Đăng ngày 14-04-2015
Hôm
09/04/2015 vừa rồi, ít ngày trước kỳ Phục sinh truyền thống của Chính thống
giáo Ukraina, Quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật lên án thể chế cộng sản
và đặt vào tầm ngắm của pháp luật đối với những ai bày tỏ sự tôn vinh, tuyên
truyền, hay phủ nhận những tội ác của thể chế này một cách công khai.
Đồng thời, giới lãnh đạo nước này cũng tuyên bố một
số tổ chức theo xu hướng quốc gia trong Đệ nhị Thế chiến, và có quan điểm chống
Liên Xô, là những tổ chức chiến đấu cho nền độc lập của đất nước. Động thái nói
trên gặp phải sự phản đối gay gắt của Matxcơva, coi đó là sự hội tụ những toan
tính “xét lại lịch sử” của Kiev.
Đoạn
tuyệt hoàn toàn và triệt để với quá khứ Xô-viết
Mang một cái tên dài là “Về việc lên án các
chế độ độc tài toàn trị - chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội quốc gia (quốc
xã) tại Ukraina và nghiêm cấm tuyên truyền các biểu tượng của nó”,đạo luật
số 2558 nói trên xuất phát từ một dự luật do 13 nghị sĩ đề xuất, và đã được
thông qua với 254 phiếu thuận trong Quốc hội Ukraina, hiện đang chờ Tổng thống
ký phê chuẩn.
Theo các giả bản dự luật, việc thông qua điều luật
này sẽ đảm bảo loại bỏ mối đe dọa về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như an
ninh quốc gia, đồng thời củng cố tinh thần và đạo đức dân tộc của nhân dân
Ukraina. Về căn bản, đạo luật lên án và cấm tất cả các hệ tư tưởng dẫn đến thể
chế độc tài toàn trị, trong đó có chủ nghĩa cộng sản và quốc xã.
Cụ thể, Quốc hội Ukraina tuyên bố rằng thể chế Xô-viết
- cũng như quốc xã - là tội lỗi, cần bị lên án và việc phủ nhận những tội ác của
các chế độ này một cách công khai sẽ có hậu quả về hình sự. Như vậy, chủ nghĩa
cộng sản đã bị đặt ngang hàng với quốc xã như hai chế độ độc tài toàn trị cần bị
bài trừ và nghiêm trị trên phương diện luật pháp.
Tiếp đó, đạo luật cấm việc sử dụng công khai và
tuyên truyền các biểu tượng cộng sản (thời Liên Xô) và quốc xã, và đặt ra khả
năng trừng phạt nặng (khung hình phạt có thể lên tới 5 năm tù đối với cá nhân,
và 10 năm tù đối với tập thể hoặc trong trường hợp tái phạm, kèm khả năng tịch
thu tài sản). Đảng phái, cơ quan truyền thông phạm luật sẽ bị cấm hoạt động hay
tước giấy phép.
Đáng chú ý là phạm vi cấm đoán của đạo luật rất rộng.
Không chỉ những biểu tượng cơ bản của chủ nghĩa cộng sản như hình búa, liềm,
ngôi sao đỏ..., mà các bản quốc ca, các hình ảnh quốc kỳ, quốc huy, khẩu hiệu...
và những biểu tượng khác của Liên Xô và các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô, hoặc
các quốc gia trong khối XHCN cũ ở Đông Âu cũng bị nghiêm cấm.
Không chỉ thế, các tượng đài, khẩu hiệu, diễn ngôn của
giới lãnh tụ cộng sản Liên Xô hoặc có liên quan đến thời cộng sản ở Ukraina,
cùng tên gọi các đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố, huyện, thị xã...) có sử dụng
tên, bí danh các lãnh đạo cộng sản thời Xô-viết cũng sẽ bị cấm trên toàn quốc,
và cần thay đổi trong tương lai.
NGHE : Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest:14/04/2015
Đặc biệt, việc nhập phim ảnh Nga cũng sẽ phải thông
qua một quá trình kiểm tra và điều tiết nghiêm ngặt: cấm chiếu những bộ phim đề
tài quân sự sản xuất sau năm 1991 tại Nga, và tất cả phim Nga ra đời sau khi
xung đột ở miền Đông - Ukraina bùng nổ cách đây 1 năm !
Đạo luật cũng ủy thác cho chính quyền nhiệm vụ điều
tra và công bố các thông tin về tội ác thời Xô-viết, nhằm mục đích ngăn ngừa việc
lặp lại trong tương lai, và lập lại công bằng lịch sử. Tất cả các tài liệu mật
của mật vụ chính trị KGB trước đây cũng sẽ phải được bạch hóa.
Đi
theo truyền thống của các xứ cựu cộng sản Đông Âu
Xét về hình thức, có thể cho rằng với đạo luật nói
trên, Ukraina đã quyết định đi theo con đường của các quốc gia trong khối XHCN
trước đây ở Đông Âu, như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech hay Cộng hòa Slovakia,
nơi mà các biểu tượng của hai thể chế độc tài toàn trị thế kỷ 20 - chủ nghĩa cộng
sản và quốc xã - lâu nay đã bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Tại Hungary, việc lên án hai thể chế cộng sản và quốc
xã đã được đưa vào luật đồng thời với việc trừng phạt những ai sử dụng công
khai các biểu tượng - hoặc phủ nhận những tội ác - của hai thể chế đó. Hàng
năm, Budapest còn tổ chức hai ngày tưởng niệm các nạn nhân của độc tài cộng sản
và độc tài quốc xã ở tầm quốc gia, và tại tất cả các trường trung học.
Cũng trong nỗ lực “phi cộng sản hóa” đó,
tên đường, phố “có yếu tố cộng sản và quốc xã” cũng bị cấm tại
Hungary, và các tượng đài hay những tác phẩm nghệ thuật có mối quan hệ trực tiếp
với chủ nghĩa cộng sản thì đã từ lâu được dỡ bỏ, xếp xó, hay đem tập trung bày ở
một chỗ riêng như bảo tàng về quá khứ để khách tới xem, hoặc bán đấu giá từ thiện.
Cho dù đã nhiều bận bị thua kiện tại Tòa án Nhân quyền
Châu Âu ở Strasbourg vì một số người bị phạt do dùng biểu tượng sao đỏ đã kiện
ngược trở lại nhà nước Hungary, nhưng giới lãnh đạo nước này vẫn kiên quyết duy
trì điều luật. Bởi lẽ, họ cho rằng, khác với ở Tây Âu, tại Đông Âu sao đỏ là biểu
tượng độc tài, và nhân danh nó bao người đã bị sát hại một cách vô cớ.
Tại các nước cựu cộng sản khác trong vùng, tình hình
cũng tương tự. Từ mùa thu năm 2011, cho dù phe đối lập cánh tả không ủng hộ,
song Quốc hội Slovakia vẫn thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định khung
hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù đối với những ai phủ nhận những tội ác của
hai thể chế quốc xã và cộng sản, hoặc khen ngợi hay ủng hộ các thể chế đó.
Ở Ba Lan, bản Hiến pháp năm 1997 có điều khoản
nghiêm cấm sự hoạt động của các xu hướng phân biệt chủng tộc, độc tài và cực
đoan, trong đó có chủ nghĩa cộng sản và quốc xã. Có lần, Ba Lan còn cảnh cáo du
khách Nga rằng những biểu tượng độc tài bị cấm ở Ba Lan theo Hiến pháp và cần
lưu ý rằng xã hội nước này rất “dị ứng” với những biểu tượng cộng
sản !
Tương tự, Cộng hòa Czech cũng đưa vào Luật Hình sự
việc cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và quốc xã - cũng như cấm sử dụng công
khai, tại nơi công cộng những biểu tượng của hai chủ nghĩa này. Về tổng thể, bốn
quốc gia cựu cộng sản vùng Trung Âu nói trên đã đi đầu tại EU trong việc xử lý
sự phủ nhận tội ác của các thể chế độc tài toàn trị trên phương diện luật pháp.
Cho dù ngay tại các quốc gia đó, vẫn có những ý kiến
cho rằng không thể đặt “cùng một rọ”giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ
nghĩa quốc xã, rằng chẳng hạn sao đỏ là biểu tượng của phong trào công nhân nói
chung, hoặc của các chính đảng theo hướng xã hội dân chủ, chứ không phải “độc
quyền” của phong trào cộng sản, khác với biểu tượng chữ thập ngoặc của
quốc xã, v.v...
Đặc
thù Ukraina và sự “xét lại lịch sử”
Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia có chung
một đặc điểm, là đều là “chư hầu”của Liên Xô sau Thế chiến Thứ hai,
đều chịu nhiều đau thương vì thể chế độc tài toàn trị kiểu Stalinist từ điện
Kremli, dường như có vẻ khác với Ukraina trong nhiều thập niên liền từng là một
phần của Liên bang Xô-viết, nhiều lãnh tụ Liên Xô thậm chí là người Ukraina,
v.v...
Thế nên, quyết định của Quốc hội Ukraina - nhìn một
cách sâu xa hơn - có phần khác so với các nước XHCN cũ nói trên. Ở đây, có cả mục
tiêu gần và “sát sườn”, liên quan trực tiếp tới khủng hoảng Nga -
Ukraina, và cả mục tiêu cao và xa hơn, là đoạn tuyệt hoàn toàn với cách nhìn nhận
chính thống trước đây về lịch sử Ukraina, như là một phần của Đế chế Liên Xô.
Có thể đặt ra một câu hỏi: trong hoàn cảnh nước sôi
lửa bỏng vì chiến tranh, tại sao các dân biểu Ukraina lại đưa ra một đạo luật
không chỉ có vẻ không phục vụ những mục tiêu thực tế trước mắt, mà còn dễ thấy
là sẽ chuốc lấy sự giận dữ từ điện Kremli, hiện đang chuẩn bị ráo riết cho lễ kỷ
niệm 70 năm chiến thắng phát-xít Đức và kết thúc Đệ nhị Thế chiến?
Câu trả lời ở đây khá rõ ràng: thông qua đạo luật
lên án và cấm đoán những biểu tượng cộng sản, Quốc hội Ukraina muốn ngăn chặn
những cuộc biểu tình, tuần hành thân Nga trong dịp 09/05/2015 sắp tới. Bởi lẽ,
Ban lãnh đạo nước này lo ngại rằng những hành động viện cớ kỷ niệm Thế chiến đó
sẽ biến thành sự kêu gọi thân thiết với nước Nga hiện tại, hoặc ly khai.
Thật ra, cũng không thể coi việc đạo luật này ra đời
là quá bất ngờ, nếu nhìn lại diễn biến của một năm qua, khi Liên bang Nga can
thiệp và “sáp nhập” bán đảo Crimea của Ukraina sau một kỳ “trưng
cầu dân ý” dưới bóng xe tăng, rồi tiếp tục ủng hộ quân sự cho các lực
lượng phiến quân bạo loạn dẫn đến xung đột đẫm máu kéo dài ở miền Đông Ukraina.
Cố nhiên, những vùng hiện vẫn do quân ly khai làm chủ
như Donetsk và Lugansk sẽ không tuân thủ quyết định của Kiev, nhưng cần nói là
còn những vùng đất khác ở Ukraina mà chính quyền cần tính đến những cuộc diễu
hành mang theo các biểu tượng Xô-viết, như ảnh Stalin, và đây là điều lãnh đạo
Ukraina không thể chấp nhận trong hoàn cảnh thời chiến.
Tuy nhiên, điều khiến Matxcơva tức giận hơn cả, là
việc trong dịp này, Ukraina khẳng định Liên Xô phải chịu tội lỗi trong việc làm
nổ ra Đệ nhị Thế chiến cùng nước Đức phát-xít, khi đôi bên ký Hiệp ước bất
tương xâm Molotov-Ribbentrov tháng 8-1939, để chia đôi Ba Lan, và tạo cơ hội để
Hồng quân xâm chiếm 3 nước vùng Baltic cùng các tỉnh miền Tây Belarus và
Ukraina.
Đi xa hơn nữa, Kiev còn thông qua điều luật chính thức
coi thành viên các lực lượng Ukraina theo xu hướng quốc gia trong Đệ nhị Thế
chiến - tiêu biểu là Quân đội Khởi nghĩa Ukraina (UPA) - là những tổ chức chiến
đấu cho nền độc lập Ukraina, và đảm bảo chế độ xã hội cho họ cùng gia đình, giống
như cựu binh của cái gọi là “Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”.
Cần biết rằng nhiều lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc
Ukraina thời Thế chiến thứ hai chủ trương chống cả phát-xít Đức lẫn Hồng quân
Liên Xô - hoặc thậm chí hợp tác với Đức để giành độc lập cho Ukraina. Trong mắt
Matxcơva, những tổ chức này luôn bị coi là phát-xít, và với việc vinh danh họ mới
đây, Kiev đã đi thêm một bước dài trong việc thay đổi những cách nhìn lịch sử.
Cuộc
chiến lịch sử - ý thức hệ
Như vậy là giữa Liên bang Nga và Ukraina, bên cạnh
cuộc chiến về quân sự và kinh tế (thông qua con bài năng lượng), còn có một cuộc
chiến nữa, cũng quan trọng không kém, là về các góc nhìn lịch sử và ý thức hệ,
mà Nga, trên cương vị bên thừa kế Liên bang Xô-viết, luôn có ý áp đặt cho những
nước từng phụ thuộc, và nay đã trở thành các quốc gia độc lập, như Ukraina.
Xung đột liên quan tới việc tái đánh giá lịch sử và
đề xuất những cách nhìn mới không phải là điều mới giữa Matxcơva và Kiev. Kể từ
sau “Cuộc cách mạng da cam” năm 2004, Ban lãnh đạo Ukraina đã
muốn đoạn tuyệt với quá khứ Xô-viết, khi đưa Stepan Bandera - một thủ lĩnh quốc
gia, từng bị Liên Xô coi là phát-xít, truy đuổi và ám sát, trở thành người anh
hùng dân tộc.
Cũng kể từ thời Tổng thống Viktor Yushchenko,
Ukraina mới “dám” đưa ra khái niệm diệt chủng đối với
Holodomor, tên gọi nạn đói thời kỳ 1931-33 do Stalin chủ trương để bẻ gãy tinh
thần dân tộc của người dân xứ này, và khiến từ 7-10 triệu dân Ukraina thiệt mạng.
Cuối năm 2006, Quốc hội Ukraina đã thông qua đạo luật coi đây là tội ác diệt chủng
đối với dân tộc Ukraina.
Tuy nhiên, những động thái vừa qua của Kiev đã vượt
lên trên tất cả những gì diễn ra trước đó, khi nó đụng chạm tới vai trò của
Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến, vốn được coi là nền tảng của uy tín Liên bang
Xô-viết trước kia, và nước Nga hiện tại. Điện Kremli cho rằng Ukraina đã “theo
gót” Phương Tây trong việc tìm cách làm giảm công trạng của Liên Xô
trong cuộc chiến này.
Đầu năm nay, khẳng định của Thủ tướng Arseniy
Yatsenyuk - theo đó cần ngăn chặn không cho Nga “nhảy vào” Ukraina
và Đức như thời Thế chiến thứ hai - đã khiến Matxcơva điên đầu. Nhưng điều đó
chưa thấm vào đâu, so với việc Kiev vừa quyết định bỏ khái niệm “Chiến
tranh Vệ quốc”ốn được coi là rất thiêng liêng, và vinh danh các lực lượng
quốc gia từng chống Liên Xô.
Hơn nữa, động thái đó còn diễn ra đúng vào lúc
Matxcơva đang ráo riết chuẩn bị cho Ngày chiến thắng 9/5 sắp tới, với hy vọng lấy
lại được phần nào thể diện đã mất trước thế giới do sự can thiệp quân sự vào
Ukraina, nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã có nhiều nguyên thủ quốc gia,
lãnh đạo các nước cho hay họ sẽ từ chối, hoặc tẩy chay không đến dự.
Nếu được Tổng thống Poroshenko phê chuẩn, đạo luật
trên sẽ được thực thi đến đâu khi Ukraina đang trong cảnh chiến tranh, nó có
làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn vốn có trong xã hội, và Liên bang Nga sẽ
đáp trả như thế nào trước đòn nặng này, đây là những câu hỏi đang được đặt ra,
trước quyết định lớn mang tính tượng trưng này của Ban lãnh đạo Kiev...
No comments:
Post a Comment