Monday, April 13, 2015

Nga – Trung gây «xáo trộn» nội bộ Phương Tây (Minh Anh - RFI | ĐIỂM BÁO)



Minh Anh  -  RFI  -  ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 13-04-2015
Nga áp đặt luật chơi trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Trung Quốc gây đảo lộn trật tự tài chính thế giới với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng AIIB. Mỗi bên theo cách riêng của mình đang thách thức trật tự thế giới đã được hình thành sau Đệ nhị Thế chiến. Le Monde số ra ngày Chủ nhật 12 và thứ Hai 13/04/2015 có bài bình luận đề tựa : « Náo loạn trong sân chơi của các ông lớn ».
Tác giả bài viết Sylvie Kauffmann ví không gian địa chính trị của chúng ta như sau : Trong không gian bé nhỏ đó, có hai cường quốc mà người ta tạm cho là những quốc gia mới trỗi dậy. Đây là cấp độ trung gian giữa sân chơi cho trẻ nhỏ và sân chơi người lớn. Lối vào sân chơi người lớn sẽ được tiến hành theo một quy định bất thành văn do một nhóm nhỏ những« ông lớn » trong sân áp đặt : đó là « tuyển chọn ».
Sân « ông lớn » chính là câu lạc bộ phương Tây, mà đứng đầu là một cường quốc có sức mạnh trội hơn hoặc chí ít cũng xấp xỉ với một số khác : đó là Hoa Kỳ. Xung quanh « ông anh cả » này sẽ bao gồm nhiều quốc gia có cùng chung quyền lợi. Dĩ nhiên trong sân lớn đó cũng có những nhóm nhỏ hơn và đôi khi còn làm đối trọng với « anh cả » chẳng hạn như là « Liên Hiệp Châu Âu ». Nhìn chung bầu không khí khá ôn hòa, dù thỉnh thoảng cũng có chút xung khắc nhưng rồi cũng vượt qua.
Nhưng giờ đây hai cường quốc mới trỗi dậy đó lại không chấp nhận luật chơi này. Trung Quốc và Nga, mỗi bên có cách riêng của mình, đang tìm cách thách thức và thay đổi trật tự trên, rũ bỏ vị thế « mới trỗi dậy » để có thể hội nhập vào sân các « ông lớn ».
« Thế giới Nga »
Nước Nga của ông Vladimir Putin đang tìm cách lấy lại vai trò cường quốc trong khu vực. Một vai trò mà Matxcơva đã bị tước đi sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nga phải rút quân khỏi các quốc gia Đông Âu vào năm 1989, nước Đức hợp nhất Đông – Tây, và Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991.
Một trật tự mới được hình thành, Phương Tây tỏ ra hài lòng về điều đó. Nhưng nước Nga thì không. Hai thập niên sau, Vladimir Putin khi lên cầm quyền đã bắt đầu có những phản ứng mạnh mà điển hình nhất vụ khủng hoảng tại Ukraina gần đây. Ông Putin không chấp nhận Kiev gia nhập phe phương Tây. Đối với ông, Ukraina phải thuộc về cái « thế giới Nga ». Để chứng minh rằng ông không hề đùa, Nga đã cho sáp nhập một phần lãnh thổ và xâm chiếm một phần khác của Ukraina.
Rõ ràng là « nước Nga đã cắt đứt với hệ thống của hậu chiến tranh lạnh » theo như nhận định của ông Dmitri Trenin, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Carnegie vào năm 2014. Nga phản đối Châu Âu mở rộng liên minh và sự phản đối đó được thực hiện bằng sức mạnh, bằng cách thay đổi đường biên giới và áp đặt sự hình thành Liên hiệp Á – Âu với các nước láng giềng như Belarus và Kazakhstan.
« Giấc mơ Trung Hoa »
Nếu như Nga sử dụng chiến thuật « địa chính trị », lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nghĩ đến cái gọi là « địa kinh tế » để khẳng định ưu thế của mình trên chính trường quốc tế. Ngay từ đầu, Phương Tây không hề mảy may nghi ngờ, cứ nghĩ rằng đó chỉ là cách Bắc Kinh muốn gia nhập sân chơi. Nhưng một khi đã gia nhập rồi, Trung Quốc lại yêu sách về vai trò kinh tế của mình, vốn dĩ không ngừng gia tăng.
Đương nhiên đó là một lý lẽ không thể chối cãi được. Càng giàu, càng mạnh, thì người ta càng muốn được nhìn nhận một cách tương xứng. Đòi hỏi của ông Tập Cận Bình cũng rất đơn giản, chỉ cần thực hiện được « Giấc mơ Trung Hoa ». Khác với nước Nga của ông Putin, Trung Quốc của Tập Cận Bình còn là một đối trọng kinh tế không thể nào so sánh được của Hoa Kỳ hay Châu Âu. Do đó, Bắc Kinh dám lớn lối chỉ trích vai trò cường quốc kinh tế hàng đầu của Mỹ.
Rằng khẩu hiệu « Giấc mơ Trung Hoa » đó còn phải được đi kèm với hệ thống điều hành không minh bạch, xây dựng một đạo quân hùng cường và làm nổi sóng trên vùng Biển Đông, gây hốt hoảng cho các nước trong khu vực. Do đó, trong sân chơi các « ông lớn », ai cũng phải dè chừng kẻ mới đến, tuy túi đầy tiền nhưng vẫn che giấu mọi ý đồ.
Bị nghi ngờ và không được giao chìa khóa sân chơi, Trung Quốc quyết định phản kháng theo cách riêng. Không những Bắc Kinh chỉ trích trật tự được hình thành hậu chiến tranh lạnh mà còn phê phán cả trật tự kinh tế được hình thành sau Đệ Nhị Thế Chiến, thông qua các thỏa thuận Bretton Woods ký kết năm 1994.
Vì không được giao một vị trí tương xứng với sức mạnh kinh tế trong các định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu, Bắc Kinh tuyên bố thành lập một định chế riêng của mình là Ngân Hàng Đầu tư Hạ tầng.
Phản ứng trái chiều của phương Tây
Điều lạ là từ hai sự việc trên phương Tây lại có những phản ứng trái ngược nhau. Trước sự thách thức của Nga, bất chấp những bất đồng trong khối, nhưng vào thời điểm quan trọng, phương Tây vẫn tỏ ra đoàn kết. Trong khi đó, đối với thách thức của Trung Quốc, Tây phương lại trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Chống lại ý kiến của Washington, và những cảnh báo về công tác quản lý của ngân hàng tương lai, lần lượt từng quốc gia kéo nhau tham gia vào định chế tài chính của Bắc Kinh. Châu Âu cũng như một số đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á, tất tất đều bị triển vọng phát triển kinh tế tại Châu Á làm cho mê hoặc.
Cuối cùng bài viết kết luận, thui thủi một góc, Hoa Kỳ giờ ngồi nghiền ngẫm lại cú tát đau điếng. Một nước cờ cao tay ấn đối với Trung Quốc, nhưng lại là một sự khám phá tàn nhẫn cho Phương Tây : Họ không có chiến lược nào khác để đối mặt với « Giấc mơ Trung Hoa » lẫn« Thế giới của Nga ».
Hillary Clinton : Ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ là phần tin quốc tế nổi trội trên các mặt báo. “Hillary Clinton: Lady First” là thông báo của Libération trên trang nhất. Tờ báo nhận định cựu đệ nhất phu nhân rất có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cường quốc số một thế giới.
Bảy năm sau thất bại cay đắng trước ông Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tranh cử tổng thống, Hillary Clinton đã rút ra được những sai lầm. Vào thời điểm đó, được cho là ứng viên sáng giá nhất, nhưng bà đã không cảm nhận được tâm trạng và mong muốn thay đổi của đất nước, điều mà ông Obama, nghị sĩ trẻ của bang Illinois lúc bấy giờ đã thấy được.
Lần này, không quá tự tin, từ từ mà đi, xuất phát từ cái cơ bản nhất. Một ê-kíp mới chuẩn bị cho các chiến dịch vận động tranh cử trong những tháng sắp tới phải được hình thành, một ê-kip gần với dân và hiểu được dân hơn.
“ Hillary Clinton nhắm đến Nhà Trắng ”, Le Figaro loan báo. Nhật báo cánh hữu nhận xét “ từng là đệ nhất phu nhân, nghị sĩ, cựu Ngoại trưởng… ai có thể hơn được nữa?" Ai có thể biết rõ tất cả những trò và những mánh khóe của giới chính trị, những bẫy và những tác nhân chính của nó hơn bà ấy? Ở tuổi 67, nữ hoàng “Hillary” khởi hành với những thuận lợi nghiêm túc để phá vỡ rào cản phân chia nữ giới với các chức vụ cấp cao nhất. Khó khăn lớn nhất còn lại của bà là giờ phải làm sao tránh được vết xe đổ của năm 2008, với những con át chủ bài đang có trong tay.
“Hillary Clinton tái chinh phục Nhà Trắng” là nhận định của Les Echos. Một mặt nhật báo kinh tế nhìn nhận bà Hillary gần như sẽ không có đối thủ cạnh tranh nào đáng giá trong hàng ngũ đảng Dân chủ, nhưng phải đối mặt với khoảng một chục ứng viên của đảng Cộng hòa. Do đó, kịch bản tranh cử lần này sẽ hoàn toàn khác hẳn so với năm 2008.
Theo tờ báo, vẫn còn quá sớm để biết được bà có trở thành nữ Tổng thống đầu tiên hay không. Nhưng nếu Obama hôm thứ Bảy đã cho rằng “Bà ấy sẽ là một Tổng thống tuyệt vời”,những thăm dò gần đây cho thấy mức tín nhiệm trong dân của bà đang bị sụt giảm mạnh tại những bang hiếm hoi dễ bị chao đảo nhưng có tính chất quyết định.
Tuy nhiên, cũng như Libération, nhật báo kinh tế cũng nhận thấy là có sự thay đổi triệt để trong chiến dịch vận động tranh cử. “Năm 2008, bà Hillary Clinton cố gắng thể hiện giống như là Margaret Thatcher, một người đàn bà thép” theo như nhận xét của Lara Brown, Giám đốc chương trình quản trị chính trị đại học George Washington, thì lần này cựu đệ nhất phu nhân không ngần ngại chơi lá bài “chủ nghĩa nữ quyền ” và "điều gì cũng có thể đạt được"“Hãy tiến lên các bà các cô” là tuyên bố của bà trên tài khoản Twitter.
Cuba: cầu nối hòa giải Hoa Kỳ với Châu Mỹ La Tinh?
Một sự kiện khác không kém phần sôi nổi đó là cuộc gặp lịch sử giữa hai nguyên thủ Mỹ và Cuba, bên lề thượng đỉnh Châu Mỹ diễn ra trong hai ngày 10-11/04/2015 tại Panama. Le Monde có bài phóng sự đề tựa “Tại Panama, Obama và Castro sẵn sàng sang trang ”. Tờ báo lần lượt điểm lại những giây phút quan trọng kể từ sau khi đôi bên bất ngờ cùng lúc thông báo bình thường hóa bang giao. Một tiến trình chính trị mà nhật báo đánh giá là ngoạn mục.
“Obama – Castro: cuộc gặp thượng đỉnh” là thông báo trên Libération. Tờ báo nhắc lại cuộc gặp lãnh đạo cuối cùng diễn ra vào năm 1956, trước cuộc cách mạng Cuba, giữa Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower và cựu lãnh đạo Cuba Fulgencio Batista tại Panama. 59 năm sau, cũng chính tại đây, lịch sử được lặp lại, lần này giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với lãnh đạo chế độ Cộng sản Raul Castro vào tối thứ Bảy. Nhật báo cũng lưu ý, bên cạnh cuộc gặp lịch sử với Cuba, ông Barack Obama cũng có buổi nói chuyện ngắn ngủi với Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, vốn đang chỉ trích mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào 7 quan chức cao cấp của quốc gia Nam Mỹ này.
Còn Le Figaro cho rằng: “Obama muốn xích lại gần với Châu Mỹ Latinh”. Theo nhật báo, sự xích lại gần của hai cựu quốc gia thù địch Mỹ - Cuba tại Panama không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Barack Obama muốn chấm dứt chính sách thờ ơ của Hoa Kỳ đối với các quốc gia Nam Mỹ được áp đặt từ hơn một thập niên nay. Cuba hầu như lúc nào cũng nhận được sự hậu thuẫn của các nước phía nam châu lục, bất chấp đó là chính phủ thuộc phe tả hay hữu.
Chính sách cấm vận của Hoa Kỳ đã không làm thay đổi được định hướng của chế độ La Habana, mà còn đẩy cường quốc số một thế giới này ra xa các láng giềng phía nam, cộng thêm với những lời phàn nàn về chính sách can thiệp của Mỹ.
Tuyên bố cuối cùng của Hoa Kỳ về Venezuela cho thấy chính quyền Obama đang muốn nối lại đàm phán. Một mặt, ông Obama cho rằng Caracas không phải là mối đe doạ đối với Washington. Mặt khác, Tổng thống Mỹ trước đó đã cử một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về Nam Mỹ, Thomas Shannon đến Caracas sao cho xung khắc giữa Mỹ - Venezuela không làm ảnh hưởng đến thượng đỉnh Châu Mỹ lần 7 vừa qua.
Thiện chí hòa giải đó đã từng được đưa ra vào năm 2009. Cuộc gặp gỡ giữa ông Obama với cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã được báo chí đưa ầm ĩ nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Cuối cùng Le Figaro đặt câu hỏi, “Phải chăng việc xích lại gần với Cuba cho phép Hoa Kỳ tái lập mối quan tin tưởng?”. Chừng nào những oán hờn vẫn còn đè nặng thì con đường hòa giải hãy còn xa diệu vợi.
“Game of Thrones” hâm nóng màn ảnh
Lĩnh vực văn hóa cũng nóng bỏng với phần tin mùa thứ năm của loạt phim nhiều tập đang gây sóng gió “Game of Thrones” chính thức ra mắt khán giả hâm mộ tại 193 quốc gia từ ngày hôm qua, Chủ nhật 12/04/2015. Le Monde đưa tít lớn trên trang nhất “Địa chính trị của Game of Thrones”.
Một tấm bản đồ hoàn chỉnh khổ lớn cùng với những từ khóa chính đã được nhật báo trình bày cặn kẽ hòng giúp những người hâm mộ hiểu dễ dàng hơn thế giới vương quốc Westeros. Bài viết trên trang 22 mang tựa “Game of Thrones, một sự hoán chuyển tự do của tác phẩm”cho biết là kể từ mùa phim thứ 5 này cho đến hồi kết, loạt phim sẽ ra trước cả nguyên tác mà George R.R. Martin vẫn còn viết dang dở. Nếu như vậy thì “Game of Thrones, một sự mạo hiểm” như hàng tựa trên Libération.












No comments: