Saturday, April 11, 2015

Bốn mươi năm và “Gì cũng cười” (VietTuSaiGon)





Sat, 04/11/2015 - 07:34 — VietTuSaiGon

Có một điểm rất đặc biệt, người Việt Nam, kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 về sau, đặc biệt là sau này, có thể nói là đa phần dân số có chung một đặc điểm: Dễ cười! Vui cũng cười, buồn cũng cười, ngã đau cũng cười, bị người ta mắng cũng cố mà nhoẻn miệng cười, thấy người ta ngã đau cũng cười, thấy người khác bị sỉ nhục cũng cười… Nói chung là cười. Không biết có phải dựa trên đặc điểm này mà có tổ chức nghiên cứu chỉ số hạnh phúc từng công bố Việt Nam hạnh phúc nhì thế giới?!

Và cũng có một điểm khá đặc biệt là người Việt Nam rất ưa các sự kiện xuất hiện của các ngôi sao bóng đá và ưa nghe Nick Vujicic. Những người này hoặc sang Việt Nam để nói chuyện, để quảng cáo một thương hiệu nào đó hoặc sang để thuyết giảng về kinh tế, về lẽ sống, nghị lực sống và giá trị làm người. Và người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ trực thuộc đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rất hâm mộ anh này. Mỗi khi anh ta xuất hiện, đăng đàng thì ít chi cũng hơn 80% người tham dự là thanh niên đoàn.

Thử giải mã, tại sao người Việt Nam lại ưa cười? Và cười có phải là biểu hiện của hạnh phúc? Đương nhiên, cười là biểu hiện của tâm lý an nhiên, hạnh phúc và viên mãn. Nhưng không phải lúc nào cười cũng cho thấy điều đó. Nếu không dưng ngồi mà bật cười thì người bị yếu thần kinh; Bị người ta đánh mà vẫn cười thì hoặc là thánh nhân hoặc là kẻ không có lòng tự trọng, nếu thấy người khác bị sỉ nhục mà nhoẻn miệng cười thì rõ là người không có lương tri, nếu bị người ta sỉ nhục mà vẫn cười thì hoặc là câm điếc hoặc là không còn biết tư duy, thấy người ta ngã đau mà cười được thì không còn tính người… Chẳng lẽ người Việt Nam lại tệ hại đến thế?

Có lẽ là không. Nhưng cái thói quen nhoẻn miệng cười để mua lấy sự an toàn trong suốt bốn mươi năm bị cấm cửa mọi ngóc ngách, từ chỗ xếp hàng chầu chực miếng ăn cho đến đội trên đạp dưới để được việc, thậm chí bị cấp trên sờ mó, xoa đầu vẫn cắn răng mà cười để giữ chỗ bổng lộc, cấp dưới bợ đỡ cấp trên, cấp trên lại bợ đỡ cấp trung ương, cấp trung ương lại bợ đỡ một trung ương đàn anh khác… Cứ thế, người ta nhoẻn miệng cười với nhau như đang rất hạnh phúc, như đang vô cùng mãn nguyện trước thực tại mặc dầu có đôi lúc người ta không hề biết mình đang nhoẻn miệng. Cái nhoẻn miệng trở thành một loại phản xạ có điều kiện trong xã hội Việt Nam. Nếu không nhoẻn miệng, người ta sẽ chửi bới nhau, đập nhau, thậm chí giết nhau.

Gần đây nhất, chặt hạ một loạt cây xanh của thành phố Hà Nội, khi dân phản đối, các quan chức cũng nhoẻn miệng cười trước khi phát biểu. Kể cũng lạ, trong một xã hội mà hoặc là nhoẻn miệng cười, hoặc là sẽ đập nhau, thù hận nhau. Hai trạng thái này xuyên suốt nhiều thế hệ, chi phối cả một đất nước rộng lớn thì chuyện không còn bình thường được nữa rồi!
Cái không bình thường cũng thể hiện rất rõ. Trong các sự kiện, người ta thường nghĩ đến những ngôi sao bóng đá đầu tiên. Và nhà nước sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn chiếc mô tô phân khối lớn cùng vài ngàn cảnh sát giao thông để đi dẹp đường, tạo khoảng trống cho các đám thanh niên nam nữ loi choi reo hò cổ động bóng đá mỗi khi đội Việt Nam xuất hiện trên cầu trường khu vực. Nhưng nhà nước chưa bao giờ chấp nhận để một đám đông căng biểu ngữ chống bành trướng, bảo vệ biển đảo. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân, động lực để trò cá độ bóng đá, đề đóm ở Việt Nam thành một cái nghề ăn nên làm ra. Thanh niên siêng theo dõi bóng đá, siêng cá độ và siêng hưởng thụ, đánh nhau nhưng lại chưa bao giờ hoặc rất lười suy nghĩ về quốc gia, dân tộc hay chí ít cũng là xã hội chung quanh mình.

Và tại sao chỉ mỗi Nick Vujicic sang Việt Nam nói chuyện vượt khó, vượt bệnh tật và cách làm người lại được lăng xê hết mức? Tại sao các doanh nhân Việt Nam cũng tổ chức một diễn đàn cho anh này diễn thuyết về sức mạnh của người làm kinh tế? Đương nhiên, khi đưa ra những ý kiến này, tôi ngầm xin lỗi anh Nick bởi tôi không có ý nói rằng anh là người dị tật không đủ chuẩn để thuyết giảng chuyện làm kinh tế cho những doanh nhân Việt. Tôi chỉ lấy làm lạ là tại sao người ta không mời những nhà cựu lãnh đạo, như ông Bill Clinton, các cựu Thủ tướng Nhật Bản hoặc cựu Thủ tướng Singapore chẳng hạn mà phải mời anh Nick?

Phải chăng nền kinh tế Việt Nam, doanh nhân Việt Nam cũng đang trong tình trạng tàn tật, muốn được thoát ra bằng cách này hay cách khác thông qua bài giảng của anh Nick? Và đây cũng là một loại tâm lý mặc cảm, không bao giờ dám đối mặc với những người tiến bộ hơn mình mà chỉ lấy những biểu tượng có tính khuyết tật nào đó nhằm tôn vinh cái lành lặn của mình?! Nói nghiêm túc, đó cũng là một loại bệnh hoạn, người ta tự giam mình vào nỗi mặc cảm, sự qua loa và lép vế, nhược tiểu. Đó là một loại nhà tù của linh hồn, của trí đức.

Có thể nói rằng, sau bốn mươi năm được gọi là “giải phóng”, gia tài lớn nhất của đại đa số người Việt là sự mặc cảm và tâm lý nhược tiểu, là tù đày từ linh hồn tới thể xác. Một linh hồn yếu nhược, thấp cổ bé miệng, một thể xác không được coi trọng trong chế độ công an trị cùng với hàng loạt các loại qui định áp đặt và hà khắc, một nền văn hóa, kinh tế mà ở đó, kẻ có quyền sẽ có tiền và có tiền sẽ có văn hóa và cuối cùng, văn hóa Trung Hoa vẫn bao trùm mọi ngóc ngách Việt Nam. Thử hỏi, có bao giờ miền Nam Việt Nam được giải phóng? Và giải phóng cái gì?

Không lẽ bảo rằng miền Nam Việt Nam, Sài Gòn được đảng Cộng sản Việt Nam giải phóng khỏi một thể chế dân chủ, giải phóng khỏi một nền văn hóa phương Nam, giải phóng khỏi cái nơi giàu có, con người hành xứ với nhau có văn hóa để được sống trong một chính thể độc tài và sự lưu manh ngày càng hiện rõ trong từng gương mặt, từng cái nhoẻn miệng cười của giới quan chức nhà nước, để nhân dân được sống như thú vật?! Vậy là giải phóng ư?!









No comments: