Đỗ Kim Thêm
Posted by adminbasam on
07/04/2015
Tóm
lược: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày toàn thắng của
ĐCSVN và là ngày đại bại của toàn dân tộc Việt Nam. Chúng ta có các lý do chính
đáng để không tham gia mừng lễ kỷ niệm chiến thắng, nhưng cần giúp đỡ nhau để
có ý thức phản tỉnh về ý nghĩa tưởng niệm, hoà giải và trách nhiệm đối với những
hậu quả của ngày này.
Hiện tình Việt Nam là đang bị nguy cơ hơn bao giờ hết;
vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn mà vẹn toàn lãnh thổ, tham nhũng và nợ
công là chính; về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương, vì lãnh đạo đặt quyền
lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc là chính. Hoa
Kỳ sẽ không là một lá chắn an toàn cho Việt Nam vì Hoa Kỳ không có phép lạ để
biến đổi nội tình và ngoại cảnh cho Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đủ thông minh để
không bao giờ chống Trung Quốc thay cho Việt Nam.
Mọi vấn đề hiện nay của Việt Nam có thể sẽ được giải
quyết được một phần nào khi có sức mạnh dân tộc mà sự hiểu biết của toàn dân, đồng
thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng là chính và đường lối thực tiễn là
thay đổi hiến pháp dân chủ, nâng cao đạo đức và giáo dục, tăng trưởng kinh tế,
tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo vệ
thiên nhiên.
Ngày 30 tháng 4 năm 2015 đánh dấu một ngày khởi đầu
cho trang sử Việt, mà một thế hệ hậu chiến trưởng thành và sẽ đảm nhận trách
nhiệm chính trị cho đất nước. Thế hệ hậu chiến không cần có một lý tưởng cầu
toàn để canh tân đất nước hay các biện pháp xé rào để cứu Đảng, mà cần nhất là
có một ý thức bừng tỉnh về sự tồn vong của dân tộc.
***
Ký
ức thay ngụy sử?
Ngày 30 tháng 4 năm 2015 đánh dấu một ngày quan trọng
trong lịch sử của Việt Nam, vì là ngày kỷ niệm 40 năm chiến tranh kết thúc. Hiện
nay, các thế hệ tham chiến hầu như đã lần lượt ra đi hay đang quên đi những hậu
quả của chiến cuộc. Thời gian dài này cũng đủ để làm một thế hệ hậu chiến trưởng
thành mà không vướng bận với ký ức thuộc về lịch sử.
Tuy thế, có một sự khác biệt giữa ký ức và lịch sử.
Ký ức là một điều kiện thiết yếu tự tại và có một giá trị đặc biệt cho lịch sử.
Ký ức riêng tư tạo nên bản sắc cá nhân và ký ức tập thể tạo nên bản sắc xã hội.
Cả hai đặc thù văn hoá này nếu kết hợp nhau được sẽ làm thành một lịch sử chung
cho dân tộc. Để phác thảo lịch sử, sử gia cần có ký ức văn hoá, một sự thật của
lịch sử và đây là một trong những điều kiện khách quan làm khởi điểm cho chính
sử.
Nhưng trong hiện tại vấn đề soi sáng lịch sử ít được
quan tâm, bởi vì chúng ta đang có những nhu cầu bức thiết, đó là hiểm hoạ Bắc
thuộc và bất lực của chính quyền trước những khát vọng của toàn dân về toàn vẹn
lãnh thổ, xây dựng dân chủ, phát triển kinh tế, nâng cao công bình và tôn trọng
nhân quyền.
Nhìn lại sau 40 năm dài thì thực tế cho thấy dù là
ký ức của các chứng nhân lịch sử đang nhạt nhoà và bản sắc của đất nước đang
tàn phai, nhưng người Việt vẫn còn bị ám ảnh bởi những chiến tuyến trong quá khứ,
đề cao thành quả chiến thắng mãi làm cho việc hoà giải giữa người Việt còn khó
khăn và những giá trị phổ quát trong xu thế thời đại như tự do, dân chủ, nhân
quyền và trọng pháp lại chưa áp dụng. Lý do chính là người Việt đã không có và
sẽ không thể chia sẻ một quá khứ chung của lịch sử cận đại.
Nếu chúng ta muốn xây dựng một chính sử Việt Nam cho
hôm nay và mai sau, thì giải ảo ngụy sử là một nhu cầu tất yếu. Vậy vấn đề là
liệu có nên khơi động lại ký ức cá nhân hay tập thể hoàn toàn độc lập với mọi dị
biệt và đối kháng với ngụy sử để làm cơ sở được không?
Thế
hệ tham chiến và quá khứ
Thế hệ tham chiến nghĩ gì về quá khứ và để làm gì
trong hiện tình? Chiến tranh Việt Nam nằm trong bối cảnh quốc tế của Chiến
tranh Lạnh và lại là một thí dụ điển hình trong khu vực về Chiến tranh Ủy nhiệm.
Không riêng Việt Nam mà hầu như nhiều quốc gia đều hình thành bằng bạo lực.
Trong cả một thời kỳ dài, tranh đấu bằng bạo lực là một phương tiện hiển nhiên,
nó tạo nên một loại văn hoá chung và trở thành một sự thực khách quan của lịch
sử. Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một bạo lực cách mạng để thống nhất
đất nước và là một sản phẩm của lịch sử.
Công việc chọn lọc quá khứ để giải ảo lịch sử cũng
có nghĩa là làm sống lại quá khứ, một phần hay toàn bộ ký ức của cá nhân hay tập
thể. Phủ nhận hay quên đi quá khứ, cả hai nỗ lực này là bất khả. Không ai muốn
quên lãng quá khứ oai hùng, vì mục đích kéo dài hạnh phúc đã hết là để làm quên
đi thực tế bất hạnh. Quên lãng quá khứ thương đau thì không thể dễ dàng vì là một
ám ảnh còn vang động trong hồn như một loại bịnh tâm thần kinh niên không trị
được. Khép lại quá khứ và cảm nhận nó trong mối quan hệ với hiện tại và tương
lai, cả hai việc đòi hỏi chúng ta có một ý thức phản tỉnh mà không bị dồn ép cực
đoan bằng một ý thức hệ đã lỗi thời hay xí xoá dễ dãi bằng những thành tựu kinh
tế nay đang sa sút.
Để trả lời các vấn đề này, thế hệ tham chiến lập luận
là ký ức của các chứng nhân lịch sử sẽ mai một và ký ức của tập thể chỉ có tính
địa phương. Đoàn kết dân tộc là một vấn đề trọng đại của lịch sử đất nước,
chúng ta hãy để cho sử gia làm việc, vì họ có khả năng gạn đục khơi trong các tồn
đọng cuả quá khứ để trình bày khách quan hơn và có tác động hữu hiệu hơn. Bất hạnh
cho chúng ta là sử Việt bị ngụy tạo quá nhiều, nên không thể lý giải và thuyết
phục các sự thật lịch sử cận đại.
Ngụy
tạo chính sử
Có một sự khác biệt giữa quan điểm về lịch sử của
người phương Tây và Việt Nam. Khi người Mỹ nói đó là chuyện lịch sử, mọi người
cùng yên tâm nghĩ là toàn bộ vấn đề xảy ra được ghi chép cẩn thận và nghiên cứu
nghiêm túc (That is history; it is totally a record). Khi
người Việt nói đó là chuyện lịch sử, chúng ta phải dè dặt hơn, vì đó là một biến
cố quan trọng đã xảy ra (It is a most importat thing); sự kiện
còn ngờ vực, đúng sai hay hay dở còn cần xét lạ, vì tùy theo thời điểm và quan
điểm chính trị. Đây không phải là một khám phá mới lạ, vì đã có vô số các bằng
chứng về các sai lầm trong sử Việt, mà những ví dụ chính cho thấy các tầm mức tác
hại nghiêm trọng của vấn đề ngụy tạo.
Thứ nhất, theo sử
thì Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) giải tán ngày 11 tháng 11 năm 1945, nhưng thực
tế thì Đảng tiếp tục hoạt động trong bí mật, sau đó lại công khai
cho đến ngày hôm nay. Không có sử gia nào bỏ công cải chính sự kiện này của
ĐCSVN và Đảng Lao Động, dù là hình thức.
Thứ hai, vai trò của ĐCSVN
trong việc giành độc lập. Thực ra, Việt Nam chưa độc lập vào ngày 2
tháng 9 năm 1945 khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn, vì Đảng không cướp được chính
quyền từ tay Nhật và Pháp, mà của chính phủ Trần Trọng Kim vào ngày 19 tháng 8
năm 1945 và về sau gọi đó là Cách mạng tháng Tám.
Việt Nam thâu
hồi chủ quyền độc lập ngày 8 tháng 3 năm 1949 theo Hiệp Định Elysée. Điểm đặc biệt của Hiệp định là Việt Nam thống nhất và độc lập nằm trong
Liên Hiệp Pháp. Sau đó, ngày 23 tháng 4 năm 1949 Quốc Hội Nam Kỳ đã giải tán chế
độ Nam Kỳ tự trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã được thống nhất năm 1949 về ngoại giao
và chính trị.
Không ai bỏ công phân biệt ý nghĩa cao cả của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do ngoại
xâm và phương cách bất chánh để cướp chính quyền trong nội chính. Xác minh
thời điểm chính xác cho sự độc lập cũng bị quên lãng.
Thứ ba, cuộc đời của Hồ
Chí Minh là một chuyện dài không đoạn kết. Bao nhiêu sách vở khác nhau viết về
xuất xứ, hành tung, khả năng, quá trình hoạt động và tư cách đạo đức của ông. Mỗi
lúc lại có một khám phá mới làm cho sự thật về cuộc đời của ông càng huyền bí
hơn.
Nhu cầu tuyên truyền chính trị nhất thời là lời giải
thích quen thuộc. Các nhà nghiên cứu đã (phải) suy tôn ông lên làm thần thánh,
rồi một thời gian sau, vì lý do chính trị khác, lại hạ bệ. Nhiều tác phẩm viết
về ông, nhưng ông không có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử. Vì ông là một
nạn nhân của lịch sử quái ác nên các vấn đề tiểu sử, công nghiệp, đời tư của
ông còn cần phải tiếp tục soi sáng.
Thứ tư, đấu tranh quân sự
có phải là một giải pháp tối ưu duy nhất hay kết hợp với các giải pháp nghị trường
và ngoại giao cũng là điều kiện khả thi?
Trước trào lưu đấu tranh giành độc lập tại các nước
Á Phi đang dâng cao nên Pháp đã ý thức vấn đề này. Từ năm 1947 Pháp đã quyết định
không tái lập chế độ thuộc địa và tôn trọng nguyện vọng độc lập của nhân dân Việt
Nam bằng cách đăng ký Việt Nam là một quốc gia độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp
tại Liên Hiệp Quốc. Đó là một thắng lợi ngoại giao và pháp lý mà Đảng Cộng Sản
đã phủ nhận và về sau giải thích là Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập
chế độ thuộc địa.
Do đó, khi nhân danh giành lại độc lập dân tộc, họ
chiến đấu vũ trang chống Pháp, nhưng bằng cách độc quyền yêu nước và độc quyền
lãnh đạo quốc gia. Trái lại, các nước châu Á khác đã chủ trương đấu tranh ôn
hòa, không bạo động và không liên kết với Cộng sản Quốc tế, mà thành công của Ấn
Độ (1947) là một thí dụ, dù bối cảnh phức tạp hơn Việt Nam nhiều.
Thứ năm, ĐCSVN sử dụng chiêu bài đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ như một chiến
thuật để đạt mục tiêu chiến lược là cướp chính quyền. Họ đã chống đối bất cứ giải
pháp chính trị và ngoại giao nào không cho họ độc quyền đấu tranh và lãnh đạo
quốc gia, mà Hiệp định Genève và Paris là hai cơ hội lịch sử.
Dù Hiệp định Genève chỉ là để định ranh giới ngưng bắn
và không áp đặt những giải pháp chính trị, nhưng thống nhất Nam Bắc thuộc quyền
dân tộc tự quyết, một cơ hội mới về tổng tuyển cử mở ra và sẽ do hai miền ấn định.
Lãnh đạo cả hai miền đã không đủ nỗ lực để thực thi biện pháp tổng tuyển cử, một
cơ hội không tốn xương máu. Đó là một quan điểm sai lầm của cả hai và trở thành
một bất hạnh cho dân tộc hiếu hoà.
Hiệp định Paris là một hiệp ước ngoại giao và có tác
dụng chính trị, nhưng là một cơ hội khác mở ra nếu các bên đồng ý “thực hiện
từng bước bằng phương pháp hoà bình trên căn bản thương nghị và thỏa thuận giữa
Miền Bắc và Miền Nam, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính
bên nào.” (Điều 15).
Phát động chiến
dịch Hồ Chí Minh để thôn tính miền Nam không phải là phương pháp hòa bình như
đã ký kết. Vi
phạm Hiệp định Paris lại là một thành tích tự hào về sự phản bội của chính mình
và chấp nhận hy sinh xương máu của thế hệ thanh niên cuối cùng của miền Bắc.
Thứ sáu, Đại Thắng Mùa
Xuân là đỉnh cao chói lọi trong trang sử đấu tranh của ĐCSVN, nhưng Ted
Gunderson (1928 – 2011), nhân viên của FBI tại Los Angeles và
Wahsington DC tiết lộ là sau chiến dịch Operation Linebacker của
Hoa Kỳ, Bắc Việt tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngũ giác Đài nhận điện tín này
nhưng CIA buộc ép nhẹm nguồn tin và thuyên chuyển tất cả các nhân viên có trách
nhiệm ra khỏi nhiệm sở. Dĩ nhiên, Việt Nam không hề kiểm chứng nguồn tin này.
Tóm lại, các vấn đề quan trọng trong chính sử cận đại
như ý nghiã đích thực của chiến tranh, kết hợp các phương tiện khả thi để giải
quyết xung đột, những hy sinh và thành tích cần được giải ảo trong một phương
cách mới hơn, khi mà có vô số các nguồn tài liệu được liên tục giải mật. Quan
trọng nhất là chúng ta phải có can đảm nhìn vào sư thật của lịch sử trong một
nhãn quan mới.
Cho dù ngày nay ngụy sử đã không thể phản ảnh được
toàn bộ quá khứ và chính sử cũng không hẳn là mất đi hết trong những gì còn sót
lại nơi lòng người, nhưng điều may mắn hơn cho chúng ta là lịch sử vẫn còn được
truyền tụng, mà ký ức cá nhân và tập thể cần hồi tưởng là thí dụ điển hình.
Những người Việt đang ở vào lớp tuổi bốn mươi hay trẻ
hơn không có ký ức về chiến cuộc, vì họ chưa sinh ra. Dĩ nhiên, họ có quyền đặt
câu hỏi vì sao Việt Nam chưa thể canh tân đất nước và hưởng độc lập dân tộc và
họ phải gánh chịu một di sản tồi tệ như ngày hôm nay. Khi ngụy sử không thuyết
phục được họ, thì ký ức của các bậc cha ông còn sống sót sẽ đóng vai trò gì?
Ký
ức chiến cuộc nhạt nhoà
Tình yêu về dĩ vãng vốn bẩm sinh trong tâm hồn người
Việt; họ thích ôm ấp kỷ niệm trong mơ hồ và không muốn dùng ngôn ngữ để diễn đạt
những cảm xúc trân qúy. Ký ức là nhớ lại; một người không có trí nhớ là một người
không còn bản sắc riêng. Nhưng ngược lại với ký ức là quên lãng; ai phải dồn ép
quá khứ, thường là người không bình thường và hoặc sẽ mang bịnh ức chế. Một người
trưởng thành không có ký ức sẽ mãi là một trẻ con.
Ký ức tập thể theo Maurice Halbwach quan
trọng hơn. Nó vượt qua khuôn khổ kinh nghiệm sống của một cá nhân, hằn sâu,
tiêm nhiễm vào một tầng lớp xã hội, một thế hệ trong một giai đoạn của dân tộc
và tạo thành bản sắc chung. Một dân tộc không có ký ức lịch sử cũng là một dân
tộc chưa trưởng thành.
Khi xưa, Tản Đà có than thở “Dân
hai lăm triệu, ai người lớn?, Nước bốn nghìn măm vẫn trẻ con.” Lời thơ ai
oán được truyền tụng như một lời cảnh tỉnh về tình trạng dân trí trong thời
Pháp thuộc. Trong chiến tranh, Trịnh Công Sơn cũng đã nhắc nhiều
đến thân phận đất nước, nhưng thê thiết nhất là “Ôi, đất nước u mê
ngàn năm“. Điều ngạc nhiên là cả hai danh tài này sống trong hai thế hệ
cách biệt nhau, nhưng lại cùng một tâm trạng, dù không hề quan tâm đến chính sử
và ký ức.
Nhưng làm sống lại ký ức không dễ, vì có một cái gì
đó thiếu bình thường mà có quá nhiều thí dụ làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thứ nhất, nhân ngày 30 tháng 4 mà nhân dân thủ đô Hà Nội kéo băng và biểu ngữ với
nội dung“Hân Hoan Chào Mừng Ngày Giải Phóng Thủ Đô”. Vô ý
hay là trớ trêu trong một ký ức nhạt nhoà? Không ai biết.
Thứ hai, ngược lại, nhân ngày này mà một số người Việt hải ngoại cũng có tổ
chức “Ngày Diễn Hành Cho Tự Do”. Vì là buổi diễn hành nên ít
có thuyết trình về ý nghĩa trọng đại về một ngày lịch sử của đất nước để người
tham dự cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với những hậu quả của ngày này. Vì tự
do hoài niệm mà đôi khi cũng có nhiều nơi còn có kết hợp với lễ Lao Động với dạ
tiệc và khiêu vũ thâu đêm là chính. Đó là sáng kiến giải trí cuối tuần kéo dài
trong hoàn cảnh mới, nên không đem lại một âm vang tưởng niệm nào trong đau buồn,
nhớ những nguời nằm xuống và người trốn chạy.
Thứ ba là chuyện
không có quyền công khai tưởng niệm những người nằm xuống trong chiến tranh
biên giới Trung – Việt. Khơi động ký ức lại cần có ý kiến chỉ đạo? Hồi sinh ký ức
càng thêm chua chát khi lãnh đạo hân hoan đón tiếp lãnh đạo bạn để cùng “Thành
Kính Tưởng Niệm Các Liệt sĩ Trung Quốc Hy Sinh Vì Chính Nghĩa” trong
Tiết Thanh Minh, một việc làm đúng theo chính sách đề ra.
Còn nhớ về Ngày Hoàng Sa và Trường Sa lại càng khó
hơn, cụ thể nhất là vụ thảm sát Gạc Ma. Trước đây binh sĩ không được phép chống
trả với Trung Quốc nên đem lại một cái chết tập thể; chính quyền luôn che giấu
sự thật và nay lại không cho phép tưởng niệm và ghi công và không nêu tên kẻ
thù, đó là một hành vi xoá bỏ ký ức có định hướng.
Những người chiến đấu còn sống không được tri ân,
đãi ngộ và chỉ còn âm thầm xót thương cho đời nhau. Họ cũng bất hạnh giống như
các cựu chiến binh Mỹ, làm điều vô ích cho kẻ vô ơn và cuối cùng lại chứng kiến
trớ trêu của lịch sử mà đó lại là định mệnh của mình.
Thứ tư là chuyện những
người di tản buồn lại càng buồn hơn, khi phải nhớ tới những thuyền nhân qua cơn
phong ba bảo táp, chưa hưởng được tự do và cuối cùng phải yên nghỉ nơi đảo vắng
xứ người. Trùng tu mộ phần đã khó, sơn tặng cho họ một lá cờ trên mộ phần và lập
đài tưởng niệm trên các đảo cũng bị nhà nước CSVN tìm cách áp lực ngoại giao
nên không được phép. Thân nhân cũng đành khép lại quá khứ theo chính sách.
Thứ năm là vấn đề gọi
tên ký ức. Thảm sát hay chiến thắng Mậu Thân? Định danh ký ức cũng cần thảo luận
như gọi tên cho cuộc chiến. “Chống Mỹ xâm lược“ mà hơn 5000 ngàn thường dân Việt
và vài ân nhân người Đức phải chết oan uổng, thì không thể nào gọi là thắng lợi
huy hoàng và có thể giải thích thuần lý.
Những hung thủ còn sống sót cũng không đủ can đảm
đính chánh về cáo giác của các nhân chứng trong “Giải Khăn Sô Cho Huế“.
Dù tai họ còn nghe và mắt họ còn thấy phản ứng của nạn nhân khác còn sống,
nhưng khác với Hitler đã tự xử, hung thủ yên tâm hơn để nghiên cứu về Huế học,
mà họ quên đi đối tượng nghiên cứu khẩn thiết nhất của Huế học là làm sáng tỏ
việc tàn sát. Tên tuổi và hành vi của họ vẫn bị ràng buộc với lương tâm và lịch
sử.
Chúng
ta là có vô số ký ức cá nhân có giá trị lịch sử: Giải Khăn
Sô Cho Huế, Muà Hè Đỏ Lửa, Dấu Binh Lửa, Đường Đi Không Đến, Xương Trắng Trường
Sơn, Thiên Đường Mù, Nổi Buồn Chiến Tranh và Đèn Cù là những thi dụ
chính. Vì là tự truyện cá nhân nên có sự đãi lọc nhất định theo ý nghĩ cảm nhận
và tùy theo cái gọi là lieux de mémoire của tác giả
(các địa điểm liên hệ tới biến cố xãy ra để trở thành ký ức, một khái niệm của Pierre
Nora). Thực ra, nhân chứng lưu giữ ký ức, họ chỉ là một người sống trong những
biến cố kinh hoàng trong lịch sử, mà họ không hiểu tại sao, không lường đoán được
hậu quả và giải thích các tầm mức phức tạp của diễn biến.
Do đó, chúng ta cần có sử gia, vì ký ức cần khách
quan hoá theo phương pháp sử học, một tiến trình đến sau và có chọn lọc. Sử gia
đối thoại với nhân chứng, vì nhân chứng biết rõ hơn các biến cố. Họ diễn dịch,
sưu tầm và biên tập theo một hệ thống nhất định thành một loại đề tài
chung.
Dù ký ức về chiến cuộc nhạt nhoà, nhân chứng lần lượt
ra đi, quá ít sử gia chân chính, nhưng lịch sử không thể nguy tạo ký ức. Chính
ký ức làm nên lịch sử. Ký ức không phải là vấn đề riêng của sử gia. Lịch sử
không thuộc về sử gia, mà cho tất cả những người có liên quan và có tinh thần
trách nhiệm. Những người đứng ra tổ chức các lễ tưởng niệm với các phương tiện
truyền thông hiện đại cũng là một thí dụ.
Các buổi lễ truy điệu, báo chí, sách vở sẽ làm sống
lại các ký ức tập thể. Những hình thức nghi lễ “hoành tráng“ của phe thắng cuộc
không mang nhiều ý nghĩa đích thực để tìm ra bản chất của tưởng niệm. Những đề
tài thảo luận nghiêm chỉnh về ý nghĩa của tưởng niệm là quan trọng hơn.
Nhờ thế, chúng ta viết lại lịch sử bằng cách khám
phá những sự dị biệt trong ký ức với tinh thần trách nhiệm. Ký ức dị biệt của
cá nhân là một phương tiện thông đạt dùng trong sinh hoạt hằng ngày khi thảo luận
về những biến cố lịch sử. Ngược lại, ký ức tập thể là một sản phẩm xã hội, đẩy
mạnh cho việc hình thành một bản sắc văn hoá dân tộc. Nhưng biết tìm đâu bản sắc
văn hoá truyền thống của dân tộc Việt?
Bản
sắc dân tộc tàn phai
Dù là gọi là đất nước hay dân tộc cũng chỉ là một.
Dân tộc là một ngôi nhà chung chứa đựng một linh hồn chung. Hồn thiêng này có
hai phần: phần một nằm trong quá khứ, là một di sản thuộc toàn dân và ký ức lịch
sử là một thành phần. Phần hai nằm trong hiện tại. Đó là tinh thần đồng thuận,
cùng ước mơ chung sống để phát triển và lưu truyền giá trị của một di sản không
thể phân chia. Khái niệm dân tộc này của Ernest Renan không
phải là chủ nghiã dân tộc đã bị lạm dụng quá nhiều trong quá khứ.
Bản sắc văn hóa dân tộc gồm các đặc tính được duy
trì trong quá trình của lịch sử và được kết tinh thành những biểu tượng để phân
biệt với các dân tộc khác. Nó tạo thành những chuẩn mực giá trị cho xã hội và
thể hiện tâm lý dân tộc mà các ký ức văn hoá là thí dụ.
Ký ức văn hoá theo Jan Assman gồm
có việc sử dụng chính sử, tự truyện, hình ảnh và nghi lễ đặc biệt cho một xã hội
trong một thời kỳ; mọi sự vun bồi này sẽ tạo nên một hình ảnh chung cho bản sắc
dân tộc. Nhờ thế mà chúng ta có thể hiểu được giá trị truyền thống.
Chúng ta có thói quen ca ngợi bản sắc dân tộc và đơn
giản hoá vấn đề, nhưng kỳ thực, bản sắc cá nhân phức tạp, vì dựa vào hoàn cảnh
và điều kiện xã hội địa phương, thuộc về một thế hệ nhất định, một tôn giáo, một
đoàn thể nghề nghiệp và trình độ giáo dục nào đó. Bản sắc thay đổi liên tục
trong suốt cuộc đời qua những biến cố của riêng mình.
Mô tả về bản sắc đất nước càng khó hơn vì theo dòng
lịch sử, có quá nhiều biến chuyển sẽ thay thế cho các ký ức cũ phai mờ, tạo
thành những bản sắc mới. Tùy theo thời điểm hay địa điểm mà bản sắc đất nước có
thể tiến hay thoái hoá. Các thay đổi về giá trị qua từng thế hệ kết hợp nhau
trong liên tục và tái tạo.
Trong một thời kỳ dài đấu tranh, Đảng CS đã bao
nhiêu lần nói là “thống nhất đất nước ta sẽ xây dựng lại ngàn lần tươi
đẹp hơn”. Nhưng chiến thắng năm 1975 cho phép Đảng có lý do tự phong một
bản sắc mới là “trung tâm phẩm giá của loài người và lương tâm của thời
đại”. Bản sắc cường điệu này không thuộc truyền thống chân thành của
dân tộc. Đảng đã không thể trau dồi bản sắc, và chiến thắng không đem lại tự do
và cơm áo cho toàn thể dân chúng trong thời bình.
Dù thành tựu đổi mới kinh tế có đem lại cho sung túc
cho một thiểu số, nhưng Đảng không thể nâng cao bản sắc văn hoá vì giáo dục xuống
cấp, đạo đức suy đồi, thờ ơ của dân chúng và gương xấu của chính quyền là trở lực.
Tìm lại bản sắc dân tộc đã đánh mất là điều không thể thực hiện được trước mắt,
vì thành tựu của các biện pháp cải cách giáo dục và nâng cao đạo đức không thể
là kết quả dễ được tìm thấy trong một sớm một chiều.
Đã đến lúc đất nước cần có bản sắc mới như là một
vai trò kết nối, một khái niệm và một thành tố để xây dựng lịch sử. Nhưng làm
sao nối kết những ký ức văn hoá dị biệt trong bối cảnh hiện nay. Thực ra, không
ai có đủ viễn kiến để tiên đoán chuyện lý thuyết.
Nhưng sử gia không còn đi tìm những giá trị biểu tượng
xa xưa, vì các biến động mới có những giá trị làm cho lịch sử độc đáo hơn. Họ
dùng ngày 30 tháng 4 năm 1975 làm một phương tiện nhằm tạo ra huyền thoại chính
trị duy nhất cho khởi điểm mới về ký ức lịch sử cận đại. Với 40 năm trôi qua,
thời gian lắng đọng để họ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của ngày 30 tháng 4. Do đó,
giải ảo về nội dung ngày này cần được đặt ra.
Phản
tỉnh về ý nghĩa của ngày 30 tháng 4 năm
1975
Ngày 30 tháng 4 năm 2015 là một ngày để chúng ta nhớ
về ngày 30 tháng 4 năm 1975 và tìm hiểu những gì mà dân tộc đã sống trong 40
năm qua. Bằng kinh nghiệm sống với chế độ, với các sử liệu mới, lý trí khách
quan và tự do phê phán giúp cho chúng ta nhận ra sự thật. Sự thật sẽ giải phóng
cho chúng ta.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là biểu tượng khởi đầu cho
một tiến trình tương phản phức tạp. Giá trị biểu tượng của ngày này là một nghịch
lý bi đát. Chiến tranh kết thúc giải phóng cho tất cả mọi người trong mọi hoàn
cảnh, nhưng không phải chỉ là vinh quang mà còn là tủi nhục; ngày miền Nam
thoát khỏi chiến tranh cũng là ngày mà miền Bắc hiểu rõ hơn thế nào là giải
phóng và hy sinh cho chính nghĩa. Cả nước vừa được giải phóng lại vừa bị hủy diệt
trong một hoàn cảnh mới, không phải chỉ là thiệt hại vật chất mà còn là tinh thần,
một vấn đề bản sắc.
Dĩ nhiên, chúng ta phải chấp nhận những gì đã xảy ra vào ngày 30
tháng 4 năm 1975, vì không thể thay đổi được, dù còn bị ảnh hưởng hậu quả cho đến
hiện nay. Chúng ta không thể tách rời ngày 30 tháng 4 năm 1975 với ngày 3 tháng
2 năm 1930, ngày thành lập ĐCSVN, đó là một nguyên nhân khởi đầu mọi thay đổi
trong các trang sử Việt.
Với ý thức phản tỉnh chúng ta có thể
nói cho nhau hôm nay về ý nghĩa đích thực của ngày 30 tháng 4 là đây là một
ngày toàn thắng trong tiến trình cướp chính quyền của ĐCSVN và là một ngày đại
bại của toàn dân tộc Việt. Vì sao?
Vì nhìn lại quá khứ của công cuộc tiến nhanh tiến mạnh
lên XHCN chúng ta chỉ thấy một bóng tối kinh hoàng. Đó là các biện pháp truất hữu
ruộng đất, ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản mại bản, bài trừ văn hoá đồi trụy,
thanh niên xung phong, kinh tế mới và học tập cải tạo. Theo sau là thảm kịch
thuyền nhân, chiến tranh Tây Nam và phiá Bắc. Cuối cùng là kinh tế kiệt quệ để
rồi ĐCSVN phải chịu có biện pháp xé rào và đối mới để nuôi dưỡng chế độ.
Với một cơ hội
mới và tiềm năng cao để tái thiết hậu chiến và hàn gắn vết thương chiến tranh,
nhưng đến năm 2015 mà Việt Nam còn tụt hậu thua Lào về canh tân công nghiệp,
trình độ phát triển dân chủ kém hơn Campuchia, cạnh tranh kinh tế suy yếu hơn
Hàn quốc, phát minh khoa học thua xa Thái Lan, năng lực lao động thấp nhất
trong khu vực, nhưng tình trạng vi phạm nhân quyền và bất công xã hội lại là trầm
trọng nhất.
Vì nhìn về tương lai chúng ta càng lo sợ hơn vì
không biết đất nước và con người sẽ đi về đâu. Chủ nghĩa tư bản thân tộc tạo ra
một xã hội thị trường hỗn loạn trong một nhà nước sơ khai là nguyên nhân, mà
tham nhũng lên ngôi thượng đỉnh, đạo đức suy sụp tận đáy, giáo dục băng hoại và
môi sinh cạn kiệt là hậu qủa. Trong khi hiểm hoạ Bắc thuộc là hiện thực, thì bất
ổn cá nhân, bất trắc kinh tế và bất công xã hội vẫn còn kéo dài.
Tóm lại, chúng ta có các lý do chính đáng để không
hân hoan tham gia mừng lễ kỷ niệm chiến thắng, nhưng cần giúp đỡ nhau để có ý
thức phản tỉnh về ý nghĩa tưởng niệm, hoà giải và tỉnh thức trong ngày 30 tháng
4. Nhờ thế, chúng ta sẽ thấy có trách nhiệm hơn đối với những hậu quả của ngày
này trong tương lai.
Ngày
tưởng niệm
Hồi tưởng thuộc về một phần trong đời sống tâm linh
của chúng ta. Ai đã sống trong ngày 30 tháng 4 với đầy đủ ý thức và nhận xét,
thì cũng tự hỏi là ngày này mình làm gì và ở đâu và sự ràng buộc của mình trong
biến cố này.
Ngày 30 tháng 4 là một ngày để chúng ta tưởng niệm về
tất cả những người quá cố của hai miền, những người đã tin là mình chiến đấu
cho chính nghĩa của đất nước. Chúng ta không thể quên họ và cầu mong họ siêu
thoát. Đau đớn nhất là các chiến sĩ giải phóng quân; bây giờ họ không còn cơ hội
để nhận ra rằng họ đã bị phản bội; tất cả công lao của họ là vô ích và vô
nghĩa; cái chết của họ chỉ là phục vụ cho các mục tiêu cướp chính quyền của giới
lãnh đạo vô nhân đạo.
Chúng ta sống trong gọng kềm của lịch sử dân tộc và
là nạn nhân phải hy sinh cho quyền lợi của giới lãnh đạo. Cả một dân tộc không
ai có tội cá nhân; không ai có tội với lịch sử. Có tội ít hay nhiều chỉ có thể
quy kết cho tập thể lãnh đạo, vì họ thiếu trí tuệ và thiếu bản lãnh; họ chỉ phục
vụ cho ngoại bang, chủ nghĩa phi dân tộc và không tìm cách tiết kiệm máu xương.
Chúng ta cũng hoài niệm về những nổi đau khổ của
thân nhân còn sống; đặc biệt là nữ giới, đau khổ vì sự mất mát về tất cả những
gì không thể giữ được từ vật chất cho đến tinh thần. Đó là đau khổ qua bị
thương tổn và tật nguyền, đau khổ vì buộc phải chịu mất tài sàn, mất người thân
yêu, mất nhân phẩm, cảm xúc bị tổn thương, cưỡng bức lao động, bất công nghiêm
trọng và tra tấn dã man, đói khổ, giam cầm và trốn chạy.
Ngày
hoà giải
Ngày 30 tháng 4 là ngày mà chúng ta không những tưởng
niệm cho những người nằm xuống mà còn muốn hòa giải giữa người Việt còn sống với
nhau. Chúng ta tìm kiếm hòa giải, nhưng không thể hòa giải với những người
đã nằm xuống và những người không còn ký ức. Số phận chung của dân tộc liên
kết chúng ta với nhau thành một định mệnh chung trong ước muốn chung sống trong
hòa bình và thịnh vượng.
Trong đời sống hằng ngày, người Việt chỉ muốn sống
an vui trong hiện tại và không muốn nhớ những chuyện vô nhân đạo trong quá khứ.
Chúng ta chấp nhận và chịu đựng sự khắc nghiệt do số phận an bài, đó là chuyện
tinh thần được đặt ra bên cạnh các nhiệm vụ khác.
Nhưng ngày 30 tháng 4 là một vết rạch hằn sâu trong
lịch sử cho toàn thể, nên có một nghịch lý xảy ra, người Việt có tinh thần hồi
tưởng và sẽ luôn hồi tưởng khi có cơ hội. Bốn mươi năm sau khi kết thúc chiến
tranh, dân Việt vẫn còn bị phân chia. Chúng ta cảm thấy chưa thuộc về nhau bởi
vì chúng ta đã sống và nghĩ không cùng trong một nhận thức về quan điểm đấu
tranh. Đó là một gánh nặng trong lịch sử mà chúng ta vẫn còn bị mang ít nhiều tổn
thương.
Làm
sao chúng ta có thể xoá bỏ vết hằn khôn nguôi nếu không có hoà giải? Thực ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hoà giải không chỉ là tha thứ của
nạn nhân về sai trái của thủ phạm, mà còn là một đồng thuận giá trị về chính trị.
Đầu hàng là một thay đổi thái độ của phe thua cuộc trước phe thắng cuộc, một
quyết định hợp lý của lý trí của phe thua cuộc và cần được thể chế chính trị của
phe thắng cuộc bảo vệ. Vai trò luật pháp là điều kiện thể chế tiên quyết để bảo
vệ họ. Khuôn khổ cho hoà giải là bình đẳng trước pháp luật, thực thi dân chủ,
tôn trọng nhân quyền và dân quyền của phe thắng cuộc. Sự đồng tình của cả
hai phe sẽ đem lại ý nghiã chung sống. Đó là một khuôn khổ xây dựng lại mối
quan hệ và niềm tin cho xã hội và tạo lập một cộng đồng cho tương lai.
Dầu bối cảnh tranh chấp khác nhau, các nước Nam Phi,
Nam Tư củ, Bắc Ái Nhĩ Lan, Sierra Leone, El Salvador, Guatemala và Rwanda đã
tìm ra một căn bản đồng thuận cho tiến trình hoà giải, mà đạo đức là mục tiêu
và luật pháp là phương tiện. Vì say men chiến thắng mà kinh nghiệm hoà giải
chính trị hậu xung đột không là vấn đề quan trọng để Việt Nam quan tâm học tập,
cải tạo tập trung là trường hợp minh chứng ngược lại.
Sau ngày Đổi Mới, Việt Nam khởi đầu tiến trình hoà
giải chính trị bằng Nghị Quyết để nhằm thu hút tài năng trí tuệ và đóng góp tài
chánh. Nghị Quyết không đề ra sư tương thuận của phe thua cuộc; khuôn khổ pháp
luật làm nền tảng và tinh thần đạo đức dân tộc làm nội dung cho hoà giải cũng
không có. Việt Nam chỉ đo thành tựu Nghị Quyết bằng lượng kiều hối, du lịch và
giao lưu văn nghệ trong ngoài. Hoà giải loại này không đem lại một niềm tin
chung hướng về tương lai.
Trong
nỗ lực hoà giải có một thử thách chung cho hai phía. Sẵn lòng hòa giải phải phát sinh từ trong nội tâm và do ngoại cảnh,
không phải là vấn đề mà phe thắng cuộc đòi hỏi nơi phe thua cuộc theo tinh thần
Nghị Quyết, nhưng là tự nội tâm của mỗi phe đòi hỏi nơi chính mình, đó là khởi
điểm quan trọng nhất.
Cụ thể là liệu phe thắng cuộc có thể thực sự tự đặt
mình trong hoàn cảnh của phe thua cuộc đựợc không hay phe thua cuộc có tin tưởng
vào thành tâm hoà giải của phe thắng cuộc được không? Liệu Nghị Quyết một chiều
có phải là một cơ sở ràng buộc nhau không? Cả hai phải nhận ra những gánh nặng
của nhau, xem có chịu đựng nhau không và có quên quá khứ được không?
Cả hai phe làm gì trong tiến trình này? Chủ yếu là
phe thắng cuộc cần có ý thức hơn để tìm lại nguyện vọng trung thực của phe thua
cuộc; thay vì diễn binh mừng chiến thắng chỉ khơi động lại lòng thù nghịch, phe
thắng cuộc nên can đảm hơn là đem tàu ngầm hiện đại ra biển Đông để bày tỏ quyết
tâm trước Trung Quốc, phô trương này sẽ gây tác động hoà giải dân tộc cao hơn.
Thay vì ngăn cản tưởng niệm, nên thành tâm bày tỏ thương tiếc những người của
hai phiá đã hy sinh bằng cách xây một tượng đài chung, một hình thức tỉnh ngộ về
sự lầm lạc chung của cả dân tộc trong cả một giai đoạn lịch sử. Họ nên đãi ngộ
người đóng góp còn sống, một hình thức xoa dịu thương đau xã hội; nỗ lực hoà giải
với người đối kháng và trực tiếp đối thoại trong tinh thần dân chủ là thực tế
hơn, vì không phải ai có quan điểm đối lập chính trị với chính quyền cũng đều
là những phần tử suy thoái đạo đức và phản động.
Phe thua cuộc cũng cần có nhận định nghiêm chỉnh hơn
về ý nghĩa cao cả của tha thứ. Tha thứ là tìm hiểu và mến yêu người sai phạm.
Hiểu nhau là vì đã tìm thấy lại nhau trong một quá khứ chung lầm lạc. Yêu mến
nhau là vì cùng có một số phận và ý chí chung sống để xây dựng tương lai đất nước.Thực
tế ngược lại. Một số không nhỏ của phe thua cuộc tự nguyện tìm đến phe thắng cuộc
vì những bả lợi danh cuối đời, những lạc thú do những chênh lệch giá cả tại quê
nhà, ngay cả những hạnh phúc thoáng qua như tiếng còi hụ đưa đón. Đó là một sự
sĩ nhục mà một số trong phe thua cuộc tự tạo ra, vì trong khi cho đến ngày hôm
nay, vẫn còn có rất nhiều người khả kính, can trường và liêm chính trong chiến
bại.
Tương lai của hoà giải không ai biết được, nhưng khởi
động một trào lưu nhận thức mới về tinh thần hoả giải là khẩn thiết, vì các thế
hệ tham chiến sẽ lần lượt ra đi và các thế hệ nối tiếp sẽ không đủ quan tâm để
giải quyết.
Ngày
tỉnh thức
Ngày 30 tháng 4 năm 2015 bắt đầu một chương mới
trong lịch sử Việt Nam và một thế hệ mới đang trưởng thành. Giới trẻ không có
các ký ức dị biệt và không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra trong quá khứ,
nhưng họ đang và sẽ có trách nhiệm đối với những gì sẽ trở thành lịch sử. Họ sẽ
đóng một vai trò chính về số phận của con người, đất nước và dân tộc trong khoảng
thời gian bốn mươi năm tới. Nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại có ý nghĩa tỉnh
thức vì ký ức cá nhân kéo dài chỉ trong bốn mươi năm. Nếu ký ức phai nhạt thì
những gì quan trọng khác còn lại cũng không còn ý nghĩa. Thế hệ tham chiến cần
giúp cho giới trẻ hậu chiến tìm hiểu về sự thật của lịch sử, không thiên vị
theo ý thức hệ, trốn chạy trách nhiệm và nhân danh đạo đức. Đâu là giá trị tỉnh
thức trong ngày 30 tháng 4?
Chúng ta cần can đảm để nói cho thế hệ hôm nay biết
là hiện tình Việt Nam là đang bị nguy cơ hơn bao giờ hết; vì về mặt nội trị có
quá nhiều bất ổn mà vẹn toàn lãnh thổ, tham nhũng và nợ công là chính; về mặt đối
ngoại có quá nhiều tổn thương, vì lãnh đạo đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi
riêng lên trên quyền lợi của dân tộc là chính; nay lại hy vọng là Hoa Kỳ đoái
thương dân Việt. Nhưng thực tế, Hoa Kỳ sẽ không có phép lạ nào để biến đổi nội
tình Việt Nam hôm nay và sẽ không là một lá chắn an toàn cho Việt Nam mai sau.
Mỹ đủ thông minh để không bao giờ chống Trung Quốc cho đến xương máu của người
Mỹ cuối cùng thay cho Việt Nam, như miền Bắc Việt Nam đã hãnh diện chống Mỹ
thay cho Trung Quốc trong quá khứ.
Do đó, giới trẻ nên tỉnh thức để tránh lầm lạc của bậc
cha ông. Đó là do khuấy động các ý thức hệ đối nghịch, hận thù lầm lạc và gian
dối lẫn nhau mà Việt Nam đã có chiến tranh. Do bất tài, bất xứng và bội tình mà
thế hệ cha ông đã không để lại được một non sông gấm vóc cho con cháu thừa hưởng;
“Gia tài của mẹ, một nuớc Việt buồn“, nếu nói theo nhạc của Trịnh
Công Sơn.
Từ tỉnh thức này mà giới trẻ sẽ lưu truyền các ký ức
lịch sử và không để bị lôi cuốn vào những hận thù và chống đối nhau, mà cố gắng
liên tục học hỏi để tìm cách chung sống với nhau trong tình hiếu hoà và nhất là
sẽ có ý thức trách nhiệm nhiều hơn cho tương lai đất nước.
Thế
hệ hậu chiến và tương lai
Ngày 30 tháng 4 năm 2015 đánh dấu một ngày khởi đầu
cho thế hệ hậu chiến trưởng thành. Họ có trách nhiệm chính trị cho đất nước
trong thời kỳ mới. Nhưng họ phải nghĩ gì và làm gì để canh tân đất nước và tìm
lại độc lập cho dân tộc?
Nghĩ gì? Thách thức vô cùng to lớn khi thế hệ hậu
chiến cần có nhiều ý thức và kinh nghiệm hơn để đảm nhiệm trọng trách này. Đó
là vấn đề còn mở rộng để tranh luận, nhưng họ có bốn khó khăn chính.
Một là, họ không kế thừa một phương sách khả thi nào. Đảng đã không thể lý giải
được cơ chế Kinh tế Thị trường và Nhà nước Pháp quyền theo định hướng XHCH là
gì. Đảng cũng tự nhận là đã theo một đường lối không có cho đất nước. Vì nhận
hư thành thực cho nên Đảng cũng không thể hoàn thiện đường lối này cho đến cuối
thế kỷ XXI. Nhưng Đảng sẽ vượt qua các chống đối bằng cách dùng bạo lực đàn áp
để duy trì chế độ, một bất hạnh cho toàn dân.
Hai là, họ không thể phát huy các kinh nghiệm cuả bậc cha ông. Các kinh nghiệm của
Cách Mạng Tháng Tám và Đại Thắng Mùa Xuân không còn phù hợp với trào lưu đấu
tranh bất bạo động cho Việt Nam, mà đó là một giải pháp tương ứng khả thi.
Thành quả cuả Cách Mạng Đông Âu, Đông Đức, Miến Điện và Muà Xuân Á Rập là những
bài học mới thích hợp hơn, nhưng họ chưa thể huy động được dân chúng vì thái độ
vô cảm chính trị của đa số.
Ba là, họ không thể
hy vọng là được Đảng chuyển giao quyền lực cho dù họ có khả năng và tâm huyết,
vì thân tộc của lãnh đạo còn vây quanh. Trong một xã hội thị trường đang thay đổi
hỗn loạn, họ không thể tiên đoán được là đổi mới chính trị sẽ hình thành như thế
nào. Tất cả đều tuỳ thuộc vào một số quan niệm về tương lai, những cách đánh
giá khác nhau về ý nghĩa của xu hướng hiện nay và về các chuẩn mực để giải quyết
các khác biệt, thí dụ như vi phạm nhân quyền và tự do báo chí.
Bốn là điều kiện ý
thức về truyền thống lịch sử và chuyển hoá chính trị. Từ thắng lợi của việc cướp
chính quyền mà Đảng tự hào về thành tích làm nên “Ý nghĩa Lịch sử” cho dân tộc.
Nhưng ý nghĩa lịch sử này không phải là những gì đã được Đảng tuyên bố, mà giới
trẻ cần khám phá lại. Nhu cầu giải ảo ngụy sử và niềm tin về tương lai dân chủ
cần đến các điều kiện trí thức. Đó là kiến thức và ý thức về chính sử và dân chủ,
để từ đó làm cơ sở cho tinh thần xây dựng. Kiến thức là khởi điểm cho ý thức và
có kiến thức thì mới có ý thức để xây dựng một ý chí chung sống.
Tuy nhiên, thực tế bi quan hơn, vì sử học và kinh tế
chính trị học không còn thu hút giới trẻ, một môn mà người học không muốn học
và người dạy không muốn dạy. Sự tụt hậu là do một hệ thống giáo dục gian dối và
ngụy sử làm mất niềm tin về giá trị cuả toàn xã hội qua nhiều thế hệ.
Ý thức về lịch sử và dân chủ do đào tạo mà ra, có
tính thuần lý vì do lý trí hướng dẫn và được đãi lọc qua thời gian. Học chính sử
giúp giới trẻ lý luận và phán đoán về sự thật của lịch sử. Ý thức về lịch sử sẽ
tạo nên một thái độ chung đối với lịch sử, một khả năng để giải ảo, một loại
trách nhiệm cá nhân đối với xã hội và có tình cảm dân tộc.
Do đó, hy vọng còn lại là giới trẻ sẽ phát huy tinh
thần tìm hiểu và mến yêu lịch sử và giá trị của dân chủ. Sự thật lịch sử sẽ là
bước khởi đầu và giới trẻ phải tìm kiếm sự thật giữa dòng lịch sử. Giới trẻ có
thể so sánh lịch sử tương lai như một dòng sông, nhưng các dòng nước sẽ luôn biến
đổi mà họ đang khởi đầu bơi lội và cũng không biết đi về đâu, như một câu nói
quen thuộc là “Người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông“.
Nhưng có ý thức lịch sử và dám dấn thân làm lại lịch sử cho dân tộc là một hy vọng
khởi đầu.
Làm gì? Giới trẻ cần thảo luận để nhận ra điều kiện
đem lại hoà bình và thịnh vượng cho đất nước. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được
giải quyết được một phần nào khi có sức mạnh dân tộc mà sự hiểu biết của toàn
dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng là chính và đường lối thực
tiễn là thay đổi hiến pháp dân chủ, nâng cao đạo đức và giáo dục, tăng trưởng
kinh tế, tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo
vệ thiên nhiên. Nhưng sự hợp tác về một chính sách ngoại giao Trung-Việt ổn định
và tương kính là khả thi, khi Việt Nam đủ khả năng chứng tỏ là một người bạn đối
tác đích thực bình đẳng và không phải chỉ bằng ngôn ngữ bóng bẩy như hiện nay.
Với nỗ lực của nhiều thế hệ, chúng ta hy vọng là Việt Nam sẽ đạt được một phần
nào những mục tiêu này.
Việt Nam sẽ đi về đâu? Không ai biết rõ, nhưng chắc
một điều là đất nước dù năng động đến đâu đi nữa, thì Đảng cũng sẽ không còn
phép lạ khi Đảng không tự chuyển hoá. Thế hệ hậu chiến không cần có một lý tưởng
cầu toàn để canh tân đất nước, một ảo tưởng trí thức để thăng hoa bản sắc văn
hoá hay các biện pháp xé rào để cứu Đảng, mà cần nhất là có một ý thức bừng tỉnh
về sự tồn vong của dân tộc.
Đ.K.T.
____
Bài
liên quan:
No comments:
Post a Comment