Monday, April 6, 2015

Tập Cận Bình triệt Chu Vĩnh Khang để thâu tóm ngành an ninh (Minh Anh - R F I ĐIỂM BÁO)





Minh Anh  -  R F I      ĐIỂM BÁO  
06-04-2015 

Thời sự quốc tế hôm nay (06/04/2015) nổi bật với việc Trung Quốc quyết định đưa cựu lãnh đạo ngành an ninh Chu Vĩnh Khang ra xét xử. Nhật báo Le Monde trong bài viết đề tựa "Cựu lãnh đạo an ninhTrung Quốc bị truy tố", nhận định đưa Chu Vĩnh Khang ra xử cho phép chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thâu tóm luôn cả ngành an ninh.

Kể từ sau phiên xử "Bè lũ bốn tên" vào năm 1981, đây sẽ là phiên xử một quan chức cao cấp đầu tiên. Trong những tháng sắp tới, ông Chu Vĩnh Khang, 73 tuổi cựu lãnh đạo quyền lực nhất ngành an ninh, cựu ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị sẽ phải trả lời trước tòa án Thiên Tân những cáo buộc "tham nhũng, lạm dụng quyền hành và cố ý tiết lộ bí mật quốc gia". Như vậy, trong chiến dịch "săn hổ, đập ruồi" của ông Tập Cận Bình, con thú dữ Chu Vĩnh Khang đang tiến gần đến trào cuối. Sự việc cho thấy cả một mạng lưới tham nhũng đang gậm nhấm đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thế nhưng, phiên xử Chu Vĩnh Khang sẽ còn làm sáng tỏ những bí ẩn sau những cáo buộc, nhất là với tội danh "cố ý tiết lộ bí mật quốc gia", một tội danh mà vị cựu quan chức này đã từng sử dụng để đưa nhiều tiếng nói đối lập vào trại giam và leo lên đến tột đỉnh vinh quang. Theo ông Willy Lam, chính trị gia Hồng Kông, cáo buộc này có thể có liên quan đến những hành vi theo dõi Tập Cận Bình hay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào hoặc như việc tổ chức "rò rỉ" thông tinn xung quanh các hoạt động kinh doanh và tài sản gia đình của nhiều lãnh đạo khác.

Vụ xử Chu Vĩnh Khang còn mang màu sắc chính trị do bởi mối liên hệ thân thiết giữa ông Chu với cựu Bí thư đảng ủy Trùng Khánh thất sủng, Bạc Hy Lại bị kết án vào năm 2013 vì tội tham nhũng. Trong bản báo cáo tại Quốc hội, Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng "ông Chu và Bạc Hy Lai đã làm tổn hại đến sự thống nhất của Đảng và tiến hành các hoạt động chính trị không thuộc tổ chức".

Thuật ngữ mơ hồ và chưa từng có trong vốn từ của đảng Cộng sản gợi nhắc những cuộc đấu đá nội bộ gay gắt đằng sau hậu trường và làm thổi phồng nhiều đồn đãi cho rằng có mưu toan sử dụng vũ lực của phe Chu Vĩnh Khang-Bạc Hy Lai, những kẻ thua cuộc. Vụ bắt giam hai nhân vật cao cấp khác dưới thời Hồ Cẩm Đào là ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) - cựu chánh văn phòng trung ương và cựu nhân vật số hai trong quân đội ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou) còn củng cố thêm giả thuyết "âm mưu" trên thượng tầng lãnh đạo và đấu đá giữa các cơ quan an ninh.

Tờ báo nhắc lại ông Chu chính là người đã kiến trúc nên cả một "hệ thống duy trì ổn định" trước khi diễn ra Thế Vận hội Olympic do Bắc Kinh tổ chức năm 2008. Chính ông cũng là người điều khiển vụ kết án 11 năm tù Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) năm 2009, hay như vụ giam giữ nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) vào năm 2011. Cũng chính ông Chu là người đã đè bẹp vụ nổi dạy của người Tây Tạng năm 2008. Có thể nói vào thời điểm đó, ông Chu được xem như là kẻ thù của nhiều nhà đấu tranh nhân quyền tại Trung Quốc, nhất là đối với các luật gia.

Từ khi ông Chu về hưu vào năm 2012, vị trí của ông Chu Vĩnh Khang cho đến giờ vẫn chưa được thay thế (số thành viên trong Ban thường vụ giảm xuống từ 9 còn 7 ghế) là dấu hiệu nắm lại quyền kiểm soát ngành an ninh. Kể từ giờ, vị trí đó không còn nằm trong tay một ủy viên duy nhất trong ban thường vụ như dưới thời Chu Vĩnh Khang. Một cơ chế an ninh mới, cũng không kém phần hung bạo: đó là Ủy ban An ninh Quốc gia, mà ông Tập Cận Bình đã được bầu chọn làm lãnh đạo tối cao, nhằm điều phối toàn bộ các cơ quan Đảng-Nhà nước chống lại những "mối đe dọa an ninh".

Áp lực cảnh sát không hề suy giảm mà còn mạnh hơn nữa. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, chưa bao giờ ngần ấy nhà đấu tranh, luật sư và nhà ly khai bị kết án nhiều đến như vậy, bất chấp luật lệ và với những bản án còn nặng nề hơn dưới thời vị cựu lãnh đạo ngành an ninh khủng khiếp bị thất sủng. Cuối cùng, Le Monde kết luận, Chu Vĩnh Khang là nạn nhân quan trọng nhất của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Hay là nạn nhân của chính những tội danh do ông ta đưa ra?

Trung Quốc: Xã hội dân sự dưới áp lực
Cũng tại Trung Quốc, Le Monde có một bài nhận định khác đề tựa "Xã hội dân sự tại Trung Quốc dưới áp lực". Thông tín viên nhật báo Brice Pedroletti cho hay Bắc Kinh siết chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn mọi rủi ro diễn ra một "cuộc cách mạng màu" như tại Ukraina.
Theo ghi nhận của tác giả, từ nhiều tháng nay một loạt các tổ chức xã hội dân sự ra đời những năm gần đây từ đấu tranh cho nữ quyền, cho những người đồng tính và chuyển giới cho đến bảo vệ những người dân khốn khổ (tật nguyền, bệnh nhân nhiễm SIDA, gái mại dâm hay dân nhập cư..) đều nằm trong tầm ngắm của chính phủ. Nhiều vụ bắt bớ, lục soát trụ sở, kéo dài thời gian giam giữ hay đe dọa truy tố ... đã diễn ra. Phần lớn các lãnh vực hoạt động đều do các nhánh của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Trung Quốc hoặc các tổ chức trong nước nhận tài trợ từ nước ngoài bao quát, do nguồn tài trợ trong nước khá hiếm hoi.
Tác giả bài viết cho biết vào mùa xuân năm 2014, chính quyền Bắc Kinh, cụ thể là Ủy ban an ninh Quốc gia, tổ chức do Tập Cận Bình thành lập vào năm 2013, đã ra chỉ thị yêu cầu tiến hành điều tra sâu rộng về các "tổ chức phi chính phủ nước ngoài" cả "những tổ chức nào có liên hệ với bên ngoài". Theo đó, các tổ chức này phải điền vào mẫu khai và được "mời đi uống trà". Nhưng những cuộc thảo luận lịch sự, chuyện phiếm với các nhân viên tình báo đó đã nhanh chóng được thay bằng một chiến dịch tàn khốc hơn và có hệ thống hơn, để rồi kết thúc bằng những vụ bắt giữ hàng chục thành viên tổ chức phi chính phủ từ những tháng cuối năm 2014 cho đến đầu năm 2015.
Tác giả liệt kê một loạt các vụ tấn công gần đây như khám xét trụ sở tổ chức Yirenping đấu tranh chống nạn phân biệt đối xử trong tuyển dụng như cho các nạn nhân có các bệnh lý viêm gan siêu vi B, tật nguyền hay như nữ giới. Vụ một nhà sáng lập tổ chức tư vấn pháp lý bị cảnh sát sáng sớm đến giải đi thẩm vấn để làm rõ nguồn gốc và ý đồ tài trợ từ nước ngoài. Hội này sau đó đã bị giải thể và người sáng lập được trả tự do "có điều kiện".
Theo nhận định của ông Nicolas Bequelin, thuộc Tổ chức giám sát Nhân quyền tại Hồng Kông, các vụ tấn công hiện nay vốn bắt nguồn từ thái độ thù nghịch đối với phương Tây, "đang tìm cách phủi nhận tính hợp pháp của chương trình nhằm củng cố Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng đối với các quyền con người: khi đóng cửa một tổ chức phi chính phủ đang giúp đỡ những người tật nguyền, điều đó có thể không được chấp nhận. Nhưng nếu bằng cách nhấn mạnh vào nguồn tài chính và khơi dậy sự nghi ngờ rằng các thành viên đang thực hiện một nhiệm vụ chính trị có liên hệ với nước ngoài, thì mọi thứ tức thì lại trở nên rất dễ dàng".

Đông Ukraina: tương lai mịt mù
Le Figaro dẫn độc giả đến với trời Âu qua bài viết : "Một năm và một cuộc chiến sau đó, Đông Ukraina mịt mù". Thông tín viên của nhật báo Pierre Avril tại Matxcơva cho rằng ngay chính bản thân những người ủng hộ quân ly khai nổi dậy cũng không còn tâm trí nào để ăn mừng kỷ niệm một năm sự nổi dậy thân Nga của vùng Donbass.
Ngày này cách nay đúng một năm (06/04/2014) tòa nhà hành chính Ukraina tại Louhansk, Donetsk và Kharkiv bị một nhóm người có vũ trang và bịt mặt tấn công, đúng y như kịch bản xảy ra tại Crimée. Một năm và một cuộc chiến sau đó, câu chuyện đó dường như vẫn còn mới mẻ đối với người dân vùng này. Thỏa thuận Minks 2 đã được ký cách đây gần 2 tháng (12/02/2015) dưới sáng kiến của Paris và Berlin, bao gồm 13 điểm nhằm chấm dứt xung đột cũng chẳng được bên nào tôn trọng. Theo giới quan sát, chính tiến trình chính trị mới là trở ngại chính cho hòa bình đông Ukraina.
Kiev vừa thông qua hai đạo luật chấp nhận quy chế đặc biệt cho các vùng phía đông, nhưng phải tuân theo các quy định về luật tổ chức bầu cử của Ukraina, đồng thời phải cho truyền thông Kiev được phát sóng tự do trên vùng lãnh thổ ly khai. Một điều kiện mà phe nổi dậy không chấp nhận được. Phía Nga cho rằng Kiev đã không thật tâm đối thoại với phe ly khai, vốn bị xem như là những tên "khủng bố". Cùng lúc này, lênh phong tỏa kinh tế của Kiev vẫn còn hiệu lực tại các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát, bất chấp thỏa thuận Minks.
Trong con mắt của Matxcơva, Tổng thống Ukraina đã bị suy yếu, không có khả năng tiến hành cải cách kinh tế và dễ "ngã theo phe chủ chiến" bất cứ lúc nào để bảo vệ quyền lực của mình. Kremlin còn chỉ trích Paris và Berlin đã không gây áp lực để thuyết phục được đối tác Ukraina phải "tôn trọng các thỏa thuận". Trong lúc này, số thiệt hại nhân mạng tiếp tục gia tăng. Trong ngày hôm qua đã có thêm bốn lính Ukraina thiệt mạng tại vùng Louhansk. Nhưng đáng lo nhất là tại cảng biển Marioupol tại vùng Azov. Giả thuyết một vụ tấn công ồ ạt của quân nổi dạy thân Nga thường xuyên được nhắc đến. Chiến dịch quân sự này có lẽ sẽ kéo theo sự hỗ trợ trên diện rộng của quân Nga.

Cuba: nước cờ cuối cùng của Fidel Castro
Nhìn sang Trung Mỹ, đặc biệt là Cuba, Le Figaro lưu ý đến việc Fidel Castro tái xuất hiện trước công chúng, vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tờ báo cho rằng "Tại La Habana, cuộc cách mạng không thể hoen rỉ đi nước cờ quyết định".
Lần đầu tiên kể từ 15 tháng qua, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã bất ngờ xuất hiện trước công chúng. Một sự xuất hiện đã được tổ chức rất kỹ lưỡng. Vào lúc mà Cuba và Hoa Kỳ đang trên đà sắp mở cửa lại các văn phòng đại diện ngoại giao và cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 10/04/2015 sắp đến tại Thượng đỉnh Châu Mỹ ở Panama, sự xuất hiện cũng như tuyên bố ủng hộ Caracas của ông đã bắn đi một thông điệp rất rõ ràng cho tổng thống Mỹ.
Theo đó, "Washington không việc gì phải tuyên bố là Venezuela đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Tự bản thân chế độ của ông Nicolas Maduro sẽ tự sụp đổ. Ngược lại, điều đó cũng làm bực mình người dân Cuba, do bị lệ thuộc vào nguồn dầu hỏa Venezuela và điều đó có thể tạo cho họ (Cuba) cái cớ trì trệ quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ", một nhà ngoại giao phương Tây tại La Habana nhận định.
Theo các nhân chứng mà phóng viên nhật báo có dịp trao đổi cho biết là đại bộ phận dân Cuba không thích sự hiện diện của người Mỹ trên đảo quốc, họ chưa muốn mọi thứ thay đổi nhanh chóng trên bình diện chính trị, ngoại trừ kinh tế.

Trang nhất các báo
Do hôm nay là ngày nghỉ lễ, hầu hết các tiệm báo đều đóng cửa. Duy chỉ có Le Monde số cho ngày Chủ Nhật 05 và Thứ Hai 06/04 được phát hành vào chiều tối thứ Bảy, nhật báo Le Figaro và tờ Le Parisien số ra hôm nay là vẫn có thể đến tay bạn đọc.
Le Figaro trên trang nhất đưa hình ảnh Đức Giáo Hoàng tươi cười vẫy tay chào các tín đồ đến dự buổi thánh lễ tại Roma ngày hôm qua và đề tít "Giáo Hoàng ban phép lành đến các tín đồ Kitô giáo bị ngược đãi". Tờ báo viết: " Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện không những cho những người theo Kitô giáo phương Đông bị sát hại, mà còn cho cả những ai đan phải chịu đựng kham khổ hậu quả của các vụ xung đột và các hành động bạo lực. Trong giai đoạn đầy nghịch cảnh, Ngài kêu gọi một sự 'nhún nhường' và một sự ' tha thứ '. Khi nhắc đến vụ thảm sát các sinh viên tại Kenya xảy ra hôm thứ Năm (02/04/2015), Giáo hoàng Franxico đã ban phép lành cho nhiều quốc gia Châu Phi".
Trang nhất Le Monde cũng đề cập đến Đức Giáo hoàng nhưng trên lãnh vực xã hội. Với tấm ảnh một Giáo hoàng đầy lo âu, tờ báo chạy tít lớn: "Gia đình: Giáo hoàng đối mặt với sự kháng cự trong hàng ngũ của mình". Chỉ còn sáu tháng nữa là diễn ra Hội nghị Tôn giáo về gia đình, các tranh luận tại nhiều giáo phận không rút ngắn được những bất đồng về trường hợp ly dị rồi tái hôn. Số người phản đối về việc nới lỏng nguyên tắc của giáo Hội ngày càng tỏ ra công khai hơn.
Le Parisien đặc biệt chú trọng đến vấn đề "tội phạm mạng" qua hàng tít lớn "Thực tế đang vượt xa cả trí tưởng tượng". Dọ thám doanh nghiệp, xe ô-tô có kết nối trở nên bất kham, thành phố chìm trong bóng tối.. Đối mặt với nhiều loại vật dụng kết nối mạng, nhiều mối đe dọa cũng xuất hiện theo.






No comments: