Friday, April 10, 2015

Nguyễn Phú Trọng đã đầu hàng Tập Cận Bình (Phạm Trần)





4/11/2015       138 Comments 

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thất bại ngay trong ngày đầu trong chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 10 tháng 4 khi ông phải chấp nhận mọi đòi hỏi ở Biển Đông của Chủ tịch Nhà nước- Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là lần đầu tiên ông Trọng sang Bắc Kinh kể từ sau ngày Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 do họ đặt vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để tìm kiếm dầu từ 2/5 đến 15/7/2014.

Trái với chuyến sang Bắc Kinh lần thứ nhất từ 11 đến 15/10/2011, lần này ông Trọng còn đem theo 4 Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là những người có triển vọng được lên cấp trong Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII, dự trù được bầu vào tháng 1/2016.

4 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Đại Quang, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Có tin đồn đoán ông Trọng đem họ theo để giới thiệu với ông Tập Cận Bình như là nhóm lãnh đạo mới đồng thời cũng thông báo về quyết định của riêng ông tại Đại hội đảng XII. Có tin nói ông Trọng, 72 tuổi vào năm 2016 sẽ rút lui để nhường chỗ cho một Tổng Bí thư trẻ hơn.

Ông Trọng có làm như thế hay chỉ biết lắng nghe ông Tập Cận Bình thuyết giảng về hợp tác toàn diện, kể cả vấn đề Biển Đông, giữa hai đảng và hai nhà nước trong 2 giờ đồng hồ thì các bài tường thuật của báo chí đôi bên đã chứng minh như thế.

Trong thời gian có cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981, Bộ Chính trị 16 người do ông Trọng đứng đầu đã không ủng hộ ý kiến đòi Quốc Hội ra một Nghị quyết lên án hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.

Điều này dễ hiểu vì ông Trọng là người thân Trung Quốc, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh. 

Việc này cũng giải thích tại sao mà ông Tập Cận Bình và nhà nước Trung Quốc đã đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng như một Quốc trưởng tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh chiều 7/4 (2015). 

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) viết: “Đoàn môtô long trọng hộ tống xe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến vào khuôn viên Đại lễ đường. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều lãnh đạo Trung Quốc đã nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước lên bục danh dự; quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam và Trung Quốc. Lễ đón diễn ra trang trọng với 21 phát đại bác chào mừng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự và chứng kiến Đội danh dự diễu hành.”

Liệu cuộc đón tiếp linh đình này có làm cho ông Nguyễn Phú Trọng bị choáng ngợp để quên rằng khi Trung Quốc thi hành chỉ thị “bảo vệ chủ quyền biển” là quyền lợi cốt lõi của ông Tập Cận Bình thì Bắc Kinh đã khởi công biến các đá ngầm chiếm của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3 năm 1988 thành các đảo nhân tạo trong khi Thế giới tập trung theo dõi diễn biến vụ Giàn khoan HD 981.

Hình ảnh của báo chí Đài Loan (Want China Times, 02/09/2014) và Tây phương (Google Earth, DigitalGlobe, IHS Jane's Defense ngày 20 tháng 11 năm 2014) cho thấy quân đội và công nhân Trung Quốc đã làm việc ngày đêm để biến ít nhất 6 bãi đá ngầm Gạc Ma (Johnson South), Ga Ven (Gaven), Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Tư Nghĩa (Hughes), và Én Đất (Eldad) thành các đảo. Ngoài Én Đất, tất cả bãi đá trên đều được giới chức Trung Quốc ấn định "ngày sinh" cụ thể vào tháng 7. Duy nhất còn lại đá Xu Bi chưa bị biến thành đảo.

Trung Quốc cũng đang bồi đắp nhiều khu vực trong vùng tranh chấp với Phi Luật Tân ở hai bãi Macclesfield (Macclesfield Bank) và bãi cạn Scarborough hay đảo Hoàng Nham Scaborough mà Bắc Kinh gọi chung là Trung Sa quần đảo.

Theo tài liệu của Bách khoa toàn thư (mở) thì: “Macclesfield là một bãi ngầmdạng rạn vòng hoàn toàn chìm dưới mặt nước biển Đông. Bãi ngầm này nằm cáchquần đảo Hoàng Sa 75 hải lí (139 km) về phía đông, ở vào khoảng giữa của đường hàng hải từ bờ biển miền Trung Việt Nam đến phía bắc đảo Luzon của Philippines.

Tên gọi của bãi ngầm xuất phát từ sự kiện tàu Macclesfield của Anh khám phá ra bãi này vào năm 1701. 

Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi Macclesfield.”

Trong khi đó, bãi Scarborough (đảo Hoàng Nham) nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc.

Trung Quốc đã kiến thiết đường bay, bến cảng và đồn binh trên các đảo nhân tạo mới ở Trường Sa. Trong số này có Gạc Ma nằm trên đường tiếp vận từ Việt Nam ra Trường Sa trong khi Chữ Thập chỉ cách cảng Cam Ranh và sân bay Đà Nẵng khoảng 400 cây số. Các máy bay Trung Quốc có thể uy hiếp hay tấn công quân Việt Nam ở Trường Sa dễ dàng hoặc đánh thẳng vào Việt Nam trong vài giờ vì đã dự trữ sẵn nhiên liệu tiếp tế trên các đảo nhân tạo này.

Thảo luận gì?

Như vậy đe dọa quân sự của Bắc Kinh đối với Việt Nam đã rõ ràng nhưng không thấy phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam hay Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam, VOV) tháp tùng ông Trọng nhắc đến khi tường thuật về nội dung cuộc thảo luận giữa hai Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt-Trung.

Báo chí Trung Quốc, tiêu biểu như Tân Hoa Xã (Xinhua) và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (China International Radio, CRI) cũng không nói gì đến vấn đề đang gây chú ý không những cho Việt Nam hay các nước trong khu vực Đông Nam Á mà cho cả Thế giới.

Ông Tập Cận Bình không nói đến chuyện Trung Quốc tái tạo các bãi đá thành đảo để dành chủ quyền ở Biển Đông là điều tất nhiên, nhưng khi Tổng Bí thư đảng CSVN né tránh thì không thiếu gì người Việt Nam muốn biết mục đích ông sang Bắc Kinh để làm gì cho tốn tiền của dân?

Nếu ông Trọng đi Bắc Kinh chỉ để chứng kiến cấp thừa hành ký 7 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan hai nước thì thật lãng phí.

Trong số các văn kiện đã ký đáng chú ý gồm:

- “Hiệp định về hợp tác dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;”

- “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020;”

- “Điều khoản Tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc;” 

- “Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc” giữa Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tài chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Bản tin tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (CRI) viết về vấn đề xung đột ở Biển Đông: "Hai bên nhấn mạnh cần phải quý trọng và gìn giữ tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam phát triển bền vững. Hai bên còn đồng ý cùng nhau nỗ lực, kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, cùng giữ gìn hòa bình và ổn định trên Nam Hải…"

"…Tổng Bí thư Tập Cận Bình chỉ rõ, hai bên cần tuân thủ những nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng và hai nước, cùng nhau kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, giữ gìn đại cục của quan hệ Trung-Việt và hòa bình, ổn định trên Nam Hải.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tán thành và cho biết, hiện nay hai nước Việt Nam-Trung Quốc đều đang dốc sức cho sự nghiệp vĩ đại xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đều đang thúc đẩy cải cách và đổi mới toàn diện, hơn lúc nào hết đều cần phải tăng cường hợp tác hữu nghị cùng có lợi, giải quyết thỏa đáng các bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng cao độ phát triển quan hệ hữu nghị bền vững và ổn định với Trung Quốc, đây là chính sách ưu tiên và lâu dài của Việt Nam, là sự lựa chọn chiến lược.”

Rõ ràng hai bên không nói gì đến những chuyện đã và đang xẩy ra tại vùng biển Trường Sa.

Theo tin của Việt Nam (TTXVN và VOV) thì: “Đối với vấn đề trên biển, (hai bên) nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc;” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) và sớm đạt được "Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh xây dựng COC là một phần quan trọng để giải quyết vấn đề trên biển. Trung Quốc đang cùng ASEAN bàn bạc nhiều lần để xây dựng COC.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm 2015.”

Những chuyện này không có gì mới mà chỉ lập lại những điều hai bên Việt-Trung đã viết trong các văn bản họp giữa hai Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường của Trung Quốc tại cuộc họp tại Milan, Italy ngày 16/10/2014, bên lề Hội nghị cấp cao ASEM-10 (The Asia–Europe Meeting, ASEM).

Và tại các cuộc họp giữa Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì với Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội tháng 10/2014.

Cũng như trong chuyến đi làm việc hai ngày tại Trung Cộng từ 26 đến 27/08 (2014) của đặc phái viên Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã không đem chút thắng lợi nào về cho Việt Nam.

Cũng nên biết, chính Trung Quốc là nước đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở Biển Đông khi họ tự vi phạm "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) ký tại Nam Vang (Kampuchia) ngày 04 tháng 11 năm 2002 giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Hoa.

Và cũng chính Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn thương thuyết "Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông" (COC), trong đó có lý do chính là chỉ đồng ý đối thoại trực tiếp với các nước có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh, thay vì Quốc tế hóa hay nói chuyện Biển Đông với ASEAN như một khối. 

Do đó, việc lập lại những chuyện “ai cũng biết rồi khổ lắm nói mãi” về hứa hẹn của Bắc Kinh đối với DOC và COC trong cuộc họp Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình chiều ngày 7/4/2015 chẳng qua chỉ nhằm kéo dài sự từ chối nói chuyện nghiêm chỉnh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông của phía Trung Hoa mà thôi.

Cam kết của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Tập Cận Bình đồng ý “thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm 2015” cũng toàn là chuyện hai nước đã thảo luận nhưng chưa dứt điểm trong suốt 2 năm qua.

Lý do vì Trung Quốc luôn luôn muốn phần hơn về mình và ép Việt Nam phải “vì đại cuộc quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em” và vì “phương châm 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt” (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" mà chấp nhận yêu cầu “gác tranh chấp để cùng khai thác” của Trung Quốc.

Lập trường “gác tranh chấp cùng khai thác”, đúng ra, theo lời của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1979 là “biển của ta, hãy gác tranh chấp để cùng khai thác”.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Hoa, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình cũng đã lập lại chủ trương này tại phiên họp ngày 30/11/2013 với Bộ Chính trị.

Ông ta nói: “Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi.” ( Báo Giáo dục Việt Nam, 01/08/2013)

Họ Tập đưa ra lập trường này sau khi ông và Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) hoàn tất chuyến công du ngoại giao cổ võ thân thiện với một số nước quan trọng trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) gồm Nam Dương, Mã Lai Á, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.

Chủ trương “hợp tác cùng phát triển” giữa Trung Cộng và Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế biên giới; giao thông đường bộ giữa hai nước; các dự án kinh tế có lợi cho Trung Cộng trong nội địa hai miền Nam và Bắc Việt Nam và hợp tác trên biển đã được hoàn tất trong chuyến thăm “vắn tắt” Việt Nam 2 ngày từ 13 đến 15/10/2013 của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang).

Ở giữa hay ra bên ngoài?

Như vậy, những gì được lập lại giữa ông Trọng và Tập Cận Bình về việc khai thác chung ở “vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ” là ở đâu nếu không phải là ở Biển Đông?

Vậy có gì khác với thỏa hiệp ký kết giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/06/2013 tại Bắc Kinh?

Hồi đó một “thỏa hiệp mới được phía Việt Nam gọi là “gia hạn” và “sửa đổi” lần thứ 4 hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC), thì diện tích tìm kiếm chung sẽ mở rộng từ 1541 cây số vuông lên thành 4076 cây số vuông. Và hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò Chung có hiệu lực đến hết năm 2016.”

Khi đó ông Đỗ Văn Hậu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã giải thích về nguồn gốc của thỏa thuận giữa hai nước như thế này:“Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam- Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung. 

Từ năm 2005, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong Khu vực Thỏa thuận Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở kết quả thực hiện Thỏa thuận Khung, Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam- Trung Quốc trong Khu vực xác định Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Petrovietnam và CNOOC ngày 6/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 2/1/2007, sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn.”

Khi nói về “hợp tác cùng phát triển” ở vịnh Bắc Bộ dựa theo Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ hai nước ký ngày 25/11/2000 thì cũng có sự “khác biệt rất quan trọng” giữa Tuyên bố chung Hà Nội ngày 15/10/2013 và lời tuyên bố sau đó của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường.

Tuyên bố chung viết: “Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ…”

Tuy nhiên sau đó ông Lý Khắc Cường được Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency) của Bắc Kinh tường thuật trong bản tin tiếng Anh ngày 16/10/2013 viết rằng: “The cooperation of maritime exploration will be primarily focused on the Beibu Gulf, and later extended to further areas, Li said, adding that the bilateral drive is to tell the region and the world that the South China Sea has to be a peaceful and tranquil area.

Both China and Vietnam have the wisdom to properly handle their differences and prevent the South China Sea issue from disrupting the overall cooperation, Li said.”

(Tạm dịch: “Hợp tác trên biển sẽ tiên khởi tập trung vào khu vịnh Bắc Bộ, và SAU ĐÓ MỞ RỘNG QUA CÁC KHU VỰC KHÁC, theo lời ông Lý thì sự hợp tác song phương này nhằm chứng minh với các nước trong khu vực và thế giới thấy rằng vùng biển Nam Trung Quốc sẽ là khu vực hòa bình và an toàn. Trung Quốc và Việt Nam cùng có thiện chí giải quyết những khác biệt và ngăn chặn vấn đề biển Nam Trung Quốc làm phương hại đến sự hợp tác toàn diện của hai nước.”).

“Khu vực khác” mà Trung Cộng nhắm tới không phải là vùng biển Trường Sa của Việt Nam thì ở đâu?

Phải chăng đó là lý do các bản tin của báo chí Việt Nam đã xác nhận vấn đề Biển Đông vẫn còn gai góc cho cả hai nước Việt-Trung trong cuộc họp Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình?

TTXVN tường thuật từ Bắc Kinh chiếu 7/4 (2015): “Bên cạnh đó, hai Tổng Bí thư cũng cho rằng quan hệ hai nước cũng có giai đoạn khó khăn, hiện nay một số lĩnh vực hợp tác giữa hai nước chưa đi vào thực chất, hiệu quả chưa cao; trở ngại lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị chưa cao, chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, cả hai nước đều đang đứng trước nhiều cơ hội to lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Để tranh thủ được thời cơ, đối phó hiệu quả với thách thức, hơn bao giờ hết hai Đảng, hai nước cần tăng cường hợp tác hữu nghị, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để tập trung hợp tác, phát triển đất nước vì lợi ích của nhân dân hai nước, của cộng đồng khu vực và quốc tế.”

Nhưng “tin cậy chính trị chưa cao” và "bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông" giữa hai nước Việt-Trung là ở chỗ nào mà hai ông Trọng và Tập Cận Bình không muốn cho dân hai nước biết, hay đó là cách nói có ngụ ý trách móc, đỗ lỗi thất bại cho Việt Nam của riêng Tập Cận Bình?

Vì vậy mà bài viết tiếng Anh của Tân Hoa Xã (Xinhua) từ Bắc Kinh ngày 7/4 (2015) đã trích lời họ Tập nói rằng: “Xi said China and Vietnam are facing both new opportunities and challenges as the international situation is undergoing complex and profound changes He suggested the two parties, as well as the two countries, boost high-level interactions to find out new solutions to their problems and new ideas to advance the bilateral relationship in a sustained way.”

(Tạm dịch: "Chủ tịch Tập nói Trung Quốc và Việt Nam đang phải đồi phó với cơ hội cũng như thử thách trong khi tình hình quốc tế càng ngày càng phức tạp và thay đổi không ngừng. Do đó, ông đề nghị hai đảng cũng như hai nước phải tăng cường hợp tác để tìm ra giải pháp mới cho những vấn đề quan hệ hai nước, cũng như những sáng kiến mới để phát triển quan hệ song phương bền vững.”)

Nhưng đằng sau lời lẽ ngoại giao mềm mỏng này của họ Tập đã khiến ông Trọng có phản ứng ra sao?

TTXVN viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”

Nhưng làm sao mà nhân dân Việt Nam có thể “phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc” khi Bắc Kinh không ngừng lấn chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông và khống chế Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao?

Ấy thế mà ông Trọng vẫn có thể hồ hởi hợp ca với Tập Cận Bình: “Mối quan hệ láng giềng hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước; là tài sản chung quý báu của hai Đảng và nhân dân hai nước, cần luôn được trân trọng, giữ gìn và không ngừng kế thừa, phát huy.”

Nếu là đồng chí, là anh em thì tại sao Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố ngày 8/3 rằng: “Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo cần thiết trong khu vực chủ quyền và điều này không gây ảnh hưởng đến ai. Chúng tôi không giống như một số quốc gia khác tiến hành xây dựng trái phép trong khu vực của người khác. Chúng tôi chỉ xây dựng đảo ngay trên sân nhà của chúng tôi”.

Vương Nghị đã nói như thế bên lề kỳ họp thường niên của Quốc hội ở Bắc Kinh để trả lời câu hỏi về việc Trung Hoa đang tái tạo 6 đá ngầm chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa thành các đảo.

Thông cáo chung nói gì?

Lập luận nhuộm máu thực dân và bá quyền của Vương Nghị có khác với những lời nói mềm mỏng nhưng đầy ẩn ý của Tập Cận Bình với ông Nguyễn Phú Trọng không, hay phía Việt Nam, nạn nhân của người phương Bắc hàng nghìn năm, vẫn còn mơ hồ như đã viết trong Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc, phổ biến ngày 8/4/2015, 2 ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm?

Trong số 9 điểm có nội dung phấn khởi và tin tưởng như hai nước chưa hề có chuyện gì xẩy ra, những điểm sau đây đáng chú ý:

“Hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới."

Có thành công “tốt đẹp” không khi mà ông Trọng phải đồng ý với những đỏi hỏi của Tập Cận Bình, bằng chứng như: 

“Hai bên bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của mỗi nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa đặc trưng của mỗi nước là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực, học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và sự nghiệp cải cách, mở cửa của Trung Quốc phát triển về phía trước, không ngừng tạo sức sống mới cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.”

Đây là một kết luận sai lầm và nguy hiểm cho quyền làm chủ đất nước của người dân Việt Nam, bởi vì lợi ích của Trung Hoa chưa hẳn sẽ đem lại phúc lợi cho nhân dân Việt Nam. Và khi đảng CSVN không dám để cho dân tự quyết về tương lai chính trị của mình vì ngày nào Trung Quốc còn duy trì Chủ nghĩa Xã hội Cộng sản thì Việt Nam vẫn còn phải kiên định với Mác-Lênin thì chậm tiến và tụt hậu sẽ tiếp tục chận đường tiến về phía trước của dân tộc.

Điểm sai lầm khác là khi Thông cáo chung đã đồng hóa quan niệm về láng giềng khi viết rằng: “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, nhất trí cho rằng hai nước có chế độ chính trị tương đồng, có con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ vận mệnh tương quan, sự phát triển của nước này là cơ hội quan trọng cho nước kia… Hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì nỗ lực thực hiện tốt phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, luôn nắm vững phương hướng phát triển của quan hệ Việt - Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lên phía trước…”

Để rồi ông Nguyễn Phú Trọng phải hứa: “Sớm ký "Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực Thác Bản Giốc" và "Hiệp định về quy chế tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân"; cùng duy trì bảo vệ sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới. Phát huy tốt vai trò của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới hai bên, nâng cao mức độ mở cửa hợp tác của các cửa khẩu biên giới hai nước. Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh/khu biên giới hai bên, thúc đẩy cùng phát triển khu vực biên giới hai nước."

Những thỏa hiệp này được khai thác từ Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt - Trung ngày 30 tháng 12 năm 1999, cơ bản đã gây bất lợi mất đất, mất 2/3 thác Bản Giốc và Mục Nam Quan đã có trong sách sử Việt Nam hàng ngàn năm.

Những cam kết của ông Trọng chỉ xác nhận một lần nữa sự nhượng bộ không cưỡng lại được của Việt Nam Cộng sản trước áp lực của Tập Cận Bình.

Sau cùng nhưng quan trọng là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Bản Thông cáo chung không nói lên được điều gì để ông Nguyễn Phú Trọng có thể bảo đảm rằng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đã được vẹn tòan và buộc Trung Quốc phải ngưng ngay việc lấn chiếm ở Trường Sa.

Nội dung phần này không có gì mới hơn những điều Tác giả bài này (Phạm Trần) đã trình bầy ở phần trên, ngoại trừ hai bên tiếp tục lập lại nhất trí làm những việc chỉ có lợi cho Trung Hoa: “Thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay.”

Như vậy, nếu bảo chuyến đi Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã“thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước” là hoàn toàn nói ngoa. -/-

(04/015)








No comments: