Friday, June 30, 2023

NƯỚC NGA SAU CUỘC BINH BIẾN 'YỂU MỆNH' (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Nước Nga sau cuộc binh biến “yểu mệnh”

Hiếu Chân  -   Saigon Nhỏ
29 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nuoc-nga-sau-cuoc-binh-bien-yeu-menh/

 

Cuộc binh biến do đội quân đánh thuê Wagner và thủ lĩnh của nó là Yevgeny Prigozhin thực hiện ở Nga cuối tuần qua chỉ kéo dài hơn một ngày nhưng hé lộ nhiều vấn đề về nước Nga, về nhà độc tài Vladimir Putin và cuộc chiến tranh ở Ukraine mà hiện đã kéo sang tháng thứ 17. Truyền thông quốc tế đã dành không ít công sức đưa tin nhanh nhạy, phân tích thấu đáo những vấn đề liên quan đến sự kiện quốc tế hi hữu này. Nhưng câu chuyện về cuộc binh biến yểu mệnh vẫn chưa kết thúc mà vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1259017359.jpg

Nước Nga chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi sau cuộc chính biến ngày 24 Tháng Sáu của Yevgeniy Prigozhin (ảnh: Boris Alekseev/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Tại sao Prigozhin nổi loạn?

 

Yevgeny Prigozhin là tay chân thân cận của Vladimir Putin, được Putin cất nhắc từ một tay bán hotdog lên hàng “tổng tư lệnh” một tập đoàn lính đánh thuê Wagner khét tiếng, tung hoành trên cả ba châu lục. Không có Putin sẽ không có Wagner và Prigozhin. Ông trùm Prigozhin biết vậy nên chắc chắn ông ta không tính chuyện phản chủ như nhận định của một số người cho rằng Putin là “phù thủy bị âm binh hại”. Cũng không phải vì chuyện tiền bạc. Chính Putin thừa nhận nhà nước Nga đã chi cho Wagner hơn một tỷ Mỹ kim trong thời gian từ tháng Năm năm ngoái đến tháng Năm năm nay. 

 

Nhưng trong vài tháng qua Prigozhin đã có nhiều dấu hiệu bất an khi chứng kiến vị thế chính trị của mình đang lung lay; đội quân đánh thuê của ông ta có nguy cơ bị xóa sổ, buộc Prigozhin phải tính nước bài liều.

 

Từ lâu Prigozhin rất tức giận các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga; ông ta đã nhiều lần tố cáo họ tham nhũng, kém cỏi và hèn nhát, khiến hàng chục ngàn binh sĩ Nga phải chết tức tưởi. Hơn 20,000 chiến binh của Wagner dưới quyền ông ta đã thiệt mạng trong trận chiến đẫm máu giành Bakhmut – một thị trấn trước chiến tranh chỉ có 70,000 cư dân. Prigozhin công khai đổ lỗi cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov về thương vong và thất bại của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin ở Ukraine. 

 

Ở đây có một chuyện lạ đáng chú ý là trong một thời gian dài, Putin đã cho phép Prigozhin lên giọng chỉ trích các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng Nga – một nhân nhượng đáng kể ở nơi mà chỉ cần nói tới “chiến tranh” hay một lời phê phán “làm mất uy tín” của quân đội thì đã đủ để nhận án tù từ 5 đến 15 năm. Prigozhin đã không chỉ làm mất uy tín quân đội là còn chửi mắng thậm tệ, phơi bày sự chia rẽ và mâu thuẫn trong hàng ngũ chóp bu của guồng máy chiến tranh Nga mà ông ta không bị gì cả.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1259001940.jpg

Xe tăng và lính đánh thuê Wagner của Yevgeny Prigozhin trên đường phố Rostov-on-Don ngày 24 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Arkady Budnitsky/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Sở dĩ Prigozhin có được sự ưu ái như vậy một phần không nhỏ vì chính đội quân dày dạn kinh nghiệm Wagner đã phục vụ rất đắc lực cho những mục tiêu quân sự của Putin ở nước ngoài, và đạt được những chiến thắng đáng chú ý nhất trên chiến trường Ukraine. Nếu không có Wagner và Prigozhin thì Putin không có “chiến công” nào để khoe khoang với dân Nga sau 16 tháng chiến tranh với những tổn thất vô cùng to lớn về nhân mạng, vũ khí và tài lực. Một phần khác là do Prigozhin luôn hết sức cẩn thận, chỉ trích các tướng lãnh nhưng không có lời nào phê phán trực tiếp Putin.

 

Tình thế bắt đầu thay đổi vào đầu tháng Sáu 2023, khi Bộ Quốc phòng Nga quyết định tất cả các lực lượng quân sự tư nhân đang chiến đấu ở Ukraine phải ký hợp đồng trực tiếp với bộ này trước ngày 1 tháng Bảy, chấm dứt quyền tự chủ của họ và sáp nhập họ vào lực lượng vũ trang chính quy của nhà nước Nga. Lãnh chúa vùng Chechnya Ramzan Kadyrov – một đội quân tư nhân khác – cho biết ông ta và đội quân của ông ta sẽ tuân thủ. Còn Prigozhin cho biết Wagner sẽ không làm như vậy; ông ta khẳng định lính của ông ta không muốn chiến đấu bên cạnh những lính quân dịch Nga được huấn luyện kém, hoặc dưới sự chỉ huy của Shoigu và Gerasimov.

 

Tại một cuộc họp công khai hiếm hoi, Putin đã nhắc lại mệnh lệnh “thống nhất” quân đội, ủng hộ quyết định của Bộ Quốc phòng. Không chịu thua, Prigozhin quyết không từ bỏ quyền kiểm soát tập đoàn Wagner, cũng không sáp nhập nó vào quân đội Nga – một hành động bất phục tùng trực tiếp mệnh lệnh của Putin. Ông ta biết rằng, mất vai trò “tổng tư lệnh đội quân đánh thuê” thì Prigozhin không còn là gì cả, chẳng lẽ quay lại với nghề bán hotdog?

Nhưng khi quyết định bất phục tùng Putin, Prigozhin cũng biết cuộc sống của ông ta sắp hết. Là một tay anh chị đầu trộm đuôi cướp, từng ngồi tù nhiều năm, ông ta đã chọn may rủi trong nỗ lực cuối cùng: Phản kháng để buộc tổng thống phải xem xét lại và cứu vãn vị trí của ông ta (và có thể cả mạng sống của ông ta nữa. Vụ binh biến tiến quân về Moscow là một quyết định xuất phát từ tình huống tuyệt vọng hơn là một sự tính toán hợp lý của Prigozhin.

 

Tại sao Prigozhin lại “quay xe” trước khi đến Moscow?

 

Ngay từ đầu, vụ binh biến của Prigozhin nhắm mục tiêu duy trì đội quân Wagner và quyền lực cá nhân của ông ta; ông ta không có ý định “đảo chính”, lật đổ Putin. Prigozhin biết, dù thân cận với Putin, ông ta vẫn chưa phải là một thành viên trong tầng lớp chóp bu quyền lực của Moscow, không có chân trong guồng máy chỉ huy các lực lượng vũ trang và an ninh mật vụ của nhà nước Nga nên không thể nào bén mảng tới chiếc ghế lãnh đạo tối cao của đất nước. Lật đổ chế độ Putin với một đạo quân nhỏ vài ngàn tay súng, không có cơ sở quyền lực ở Moscow, không có “nội gián” ở điện Kremlin, là một điều hoang tưởng mà những kẻ kinh doanh xác chết như Prigozhin thừa biết là không thể.

 

Theo một số nguồn tin khả tín, kế hoạch binh biến của Prigozhin đã sớm bị lộ; tình báo quân sự Nga, và cả tình báo phương Tây đều đã biết trước kế hoạch đó ít nhất hai ngày. Hai tướng Shoigu và Gerasimov – bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga – đã không đến Bộ tư lệnh Quân khu Miền Nam tại thành phố Rostov-on-Don vào ngày xảy ra binh biến như kế hoạch cũ của họ để không rơi vào tay quân Wagner.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1259006740.jpg

Ảnh chụp từ video của Wagner cho thấy đoàn xe của quân phiến loạn bị không quân Nga ném bom trên đường tiến về phía Moscow hôm 24 tháng Sáu 2023. Ảnh Wagner / Handout/Anadolu Agency via Getty Images

 

Mặc dù đội quân Wagner tiến như chẻ tre từ Rostov-on-Don ở miền Nam về hướng Moscow mà không gặp kháng cự đáng kể, nhưng cũng không có đơn vị quân đội Nga nào đào ngũ quay súng đi theo Wagner, không có cấp chỉ huy quân đội hay quan chức cao cấp, chính trị gia nổi tiếng nào chạy sang hàng ngũ của Prigozhin. Ông ta thừa biết, đi vào Moscow là vào chỗ chết. Kết cục bi thảm của Wagner và Prigozhin trở nên rõ ràng sau khi Vladimir Putin lên truyền hình gọi cuộc binh biến là “quân phiến loạn đã đâm sau lưng đất nước và nhân dân”; bản thân Prigozhin bị truy tố tội “tổ chức nổi loạn có vũ trang” chống lại tổng thống Nga. Kinh hoàng với kết cục đó, Prigozhin thừa biết tốt nhất là nên dừng lại khi có cơ hội.

 

Đó là lý do giải thích tại sao một Prigozhin hùng hổ đòi “hành quân vì công lý” đã nhanh chóng “xuống nước”, chấp nhận thỏa thuận lưu vong ở Belarus theo đề nghị của nhà độc tài Alexander Lukashenko, đổi lấy việc bản thân ông ta được tha tội, binh lính Wagner được miễn truy cứu trách nhiệm và được hành động theo ý muốn, hoặc gia nhập quân Nga hoặc sang Belarus với chủ. Với Prigozhin, thỏa thuận mà Lukashenko đưa ra thực sự là chiếc phao cứu sinh và ông ta vội bắt lấy.

 

Tại sao Putin tha chết cho Prigozhin? 

 

Tổng thống Belarus Lukashenko khoe rằng, Tổng thống Putin nói muốn “xóa sổ” Prigozhin nhưng ông ta đã cản lại và đề nghị tha chết cho ông trùm Wagner đổi lấy việc chấm dứt vụ binh biến. Putin có nói vâỵ hay Lukashenko “kể công” cứu mạng Prigozhin thì không ai biết đích xác, nhưng chúng tôi cho rằng, Putin thấy chưa phải lúc để lấy mạng sống của tên đầu bếp của Điện Kremlin.

 

Thứ nhất, dù hung hăng theo kiểu anh chị xã hội đen, Prigozhin vẫn không phải là đối thủ chính trị của Putin, hoàn toàn không thể làm rung chuyển chiếc ghế quyền lực của nhà độc tài Nga.

 

Hai là cuộc chiến Ukraine đang đi vào một giai đoạn quan trọng. Ukraine đã bắt đầu cuộc tổng phản công được chờ đợi từ lâu, với vô số vũ khí tân tiến được Hoa Kỳ và Phương Tây viện trợ cấp tập suốt những tháng mùa đông. Hiện, Kyiv vẫn chưa dốc toàn lực vào cuộc chiến mà chỉ mở những cuộc hành quân thăm dò, tìm những điểm yếu trong ba tuyến phòng thủ của Nga để chọc thủng. Tình báo quân sự ghi nhận 11 sư đoàn thiện chiến của Ukraine, mà các cấp chỉ huy vừa được “tu nghiệp” ở châu Âu trở về, vẫn còn án binh bất động, chưa biết lúc nào sẽ xuất kích. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1259027360-1536x1025.jpg

Lực lượng lính đánh thuê Wagner chuẩn bị quay về căn cứ ở Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Một trận “nội chiến” chống lại Wagner ở gần Moscow sẽ làm phân tán khả năng phòng thủ của quân Nga trên tiền tuyến, một số đơn vị quân đội sẽ bị điều động về nước bảo vệ thủ đô và các thành phố lớn, tạo cho Ukraine cơ hội bằng vàng để đuổi quân Nga ra khỏi những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

 

Lùi một bước và không giết Prigozhin ngay lập tức, Putin không mất gì cả mà vẫn có được mọi thứ mà ông ta mong muốn: Shoigu và Gerasimov vẫn tại vị, đội quân đánh thuê Wagner đặt sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng, còn Prigozhin bị phế truất và sống lưu vong. Không có đổ máu trên truyền hình và cũng không phải mất hiệu quả chiến đấu ở Ukraine vì đội quân Wagner chủ yếu chỉ là lực lượng tấn công chứ không phải phòng thủ như quân đội Nga.

 

Sự nhượng bộ duy nhất mà Putin đưa ra là cho phép Prigozhin, người mà ông ta gọi là “kẻ phản bội”“kẻ khủng bố”, được giữ lại mạng sống. Nhưng Belarus về căn bản là một chư hầu của Moscow, nơi có đầy gián điệp, binh lính và sát thủ của Nga. Lưu vong ở Belarus, Prigozhin như cá nằm trên thớt, Putin muốn bắt muốn giết lúc nào chả được. Có người đặt cược rằng, cựu trùm Wagner sẽ không thể sống sót đến cuối năm nay.

 

Nước Nga sau binh biến

 

Dù ngắn ngủi và đứt gánh giữa đường, cuộc binh biến của Prigozhin vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với 23 năm cầm quyền của Putin.

 

Nhưng đừng đánh giá thấp “bệnh sĩ diện” của Putin, những kẻ công khai thách thức quyền lực của “đại đế Nga”, khiến ông ta có vẻ yếu thế trước công chúng và giới chính trị Nga, sẽ không thể ngủ yên giấc. Việc ân xá cho những phiến quân đã bắn hạ sáu máy bay, giết chết 13 phi công Nga, tha chết cho kẻ đã công khai thách thức mệnh lệnh của Putin, kẻ bị Putin kết án là “phản bội” trên truyền hình… không thể hiện “sự nhân từ” của ông ta mà ngược lại nó cho thấy Putin vẫn là người làm chủ cuộc chơi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1259014294.jpg

An ninh ở thủ đô Moscow được siết chặt vào ngày 24 tháng Sáu khi có tin quân phiến loạn Wagner đang tiến về thủ đô. Ảnh Epsilon/Getty Images

 

Trong cuộc bạo loạn cuối tuần qua, chế độ Putin vẫn đứng vững. Chính phủ Nga vẫn hoạt động bình thường, cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra như trước cuộc binh biến. Cho dù nhiều đơn vị quân Nga đã không nổ súng để ngăn quân Wagner tiến lên, nhưng hầu như không có vụ đào tẩu nào trong chính phủ, quân đội Nga hoặc trong giới tinh hoa. Putin dễ bị tổn thương hơn sau vụ binh biến nhưng đó là vấn đề lâu dài hơn là vấn đề trước mắt.

 

Hiện khả năng thay đổi chế độ ở Nga gần như bằng không, cho đến khi nào cuộc chiến ở Ukraine ngã ngũ với sự thảm bại tồi tệ về phía Moscow. Trước mắt, Putin đã nhanh tay vô hiệu hóa mạng lưới hoạt động của Wagner ở nước ngoàitruy lùng những kẻ giấu mặt trong hàng ngũ chỉ huy cao cấp của quân đội Nga đã tiếp tay cho cuộc bạo loạn của Prigozhin.

 

Tác động tới cuộc chiến ở Ukraine

 

Người Ukraine đang cố gắng tận dụng tình trạng bất ổn nội bộ của Nga để đạt được lợi ích trong cuộc phản công của họ. Thật vậy, chỉ trong mấy ngày qua, theo báo cáo, quân Ukraine đã có tiến bộ ở các mặt trận Zaporizhzhia và Kherson, tuy thắng lợi là không lớn.

 

Tuy nhiên, trong những ngày tới tình hình sẽ căng thẳng hơn, khó khăn hơn cho quân Ukraine. Khi mối đe dọa từ tập đoàn Wagner bị tiêu diệt, Nga sẽ không cần chuyển quân từ Ukraine sang Nga để đối phó nữa. Vả lại, Wagner không hoạt động ở phía nam, nơi tập trung cuộc phản công của Ukraine. Vì vậy, xét về thực tế chiến đấu, ngoài tác động mà cuộc binh biến có thể gây ra đối với tinh thần của quân Nga, tác động quân sự tổng thể vào thời điểm này là hạn chế.

 

Vượt qua được cuộc khủng hoảng nội bộ, để vực dậy uy tín với giới tinh hoa và công chúng Nga, Putin có thể sẽ nhạy cảm hơn với tình hình chiến trường và leo thang chiến tranh mạnh hơn nữa, nhất là khi Ukraine bắt đầu tấn công bán đảo Crimea, pháo kích các cây cầu huyết mạch và chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Khả năng Putin cho nổ tung  nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là chuyện không loại trừ. Một kẻ mạnh bị sa cơ thì nguy hiểm hơn một kẻ mạnh bình thường.

 

Vụ binh biến hé lộ một nét tính cách của Putin là ông ta rất lo cho sự sống còn của chính mình, sẵn sàng thỏa hiệp để vượt qua thách thức chính trị bất chấp các mục tiêu mà ông ta vẽ ra trước mắt dân Nga. Điều đó cũng hàm ý rằng, Putin có thể sẽ chấp nhận đàm phán, thậm chí rút khỏi một số vùng đất chiếm đóng như điều kiện của Ukraine nếu như điều đó giúp ông ta tránh một kết cục bi đát.

 

------------------

Đọc thêm:

·        Putin-Prigozhin, kịch hay vẫn còn phía trước

·        Liệu “Chúa có thể cứu nước Nga”?

 

 

 


No comments: