Monday, January 16, 2012

VỢ ÔNG ĐOÀN VĂN VƯƠN : GIA ĐÌNH TÔI NĂM NAY KHÔNG CÓ TẾT! (Thụy My, RFI)



Thụy My  -  RFI
Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012

Gần đây dư luận hết sức xôn xao về vụ chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động một lực lượng đông đảo công an và quân đội cưỡng chế khu đầm đã cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn thuê từ năm 1993, và đã bị phản kháng bằng mìn tự tạo và súng hoa cải, làm cho bốn công an và hai bộ đội bị thương. Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án « giết người và chống người thi hành công vụ ».

Đây là lần đầu tiên người dân dám đứng lên đương đầu một cách mạnh mẽ như thế với lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Vụ này đang gây nhiều tranh luận, đặt lại các vấn đề quan trọng từ Luật đất đai cho đến Hiến pháp, mà hiện nay một số chính quyền địa phương cấp huyện, xã đang tùy tiện ứng xử với quyền hành quá lớn trong tay, gây oan ức cho nhiều người nông dân bị mất đất.

Riêng vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, thật ra ban đầu huyện chỉ giao 21 hecta đất bãi bồi ven biển. Sau đó với kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp và với quyết tâm, ông đã lấn ra biển thêm được 19,3 hecta, rồi được hợp thức hóa bằng cách giao đất bổ sung. Không chỉ đổ mồ hôi nước mắt, tiền bạc vay mượn, ông Vươn còn bị mất đi một đứa con và một người cháu tại đây. Thế nhưng chưa hết thời hạn hợp đồng, chủ tịch huyện đã ra quyết định cưỡng chế để giao lại cho người khác mà không hề bồi thường, và ngôi nhà của ông Quý dù không nằm trong phần đất bị thu hồi cũng đã bị san bằng. Hiện ông Vươn và người em là Đoàn Văn Quý - người đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế - đang bị giam giữ và bị truy tố, cùng với hai người khác trong gia đình.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn đã bày tỏ sự bức xúc.

Nghe (13:21)  :  Bà Nguyễn Thị Thương - Việt Nam

RFI : Kính chào bà Thương. Thưa bà, tình hình gia đình hiện giờ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Hiện tại gia đình em lúc này thật sự là khó khăn, bởi vì hai chị em em và các cháu không có chỗ ở, vẫn đang ở nhờ nhà thím vì nhà cửa người ta đã phá nát và đốt hết rồi ạ.

RFI : Bà có tin tức gì của ông Vươn không ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Đến bây giờ gia đình em hiện có bốn người ở trong trại giam Trần Phú nhưng mà không liên lạc được, và cũng không biết tin tức như thế nào, bởi vì họ không cho gặp.

RFI : Còn sự việc hôm đó diễn ra như thế nào thưa bà ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Gia đình em nhận được cái quyết định cưỡng chế, và gia đình em đã nỗ lực làm đơn, đi kêu gọi tất cả các ban ngành từ cấp trung ương đến cấp địa phương nhưng đều không được trả lời. Và đến ngày 5/1 là cái ngày định mệnh đã xảy ra, do nhà em bức bách quá và cũng là bộc phát thôi. Chúng em từ trước đến giờ vẫn là người làm ăn chân chính, không có tiền án tiền sự và cũng không có một cái gì gọi là vướng mắc đối với bà con chung quanh cả.
Bởi vì nhà em làm cái đầm này rất là vất vả. Từ trước đến giờ đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi, xương máu và cả con người nữa. Cả con cả cháu em đều mất ở cái đầm này, và cũng trả giá rất là nhiều. Đến bây giờ thì nhà em đã vay mượn, sau gần chục năm thì mới hoàn thiện được cái đầm, và đến bây giờ đã bắt đầu được thu hoa lợi để trả công trả nợ. Năm năm nay thì nhà em cũng trả nợ được hai phần ba rồi, nhưng hiện tại vẫn còn nợ khoảng hơn ba tỉ nữa.
Huyện đã cưỡng chế và không bồi thường cho gia đình em một thứ gì cả, mà quyết định thu trắng ! Cũng vì bức xúc, nên gia đình em nghĩ là, dù gì cũng chết. Nếu như mà huyện không cho mình con đường sống, thì không biết mình sống thế nào. Cũng vì bị ép, dồn tới chân tường mà gia đình em đã làm những việc như thế này.
Hôm ấy thì chị em em cái vùng cưỡng chế thì người ta đã khoanh vùng, chúng em không xuống được nhà mình. Tối hôm ấy chúng em đã di dời hết toàn bộ phụ nữ và trẻ em vào trong làng để ở nhờ. Ngay sau đó thì cánh đàn ông nhà em chắc là họ không cam tâm, nên là họ không chịu di dời.
Bảy rưỡi đoàn cưỡng chế sẽ bắt đầu xuống, nhưng mà chưa đến sáu giờ thì họ đã đưa đoàn cưỡng chế xuống đầm nhà em rồi. Khi chúng em chạy lên đê nhìn xuống thì khoảng một lúc sau, khi mà cuộc chạm súng đã xảy ra thì khoảng tầm mười một giờ, họ đã bắt mấy chị em em, và cả anh trai lớn của em ở ngay trên đê.
Cũng không biết là họ bắt vì lý do gì, mà bây giờ họ cứ ghép cho chúng em cái tội là chồng em biết thì chúng em cũng phải biết. Và họ cứ quy trách nhiệm cho chúng em là tham gia vào mưu đồ chống lại người thi hành công vụ. Nhưng thật ra chúng em chỉ là phụ nữ, không biết cái gì cả, mà có chuyện gì thì cánh đàn ông nhà em cũng không cho phụ nữ và trẻ em biết. Cho nên chúng em cũng không được biết bất cứ một cái thông tin gì, chỉ thấy xót xa, đứng trên đê để nhìn xuống thôi, mà họ cũng bắt ! Và ngay cháu đang học lớp 11 cũng bị bắt.
Khi họ bắt chúng em thì họ đối xử rất là tàn tệ. Họ dùng dùi cui điện và gậy sắt họ đánh rất là đau. Và khi lên chỗ công an thành phố thì họ cũng lấy lời khai và cũng đánh. Đánh đến nỗi mà mình không nhận rồi cũng phải nhận, không có cũng phải nhận, đến lúc nhận họ mới thôi. Họ lấy dùi cui họ thúc vào bụng em rất là đau, lúc ấy là em không đi được nữa và cũng không nói được cái gì nữa. Em nghĩ lúc ấy nếu em mà có thai thì chắc là sẽ không giữ nổi, vì họ đánh rất đau.
Đến bây giờ em được tại ngoại rồi nhưng vẫn phải dùng thuốc, và mọi người cứ động viên em đi khám bệnh, nhưng mà bây giờ bọn em cả sức khỏe lẫn tinh thần đều bị tổn thương và chỉ ở nhà thôi, chẳng đi đâu cả.

RFI : Còn tài sản của gia đình ở trong nhà cũng bị mất mát phải không thưa bà ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Vâng ạ. Bởi vì chúng em không nghĩ là chính quyền của cái huyện Tiên Lãng này lại ra tay độc ác đến như vậy ! Chúng em nghĩ cái quyết định cưỡng chế này thì cũng không đến mức nào, vì cái quyết định ấy rất là sai trái và họ sẽ không làm. Vì vậy mà bọn em vẫn tin là sẽ quay lại đầm nhà em và tiếp quản tiếp. Thế nên bọn em không có di dời bất cứ một cái tài sản gì cả.
Sau cái buổi chiều hôm ấy, khi mà gia đình em đã vừa bị bắt vừa di tản hết, thì họ đã cho ngay lực lượng khác xuống để tiếp quản đầm nhà em. Và toàn bộ những ngôi nhà, những trang trại mà em xây dựng trên đất của gia đình em, thì họ phá hủy nốt hết. Cả những bàn thờ - bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thiên Chúa đều bị họ phá hủy hết. Ảnh của gia đình em thì trôi nổi trên sông, những người dân đi biển họ còn vớt họ mang về cho gia đình em.

RFI : Hàng xóm chung quanh có thái độ như thế nào, có giúp đđược gì không ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Hiện tại nhà em đang sống nhờ nhà thím ở đông Tiên Lãng em út nhà em. Bà con hàng xóm, anh em họ hàng và bạn bè nữa, cũng giúp đỡ bọn em rất là nhiều. Trong những lúc khó khăn như thế này, người thì quyên tiền, người gạo thóc rồi quần áoHọ rất là quan tâm, đồng tình ủng hộ.
Việc nhà em làm là trái pháp luật, nhưng tại sao gia đình em biết là sai mà vẫn làm, và nhà em xác định rằng có thể là mình phải trả giá, có thể mình cũng phải đổi mạng sống của mình nhưng vẫn phải làmTất cả tài sản của gia đình em nó như thế, mà bây giờ công nợ vẫn còn rất nhiều. Nếu gia đình em không làm thế thì chắc chắn là họ sẽ cướp trắng của gia đình em. Không chỉ gia đình em mà còn rất nhiều những hộ dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng này nữa.

RFI : Hồi ông Vươn quyết định đầu tư cải tạo cái đầm này có lẽ rất nhiều khó khăn, bản thân bà chắc cũng lo lắng ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Dạ, rất nhiều nỗi lo, vì anh ấy quyết định ra đấy làm là ra chỗ đầu sóng ngọn gió. Cũng rất nhiều người gàn nhưng mà anh ấy nói là anh ấy sẽ làm được, và cuối cùng đúng là anh đã làm được. Và khi mà nhà em làm được cái đầm ấy thì bà con ở cái xứ này cũng bớt khổ. Họ bảo là trước đây khi mà mỗi mùa nước to lên, nước lũ đấy ạ, là tất cả bà con dân làng đều phải sơ tán hết. Đến bây giờ nhà em đã đắp cái đầm ấy lên thì họ nói họ rất là cám ơn. Sau cái vụ đụng độ vừa rồi, họ còn nói nếu sau này anh Vươn có chết ở tại cái đầm này thì chúng tôi sẽ làm miếu thờ anh ấy ở đây.
…Sau cái đợt đấy em thấy anh ấy quyết tâm như vậy thì em cũng rất là ủng hộ. Không những bản thân em là vợ, mà tất cả những người thân, họ hàng đều ủng hộ anh ấy. Nhưng mà bao nhiêu cái cố gắng, nỗ lực của anh với của cả gia đình em, đến bây giờ không được ghi công mà người ta lại có mưu đồ cướp trắng.
Người ta bảo gia đình em không có công lao gì, hết hạn thì họ lấy mà không bồi thường một cái gì. Trong khi đó mình lật từ mặt đất mà điNgày xưa cái hòn đất sáng nhà em đắp lên thì tối nó đã xóa mất bởi vì sóng nó to như thế. Bây giờ họ phủ nhận hết công lao của anh ấy, họ ra cái quyết định cưỡng chế, thu trắng không bồi thường. Em nghĩ là không chỉ gia đình em mà bất k ai cũng sẽ có phản kháng như vậy.

RFI : Từ hôm đó đến giờ báo chí có tiếp xúc với bà chưa, và bà có biết được dư luận xung quanh vụ này không ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Từ khi xảy ra vụ việc thì nhà em được báo chí truyền thông rồi các cơ quan ban ngành đều hướng về gia đình nhà em. Họ động viên và tìm mọi cách để giải cứu, rồi những lời kêu gọivà bây giờ có những hội luật sư đã đề nghị về bào chữa miễn phí cho nhà em trong vùng này. Nên bước đầu em cũng thấy được an ủi rất là nhiều, vì mọi người đã không quay lưng lại với gia đình nhà em.

RFI : Có các luật sư cũng đã bức xúc lên tiếng về việc hủy hoại tài sản của gia đình bà, như vậy gia đình có định khởi kiện không ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Dạ có ạ. Cái đấy chắc chắn sẽ có bởi vì em nghĩ là họ làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Mới đầu họ chỉ ghi trong văn bản là cưỡng chế 19,3 hecta, trong khi đấy gia đình em tổng là 40,3 hecta, còn lại 21 hecta vẫn thuộc quyền của gia đình em. Ngôi nhà kiên cố mà em xây trên đấy vẫn nằm trong diện tích 21 hecta, mà họ đã phá hủy hoàn toàn. Không những phá hủy mà còn đốtEm nghĩ rất là đau lòng như thế, thì tất nhiên là chúng em sẽ khởi kiện.

RFI : Chính quyền địa phương có tiếp xúc với gia đình không, và bà có về được khu nhà cũ không ?
Bà Nguyễn Thị Thương:   Cách đây hai hôm em có ra để anh em hiệp vào, bà con có đề nghị ra dựng lại cho em cái lều để mẹ con em ăn Tết, và cũng thu lợi từ những gì còn lại ở cái mảnh đầm đấy để sống qua ngày và lo mọi việc cho các anh em, chồng con ở trong nhà lao.
Thế nhưng mà khi bọn em xuống thì có một số công an viên của xã và cả một số xã hội đen nữa, họ không cho chúng em xuống. Họ cứ trả lời tất cả bây giờ là phải xuống ủy ban nhân dân xã để giải quyết, và xin chữ ký.
Thế thì em cầm đơn xuống ủy ban đề nghị là cho anh em bạn bè chúng tôi xuống giúp đđể dựng lại cho chị em tôi và các cháu một cái lều để sống qua ngày và được đón Tết ở cái mảnh đất nhà tôi. Thế nhưng họ nói là đây không thuộc trách nhiệm của họ, để họ còn hỏi ý kiến cấp trên. Tức là ông em là chủ tịch xã còn hỏi anh ông ấy là chủ tịch huyện xem là sẽ giải quyết thế nào.
Và em chỉ hỏi một câu, thế bây giờ chính quyền có công nhận 21 hecta đấy vẫn còn thuộc quyền sở hữu của chúng tôi hay không. Thì ông chủ tịch có nói: huyện chỉ giao cho xã 19,3 hecta, còn lại 21 hecta thì tôi nghĩ là vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình.
Thế nhưng mà trong khi đấy em đề nghị là được xuống mảnh đất của nhà mình còn lại, nhưng họ vẫn không đồng ý. Thì em cũng không hiểu lý do gì ạ. Em đã làm đơn tố giác lên cả Phòng tiếp dân của Văn phòng Chính phủ. Chưa biết Nhà nước Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào, để tìm lại sự công bằng cho chúng em. Đến bây giờ chúng em còn đang rất là hoang mang.

RFI : Bây giờ sắp Tết rồi thì gia đình có chuẩn bị được gì chưa ạ?
Bà Nguyễn Thị Thương:  Bọn em nghĩ là bây giờ thì bọn em với cháu chắc chắn sẽ không bao giờ có Tết năm nay nữa ạ ! Tại vì nhiều việc nó lu bu, em không biết như thế nào nữa. Bây giờ chỉ cầu mong là mọi người được sức khỏe, đừng có việc gì xảy ra nữa. Còn tất cả những việc khác là còn chờ sự phân giải của Nhà nước, không biết là họ có tìm lại sự công bằng cho gia đình em hay không.

RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn bà Nguyễn Thị Thương đã vui lòng trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.
.
.
.

No comments: