phố. Nhưng ngay trong đêm 24 và ngày
25/06, hầu hết các biện pháp an ninh lần lượt được dỡ bỏ tại các vùng Tula,
Rostov, Voronezh, Lipetsk sau khi Yevgeny Prigozhin chấp nhận hòa giải của
tổng thống Belarus và ra lệnh cho quân trở về căn cứ tại chiến trường Ukraina.
Người dân ở Matxcơva đã trở lại cuộc sống bình thường tuy cửa
hàng, công sở vẫn đóng cửa nghỉ thứ Hai 26/06 để tình hình lắng dịu hoàn
toàn.
Tuy nhiên, một
vụ « binh biến » như vậy chưa bao giờ có thể được
hình dung sẽ xảy ra ở Nga, theo nhận định của ông Phi (tên đã được thay
đổi vì lý do an toàn), sống từ hơn 30 năm qua ở Matxcơva, khi trả lời
RFI Tiếng Việt ngày 25/06 :
« Sự
kiện ngày hôm qua (24/06) thực
sự là chưa bao giờ, không ai nghĩ tới bởi vì chuyện nội bộ thì mình
không nói, nhưng chuyện kiểu như hôm qua, Wagner nổi dậy như thế thì không ai
nghĩ tới bởi vì cùng nhau chiến đấu trên một mặt trận mà tự nhiên trở về phản lại
như vậy. Dân thì không ai nghĩ tới chuyện đấy ».
Một
năm biến động và khó khăn
Sau hơn một
năm tổng thống Vladimir Putin phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt » để «
giải trừ tân phát xít » ở Ukraina, lần đầu tiên người dân ở
Matxcơva cảm thấy bạo lực ở sát sườn. Cũng vì « chiến dịch » này,
từ hơn một năm qua, Nga chịu khoảng 10 đợt trừng phạt từ các nước phương Tây, bị
cắt đứt giao thương, các tập đoàn phương Tây lần lượt rút khỏi thị trường Nga.
Cuộc sống hàng ngày và công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt bị tác động
như nào từ một năm qua ? Ông Phi cho biết :
« Tất
nhiên là tác động rõ ràng, tác động rất là nhiều bởi vì nó hạn chế môi trường
đi lại của người dân và tất cả mọi thứ. Nhưng nói chung người Việt mình chịu
khó, khịu khổ quen rồi. Nói thật là có khó hơn một tí nhưng nhờ cái trí, cái
khôn khéo của người Việt mình nên vẫn xoay sở được, người ta xoay theo chiều hướng
đó. Hồi xưa có thể làm được nhiều hơn, nhưng bây giờ người ta làm ít hơn một
chút nhưng cuộc sống vẫn thoải mái, vẫn còn hơn ở Việt Nam. Nói thực sự như vậy !
Còn đối
với thị trường Nga rất rộng lớn, người dân cũng có khó thêm một chút, nhưng thực
sự không đến nỗi như ở ngoài nói vào. Ở trong này mới biết là vẫn thoải mái.
Vào cửa hàng, hàng hóa vẫn tràn lan, đầy thịt cá, cái gì cũng có. Sống thoải
mái, không có vấn đề gì ! »
Về việc
truyền thông phương Tây đưa thông tin về tình trạng khan hiếm hàng hóa, những
khó khăn của nền kinh tế Nga, ông Phi cho là một số thông tin nói quá sự thật:
« Tôi
hay điện hỏi bạn bên Đức, chị em bên Pháp, nên vẫn biết tình hình ở bên Tây với
bên Nga, trên thông tin đại chúng không giống nhau mà khác hẳn. Nói chung là
bên kia nhiều khi đưa ra nhiều tin không chính xác, cứ đưa tin như thể để mị
dân. Bên này cảm thấy bình thường thì bên kia cảm thấy ồn ào, không đúng với thực
tế lắm. Người ở trong cuộc mới biết. Những ngày đầu tiên sau sự kiện, chỉ một
tuần thôi là hàng hóa hơi khan hiếm. Bởi vì sao ? Vì người dân sợ, đua
nhau ôm hàng về nhà hết. Nhưng sau một tuần thì hàng hóa chất đầy trong cửa
hàng, không ai mua. Lần đầu thì thế, nhưng sau đó hàng hóa trong cửa hàng thoải
mái, không thiếu thứ gì ».
Thu
hẹp kinh doanh, sản xuất
Theo ông
Phi, cộng đồng người Việt ở Nga rất đông, khoảng 80.000 đến 100.000 người, cao
hơn nhiều con số thông kê chính thức. Hầu hết làm kinh doanh, lập công ty may mặc,
nên ít nhiều gặp khó khăn :
« Về
chính sách thì không có gì thay đổi. Người Việt ở Nga chủ yếu là buôn bán,
nhưng hiện vấn đề đi lại rất khó, ở vùng xa. Người buôn bán phải hạn chế dòng vốn.
Trước đây, người ta bỏ ra 10.000 đô la thì bây giờ chỉ bỏ ra 5.000 đô la để
buôn bán, họ giữ lại 5.000 đô la để có việc gì thì phải lường trước được. Cho
nên bây giờ buôn bán hạn chế lại, không mở rộng như trước. Ví dụ ngày xưa mở
4-5 cửa hàng thì bây giờ nghĩ đến mở lại khoảng 2 cửa hàng để mình vừa làm việc
vừa tồn tại, để vượt qua khó khăn, chứ không thể tung ra một lần cả 5-6 cửa
hàng. Đó là ví dụ về một khó khăn ».
Về phía
các xưởng may mặc, ông Phi giải thích :
« Về
may mặc, có người hồi trước có xưởng có 50 công nhân, thì giờ họ hạn chế còn 30
công nhân, giảm 20 công nhân để bớt chi phí. Nói chung để tồn tại, người ta vẫn
tồn tại, nhưng để làm ra được nhiều như hồi xưa thì không có bởi vì tiêu thụ giảm.
Đồng lương của người Nga có phần hạn chế nên họ tiêu thụ ít đi ».
Ông Phi nhớ
lại hồi mới đến Nga, sản phẩm may mặc do người Việt sản xuất tại chỗ bán chạy.
Ngoài những khó khăn gần đây do tác động từ chiến tranh, các công ty, xưởng may
mặc của người Việt hiện còn phải chịu cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ,
tràn lan thị trường:
« Bây
giờ Trung Quốc và Nga mở cửa nên hàng Trung Quốc sang thoải mái, không thiếu gì
hết. Trước đây dân Nga có thể mua một cái áo, cái quần mặc một vài năm, nhưng
bây giờ họ không như thế, họ chạy theo mốt. Có thể mùa xuân họ mua cái áo này,
mùa đông người ta mua áo khác mặc. Hồi xưa chất lượng vải quần áo kém giờ chất
lượng cao lên, chứ không như ngày xưa nữa.
Bây giờ
mình (người Việt
ở Nga) với Trung Quốc vẫn cạnh tranh nhau nhưng người Việt thông minh ở
chỗ, giả sử cùng một mặt hàng như vậy nhưng mầu sắc thay đổi khác nhau. Ví dụ một
kiểu áo có 5 mầu, nhưng 5 mầu đó chỉ bán được ở Trung Quốc, còn ở Nga chỉ bán
chạy được 3 mầu, thì không thể đưa từ Trung Quốc đủ cả 5 mầu sang Nga trong khi
chỉ bán chạy được 3 mầu. Trong khi người Việt Nam thì chỉ may ra 3 mầu bán chạy,
làm ra là bán hết ngay lập tức. Người Việt thông minh ở chỗ ấy, ở bên này phải
có những kinh nghiệm như thế ».
Khó
khăn trong di chuyển quốc tế
Một khó
khăn khác được ông Phi nhắc đến là việc đi lại giữa Nga và Việt Nam:
« Hồi
xưa bay thẳng từ Matxcơva về Việt Nam chỉ mất 9 tiếng thôi, nói chung rất là
thuận lợi với giá cả rất rẻ đối với người Việt, đi về chỉ mất khoảng 1.000 đô
la. Bây giờ đi lại vẫn thuận lợi, nhưng giá cả tăng lên vì phải đi qua một công
ty vận tải khác của nước ngoài, của UAE (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất),
phải dừng ở Dubai, hoặc đi Qatar về Việt Nam, nên giá cả tăng, bây giờ lên đến
tận 1.500 đô la. Khó khăn cho người Việt là mỗi khi đi về mất đến 18 tiếng nên
không thuận tiện như hồi trước chỉ mất 9 tiếng ».
Do các biện
pháp trừng phạt của phương Tây, giữa Matxcơvà và Hà Nội hiện không còn đường
bay thẳng. Tuy nhiên, tại hội thảo « Các biện pháp tháo gỡ khó khăn, trở
ngại trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Nga trong điều
kiện mới » diễn ra ngày 15/05 tại Matxcơva, kế hoạch bay
thẳng Irkutsk-Hà Nội từ ngày 04/06 đã được nhắc đến. Công ty hàng không Irkustk
(IrAero) của Nga đang nghiên cứu các đường bay giữa các thành phố phía đông của
Nga và Nha Trang.
Theo trang
web của đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh thời điểm
hiện nay là cơ hội đẩy mạnh đầu tư tại Nga. Hai nước cần khẩn trương triển khai
những biện pháp như về phương thức thanh toán, vận tải… để tránh các biện pháp
trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa
Việt Nam và Nga năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ đô la, giảm 50% so với con số
7,1 tỉ đô la trong năm 2021. Tình hình các tháng đầu năm 2023 vẫn không khả
quan. Thương mại song phương phục hồi chậm : 4 tháng đầu năm đạt 1,01 tỷ
đô la, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Hơn một
năm đầy biến động và khó khăn, cuộc sống tại Nga có nhiều thay đổi, nhưng
ông Phi vẫn tin có thể tích góp để gửi về xây dựng Việt Nam.
« Tôi
sống ở bên Nga 30 năm rồi. Người Việt như chúng tôi coi nước Nga như là tổ quốc
thứ hai. Số người Việt ở bên Nga là rất đông, gần 80-100 nghìn người. Người ta
vẫn sống thoải mái. Người ta cảm giác rằng môi trường đó so với Việt Nam, người
dân mình ở đây vẫn sống được, làm ra tiền để gửi về tổ quốc, để xây dựng tổ quốc.
Cho nên môi trường vẫn là tốt, nói thực sự như thế. Người Việt ở Nga so với người
ở Việt Nam thì mức sống chênh lệnh rất là xa ».
Vụ « binh
biến » tại Nga ngày 24/06/2023 do chủ tập đoàn bán quân sự Wagner
phát động đã buộc chủ tịch Duma (Hạ viện) Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich
Volodin hoãn chuyến thăm chính thức Việt Nam dự kiến từ ngày 25-26/06. Đại sứ
quán Việt Nam tại Matxcơva cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ, hỗ trợ
công dân.
Trong
thông cáo ngày 24/06, bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh đến « tình
hình an ninh, trật tự ở thành phố Rostov-on-Don và một số khu vực phía nam của
Nga có những diễn biến phức tạp » và đưa ra nhiều khuyến nghị :
Không đến tỉnh Rostov, tỉnh Voronezh và các tỉnh thành khác dọc biên giới
phía tây và tây-nam nước Nga. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, khuyến
cáo của chính quyền sở tại ; Hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần
thiết. Khi ra ngoài, nhất thiết phải mang theo giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng
minh cư trú hợp pháp tại Nga ; Không đến gần các khu vực quân sự, kho xăng
dầu và các địa điểm khác được quy định hạn chế tiếp cận ; Không trao đổi,
bình phẩm về tình hình hiện nay trên điện thoại di động và mạng xã hội.
---------------------------
Các
nội dung liên quan
Việt
Nam - Nga thảo luận về thúc đẩy quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”
Việt
Nam và Nga vẫn thắt chặt giao thương, cho dù Matxcơva bị phương Tây trừng phạt
Xoay
trục kinh tế bất đối xứng, Nga ngày càng lệ thuộc vào châu Á
No comments:
Post a Comment