07.04.2015
Cuối bài “Ai là kẻ thù của Việt Nam?”, tôi có viết: Hầu như ai cũng
biết cách trả lời cho câu hỏi ấy trừ…chính quyền Việt Nam.
Viết thế, thú thực, tôi cũng thấy có cái gì như nghịch
lý. Ông Tổng Bí thư có thể lú lẩn nhưng chả lẽ cả 15 người còn lại trong Bộ
Chính trị cũng đều bị mù mắt? Rồi còn gần 200 người trong Ban Chấp hành Trung
ương nữa, chả lẽ không có ai nhìn ra sự thật? Nhưng nếu đã thấy sự thật, tại
sao người ta vẫn tiếp tục hô những khẩu hiệu lãng nhách như “4 tốt” và “16 chữ
vàng” từ năm này sang năm khác? Tại sao người ta vẫn xem Trung Quốc như một đối
tác khả tín? Tại sao người ta vẫn buông thả để người Trung Quốc đến, ở và làm
việc ở những địa điểm được xem là trọng yếu của quốc gia? Tại sao người ta vẫn
im lặng trước những hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc ở Hoàng Sa,
Trường Sa cũng như trên Biển Đông nói chung?
Quan sát hành động cũng như nghe các lời phát biểu của
giới lãnh đạo Việt Nam, người ta không thể không nghĩ là họ không hề nhận ra dã
tâm của Trung Quốc. Điều đó quả rất đáng ngạc nhiên. Tôi không thể nghĩ ra một
lời giải thích nào thật thoả đáng. Họ mê muội đến vậy sao? Hay họ bị mua chuộc?
Hay, một cách lạc quan và tích cực hơn, có thể nêu giả thuyết: Họ biết rõ nhưng
phải giả vờ không biết vì một toan tính chiến lược nào đó, ví dụ, với hy vọng
Trung Quốc sẽ “thức tỉnh” hay các biện pháp thương thảo qua con đường ngoại
giao sẽ có kết quả tốt đẹp để Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền trên Biển Đông mà
không phải đối đầu về quân sự? Tuy nhiên, hy vọng này chỉ là một ảo tưởng:
Trung Quốc vẫn khẳng định đi khẳng định lại việc làm bá chủ trên Biển Đông là
“lợi ích cốt lõi” mà họ sẽ không bao giờ nhân nhượng.
Vậy nguyên nhân thực sự là sao? Việt Nam chỉ muốn kết
hợp “hợp tác và đấu tranh” như lời Nguyễn Tấn Dũng nói? Nhưng “đấu tranh” trong
cái thế vẫn duy trì hợp tác là đấu tranh như thế nào? Đâu là giới hạn của việc
hợp tác? Cho đến nay, không có ai trong giới lãnh đạo trả lời câu hỏi ấy cả. Về
phương diện tuyên truyền, người ta vẫn cố tô hồng viễn ảnh hợp tác qua các châm
ngôn “4 tốt” và “16 chữ vàng” và làm ngơ trước các hành động xâm lấn của Trung
Quốc. Người ta cố làm ra vẻ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tốt đẹp và
sẽ tốt đẹp mãi.
Nhưng đó chỉ là một sự lừa dối hoặc tự lừa dối. Cần
phải nói rõ: Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc là một kẻ thù, hoặc nhẹ nhàng
hơn, một đối thủ.
Việc công bố ấy có thể làm cho quan hệ giữa hai nước
trở thành căng thẳng hơn. Nhưng để né tránh sự căng thẳng ấy bằng cách im lặng
hoặc tự lừa dối, các nguy hiểm sẽ lớn hơn.
Nguy hiểm đầu tiên là nó làm dân chúng và cán bộ các
cấp mất cảnh giác trước các thủ đoạn xâm lấn của Trung Quốc. Điều này đã từng xảy
ra nhiều lần rồi. Một số vụ từng làm ồn ào dư luận như việc để mặc cho Trung Quốc
tha hồ tuyên truyền trên trang mạng của Bộ Thương mại Việt Nam, việc để cho nhiều
người Trung Quốc vào làm ăn ở những khu vực được xem là bí mật quốc phòng quanh
cảng Cam Ranh hay việc cho Trung Quốc thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn, ở những
vị trí có ý nghĩa chiến lược cao. Đó là những sự kiện được báo chí phanh phui.
Không ai có thể biết hết những gì Trung Quốc đã và đang làm ở Việt Nam.
Một nguy hiểm khác là, qua việc im lặng ấy, Việt Nam
gửi một tín hiệu sai đến các quốc gia khác trên thế giới. Điều hầu như ai cũng
đã rõ: Việt Nam không thể tự mình đối đầu với Trung Quốc. Thế Việt Nam quá yếu.
Mọi toan tính tự vệ của Việt Nam chỉ trở thành khả thi chỉ với một điều kiện: sự
giúp đỡ từ bên ngoài. Nhưng không ai có thể giúp đỡ Việt Nam khi họ không biết
Việt Nam nghĩ gì và muốn làm gì. Không có sự hiểu biết ấy không thể có sự liên
minh mật thiết được.
Nhưng nguy hiểm nhất là điều này: sự im lặng ấy làm
cho chính quyền trở thành mục tiêu phê phán và chống đối của dân chúng. Lâu nay,
dưới mắt nhiều người, giới lãnh đạo bị xem là những kẻ hoặc quá nhu nhược hoặc
bị Trung Quốc mua chuộc để nhường nhịn hết yêu sách này đến yêu sách khác của
Trung Quốc. Rất nhiều người thậm chí còn cho giới lãnh đạo là những kẻ bán nước,
hoặc ít nhất, bán Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Biển Đông nói chung cho Trung
Quốc. Không mấy ai còn tin vào quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như sự
toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của chính quyền. Mất đi sự tin tưởng ấy cũng đồng
nghĩa với việc mấy đi sức mạnh chính đáng của sự lãnh đạo.
Tiếp
tục im lặng và bất chấp ba nguy cơ trên, chính quyền Việt Nam đang tự cô lập
mình, tự cách ly mình với dân chúng và với cộng đồng quốc tế. Đó là một quyết định
dại dột.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment