Thursday, June 29, 2023

CÂY TRE VIỆT NAM NGẢ VỀ ĐÂU? (Hiếu Chân / Saign Nhỏ)

 



Cây tre Việt Nam ngả về đâu?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
28 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/cay-tre-viet-nam-nga-ve-dau/

 

Chuyến thăm của hàng không mẫu hạm (HKMH) nguyên tử USS Ronald Reagan đến Đà Nẵng là một phép thử chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam và một lần nữa cho thấy cây tre đó đã hướng về phương Bắc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/356435624_10211188440544520_5149674808680901698_n-1024x705.jpg

HKMH USS Ronald Reagan trong vịnh Đà Nẵng hôm 26 tháng Sáu 2023. Ảnh FB Huỳnh Ngọc Chênh.

 

HKMH Ronald Reagan (CVN-76) cùng hai tuần dương hạm hộ tống mang hỏa tiễn dẫn đường đến Đà Nẵng từ 25-30 tháng Sáu 2023. Đây là lần thứ ba một HKMH Hoa Kỳ ghé bến Việt Nam từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ở hai lần trước, chuyến thăm của HKMH USS Carl Vinson (CVN-70, đến Đà Nẵng tháng Năm 2018) và HKMH USS Theodore Roosevelt (CVN-71, đến Đà Nẵng tháng Ba 2020) đều bị Trung Quốc phản đối kịch liệt, lần này thì chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng, có lẽ vì Trung Quốc đã có đối sách khác.

 

Tuy mục đích của chuyến thăm của USS Ronald Reagan được cho là để kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, giới quan sát chính trị không khó nhận ra đây không phải là một hoạt động đơn lẻ mà nằm trong chuỗi các động tác ngoại giao quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm Bộ Tứ (QUAD) nhằm thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Chỉ vài ngày trước khi tàu Ronald Reagan đến, hai tàu khu trục của Nhật là tàu JS Izumo và tàu JS Samidare đã đến thăm cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa từ 20 đến 23 tháng Sáu, sau đó tập trận với tàu HQ Lý Thái Tổ của Việt Nam ngoài Biển Đông ngày 23 tháng Sáu, theo tin từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trước khi ghé Việt Nam, tàu JS Izumo cũng đã diễn tập chung với HKMH Ronald Reagan ở Biển Đông từ ngày 10 đến 14 tháng Sáu.

 

Với Ấn Độ, thành viên đông dân nhất của nhóm QUAD, chỉ trong hai tuần đầu tháng Sáu đã diễn ra các cuộc thăm viếng lẫn nhau của bộ trưởng quốc phòng hai nước Việt – Ấn. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thăm chính thức Việt Nam từ ngày 7 đến 10 tháng Sáu nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ. Truyền thông quốc nội cho biết, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Rajnath Singh, hai bên đã ký kết tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ đến năm 2030Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Ông Singh vừa từ Hà Nội trở về thì mười ngày sau Bộ trưởng  Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, đã có mặt tại New Delhi trong chuyến thăm đáp lễ từ ngày 19 tháng Sáu và kéo dài hai ngày để “trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm”.

 

Cũng vào đầu tháng Sáu, Hà Nội đã đón tiếp chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Úc  Anthony Albanese, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Úc và Việt Nam. Thủ tướng Albanese đã bàn với nước chủ nhà nhiều vấn đề, trọng tâm là nâng cấp quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện, ngang bằng với quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn.

 

Những chuyến thăm viếng cấp tập như vậy từ các nước QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) một mặt cho thấy tầm quan trọng của vai trò và vị trí chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng ở khu vực, một mặt không giấu giếm ý đồ của QUAD lôi kéo Việt Nam vào một liên minh không chính thức mà mục tiêu  là kiềm chế sự bành trướng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

 

Quân đội Trung Quốc cũng đã cử tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) cập cảng Việt Nam vào ngày 23-25 tháng Năm trong chuyến đi thăm bốn nước Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Philippines nhưng chuyến đi hầu như không được gây được sự chú ý.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1259068024-1536x1022.jpg

Thủ tướng VN Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm 26 tháng Sáu 2023 tại Bắc Kinh. Ảnh Greg Baker – Pool/Getty Images

 

Điểm đặc biệt khiến dư luận quan tâm là vào thời điểm HKMH USS Ronald Reagan bỏ neo ở Vịnh Đà Nẵng thì nhà lãnh đạo Việt Nam Phạm Minh Chính dẫn theo một đoàn tùy tùng đông đảo đi thăm Trung Quốc từ ngày 26 đến 28 tháng Sáu 2023 – chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Phạm Minh Chính ở cương vị thủ tướng Việt Nam. Ông Chính được cho là đến Trung Quốc để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân, nhưng trước khi đến Diễn đàn, ông đã có buổi tiếp kiến tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) vào thứ Hai 26 tháng Sáu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều thứ Ba 27 tháng Sáu.

 

Hãng tin Reuters thuật lời ông Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để giải quyết các khác biệt giữa hai nước thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đẩy nhanh quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC). Còn trang tin của chính phủ Việt Nam tường thuật “hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

 

Theo truyền thông, nội dung hội đàm giữa hai thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc không có gì mới, hai bên chỉ nhắc lại những ngôn từ đã lặp đi lặp lại nhiều lần đến sáo rỗng như “thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, v.v…” Nội dung hội đàm đó không phản ánh thực tế là Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức ép trên Biển Đông, gần đây Bắc Kinh đã cử tàu khảo sát đáy biển Hướng Dương Hồng, được nhiều tàu hải cảnh và tàu dân binh hộ tống, liên tục xâm phạm và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu các cơ sở khai thác dầu khí bất chấp Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối.

 

Các nội dung làm việc của ông Phạm Minh Chính và ông Lý Cường cũng được nhắc lại gần như nguyên văn trong các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu).

 

Điểm cốt lõi là tại cuộc tiếp kiến ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc, ông Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: “Việt Nam phản đối chính trị hóa các vấn đề kinh tế, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để ngăn ngừa và đối phó với các nguy cơ, thách thức, không để bất kỳ thế lực nào làm xa rời quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc cùng chung vận mệnh”, theo ghi nhận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

 

                                                                    ***

 

Thực ra đường lối đối ngoại của Việt Nam là do tập thể Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam quyết định – đối với Trung Quốc đường lối đó là sự thỏa thuận giữa hai đảng cộng sản – các quan chức chính quyền không thể có ý kiến khác, nên không ai trách ông thủ tướng đã phát biểu như  con vẹt khi tiếp xúc với các quan chức cao cấp Trung Quốc.

 

Điều người quan sát ngạc nhiên là thời điểm chuyến đi Bắc Kinh của phái đoàn chính phủ Việt Nam được sắp xếp trùng với thời điểm chuyến thăm Đà Nẵng của HKMH Hoa Kỳ. Nó làm người ta nhớ tới chuyện ông Chính phải tiếp đoán Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba ngay vào lúc chiếc phi cơ đưa Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hạ cánh xuống phi trường Hà Nội năm ngoái, làm cho sự kiện tiếp đón nhà lãnh đạo Mỹ phải bị dời lại. 

 

Đành rằng ông Chính và các bộ trưởng trong chính phủ không cần phải có mặt đón tiếp HKMH Hoa Kỳ, đó là công việc của lãnh đạo địa phương, nhưng xét về nghi thức bang giao, sự trùng hợp giữa hai sự kiện thể hiện một sự tính toán thiển cận, phần nào cho thấy nỗi sợ hãi Bắc Kinh trong giới lãnh đạo Việt Nam đã thâm căn cố đế đến mức mỗi khi có một động thái thân thiện nào đó với Mỹ thì họ phải báo cáo trước với lãnh đạo Trung Nam Hải ở Bắc Kinh! 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/a9.jpg

Lễ kỷ niệm chiến công chống đế quốc Mỹ tại Hải Phòng hôm 27 tháng Sáu 2023. Ảnh QĐND

 

Sự trùng hợp có tính toán như vậy còn đẩy đến mức tồi tệ khi tàu USS Ronald Reagan buông neo ở Vịnh Đà Nẵng vào buổi trưa thì đến tối hôm đó (25 tháng Sáu) đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) phát sóng vào giờ vàng một chương trình truyền hình trực tiếp lên án “đế quốc Mỹ”. 

 

Chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên Mở Đường Ra Biển dài hơn một tiếng đồng hồ tập trung ca ngợi hải quân Việt Nam  “chống phong tỏa sông biển” ở miền Bắc, đỉnh điểm là vào ngày 27 tháng Sáu 1973, cảng Hải Phòng và các cửa sông cửa biển miền Bắc “được giải phóng khỏi cuộc phong tỏa kéo dài bằng bom, mìn và thủy lôi của Mỹ”. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam “bằng lòng quả cảm, sự dấn thân, sự mưu trí, sự thông minh” đã “đánh thắng vũ khí tối tân, hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ”“Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chống giặc giữ nước của dân tộc ta….”, người dẫn chương trình Tạ Bích Loan nhấn mạnh trong nỗ lực khơi dậy mối thù “giặc Mỹ xâm lược” trong cuộc chiến tranh đã kết thúc nửa thế kỷ trước.

 

Cũng trong chiều hướng khơi dậy căm thù như vậy, sáng thứ Ba 27 tháng Sáu tại thành phố Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (27-6-1973 / 27-6-2023). Buổi lễ nhằm tôn vinh “thế trận chống phong tỏa rộng khắp, phá hủy hơn 13.000 quả thủy lôi, bom từ trường, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ”.

 

                                                                ***

 

Sự lựa chọn chiến lược của đảng Cộng sản Việt Nam qua những sự kiện như trên là rõ ràng: cương quyết chống Mỹ đến cùng, cương quyết theo Trung Quốc đến cùng. “Không để bất kỳ thế lực nào làm xa rời quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc cùng chung vận mệnh”, như phát biểu của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ. “Cây tre” ngoại giao Việt Nam đã ngả hẳn về phương Bắc, hoàn toàn thần phục Trung Quốc, nhất là sau chuyến đi chầu Bắc triều của ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng Mười năm ngoái. Nắm chắc điều đó, Bắc Kinh đã không giãy nảy lên phản đối khi Hoa Kỳ cử HKMH Ronald Reagan đến Việt Nam. 

 

Còn ai ảo tưởng về một triển vọng thoát Trung, thực hiện dân chủ hóa, tự do hóa đất nước, bảo đảm và tôn trọng nhân quyền của một trăm triệu người Việt? Bao giờ thì Hoa Kỳ mới nhận ra rằng, cho dù họ nỗ lực đến đâu, ưu đãi đến mức nào thì Việt Nam cũng sẽ không bao giờ trở thành đồng minh (like-minded) của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như kỳ vọng đặt ra trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà chính quyền Joe Biden đã công bố? 

 

Chừng nào đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm quyền cai trị tuyệt đối ở đất nước này thì Việt Nam vẫn còn là cái bóng của Trung Quốc, không thể phân chia được; sự thực đáng buồn là như vậy.

 

---------------

Đọc thêm:

·        Đâu là “thế lực thờ địch”?

·        Được mất từ chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng

 

 


No comments: