Brahma Chellaney
Posted on Feb 2, 2015
Bài viết của Brahma Chellaney – Giáo sư ngành Nghiên
cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở đặt tại New Delhi,
tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut, Water: Asia’s New
Battleground, và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water
Crisis.
“Quên đi quá khứ thì mù một mắt, sống trong quá khứ
thì mù cả hai”.
Các mối quan hệ ngoại giao ở Đông Á từ lâu đã trở
thành con tin của lịch sử. Nhưng gần đây, “vấn đề lịch sử” của khu vực này đã
trở nên căng thẳng hơn với việc chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn mạnh giữa các
chủ thể quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, làm tăng thêm những bất
đồng về mọi mặt, từ lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên cho đến việc tưởng niệm
chiến tranh và sách giáo khoa. Liệu các quốc gia Đông Á có thể vượt qua những
xung đột để lại từ những thế hệ đi trước để tiến tới một tương lai có lợi cho tất
cả?
Hãy xem xét mối quan hệ giữa hai đồng minh thân cận
nhất của Hoa Kỳ ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù những bất đồng trong lịch
sử từ lâu đã cản trở các mối quan hệ song phương, lập trường dân tộc chủ nghĩa
ngày một mạnh mẽ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park
Geun-hye đang làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã gay gắt. Nếu Nhật Bản và
Hàn Quốc thất bại trong việc ngăn những bất đồng gay gắt trong lịch sử quay trở
lại thì quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đóng băng và vô tình làm lợi cho Trung Quốc.
Không quốc gia nào hứng thú với chiêu bài lịch sử
nhiều như Trung Quốc, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang dựa vào chủ nghĩa dân
tộc để đem lại tính chính danh cho nền cai trị của mình. Năm ngoái, Trung Quốc ấn
định hai ngày tưởng niệm mới để tưởng nhớ cuộc kháng chiến trường kỳ của Trung
Quốc chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản trong Thế chiến II: “Ngày chiến thắng
chống quân xâm lược Nhật Bản” vào mùng 3 tháng 9 và “Ngày tưởng niệm vụ Thảm
sát Nam Kinh” vào ngày 13 tháng 12. Điều gì sẽ xảy ra nếu những quốc gia như Việt
Nam và Ấn Độ cũng đặt ngày tưởng niệm các cuộc xâm lăng của Trung Quốc với họ kể
từ năm 1949?
Bằng cách củng cố định kiến về các quốc gia thù địch,
những tranh cãi xoay quanh lịch sử và sự tưởng niệm như vậy đã gây ra sự chia rẽ
và bất ổn, và nó chắc hẳn đã khiến những tranh chấp lãnh thổ gần đây trở nên trầm
trọng hơn. Thật vậy, việc chính trị hóa lịch sử vẫn là trở ngại chính đối với
quá trình hòa giải ở Đông Á. Những nỗ lực liên tục nhằm viết lại lịch sử – đôi
khi đúng theo nghĩa đen của từ này, bằng cách sửa lại sách giáo khoa – cùng các
đường lối dân tộc chủ nghĩa đã khiến việc thiết lập các thể chế khu vực gần như
là bất khả thi.
Điều này không nên xảy ra. Nhật Bản và Hàn Quốc là
những nền dân chủ năng động và là những cường quốc kinh tế theo định hướng xuất
khẩu, có quan hệ văn hóa truyền thống gần gũi và nhiều giá trị chung. Nói cách
khác, hai nước là những ứng viên sáng giá cho sự hợp tác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận ra tiềm năng này
và thúc đẩy tăng cường hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đặt nền
tảng cho một liên minh an ninh ba bên với Hoa Kỳ, một liên minh mạnh mẽ hơn và
có khả năng đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy. Dù vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc
lại từ chối gạt bỏ quá khứ.
Chắc chắn, cáo buộc từ phía Hàn Quốc rằng Nhật Bản
đang phủ nhận một số hành động của nước này trong quá khứ ít nhiều là đúng.
Nhưng có một điều cũng đúng là bà Park – người từ chối gặp gỡ chính thức Abe
cho đến khi ông giải quyết xong những vấn đề dai dẳng xung quanh việc Nhật Bản
từng thôn tính bán đảo Triều Tiên – đã dùng lịch sử để dung dưỡng tình cảm dân
tộc chủ nghĩa trong nước. Thật vậy, việc theo đuổi lập trường cứng rắn đã cho
phép bà Park che dấu đi một phần quá khứ không mấy dễ chịu của gia đình: Thân
phụ của bà, nhà độc tài Park Chung-hee, đã hợp tác với quân đội Nhật Bản khi
Hàn Quốc còn nằm dưới sự cai trị của chế độ thực dân.
Abe cũng làm dấy lên những căng thẳng giữa hai nước,
đặc biệt là qua chuyến viếng thăm Đền Yasukuni ở Tokyo – một nơi tưởng niệm gây
tranh cãi vì vinh danh những tội phạm chiến tranh loại A thời Thế chiến II bên
cạnh những nhân vật khác. Dù chỉ đến thăm ngôi đền này một lần vào tháng 12 năm
2013, Abe cảm thấy buộc phải làm vậy để đáp trả việc Trung Quốc đơn phương
tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao gồm cả những vùng lãnh thổ mà
nước này tuyên bố chủ quyền nhưng không nắm quyền kiểm soát.
Dĩ nhiên, sự khác biệt giữa các câu chuyện lịch sử của
Nhật Bản và Hàn Quốc đã có từ trước Thế chiến II. Hơn một thế kỷ trước, nhà hoạt
động người Hàn Quốc Ahn Jung-geun đã ám sát thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản là
Hirobumi Ito tại một trạm xe lửa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, điều này
khiến Ahn trở thành một người anh hùng ở Hàn Quốc và một tên khủng bố ở Nhật Bản.
Hình ảnh của Ito được in trên tờ giấy bạc 1.000 yên Nhật; còn hình ảnh của Ahn
xuất hiện trên tem bưu chính 200 won ở Hàn Quốc.
Năm ngoái, bà Park đã đề nghị Tập Cận Bình vinh danh
Ahn. Tập Cận Bình nắm ngay cơ hội này để chia rẽ hai đồng minh chính của Mỹ ở
châu Á bằng cách xây dựng một đài tưởng niệm Ahn. Nhật Bản đáp trả bằng cách chỉ
trích kịch liệt Trung Quốc vì đã tôn vinh một tên khủng bố và tuyên truyền cái
nhìn “một chiều” về lịch sử – một động thái mà Nhật Bản khẳng định là “không có
lợi cho việc xây dựng môi trường hòa bình và ổn định.”
Chất xúc tác cho những xung đột như vậy rõ ràng là sự
thịnh vượng ngày càng gia tăng của châu Á. Với nền kinh tế ngày càng được mở rộng,
các quốc gia châu Á đã đủ tự tin để xây dựng và tán dương một quá khứ mới mà
trong đó, họ hạ thấp tầm quan trọng của những cuộc xâm lược do họ tiến hành hoặc
làm nổi bật thái độ vững vàng của họ khi phải đối mặt với sự đối xử vô cùng tàn
nhẫn từ nước khác.
Các câu chuyện được hợp pháp hóa của mọi quốc gia đều
bóp méo các sự kiện và truyền thuyết lịch sử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp,
những di sản lịch sử có thể gây ảnh hưởng thái quá, át đi năng lực đưa ra những
lựa chọn chính sách duy lý của các nhà lãnh đạo. Điều này lý giải tại sao bà
Park tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc, cho dù đối tác khu vực tự
nhiên của Hàn Quốc là nước Nhật dân chủ. Một nguồn hi vọng mới bắt nguồn từ chiến
thắng áp đảo của Abe trong cuộc bầu cử sớm gần đây, điều đã trao cho ông nguồn
vốn chính trị để tiếp cận Park với một sự mặc cả lớn: Nếu Nhật Bản bày tỏ sự ăn
năn một cách rõ ràng hơn về quá khứ quân phiệt của mình, Hàn Quốc sẽ đồng ý gạt
bỏ những đau thương của lịch sử ra khỏi chính sách chính thức của họ.
Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không thể thay đổi quá khứ.
Nhưng họ có thể nỗ lực để định hình một tương lai hợp tác hơn. Như một câu ngạn
ngữ Nga nói ngắn gọn: “Quên đi quá khứ thì mù một mắt, sống trong quá khứ thì
mù cả hai”.
Theo
NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
1 comment:
Cảm ơn bài viết rất hữu ích nhìn về đất nước.
Post a Comment