Phạm Chí Dũng
Sunday, April 05, 2015 5:24:35 PM
Một
tác giả thổn thức “Tháng Ba đã chết!” Một bài báo run rẩy khóc thầm cho vài
ngàn cây xanh ở Hà Nội bị chặt đầu.
Nhưng thực ra cái chết im lặng không hoàn toàn đúng
với người dân Hà Nội. Con giun xéo lắm cũng quằn. Một cuộc xuống đường ven bờ hồ
Thiền Quang tại thủ đô đã tập hợp đến hơn 400 người chuyển từ bức xúc sang hành
động. Một blogger nhiều kinh nghiệm về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
công bố: có đến 3/4 trong số hơn 400 tuần hành viên ấy là những người mới đi biểu
tình lần đầu tiên.
Cái “lần đầu tiên” ấy mới ý nghĩa đến thế nào! Cũng
như sự khác biệt đặc thù giữa số người xem với số lượt truy cập trên các trang
báo điện tử vào thời đại kỹ thuật số, xã hội và lòng dân chờ đợi không chỉ những
gương mặt biểu tình chống Trung Quốc được tái hiện trên đường phố, mà rần rật
hơn cả là những người dân bình thường đã vượt qua chút ranh giới sợ hãi còn sót
lại để bước ra khỏi cửa nhà mình.
Nhiều đám đông ở Việt Nam đang hình thành theo cái
cách như thế. Vô số chuyện bất công trong xã hội là đầu đề cho những cuộc tụ tập
đông người mà các cơ quan pháp luật rất dè chừng. Tụ tập đông người lại sinh ra
manh mối để dẫn đến những cuộc biểu tình mà chính quyền luôn lo sợ.
Nhưng nếu chính quyền và công an có thể bắt nạt và
đàn áp những đám đông nhỏ chống Trung Quốc vào năm 2011 và gần đây nhất là sự
kiện giàn khoan HD 981 vào Tháng Năm, 2014, thì đám đông dân chúng đã vượt qua
sợ hãi lại to tát hơn nhiều và không dễ gì bị ăn hiếp. Đó là những sinh viên
trái tim như lửa đốt, cán bộ về hưu nặng lòng giang sơn, cả những người đàn bà
nội trợ không thể ngồi yên trong bếp.
Cây là người, người cũng là cây!
Tháng Ba đã không chết. Chỉ một tuần sau cuộc tuần
hành ở hồ Thiền Quang, một đám đông khác diễu hành biểu tình ngay tại hồ Hoàn
Kiếm để đòi hỏi phải làm rõ ai và những kẻ nào đã truy bức đến chết cây xanh. Cảnh
sát và an ninh cũng vây quanh, nhưng vẫn im lặng.
Cây là người, người cũng là cây!
Cái chết của hàng ngàn cây xanh cũng là nước mắt của
hàng ngàn con người. Chỉ nửa tháng trước, nhiều người còn bị ngáng trở bởi tâm
trạng bàng quan và đành đoạn chọn đứng bên lề, mặc lòng cho dòng nhựa cây trào
máu.
Nhưng chỉ trong vòng một tuần lễ, người Hà Nội đã xuống
đường. Thay cho ánh mắt lạnh lẽo vô hồn, thay cho không khí chán chường vô cảm,
giờ đây người Hà Nội đang hành động!
Buổi sáng ngày 29 Tháng Ba, tại khu vực trung tâm
thành phố, đã diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Hà Nội nhằm phản
đối chiến dịch triệt hạ 6,700 cây xanh. Có đến 1,000- 1,500 người dân thuộc mọi
lứa tuổi, mọi thành phần và nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ đã tham gia biểu tình.
Con số hàng ngàn người biểu tình vì môi trường vào lần
này là gấp đôi so với cuộc tuần hành lần trước ở hồ Thiền Quang. Có đến 80% hoặc
hơn thế là những người dân lần đầu tiên chọn cách biểu thị xuống đường.
Công an dày đặc quanh đoàn người biểu tình. Nhưng
khi một bạn nữ biểu tình tặng đóa hoa cho chiến sĩ công an, cô nhận lại nụ cười
không hẳn là gượng gạo.
Chính quyền nghiêng ngả! Không phải nhân viên cảnh
sát nào cũng có thể mặc lòng với người dân, chính vào lúc người dân đó lại là
chính nghĩa và là nhân dân của họ.
Xã hội dân sự Việt Nam đang lên tiếng! Sau bốn năm,
kể từ 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào mùa Hè năm 2011, một cuộc xuống đường
quy mô nữa đang nhú mầm ngay tại thủ đô của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt
Nam.
Người cũng bởi thế đang sống dậy, thay cho những đầu
xanh bị hạ chặt!
Đình
công đối đầu
Mùa xuân Việt Nam vẫn còn dư vị, dù Tết Nguyên Đán
đã trôi qua.
Một rừng cây khác vừa dựng lên sừng sững ở vùng Nam
Bộ.
Gần 90,000 công nhân công ty TNHH PouYuen Việt Nam
đình công trong sáu ngày liên tiếp cuối Tháng Ba và đầu Tháng Tư ở Sài Gòn,
nhưng với một đặc trưng rất đáng khích lệ: Không liên quan điều kiện lao động tại
doanh nghiệp này mà để phản đối luật bảo hiểm xã hội mới ban hành năm 2014.
Công nhân Việt Nam đột ngột giận dữ sau khi được
thông báo “từ nay, khi công nhân nghỉ việc sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một
lần như trước mà phải đợi đến tuổi hưu, nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi.” Đó là Điều
60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014 quy định. Người lao động sẽ không được nhận bảo hiểm
một lần.
“Tôi làm việc được chín năm, năm nay tôi được 35 tuổi, tôi muốn nhận bảo
hiểm xã hội một lần sau khi thôi việc, chứ tôi không thể chờ đợi đến khi già 55
tuổi, khi đó có biết tôi còn sống nữa hay không,” một công nhân khác tràn bức xúc.
Những cơ quan “còn đảng còn mình” như Tổng Liên Đoàn
Lao Động, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội và Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đã cố
gắng thuyết mị công nhân rằng việc hưởng trợ cấp một lần khi mất việc hoặc nghỉ
việc chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi quy định mới nhằm bảo đảm lợi
ích lâu dài cho người lao động khi về già.
Thế nhưng tương lai của “lợi ích lâu dài” đó lại trở
nên u tối lạ thường.
Theo một dự báo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO),
đến năm 2021, quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi. Triển vọng
u ám về chi trả đối với quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam cũng được thừa nhận bởi
nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ và người lao động trong nước.
“Deadline” vỡ quỹ Bảo Hiểm Xã Hội có thể còn nhanh hơn nhiều.
Nếu thời hạn tăng lương cho 2.8 triệu cán bộ công chức
nhà nước đã bị kéo lùi suốt từ năm 2013 đến nay với nguồn cơn thực chất “ngân
sách gần cạn tiền,” chẳng có gì khó hiểu khi quỹ Bảo Hiểm Xã Hội không phải là
ngoại lệ.
Đó cũng là nguồn cơn để lớp công nhân giá áo túi cơm
bật dậy tự tìm đường tồn tại. Từ Sài Gòn lan ra Long An, Bình Dương, Tiền Giang
và Tây Ninh, đó là cuộc đình công quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm phản đối
công khai và quyết liệt một chính sách đã được Quốc Hội “định hướng xã hội chủ
nghĩa” thông qua.
Một hành động mang tính gián tiếp đối đầu với chính
quyền!
Khi người lao động đã mất niềm tin vào sự đảm bảo về
mặt ngân sách nhà nước trong hoạt động chi trả Bảo Hiểm Xã Hội cũng như tính
công bằng của nó vào thời điểm về hưu của người lao động, đình công nổ ra là tất
yếu. Cuộc đình công đông chưa từng thấy này nằm trong bối cảnh tình trạng quản
lý, sử dụng sai mục đích ngân sách nhà nước, quỹ Bảo Hiểm Xã Hội vẫn không được
chấn chỉnh và kiểm soát, nạn tham nhũng ngày càng diễn ra trầm trọng, sự bất
bình đẳng về chi trả Bảo Hiểm Xã Hội giữa các đối tượng lao động trong và ngoài
nhà nước ngày càng lớn, chính phủ là một nhóm lợi ích khổng lồ.
Cuộc đình công nổ ra cũng là tất yếu, khi giá trị
tích lũy lâu dài của người lao động sẽ không được hồi trả xứng đáng, trong tình
trạng lạm phát tiếp tục đẩy tiền đồng Việt Nam ngày càng mất giá trị, khi không
ai dám chắc rằng trong vài năm tới những đồng tiền trợ cấp Bảo Hiểm Xã Hội sẽ
trượt giá thảm hại.
Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014 và Tổng Liên Đoàn Lao Động
đã phản bội lợi ích của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tất
cả chỉ mới bắt đầu!
Những đám đông Việt Nam đang mang một sắc thái mới:
Kết hợp giữa nạn nhân chịu bất công, những người hoạt động xã hội với những người
muốn giương cao ngọn cờ về tư tưởng chính trị.
Sau phong trào biểu tình liên tục của dân oan đất
đai trong 10 năm qua, cuộc đình công-biểu tình của công nhân Nam Bộ đã vừa trở
thành phong trào dân sự thứ hai có tính phổ thông quần chúng ở Việt Nam, đánh dấu
giai đoạn chuyển trạng thái của hai giai cấp công-nông.
Những người đi đường cũng chuyển từ thái độ tò mò
quan sát sang hành động hòa vào đám đông, đi theo đám đông, đồng cảm với không
khí của đám đông về những uẩn ức tích tụ trong lòng quá lâu mà không thể phát lộ.
Ngay cả báo chí trong nước cũng hết sức nhiệt tình
tham gia và trở thành một đám đông rất đặc biệt.
Đó chính là cách mà người dân biểu thị thái độ bức
xúc và bất mãn, biểu thị tinh thần phản đối và phản kháng đối với chính quyền.
Xã hội Việt Nam cũng đang xảy ra một hiện tượng tâm
lý chưa từng có: Trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân và
trí thức tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng
niềm tin ấy đã chết.
Tunisia năm 2010. Sau vụ tự thiêu do quá phẫn uất của
một người bán hoa quả, điều đáng ngạc nhiên là đám đông đã chỉ được hình thành
bởi sự lan truyền thông tin của các em bé. Trẻ con lại dẫn đến mối quan tâm của
người lớn. Vào cuối ngày đầu tiên, thay vì về nhà theo thói quen, nhiều người lớn
đã chuyển sang một thói quen mới: Tập hợp với nhau, giữa những người không quen
biết, để đòi tổng thống phải từ chức.
Khi đám đông đã lên đến hàng triệu người, toàn bộ lực
lượng cảnh sát trở nên bất động. Còn quân đội thường giữ thái độ trung lập.
Như một quy luật, xã hội Việt Nam càng nhiễu nhương
và hỗn loạn, giới quan chức đảng và chính quyền càng ra sức trục lợi và cưỡng bức
người dân, đám đông dân chúng càng có lý do để bạo dạn hơn và liều lĩnh hơn.
Tâm lý sợ hãi cũng vì thế được chuyển hóa từ thận trọng sang giễu cợt, cho đến
khi bùng vượt qua ranh giới kìm nén.
Cả hai cuộc biểu tình đầy ắp ở hai đầu cầu Hà Nội và
Sài Gòn đều đã mang lại hiệu quả gần như tức thì: Chính quyền thủ đô phải ngưng
chặt hạ cây xanh, còn chính phủ phải họp cấp tốc để ra văn bản kiến nghị Quốc Hội
thỏa mãn yêu sách của giới công nhân. Tất cả giới công chức nhà nước, kể cả lực
lượng vũ trang, cần phải bày tỏ lời cám ơn không chỉ thầm lặng với những công
nhân đã đấu tranh cho trợ cấp xã hội của tất cả.
Nhưng đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu của dân quyền.
Vẫn còn quá nhiều quyền lợi của nhân dân bị đe dọa.
Tháng Ba không chết!
Tất cả chỉ mới bắt đầu!
Trên đất Việt thương đau!
No comments:
Post a Comment