Thursday, April 9, 2015

Drone dân sự & quân sự (Thanh Dũng)





Thanh Dũng
Saturday, 14 March 2015 10:57

Trong tuần qua, thời sự thế giới vẫn râm ran nhiều vụ phi cơ tự động tiếp tục xuất hiện bí ẩn trên bầu trời đô thành Paris. Từ tháng 10-2014, chánh phủ Pháp Quốc xác nhận đã phát giác 60 chiếc drone bay trên các địa điểm quan yếu như cơ sở hạch tâm, Dinh Tổng Thống Elysee Palace, Bảo Tàng Quân Đội Les Invalides, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, v.v...

Đã xảy ra các màn rượt đuổi của cảnh sát trên đường phố Paris và vùng phụ cận, y như trong xi nê, nhưng đến nay, thẩm quyền an ninh Pháp Quốc vẫn chưa tìm ra tung tích chủ nhân của những chiếc drone này. Cũng không ai thật sự rõ chúng chỉ là những trò đùa dai vô duyên hay là các màn dọ thám nguy hiểm, thậm chí cả khủng bố. Tất cả các chiếc phi cơ tự động này đều nhỏ gọn, có chiếc  nằm gọn trong lòng bàn tay, thiết kế cơ học đơn giản, có cánh quay (hay chong chóng). Nhờ một hệ thống điều khiển điện tử và một dàn cảm ứng điện tử “Electronic Sensor” rất nhạy bén, tối tân, mà chúng giữ thăng bằng, và bay rất giỏi cả trong nhà lẫn lộ thiên. Còn có một loại phi cơ điều khiển từ xa khác có tên gọi Anh ngữ chánh thức là Unmanned Aerial Vehicle. Các chiếc UAV này có cánh cố định (Fixed-Wing), giống như một dạng phản lực cơ mi-ni, và thường chỉ dùng trong quân sự.

Một cuộc tập trận của phi cơ tự động MQ-1B Predator. Ảnh Ethan Miller/Getty Images

Tại Hoa Kỳ từ tháng 11-2013, đã có ít nhất 80 nha cảnh sát các nơi dùng phi cơ tự động. Cảnh sát chánh yếu dùng chúng để quan sát từ trên cao trong các sứ mạng cấp cứu, tìm kiếm, ứng phó với thiên tai, v.v... Theo thẩm quyền về không lưu liên bang Federal Aviation Administration, hay FAA, trong năm 2013, nhân viên công lực Hoa Kỳ đệ nộp 5% trong tổng số phiếu ghi danh sử dụng drone, so sánh với 37% thỉnh cầu từ các học viện nghiên cứu và trường đại học, và 31% đề đạt từ Bộ Quốc Phòng.  

Một trong những nha cảnh sát địa phương dùng phi cơ tự động rộng rãi nhất là San Jose, thành phố lớn thứ ba của tiểu bang California, lâu nay vẫn mang tiếng là lạm dụng và theo dõi cư dân một cách phi pháp. Tuy nhiên, không trang bị drone cũng có thể là bất lợi cho công việc của cảnh sát. Tháng 8-2014, nhân viên bảo vệ an ninh cho một trận banh bầu dục tại trường Đại Học University of Texas at Austin đã một phen hú vía khi có chiếc drone bay lượn nhởn nhơ trên đầu mấy chục ngàn khán giả. Cảnh sát có thể canh phòng mọi ngóc ngách quanh sân banh nhưng cũng phải... bó tay không làm gì được chiếc drone bí hiểm.

Chiếc phi cơ tự động của hãng Dassault Aviation và BAE Systems ra mắt tại triển lãm hàng không Paris Air 2011.

Lần đó, may mắn đã không có gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng mối họa an ninh là có thật. Từ năm 2011, thẩm quyền an ninh Hoa Kỳ, Đức Quốc, Tây Ban Nha “Spain”, và Ai Cập “Egypt” đã phát giác và triệt hạ ít nhất 6 vụ khủng bố lớn toan dùng drone để tấn công. Luật liên bang Hoa Kỳ hiện có quy định cấm bay drone trong vòng bán kính 5 dặm gần bất cứ phi trường nào. Các phi cơ tự động cũng bị cấm chỉ tại nhiều sự kiện thể thao nhà nghề bao gồm các trận banh bầu dục NFL, các trận banh chày MLB, các trận thư hùng thể thao bậc đại học mà vận động trường có trên 30,000 khán giả, v.v...

Ngược dòng thời gian, từ năm 1924, đã có người thử bay drone xa 360 m (390 yd), đạt đến độ cao khoảng 5 m (16 ft 5 in). Kỹ thuật nay đã tiến triển nhiều. Ngày nay, một chiếc phi cơ tự động trung bình, có cánh quạt chong chóng, có thể bay liên tục 15 phút. Với  tốc độ trung bình 25 mph thì nó bay được 6 dặm. Một số chiếc nhỏ hơn còn có thể hoạt động liên tục 30 phút. Một chiếc phi cơ tự động dân sự khá phổ biến là Pocket Drone có thể bay xa cách người điều khiển 5,000 feet (1,500m) và đạt cao độ 11,000 feet (3,352m). Các chiếc phi cơ cánh thẳng (không quay) thì đường bay xa hơn nhiều lần. Nhiều chiếc UAV dân sự có thể bay trên 40km trước khi phải đáo hồi. Về phương diện kỹ thuật thuần túy, các chiếc drone hiện tại có thể bay xa và cao hơn nhiều lần hơn các con số này. Tuy nhiên, người sử dụng chúng phải điều khiển bằng sóng vô tuyến, mà luật pháp hiện hành tại Hoa Kỳ nói chung giới hạn tầm sóng radio trong khoảng 1 dặm, nửa dặm, hoặc thậm chí ít hơn nữa.

Chiếc drone hiệu Parrot này giá bán lẻ chỉ $500.

Việc sử dụng phi cơ tự động (Unmanned Aerial Vehicles hay UAVs) trong quân sự không phải là chuyện mới. Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều quốc gia đã khởi sự chương trình UAV. Đầu năm 1973, trong các phiên điều trần trước Quốc Hội, Quân Lực Hoa Kỳ đã xác nhận có dùng phi cơ điều khiển từ xa trên chiến trường Đông Dương, gồm cả Việt Nam. Nhiều thập niên qua, quân lực Do Thái vẫn dùng drone để giám sát an ninh trên dải Gaza, bờ Tây West Bank, miền Nam Lebanon, cũng như một phần Syria gần Cao Nguyên Golan Heights. Do Thái là nhà xuất cảng phi cơ tự động hàng đầu thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Từ đầu năm 2015, quân lực Úc cũng bắt đầu chương trình huấn luyện sử dụng phi cơ tự động. Bộ Quốc Phòng Úc sắp tới có thể biệt phái quân nhân gia nhập các đơn vị bạn – như của Hoa Kỳ và Anh Quốc – để trau dồi kỹ thuật điều khiển drone. Quân Lực Philippines gần đây cũng đã tỏ vẻ muốn mua các UAV của Hoa Kỳ để trang bị cho Không Lực của họ.

Đến nay, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1 trong lãnh vực phi cơ tự động, không cần phi công. Trung ương tình báo CIA (Central Intelligence Agency) ước lượng có 80 chiếc drone dọ thám tối mật (nhiều người hồ nghi con số thật còn cao hơn nhiều lần). Quân Lực Hoa Kỳ đi trước thế giới nhiều năm về kỹ thuật, thiết kế, lẫn sử dụng các chiếc drone/UAV. Số liệu năm 2012, Không Lực Hoa Kỳ có khoảng 7,500 chiếc UAV. Trong số này có 260 chiếc Predator và 200 chiếc Reaper tối tân bậc nhất. Lục Quân Hoa Kỳ cũng được trang bị 100 chiếc Grey Eagles không kém tinh xảo. Cả 3 chiếc này đều là sản phẩm của hãng General Atomics. Tính trung bình, các phi cơ tự động do Quân Lực Hoa Kỳ dùng có giá $10 triệu đến $15 triệu. Một trong những chiếc UAV khét tiếng hiện nay là Global Observer, lưu hành từ tháng 8-2010. Chiếc phi cơ này có thể bay tự động cả tuần lễ (168 giờ) trên cao độ 65,000ft (19 cây số), đủ sức “thị sát” một vùng rộng 280,000 dặm vuông (trên 725 ngàn cây số vuông), trong khi chở nặng 400 pound (180kg). Trên thực tế, giới nhà binh có thể ngồi tại trung tâm điều khiển ngay tại Hoa Kỳ trong khi bay và không tập các mục tiêu thù địch trên chiến trường Trung Cận Đông. Từ năm 2001, các vụ không tập với drone ước lượng đã hạ sát trên 5,000 địch thù tại Afghanistan, Iraq, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen.   

Một tay chơi drone biểu diễn tại phi trường Davis Airport (Laytonsville, tiểu bang Maryland). Ảnh Bill O’Leary/The Washington Post

Bắt chước Hoa Kỳ, ngoài Do Thái, ngày nay có hằng loạt quốc gia trên khắp thế giới chạy đua nhảy vào kỹ thuật phi cơ tự động. Đến 2013, có ít nhất 50 quốc gia đã sử dụng các “drone” ít hoặc nhiều. Trên thị trường dân sự, nhu cầu mua sắm các chiếc drone cho mục đích giải trí ngày càng nhiều, đặc biệt gia tăng trong mùa lễ. Nhiều tiệm không còn chiếc drone nào khi mùa lễ Giáng Sinh đi qua.  Thành phố San Francisco, tiểu bang California có công viên Dolores Park nổi tiếng lâu nay vì là nơi tụ họp hẹn hò của các tay chơi drone tài tử. Lợi thế của phi cơ tự động là nhỏ gọn, giỏi bay lượn, có thể len lỏi mọi ngóc ngách trên trời mà xưa nay ít người mơ tưởng được. Các nhà sản xuất phi cơ tự động lớn nhất thế giới hiện nay như DJI, 3D Robotics, Parrot... mỗi năm bán ra hằng ngàn chiếc “drone” lớn nhỏ, thu lợi hằng trăm triệu Mỹ kim.

Việc sử dụng drone ngày càng phổ biến nảy sinh nhu cầu kiểm soát để bảo đảm an toàn công cộng. Không ít quốc gia đã mau lẹ soạn thảo luật lệ điều hành phi cơ tự động. Trung tuần tháng 2-2015, thẩm quyền về không lưu liên bang Hoa Kỳ FAA cũng đã ra mắt 1 dự luật nhắm đến hợp pháp hóa việc sử dụng các “drone” trong thương mại. Một khi trở thành đạo luật liên bang, dự trù từ năm 2017, sẽ có hằng ngàn, thậm chí hằng chục ngàn chiếc phi cơ tự động bay lượn trên bầu trời Mỹ quốc. Việc sử dụng phi cơ tự động cho mục đích thương mại hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi hệ trọng cho xã hội và nền kinh tế quốc gia, mở ra những cơ hội đầu tư lớn, có thể khiến thay đổi diện mạo thương trường Hoa Kỳ và cả thế giới. Người ta có thể chỉ đang chứng kiến bước khởi đầu của kỹ nghệ phi cơ tự động dùng trong thương mại.

Phòng điều khiển “drone” tại một nha cảnh sát.

TD

----------------------------
CÙNG CHỦ ĐỀ :








No comments: