Thursday, June 29, 2023

NGOẠI GIAO HẢI QUÂN DỒN DẬP GIÚP GÌ CHO VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG? (VOA Tiếng Việt)

 



Ngoại giao hải quân dồn dập giúp gì cho Việt Nam trên Biển Đông?

VOA Tiếng Việt

29/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-giao-hai-quan-don-dap-giup-gi-cho-viet-nam-tren-bien-dong-/7158551.html

 

Những hoạt động ngoại giao hải quân của Việt Nam với Nhật, Ấn và nhất là chuyến cập cảng của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan là hậu thuẫn quan trọng đối với Việt Nam trên Biển Đông, nhất là trong bối cảnh nước này bị tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, các nhà phân tích nói với VOA.

 

https://gdb.voanews.com/f25b7d96-8174-4cee-b5f2-39805e0ecaf5_w1023_r1_s.jpg

Một sỹ quan Mỹ đứng trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan nhân chuyến cập cảng Đà Nẵng từ ngày 25 đến 30/6

 

Ghé vào Đà Nẵng kể từ ngày 25 đến 30/6, USS Ronald Reagan là chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam trong thời hậu chiến, sau các tàu USS Carl Vinson hồi năm 2018 và USS Theodore Roosevelt hai năm sau đó.

Trước tàu sân bay Mỹ 5 ngày, tàu JS Izumo, khu trục hạm trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cũng đã ghé cảng Cam Ranh trong ba ngày ‘nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do’, các quan chức Nhật được tờ Nippon dẫn lời nói.

Một ngày trước chuyến thăm của tàu JS Izumo, hôm 19/6, tại New Delhi, Ấn Độ đã trao tặng cho Việt Nam tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Đây là tàu chiến nhỏ chủ yếu dùng cho mục đích phòng thủ bờ biển.

Hai chiến hạm Ấn Độ là INS Delhi và INS Satpura cũng đã cập cảng Đà Nẵng từ ngày ngày 19 đến 22/5 để thăm xã giao. Ngoài ra, tàu chiến các nước Anh, Pháp, Úc … cũng đã từng đến thăm và giao lưu với Hải quân Việt Nam trước đây.

Những chuyến ghé cảng này đều đã được lên kế hoạch từ lâu trước đó và không liên quan gì đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc tàu nghiên cứu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia mà VOA liên hệ cho biết.

Theo thông báo chính thức thì Mỹ gửi USS Ronald Reagan là để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ còn chiến hạm Ấn Độ đến Việt Nam trong bối cảnh hai nước vừa đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 2022.

“Việt Nam lên kế hoạch rất cẩn thận cho các chuyến viếng thăm của tàu chiến nước ngoài để đảm bảo cân bằng,” Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, nói với VOA. “Thời điểm xảy ra những sự việc này chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp với việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.”

Đại tá về hưu Raymond Powell, lãnh đạo dự án Myoushu vốn theo dõi các hoạt động trên Biển Đông thuộc trung tâm Gordia Knot về Sáng tạo An ninh Quốc gia, Đại học Stanford, Mỹ, nhận định với VOA thời điểm USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng là ‘rất có ý nghĩa’ vì nó diễn ra ngay sau chuyến khảo sát dài ngày của tàu Hướng Dương Hồng 10 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc.

Cam kết đến đâu?

Trả lời câu hỏi mức độ cam kết của các cường quốc Mỹ, Nhật, Ấn đến đâu để chống lại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Carl Thayer nói ba nước này sẽ thể hiện năng lực tập thể đẩy lùi Trung Quốc bằng các cuộc tập trận chung trên Biển Đông và các cử chỉ của họ ‘cho thấy họ ủng hộ an ninh trên biển của Việt Nam trước sự bắt nạt ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trước khi đến Việt Nam, USS Ronald Reagan và JS Izumo đã có các cuộc diễn tập phối hợp trên Biển Đông hôm 11/6 để đối phó với các ưu tiên chung về an ninh biển và tăng cường tính phối hợp hoạt động trên biển.

“Đồng thời, Mỹ, Nhật và Ấn sẽ tiếp tục có sự hậu thuẫn chính trị và ngoại giao mạnh mẽ cho chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và trợ giúp Việt Nam xây dựng năng lực để duy trì an ninh trên biển,” Giáo sư Carl Thayer nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ba cường quốc này sẽ không đi xa đến mức kích động một cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra sự liên kết chính trị-ngoại giao giữa các cường quốc để đối phó Bắc Kinh trên Biển Đông, đáng chú ý nhất là việc các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan đã triển khai chiến hạm đến Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc sử dụng vũ lực và tàu chiến châu Âu cũng đã tham gia tập trận liên tiếp với hải quân Mỹ, Nhật và Úc.

“Chúng ta đã chứng kiến sự liên kết lịch sử giữa các cường quốc biển để đẩy lùi Trung Quốc trên Biển Đông,” ông nhận định và nhấn mạnh Việt Nam cũng có thể tận dụng sự hiện diện tăng cường của các cường quốc châu Âu bằng cách cho tàu chiến của họ cập cảng và yêu cầu họ hỗ trợ năng lực.

Về phần Washington và Tokyo, ông Thayer cho rằng hai nước này đang ‘thiết lập sự hiện diện hải quân thường xuyên trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển lớn’.

‘Việt Nam cần hỗ trợ’

Trao đổi với VOA, ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là nhà nghiên cứu về Biển Đông, nhận định rằng điểm yếu về an ninh của Việt Nam đến từ trên biển và nước này không có nhiều tiềm lực và năng lực để phòng vệ cũng như khai thác biển nên ‘rất cần sự giao lưu và giúp đỡ của các cường quốc biển’.

Ông nhắc lại không chỉ Ấn Độ tặng chiến hạm cho Việt Nam, trước đây Mỹ và Nhật cũng đã từng viện trợ tàu cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

“Các diễn biến gần đây thể hiện rõ chủ trương của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ, đa dạng hóa quan hệ với các nước, đặc biệt là các quốc gia có sức mạnh trên biển,” ông Việt nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng do chính sách ngoại giao ‘bốn không’ của Việt Nam, thì ‘chắc chắn sẽ không có chuyện Hà Nội liên minh quân sự với cường quốc nào đó để đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông’.

“Trong bối cảnh địa chính trị thế giới đầy biến động như hiện nay, đặc biệt là sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam phải rất là cẩn trọng trong việc tính toán vì Trung Quốc luôn lo ngại nếu Việt Nam có các hoạt động chung về quân sự và quốc phòng với các cường quốc,” giảng viên này nhận định.

Mặc dù không liên minh quân sự nhưng Hà Nội vẫn có thể tham gia tập trận trên Biển Đông và có sự phối hợp về chính trị-ngoại giao với các cường quốc để ngăn cản tham vọng của Bắc Kinh, cũng theo lời ông Hoàng Việt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải trấn an Trung Quốc và luôn thể hiện cho Bắc Kinh thấy rằng họ luôn ‘đặt quan hệ với Trung Quốc ở mức độ rất cao’, ông nói và chỉ ra chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào lúc này để ‘cân bằng quan hệ giữa các cường quốc’.

‘Sự giúp đỡ quan trọng’

Đại tá Raymond Powell cho rằng món quà tàu hộ vệ tên lửa mà Ấn Độ tặng cho Việt Nam vào lúc này ‘rất có ý nghĩa’ bởi vì Nga, nhà cung cấp vũ khí lâu năm cho Việt Nam, đang gặp nhiều vấn đề.

“Nga cần vũ khí cho cuộc chiến của họ ở Ukraine,” ông chỉ ra. “Các nước mua vũ khí Nga có nguy cơ bị Hoa Kỳ trừng phạt và các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ khiến Nga khó lòng mua được phụ tùng để chế tạo vũ khí.”

“Do đó, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều khoảng trống để Ấn Độ lấp đầy,” ông Powell nói.

Giáo sư Carl Thayer thì cho rằng sự kiện hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng ‘chỉ là một bước nhỏ để tái điều chỉnh quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược vào cuối năm nay’.

“Vào những lúc mà Bắc Kinh tăng cường áp lực và Moscow bị cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam đã mở cửa để hợp tác quốc phòng rộng hơn với Mỹ,” ông nói.






No comments: