IG Metall (Industriegewerkschaft Metall) Công Đoàn Sắt
Thép là công đoàn độc lập lớn nhất ở nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, đồng thời
cũng là tổ chức đại diện người lao động (Employee) lớn nhất trên thế giới với tổng
cộng gần 2,7 triệu đoàn viên (năm 2011).
Bài viết này chỉ có mục đích giới thiệu với các bạn
trẻ trong phong trào Lao Động Việt, những người quan tâm đến cuộc sống cơ cực của
người lao động nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, về lịch sử hình thành của
IG Metall, quá trình tranh đấu gay go cho quyền lợi công nhân viên của một công
đoàn độc lập trong nhiều thập niên, để từ đó các bạn có thêm dữ kiện học hỏi,
tranh đấu.
Người viết hoàn toàn không có tham vọng dậy dỗ,
khuyên nhủ, hướng dẫn bất cứ ai về bất cứ điều với bài viết này.
Liên Hiệp Công Nhân Đức được thành lập đầu tiên năm
1878, đặt nền tảng cho việc thành một công đoàn, đại diện cho công nhân. Tổ chức
này bị Otto von Bismarck (Thủ tướng đầu tiên của đế chế Đức) tìm cách cấm đoán
qua đạo luật xã hội.
Khi điều cấm đoán được rút lại, năm 1890 Tổng công
đoàn Đức hình thành, một năm sau đó Liên hiệp công nhân kim loại Đức (DMV -
Deutsche Metallarbeiter Verband) tổ chức tiền thân quan trọng nhất của IG ra đời.
DMV phát triển nhanh chống, trở thành công đoàn độc
lập lớn nhất trong Đế Chế Đức và Cộng Hòa Weimar. Ngay trong năm 1892 đã có một
đại hội với sự góp mặt nhiều công đoàn khác. Thời gian sau đó cho đến khi Thế
chiến thứ nhất bắt đầu (1914) đã xẩy ra liên tiếp nhiều cuộc đình công của công
nhân hầm mỏ, sắt thép, đóng tàu...
Thế chiến thứ nhất chấm dứt năm 1918, tháng 11.1918
Đức thành lập Cộng hòa Weimar, một năm sau (1919) Tổng Liên Đoàn Lao Động Đức
ra đời dựa vào nền tảng đạo luật Tự do liên hiệp (Koalitionsfreiheit =
Coalition freedom) theo đó giới lao động cũng như giới chủ nhân được quyền liên
minh với nhau căn cứ vào Hiến pháp Cộng hòa Weimar.
Cùng trong năm, lần đầu tiên các hợp đồng làm việc với mức lương rõ ràng được hợp thức hóa bằng luật lệ. Những năm tiếp theo, nhiều đạo luật về lao động như quyền thành lập Hội Đồng Cố Vấn Xí Nghiệp (Betriebsrätegesetz: Works Councils act) năm 1920 hay Luật bảo hiểm thất nghiệp đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các công đoàn độc lập cũng như của tiền thân IG Metall.
Năm 1928 DMV cho xây dựng nhà truyền thống ở Berlin,
đường Kreuzberger-Linden, người vẽ họa đồ là kiến trúc sư nổi tiếng Erich
Mendelsohn.
Năm 1933 DMV bị xóa sổ khi Hitler lên nắm chính quyền.
Chế độ Faschist cấm tất cả các công đoàn tự do hoạt động. Nhiều đoàn viên DMV bị
bắt giam, không ít người bị tử hình hoặc chết trong tù.
Chiến tranh thế giới lần thứ II chấm dứt, nước Đức chia đôi, phía Tây do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng, phía Đông là Liên Xô.
Ở Tây Đức xuất hiện nhiều công đoàn độc lập theo
nguyên tắc riêng, lẻ. IG Metall ra đời năm 1949. Cùng trong năm đó đã có một buổi
họp thành lập Tổng Công Đoàn Đức (DGB: Deutsche Gewerkschaft Bund) IG Metall trở
thành một thành viên trong Tổng Công Đoàn DGB. Đạo luật về thang lương cũng được
thông qua (Tarifvertragsgesetz: Collective Agreement Act)
Quyền tự do liên hiệp (Coalition freedom) trong hiến
pháp Cộng Hòa Weimar trước đó đã được sử dụng lại, trở thành một điều khoản căn
bản trong nền tảng luật pháp của Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Cuộc tranh đấu cho quyền lợi người lao động của IG
Metall tiến triển qua nhiều giai đoạn.
- Năm 1951 một đạo luật về quyền tham gia quyết định
chính sách, đường lối của xí nghiệp được ban hành (Mitbestimmungsgesetz:
Co-determination Act).
Theo đó, những xí nghiệp, hãng xưởng hình thành bởi
các cổ phiếu (Aktiengesellschaft: Jointstock company) hay cổ đông (Share
Holder) trách nhiệm hữu hạn (Kommanditgesellschaft: Limited Partnership with
Stock) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (Gesellschaft mit beschränter Haftung:
Limited Partnership) có 2.000 lao động trở lên thì đại diện người lao động có
quyền tham gia vào Hội Đồng Giám Sát (Aufsichtsrat: Supervisory Board) với số
người tương đương phía chủ nhân.
Trong trường hợp (thí dụ) như bỏ phiếu để thay đổi chính sách tiền lương, một kế hoạch sản xuất..., nếu số phiếu hai bên ngang nhau thì chủ tịch Hội Đồng Giám Sát (Aufsichtrat Vorsitzender: Supervisory Board Chairman) được phép có 2 phiếu (Double match right). Trường hợp Board Chairman có 2 phiếu là để tránh trường hợp không thể đạt được thỏa thuận giữa phía chủ nhân và đại diện người lao động.
Chủ tịch Hội Đồng Giám Sát luôn do cổ đông bầu ra,
phó chủ tịch là đại diện người lao động.
Cán cân quyết định mọi việc luôn nghiêng về phía chủ
nhân nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận. Điều này phù hợp với luật sở hữu và
hiến pháp.
- Năm 1952 bộ luật hiến định về xí nghiệp
(Betriebverfassungsgesetz: Company Constitution Act) ra đời đặt nền tảng căn bản
cho sự phối hợp làm việc vì ích lợi của cả hai bên, giới chủ nhân cũng như người
lao động.
- 1954 lần đầu tiên người lao động ở Cộng Hòa Liên
Bang Đức được hưởng tiền Giáng Sinh (Weihnachtsgeld: Christmas bonus) do chủ
nhân chi trả.
Số tiền này thay đổi tùy theo nhiều yếu tố như xí
nghiệp, hãng, xưởng lớn hay nhỏ, thời gian làm việc, mức lương của từng người...
và thường được trả vào tháng 11. Mục đích nguyên thủy là để người lao động có
tiền mua quà, tổ chức party, họp mặt gia đình vào những ngày Giáng Sinh, cuối
năm.
- Tháng 10 năm 1956, một cuộc đình công dài nhất
trong lịch sử nước Đức kể từ năm 1905, khởi đi từ Schleswig-Holstein, nhanh
chóng lan sang các tiểu bang khác, kéo dài 114 ngày với khoảng 37.000 người,
đòi hỏi giới chủ nhân phải tiếp tục trả lương trong trường hợp người lao động
không thể làm việc do bệnh hoạn.
Nguyên tắc trước khi quyết định đình công của công
đoàn là phải bỏ phiếu thăm dò (Urabstimmung). Chỉ khi nào đạt được ít nhất 75%
số phiếu đồng ý của đoàn viên (Trade Union Member) thì công đoàn mới tổ chức
đình công.
Để chuẩn bị cho cuộc đình công, IG Metall đưa những
cán bộ công đoàn được huấn luyện thành thạo trong công tác đến từng vùng có các
xí nghiệp liên hệ giải thích, kêu gọi người lao động tham gia đình công.
Truyền đơn, biểu ngữ được phân phát, các buổi sinh
hoạt cuối tuần cho người lao động được tổ chức để giải thích nguyên nhân, mục
đích cuộc đình công... IG Metall cũng đồng thời thông báo cho báo chí biết.
Lần đầu tiên môt cuộc đình công lớn, quy mô và dài
nhất không đòi tăng lương nhưng nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận định mức
(Tarif vertrag) với các điểm chính nói trên.
Sau nhiều cuộc đàm phán gay go, hòa giải mâu thuẫn do phía chủ nhân không muốn việc tiếp tục trả lương cho người bệnh trở thành tiền lệ, hai bên đã đạt được một Thỏa thuận định mức (Tarifvertrag: Collective Agreement)), theo đó người lao động được tiếp tục hưởng lương 6 tuần trong trường hợp bệnh hoạn không thể làm việc, được nhiều ngày nghỉ phép hơn và được một số tiền phụ trội khi đi phép.
Đình công chấm dứt ngày 9.02.1957
Đối với IG Metall, cuộc đình công dài nhất trong lịch
sử xã hội Đức đã kết thúc tốt đẹp với những kết quả mỹ mãn.
Chỉ ít tháng sau quốc hội Đức thông qua đạo luật bảo
đảm an sinh xã hội cho người lao động trong trường hợp bệnh hoạn.
- 1962. Tiền nghỉ phép (Urlaubsgeld).
Cần phân biệt tiền nghỉ phép (Urlaubsgeld) và tiền
lương khi nghỉ phép (Urlaubsentgeld). Tiền nghỉ phép là tiền lương được trả phụ
trôi khi đi phép ngoài tiền lương hàng tháng. Tiền nghỉ phép thay đổi và tùy
thuộc vào thời gian làm việc lâu hay mới.
Tiền nghỉ phép có thể được trả vào một thời điểm nhất
định hoặc đúng vào thời gian đi phép, trước hay sau đó.
- 1965. Tuần làm việc 40 giờ.
Sau thế chiến thứ hai, thời gian làm việc cho người
lao động thường 48giờ/tuần (6 ngày/8 tiếng mỗi ngày). Qua thập niên 50, kinh tế
Đức đã phục hồi nhanh chóng như một phép lạ, Tổng Liên Đoàn Đức (DGB) cảm thấy
đã đến lúc cần phải thương lượng với giới chủ nhân, bớt giờ làm việc cho người
lao động sau khi đã đạt được thỏa thuận cho việc tăng lương rõ rệt.
Từ năm 1956 DGB đã bắt đầu mở chiến dịch Tuần Làm Việc
40 giờ với phương châm: - Ngày thứ bẩy cha tôi thuộc về tôi (Samstag gehört
Vati mir). Trong năm đó ngành công nghiệp thuốc lá coi như đầu tiên giảm thời
gian làm việc xuống 40giờ/tuần. Một số các ngành khác cũng bắt đầu rút ngắn thời
gian làm việc trong tuần với mức lương như cũ.
Tuy nhiên mãi đến năm 1965 ngành ấn loát mới áp dụng
chế độ 40giờ/tuần, qua đến 1967 đến lượt ngành sắt thép, chế biến gỗ.
Lần lượt các ngành, nghề khác cũng bắt đầu tuần lễ
làm việc 40 giờ, 1969 ngành xây dựng, 1970 ngành hóa học, chế biến giấy, vải...
1971 ngành buôn bán lẻ cũng theo chân các ngành khác.
40 giờ/tuần trở thành khuôn mẫu cho tất cả mọi nghề
nghiệp trên nước Đức
Tài sản của IG Metall trong năm 1972 đã lên tới 631.000.000 DM (Deutsche Mark, đơn vị tiền tệ của Đức trước khi gia nhập Euro). Tài sản này hình thành do tiền nguyệt liễm của đoàn viên, được kinh doanh, phát triển qua nhiều hình thức như thành lập nhà Bank, xây dựng nhà cửa, cao ốc cho thuê...
1978. Đình công cho Tuần lễ làm việc 35 giờ ở công
nghiệp thép.
Tranh luận về Tuần lễ làm việc 35 giờ đã dẫn đến
xung đột khốc liệt giữa giới chủ nhân và người lao động.
Sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào thập niên 70,
Roboter, máy móc tự vận hành (Automaten), phân tích, điều hành dữ kiện... bằng
những Sensor cực nhỏ, phương pháp Taylor hợp lý hóa dây chuyền sản xuất... đã
làm tăng mức sản xuất công nghiệp lên đến độ chóng mặt nhưng đồng thời cũng gây
ra một vấn nạn cho nền kinh tế quốc dân.
Đó là tình trạng thất nghiệp hàng loạt khi con người
bị thay thế bởi máy móc trong các ngành công nghiệp thép, điện, đóng tàu... dẫn
đến cuộc khủng hoảng kinh tế của Đức cuối thập niên 70 sang đầu thập niên 80.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1980 đến 1983 số người làm
việc trong ngành sắt thép đã giảm 10%.
Sự sa thải hàng hoạt không chỉ xẩy ra trong công
nghiệp sắt thép mà cả trong ngành ấn loát. Trong vòng 10 năm 1973-1983 số lao động
làm việc trong ngành ấn loát giảm bớt 38.511 người, chỉ còn 164.912. Tỉ lệ mất
việc là 20%.
Cộng Hòa Liên Bang Đức rơi vào tình trạng khủng hoảng
kinh tế với số người thất nghiệp lên đến 1.833.000. Trước đó tình trạng thất
nghiệp trong 2 năm 1980-1982 là 890.000. Chỉ trong vòng 1 năm tăng gần
1.000.000, hơn 100%. Một con số thật khủng khiếp.
Lãnh đạo của công đoàn IG Metall đối diện với sự thật
bi đát, thấy không còn cách nào hơn là phải tranh đấu để giảm bớt giờ làm việc
cho người lao động. Theo quan niệm cũa họ, giảm giờ làm việc sẽ tạo nên chỗ trống
trong xí nghiệp, qua đó xì nghiệp phải tuyển thêm người, tình trạng thất nghiệp
sẽ giảm.
Giới chủ nhân nghĩ khác. Giảm giờ làm việc sẽ làm
tăng chi phí sản xuất, dẫn đến việc mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên
thương trường. Do đó giới chủ nhân theo truyền thống của Henry Ford, áp dụng tối
đa hợp lý hóa và dây chuyền sản xuất, giảm thiểu tối đa phí tổn nhân công. Nếu
giảm giờ làm việc thì phí tổn nhân công sẽ tăng lên.
Thật ra cuộc đấu tranh đòi hỏi tuần làm việc 35 tiếng
đã khơi mào từ năm 1978 ở ngành thép (Stahlindustrie) tiểu bang
Nordrhein-Westfalen.
Cuộc đình công của 38.000 người lao động dài 6 tuần
lễ coi như một thất bại của IG Metall. Họ chỉ nhận được thêm 4% lương, đồng thời
được thêm ngày phép, từng bước sẽ tăng đến 6 tuần trong năm, người lao động lớn
tuổi hoặc làm đêm được thêm ngày nghỉ. Thỏa thuận này (Tarifvertrag) kéo dài 5
năm.
Mọi cuộc tranh đấu tiếp theo cho quyền lợi người lao
động chỉ có thể bắt đầu vào năm 1983 khi Thỏa thuận này hết hiệu lực.
Khi thỏa thuận hết hiệu lực, trong thời gian từ
14.05 đến 04.07.1984 công nhân ngành sắt thép ở 2 tiểu bang Baden-Württemberg
và Hessen bắt đầu đình công đòi hỏi tuần làm việc 35 giờ, cao điểm lên tới
55.000 người.
Trước đó đã có những cuộc đàm phán kéo dài nhiều
ngày cũng như những cuộc nói chuyện giữa các lãnh đạo cao cấp công đoàn IG
Metall và giới chủ nhân nhưng không đi đến kết quả nào.
Hiệp hội chủ nhân tất cả ngành kim loại
(Unternehmerverband Gesamtmetall) từ chối đòi hỏi Tuần Lễ 35 giờ của IG Metall.
Thay vào đó họ đề nghị thời gian làm việc uyển chuyển (Flexible working hours),
đồng thời rút ngắn thời gian làm việc cả đời cho người lao động
(Lebensarbeitszeit Verkürzung) cùng lúc cho về hưu sớm những người lao động lớn
tuổi.
Sau nhiều lần đàm phán thất bại dù IG Metall lẫn hiệp
hội chủ nhân đều xuống nước, phía IG Metall giảm bớt dần những đòi hỏi, phía Hiệp
Hội Chủ Nhân tăng thêm quyền lợi cho người lao động, hai bên đồng ý hòa giải bởi
một hội đồng có 3 trọng tài: Cựu bộ trưởng quốc phòng Đức, chủ tịch công đoàn
George Leber và Bernd Rüthers một chuyên gia về luật lao động.
Một thỏa hiệp được hình thành với nhiều bước. Trước
nhất thời gian làm việc bình quân trong xí nghiệp sẽ rút ngắn còn 38.5giờ/tuần,
từng xí nghiệp có thể uyển chuyển thay đổi giờ làm việc cho người lao động từ
37 đến 40giờ/tuần. Những bước kế tiếp sẽ là 37 giờ rồi 35giờ/tuần.
Cuộc đình công chấm dứt trong thời gian bỏ phiếu
thăm dò (Urabstimmung) lần thứ hai từ 29.06 đến 04.07.1984 về bản thỏa hiệp.
Khác với Urabstimmung về đình công, Urabstimmung về thỏa hiệp chỉ cần 25% số
phiếu đồng ý thì thỏa hiệp được chấp nhận. Cả 2 nơi xẩy ra đình công đều đạt được
số phiếu đồng ý trên 52%.
Tuy nhiên mãi đến năm 1995, tuần làm việc 35 giờ mới
thực sự được áp dụng trong các xí nghiệp ngành kim loại phía Tây CHLB Đức
(Westdeutschland).
Sau khi nước Đức thống nhất (không hề có chiến
tranh, không hi sinh vài triệu thanh niên cả hai miền Nam, Bắc), những thành quả
đạt được cùng cấu trúc của các công đoàn, đặc biệt là của IG Metall dần dần được
đưa vào áp dụng bên phía Đông.
Sau cuộc đình công kéo dài 7 tuần năm 1984, IG
Metall không còn tổ chức cuộc đình công nào gây thiệt hại nặng nề cho cả hai
bên, giới chủ và công đoàn, như vậy nữa. Theo sự ước tính của các chuyên gia, mỗi
bên thiệt hại vào khoảng 4 tỉ DM (thời giá năm 1984).
Để tránh khơi mào lại một cuộc chiến mà đôi bên đều
bị thiệt hại nặng nề, IG Metall và giới chủ nhân luôn tìm mọi cách thỏa thuận,
biết điều với nhau trước thời hạn chấm dứt hợp đồng.
Sự thành công của IG Metall Đức cho thấy sức mạnh của
tập thể người lao động, đặc biệt là giai cấp công nhân. Gia nhập thành đoàn
viên công đoàn, hi sinh 1% tiền lương hàng tháng, người lao động dã liên kết với
nhau tạo thành sức mạnh để tranh đấu cho những quyền lợi to lớn, lâu dài, vững
chắc hơn.
Tình hình ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn khác với Đức vào những năm 1878 hay 1949 sau thế chiến thứ hai.
Sự hình thành giai cấp công nhân Việt và giai cấp
lao động Việt Nam cũng không giống Đức. Việt Nam là nước nông nghiệp, do đó ý
thức tập thể của người lao động Việt cũng không thể so sánh với người lao động
Đức.
Cá nhân người viết nhận thấy ngay cả người Việt Nam ở
ngoại quốc hiện nay là công nhân trong các xí nghiệp cũng không có ý thức tập
thể cao hơn người trong nước, kinh nghiệm này người viết có được qua những lần
đi vận động người Việt tham gia trở thành đoàn viên công đoàn.
Khi có kêu gọi đình công, người công nhân Việt trong
các xí nghiệp của Đức hầu hết dững dưng như chuyện của ai, chẳng dính dáng gì tới
mình.
Theo thống kê của IG Metall, tỉ lệ người Việt tham
gia công đoàn rất khiêm nhường, chỉ khoảng 1-2% trên tổng số người Việt trong
xí nghiệp, trong khi ở các sắc dân khác như người Đức bản xứ, Turkey,
Jugoslavia, Spain...là 15-20%, nhiều xí nghiệp 35-40%, có nơi 85% như ở hãng chế
tạo xe Volkswagen (VW) tại Wolfsburg.
Theo người viết, nguyên nhân chính khiến lao động Việt
trong các xí nghiệp ở Đức ít tham gia thành đoàn viên công đoàn là do cảm thấy
xót xa, tiếc tiền khi phải đóng 1% tiền lương cho công đoàn.
Nếu người lao động Việt trong nước tiếc 1% tiền
lương, đó là điều có thể hiểu được. Với số lương còm cõi, ít ỏi, họ phải chắt
chịu, tính toán từng đồng để có thể sinh tồn trong thời giá lạm phát hiện nay .
Tuy nhiên, ở Đức vài chục Euro không phải là một con
số cần suy nghĩ, tính toán với giá sinh hoạt hoặc so với những quyền lợi mà người
lao động có được như 6 tuần lễ nghỉ phép, bệnh hoạn không đi làm được vẫn tiếp
tục lãnh lương 6 tuần, sau đó lãnh 85% tiền lương bình quân 3 tháng cuối cùng
do bảo hiểm sức khỏe trả, Giáng sinh có tiền thưởng, đi phép lãnh thêm tiền nghỉ
phép...
Một điểm khác biệt không kém quan trọng nữa là giới
chủ nhân. Giới chủ nhân ở Việt Nam trong các xí nghiêp hầu hết là người ngoại
quốc như Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Indonesia hay Tàu cộng đội lốt...Họ sẵn
sàng cấu kết với chế độ, đảng viên CS... để bòn rút, hà hiếp người lao động Việt
đến mức tối đa.
So sánh cuộc đình công của người lao động VN cuối
tháng 3.2015 vừa qua với cuộc đình công của IG Metall năm 1984, thấy có sự khác
biệt hẳn về nguyên nhân lẫn mục đích.
Cuộc đình công ở VN bộc phát từ hãng Pou Yuen, nhanh
chóng lan qua các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang... không phải vì xung đột
quyền lợi giữa chủ và thợ, không được chuẫn bị, tổ chức, hướng dẫn. Đó chỉ là
cuộc đối đầu giữa người lao động với chính quyền ăn cướp.
Khi Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng của chế độ Mafia kiến
nghị, yêu cầu trả lại chén cơm (dự trữ cuối cùng) cho người lao động thì cuộc
đình công chấm dứt.
Cuộc đình công của IG Metall năm 1984 là cuộc đình
công có chuẩn bị, tổ chức, tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, các xí nghiệp đình
công được chỉ định rõ ràng trong từng khu vực để tránh Aus-Sperrung (Lock
Out)(1). Đình công này nhằm mục đích tranh đấu cho những quyền lợi thiết thực
lâu dài.
Việc thành lập công đoàn độc lập hiện nay ở VN gặp
muôn vàn trở ngại nếu không muốn nói là bất khả thi. Chỉ hi vọng (không nhiều)
khi được gia nhập TPP, chế độ CSVN phải thay đổi chính sách dưới sức ép của quốc
tế, phải tuân theo luật chơi của TPP, VN sẽ có được một công đoàn độc lập tranh
đấu cho quyền lợi thiết thực của người lao động VN.
Dùng chữ hi vọng (không nhiều) vì người viết tin rằng
dù có phải chấp nhận cho thành lập công đoàn độc lập thì chính quyền CSVN cũng
sẽ tìm mọi cách khống chế, phá hoại, lèo lái... công đoàn này theo ý muốn của
mình.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng ý thức
tập thể, biết đoàn kết cho người lao động Việt, để họ biết nhìn xa, biết cần phải
hi sinh một chút quyền lợi nhỏ để tạo thành sức mạnh đòi hỏi, tranh đấu cho những
quyền lợi to lớn, vững chắc, lâu dài.
Có được sự đoàn kết, thống nhất, hoạt động chặt chẽ
trong công đoàn độc lập thì mọi âm mưu gian trá, hiểm độc của chế độ CSVN sẽ bị
người lao động phát giác, bẻ gẫy.
Thạch Đạt Lang
danlambaovn.blogspot.com
__________________________________________
danlambaovn.blogspot.com
__________________________________________
(1) Aus-Sperrung là một biện pháp trả đòn đình công
của giới chủ nhân. Khi có đình công do công đoàn tổ chức, giới chủ nhân có thể
ra lệnh đóng cửa toàn bộ xí nghiệp. Những người không là đoàn viên công đoàn
cũng không thể tiếp tục làm việc, do đó không được lãnh lương, đồng thời cũng
không được công đoàn trợ giúp tài chánh trong thời gian đình công.
Trường hợp này gọi là Heisse-Sperrung (Hot Lock-Out)
khác với Kalte-Sperrung (Cold Lock-Out) là một biện pháp khác khi giới chủ nhân
ra lệnh đóng cửa các xí nghiệp có liên hệ sản xuất với xí nghiệp đang đình
công.
Thí dụ: Khi hãng sản xuất xe hơi đình công thì giới
chủ nhân có thể cho đóng cửa các xí nghiệp liên hệ đến sản xuất xe hơi như hãng
cung cấp phụ tùng, cơ phận, bánh xe...
Điều này sẽ khiến công đoàn chảy máu, nhanh chóng kiệt
quệ tài chánh vì phải trả thêm tiền cho đoàn viên ở những nơi không có đình
công, đồng thời có thể gây bất mãn, xung đột giữa những người lao động không là
đoàn viên với đoàn viên.
Tài liệu tham khảo: http://de.wikipedia.org/wiki/IG_Metall
No comments:
Post a Comment