Saturday, April 11, 2015

Cầu sao bản đồ Việt Nam ít màu đỏ (Nguyễn Văn Tuấn)





Thursday, April 9, 2015

Đó là ước mong của tác giả Danh Đức trong một bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (1). Số là Ngân hàng Thế giới (WB – World Bank) vừa mới công bố một công trình phân tích về tỉ lệ người nghèo ở VN và họ thể bằng một bản đồ. Tỉnh nào có tỉ lệ cao càng cao thì màu càng … đỏ. Màu đỏ, như chúng ta biết, là màu của sự nguy hiểm, của sự cuồng nhiệt, nhưng cũng màu báo động. Do đó, tỉ lệ nghèo càng cao thì càng báo động. Vậy, câu hỏi đặt ra là ở VN có bao nhiêu người nghèo?

Câu trả lời tuỳ vào bạn tin ai! Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì VN chỉ có 6% hộ nghèo mà thôi (2). Một thông tin khác cho biết tỉ lệ này vào năm 2012 là gần 10% (3). Tức là chỉ trong vòng 3 năm mà tỉ lệ hộ nghèo giảm đến 4%! Một sự phát triển ngoạn mục! Nhưng chúng ta có thể tin vào các con số của các quan chức VN? Câu trả lời có lẽ là "nên cẩn thận", bởi vì tiêu chuẩn về "nghèo" của VN có thể khác với tiêu chuẩn thế giới.

Vậy thì chúng ta phải dựa vào tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như WB chẳng hạn. Trong thực tế, WB đã hợp tác với Tổng cục Thống kê VN, và họ đã đi đến tiêu chuẩn về nghèo như sau: thu nhập hàng tháng (năm 2010) trên đầu người là 653 ngàn đồng hay thấp hơn. Từ đó, họ tính được rằng cả nước VN hiện nay có 16.9 triệu người nghèo. Con số này chiếm 20% tổng dân số của cả nước. Nói cách khác, cứ 5 người thì có 1 người nghèo.

Tỉ lệ nghèo của từng tỉnh (số liệu của WB)

Nhưng tỉ lệ nghèo phân bố không đồng đều giữa các tỉnh. Bản đồ được chụp lại dưới đây cho thấy các tỉnh vùng Tây Bắc là nghèo nhất. Có tỉnh như Lai Châu, có đến 76% người nghèo! Điện Biên cũng có tỉ lệ nghèo rất cao (71%). Một số tỉnh khác như sau:


Lai Châu: Dân số 370 ngàn, tỉ lệ nghèo 76%
Điện Biên: Dân số 491 ngàn, tỉ lệ nghèo 71%
Sơn La: Dân số 1.08 triệu, tỉ lệ nghèo 64%
Hà Giang: Dân số 724 ngàn, tỉ lệ nghèo 71%
Lào Cai: Dân số 613 ngàn, tỉ lệ nghèo 57%
Lạng Sơn: Dân số 731 ngàn, tỉ lệ nghèo 46%
Cao Bằng: Dân số 511 ngàn, tỉ lệ nghèo 53%

Vùng nghèo thứ hai là Tây Nguyên. Ở vùng Tây Nguyên, chỉ riêng tỉnh Kon Tum, có gần 50% người dân được xếp vào nhóm nghèo.

Ngay cả những tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ cũng có khá nhiều người nghèo. Ở tỉnh quê hương của Thủ tướng (Kiên Giang) cứ 4 người thì có 1 người nghèo. Cà Mau thậm chí còn nghèo hơn, với 26% người dân được xem là nghèo. Thật ra, các tỉnh miền Tây đó thậm chí còn nghèo hơn cả các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi (24%), Quảng Bình (23%), Quảng Nam (23%), Thừa Thiên – Huế (19%).

Chỉ có cư dân thành phố là ít nghèo. Đà Nẵng là nơi có ít người nghèo nhất (chỉ 2%). Kế đến là Sài Gòn (3%). Hà Nội thì có 5% người nghèo. Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có 8-10% là nghèo.

Nhìn chung, tỉ lệ nghèo thường có liên quan thuận với tỉ lệ người dân làm nghề nông (Biểu đồ 1), nhưng nghịch với tỉ lệ người lao động có lương (Biểu đồ 2). Biểu đồ cho thấy nông dân vẫn là nhóm người chịu nhiều thiệt thòi. 

Biểu đồ 1: Mối tương quan giữa tỉ lệ nghèo (trục tung) và tỉ lệ dân số làm nghề nông cho từng tỉnh. Biểu đồ cho thấy tỉnh nào có tỉ lệ làm nghề nông càng cao thì tỉ lệ dân nghèo cũng càng cao. 

Biểu đồ 2: Mối tương quan giữa tỉ lệ nghèo (trục tung) và tỉ lệ dân số lao động có lương (wage earners) cho từng tỉnh. Biểu đồ cho thấy tỉnh nào có tỉ lệ lao động ăn lương càng cao thì tỉ lệ dân nghèo cũng càng thấp. 

Nói chung, nhìn bản đồ thì thấy màu đỏ lan tràn từ các tỉnh phía Bắc, dần dần xuống phía Nam, tô đậm ở vùng Tây Nguyên, rồi nhạt dần đến vùng miền cực Tây Nam Bộ thì màu đỏ lại nổi lên như là một dấu "finale". Do đó, cũng như tác giả Danh Đức, chúng ta hi vọng rằng màu đỏ của bản đồ Việt Nam sẽ được thay bằng một màu xanh của hi vọng trong tương lai.

Nhưng hiện nay, bản đồ này nhắc nhở chúng ta rằng VN vẫn còn là một nước rất nghèo. Những con số GDP đầu người gần 2000 USD chỉ là con số trung bình. Chúng ta đừng quên rằng hiện nay có gần 17 triệu người với thu nhập chưa đầy 35 USD / tháng. Xin nhắc lại: 17 triệu người nghèo. Tôi đề nghị dán cái bản đồ này ở mỗi văn phòng của Chính phủ và mỗi quan chức cấp Bộ để nhắc nhở họ trong chi tiêu, ăn xài.

====












No comments: