Tuesday, April 14, 2015

Vatican - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì hồ sơ Armenia (Mai Vân - RFI)





Đăng ngày 14-04-2015

Trong dòng thời sự quốc tế hôm nay, 14/04/2015, căng thẳng giữa Vatican và Thổ Nhĩ Kỳ về thảm sát người Armenia cách đây 100 năm là chủ đề chính. Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề nổi bật khác như quan hệ "mới" giữa Hoa Kỳ và các nước láng giềng phía Nam hay mối lo lắng về số phận hơn 200 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc ở Nigeria cách đây một năm mà vẫn không thấy tăm hơi.

Đức Giáo Hoàng Phanxico làm lễ kỷ niệm 100 năm vụ thảm sát Armenia tại Vatican ngày 12/04/2015.REUTERS/Tony Gentile

Trong thánh lễ Chủ nhật 12/04/2015, tưởng niệm 100 năm vụ thảm sát người Armenia cùng với Thượng phụ Chính thống giáo Armenia và Tổng thống Armenia Serge Sarkissian, Đức Giáo hoàng Phanxico đã đề cập đến những vụ "diệt chủng"  trong 100 năm qua, từ vụ thảm sát người Armenia cho đến tội ác của Staline, Hitler, Pol Pot và gần đây nhất là ở Bosnia và Rwanda.

Về vụ thảm sát người Armenia năm 1915, người đứng đầu Tòa Thánh đã nói đến một cuộc " diệt chủng của thế kỷ XX ". Những lời nói này của Giáo hoàng đã làm Thổ Nhĩ Kỳ bất bình không ít và đã triệu hồi đại sứ của mình về nước.

Báo Pháp đã trở lại hồ sơ này và nêu bật thái độ bất bình của Ankara : " Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo cụm từ "diệt chủng" của Đức Giáo hoàng", tựa báo Công giáo La Croix, trong lúc Le Monde, ở trang Quốc tế nói đến "Khủng hoảng chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Vatican". Riêng Le Figaro, cũng trên trang quốc tế, nhìn thấy : "Người Armenia hoan nghênh cử chỉ táo bạo của Đức Giáo hoàng". Theo nhật báo, cả 10 ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ 100 vụ thảm sát, Đức Giáo hoàng đã khai mạc sự kiện với một tiếng vang quốc tế.

Điều làm cho tờ báo, cũng như các đồng nghiệp, thắc mắc là phát biểu của Đức Thánh Cha rất đột ngột, không ai chờ đợi ngài mệnh danh là " diệt chủng"  vụ thảm sát cả triệu người Armenia năm 1915, mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn phủ nhận. Tờ báo nhắc lại là trong chuyến viếng Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 năm ngoái, Giáo hoàng Phanxicô, đã rất cẩn thận, tránh sử dụng từ này.

Không phải là một chủ trương mới của Vatican

Le Figaro trích nguồn tin ngoại giao từ Armenia, cho rằng đây không phải là một đường lối mới của Vatican, vì cố Giáo hoàng Gioan Phao Lồ Đệ nhị khi đến Armenia năm 2001, đã ký cùng với Thượng phụ Chính thống giáo Karekin II một bức thư trong đó nói rõ đấy là một vụ diệt chủng. Nhưng, theo tờ báo, thay đổi thái độ của Giáo hoàng Phanxicô đã mở lại với một tiếng vang lớn, hồ sơ vẫn chưa nguôi về vụ thảm sát hơn một triệu người Armenia, hay nói đúng hơn là thái độ luôn phủ nhận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Le Figaro phân tích là nếu hồ sơ người Armenia bị thảm sát này vẫn là một thùng thuốc súng về mặt chính trị đối với Ankara, thì đứng trên khía cạnh lịch sử, thì nó đã được đóng lại rồi, vì không một sử gia nghiêm túc nào còn phủ nhận các sự kiện : Ngày 24/04/2015, trong lúc Thế chiến thứ nhất nổ ra, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh lưu đày người Armenia ở vùng Anatolie qua vùng sa mạc Syria, và 1 triệu rưỡi người đã mất tích.

Các sự kiện này đã thuộc về lịch sử. Ngay Thổ Nhĩ Kỳ đã phải công nhận thực tế này, cho dù về mặt chính thức, vẫn tương đối hóa hồ sơ mà họ gọi là "sự kiện 1915 ". Thổ Nhĩ Kỳ, theo Le Figaro đã tố ngược lại là người Armenia đã thảm sát người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ khi họ phục vụ trong hàng ngũ quân đội Nga hoàng thời ấy.

Theo Le Figaro, hồ sơ này nổi cộm lên trở lại không chỉ làm Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu, mà ngay cả một số quốc gia khác cũng lâm vào thế khó xử. Nhiều nước, đứng đầu là Mỹ, để không làm cho Ankara bất bình, đã tránh sử dụng từ "húy kỵ" diệt chủng Armenia. Tổng thống Obama trong lúc vận động tranh cử, từng nói sẽ sử dụng cụm từ này một khi được bầu, nhưng đã không làm để khỏi làm phật ý đồng minh.

Trước mắt nhân lễ kỷ niệm 100 năm, cho đến giờ này, chưa nguyên thủ quốc gia nào thông báo đến Armania dự lễ, ngoại trừ Tổng thống Pháp François Hollande và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.

Không thể tránh né từ " diệt chủng "

Trên mục Ý kiến, dưới tựa đề : "Tôn trọng lịch sử để xây dựng tương lai", Renaud Girard, một nhà phân tích của Le Figaro, nhắc lại các chi tiết theo đó không thể chối bỏ từ "diệt chủng"trong vụ Armenia.

Theo tác giả bài viết chính lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thời đó, Talaat Pacha đã ra lệnh giết người Armenia, kể cả phụ nữ, trẻ em, với lý do họ là đạo quân thứ 5 của đế chế Nga, kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Phải thảm sát hết, diệt cỏ tận gốc, để sau này không có người trả thù, như chính ông Pacha đã giải thích với đại sứ Mỹ thời đó Morgenthau. Và cuộc thảm sát hơn 1 triệu người đã thật sự diễn ra, 1915-1916.

Tác giả bài báo cho đây là một thực tế lịch sử mà không ai có thể thay đổi. Và chừng nào mà Thổ Nhĩ Kỳ không cố gắng nhìn thẳng vào lịch sử của mình, không công nhận đó là một vụ"diệt chủng" thì sẽ không bao giờ có thể hội nhập hoàn toàn vào vùng Châu Âu và Địa Trung Hải. Bài báo cho là người ta không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải hối cải, vả lại người khai sinh ra nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ngày nay, Mustafa Kemal không dính gì đến vụ thảm sát đó. Người ta chỉ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng lịch sử.

Bài báo lấy ví dụ của Đức đã nhìn thẳng vào lịch sử với đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái ngay gần một bunker của Hitler, hay cử chỉ của Thủ tướng Đức Willy Brandt ở Vacxava, năm 1970, qùy gối trước đài tưởng niệm nạn nhân. Đó là những cử chỉ mang lại sự kính phục đối với Đức. Nhưng ngược lại bài báo đã lấy ví dụ của Nhật, không công nhận lịch sử, cho nên không thể tạo được sự tin tưởng đối các láng giềng, đối với Bắc Kinh.





No comments: