Monday, January 9, 2012

VỀ VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ CỦA NGƯỜI DÂN TỘC (Quỳnh Chi, RFA)



Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-01-09

Quỳnh Chi mời quý vị nghe câu chuyện về những người dân tộc nghèo ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum sau sáu năm đến đây tái định cư vì nhường đất cho công trình thủy điện Plei Krông.

Nhà tái định cư ở xã Hơ Moong, Sa Thầy.   Photo courtesy of xahoi.com.vn

Trẻ em thất học

Xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là một trong những vùng đồi núi không lẫn được với bất kỳ một vùng nào khác. Dọc hai bên đường đi là những dãy nhà cấp bốn xây bằng xi măng thẳng tắp như một khu đô thị mới. Dưới sân, các em bé đen đủi cười nhe răng chạy tung tăng theo quả bóng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe gắn máy chạy vụt qua như con chim sắt, làm bụi bay cả một khúc đường.

Năm năm trước, ở nơi đây là khoảng đồi trống quanh năm cỏ phủ đầy với các bụi cây mọc dại. Nhà cửa thì lưa thưa vài ba căn dựng bằng cây. Nền đất, mái lá thấp xập xệ. Nhìn thấy sự đổi mới này, khó ai không tin là cuộc sống người dân tộc nơi đây đã thay đổi theo hướng tích cực. Đặc biệt, sau khi nghe một người dân tộc, A Miễu, khoe sự hiểu biết của mình về một nơi cách xa nửa vòng trái đất, người ta càng tin vào suy nghĩ của mình:
“Tôi biết Mỹ chứ. Mỹ là Hoa Kỳ, có Washington và California. Tôi có nghe nói. Một số gia đình ở đây cũng có TV coi”.

Tuy nhiên, chỉ cần trò chuyện vài câu nữa, mới thấy mình đã lầm. Những dãy nhà gạch, những ngôi trường mới, những giếng bơm nước, những bồn chứa nước, những chiếc xe máy... nơi đây có thể lừa gạt bất cứ ai hời hợt tin vào phán đoán của mình.

Cha Hường, cha xứ của làng Cờ Tu, xã Hơ Moong cho biết:
“Nhà nước có xây một khu nhà giống nhau, đẹp lắm. Ai lên đây cũng nói làng này giàu lắm, nhưng mà vào trong nhà thì chẳng có của cải gì cả. Nhà xây bằng xi măng có lót gạch bông và mái tôn. Ở đây ai cũng khổ cả. Khi nhà nước làm cái thủy điện Plei Krong thì dân di dời lên đây cả. Đất đai ở đây thì xấu, khô cằn nên làm ăn vất vả lắm. Làm ăn mà thấy càng ngày càng đói”.

Đến Hơ Moong, sẽ thấy những lớp học tuy không thể gọi là khang trang nhưng cũng mái tôn, tường gạch. Nhưng tìm mãi cũng chẳng mấy khi thấy được học sinh.
Cha Hường ngán ngẩm cho biết:
"Nhà nước thì năm nào cũng xây trường hết nhưng học sinh thì không có. Các em nội trú thì tôi nhắc các em đi học dễ dàng hơn nhưng các em nào ở nhà thì rất khó thuyết phục các em đi học. Ơ ̉ nhà thì nhiều khi nó đi mót cà phê, đi kiếm mì, kiếm măng nên bỏ học”.

Xã Hơ Moong có năm làng: làng Cờ Tu, Đắk Wớt, Ka Tol, Dak Yo, Kơ Đay với khoảng 6 ngàn dân và gần 1000 hộ gia đình. Trong đó, bốn làng là người dân tộc Rơ Ngao và một làng là người dân tộc Gia rai. Và hầu như tất cả đều nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.

Vào năm 2006, khi thủy điện Plei Krông có quy mô lớn nhất của Tây Nguyên bắt đầu phát điện thì cũng là lúc những người dân nơi đây phải rời con sông Krông PôKô vào tái định cư tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, là khu vực đồi núi cao. Cũng từ đó, chuyện về họ thay đổi.
A Miễu cho biết:
“Ở ̉ làng cũ làm ăn được hơn làng mới. Vì đất đai ở đó tốt mà nhiều, mình phát chỗ nào cũng được. Còn ở làng mới này nhà nước chỉ cấp một chỗ nên không biết chỗ nào mà làm. Đất đai thì ngày càng xấu. Nên làm ăn khó khăn lắm. Hồi ở làng trước thì đất tốt, có thể trồng cà phê hay trồng mía nên cuộc sống đỡ hơn”.

Đất cao và khô mà hệ thống nước tưới tiêu lại kém. Chỉ sau một thời gian ngắn, các ống dẫn nước từ rừng về đều bị tắt. Bây giờ trừ một số hộ có giếng, sau sáu năm “ở nhà phố”, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn mang bầu đi lấy nước ngoài suối.
Cha Hường giải thích:
“Ở ̉đây thì khô cằn nhưng nhà nước vừa làm hệ thống nước để lấy nước từ trên rừng về. Nhưng mà một số bồn nước ở một số làng thì bị tắt hết rồi. Có lẽ là do làm dối, đào cạn cho nên xe chạy qua và làm bể ống nước”.

Cái nghèo đeo bám

Trẻ em tại khu dân cư tập trung tại xã Hơ Moong, nơi được gọi là “Ở phố- làm nông”. Photo courtesy of kontum.gov.vn

Bà con dân tộc ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng khoai mì. Nhưng năm nay không có củ nhiều lại nhỏ. Có lúc lại mưa nhiều. Năm trước thì bão lụt. Đất thì càng ngày càng xấu mà người dân tộc cũng chẳng biết làm gì để cải thiện. Họ chỉ quen làm theo tự nhiên.

Cha Hường nói thêm:
“Họ không kiên nhẫn, cũng không chịu khó và chỉ nhìn thấy những gì trước mắt. Ví dụ, tôi bàn họ trồng thêm cao su để 7¬¬- 8 năm sau thu hoạch nhưng họ lại than không có vốn và cho rằng lâu như thế mới thu hoạch thì chưa kịp có ăn thì đã chết rồi. Họ không nghĩ xa như vậy được nên chỉ trồng mì, trồng đậu...qua năm thôi”.

Tất cả việc thu mua nông phẩm nơi đây đều do người Kinh nắm giữ vì người dân tộc không thể buôn bán được. Vì không lạnh lẹ, nên khi đi xuống miền xuôi lấy hàng, họ bị bán với giá cao và về làng phải bán với giá cao nên không có người mua. Vả lại, người dân làng này nghèo nên hay mua thiếu mà vì “tình nghĩa đồng bào” nên chủ quán cũng không thể đòi được. Chính vì thế mà cũng đã có vài quán tạp hoá người dân tộc mộc lên rồi mất sạch vốn chỉ sau vài tháng.

Ngoài việc trồng khoai mì, một số gia đình tranh thủ vào rừng hái măng đổi gạo hoặc tìm đót bán cho người thu mua về miền xuôi làm chổi. Cũng có người sống tạm bợ bằng việc hái cà phê tại những rẫy cà phê của người Kinh cách đó 7 cây số. Vài gia đình trở lại con sông Krông PôKô, nơi họ từng sinh sống cách đây sáu năm để kiếm con cá, con tôm; và một vài thanh niên cũng đi tìm việc tại các công ty ở tỉnh Đồng Nai nhưng không được bao lâu thì họ lại trở về vì “nhớ đồng bào lắm”.
A Miễu cho biết:
“Người dân tộc thì khác. Người Kinh mà không làm ăn được thì họ bỏ đi. Còn người dân tộc thì bà con họ ở đâu thì họ ở đó. Cho nên chỉ làm thuê cho người Kinh thôi”.

Dọc hai bên đường vào xã Hơ Moong, là các quán tạp hóa của người Kinh để bán các thứ nhu yếu phẩm và thực phẩm cần thiết. Ngoài ra, những tiệm tạp hóa này còn kiêm luôn vai trò “chủ vựa” và “chủ nợ”:
Cha Hường nói:
 “Bây giờ có nhiều người Kinh vào đây buôn bán. Họ thu mua khoai mì, bán hàng tạp hóa. Người dân tộc thường đồi hàng hóa ở các tiệm tạp hóa này, mượn tiền cũng tại đây. Đôi lúc phải mượn tiền người ta ăn trước có nghĩa là chưa thu họach mì mà đã đong gạo ăn trước. Rồi khi đến mùa mì thì người ta mang xe đến lấy mì nên cũng không có tiền. Cho nên lại mượn nợ ăn trước. Xe cộ cũng vậy, cũng đổi lấy gạo tại những quán ấy”.

Từ số tiền đền bù khi di dời, một số hộ người dân tộc nơi đây cũng sắm được xe máy, thường là xe Trung Quốc, để đi rẫy. Chiếc xe là tài sản quý nhất trong nhà và cũng là cái cứu nguy khi trong nhà không còn thóc.
A Miễu nói:
“Nhiều gia đình khi không có tiền mua gạo thì phải bán xe. Tùy theo xe. Có xe mua 10 triệu thì bán 4-5 triệu. Xe cũ thì bán 2¬- 3 triệu. Đói nên phải vay nợ chứ không thì làm sao có ăn. Trong làng ai cũng vay người kinh hết, chứ những người trong làng làm gì có tiền mà cho vay? Ví dụ mình vay một triệu thì đến năm sau trả triệu rưỡi hay triệu sáu”.

Những chiếc xe Trung Quốc nếu cũ quá chỉ đổi được hai bao gạo, mỗi bao trị giá sáu trăm ngàn. Ơ ̉ đây, nhà nào có khả năng thì ăn ngày hai bữa lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều; còn nhà không có khả năng thì chỉ ăn một nữa chính, bữa còn lại là tạm bợ.

Gia đình nào có 10 miệng ăn thì chỉ một tháng là “đi tong” bao gạo. Rồi cả gia đình lại địu nhau lên nương mót măng, đào khoai mì.

Đất đai cằn cỗi

Xã Hơ Moong được mệnh danh là nơi “ở phố - làm nông” ý muốn chỉ sự “lỡ chợ - lỡ quê” nơi vùng đất mới. Thanh niên Hơ Moong hầu như ai cũng có điện thoại di động nhưng không ai có tiền nạp thẻ. Điện thoại đối với họ là một cái máy nghe nhạc khi phát rẫy trên nương.

Những người dân khu tái định cư Hơ Moong với phần đất canh tác của họ. Photo courtesy of xahoi.com.vn

Cha Hường cho biết, những buổi đi rẫy đào khoai, những buổi tối đến nhà người Kinh xem TV chung cũng thường xuyên tạo ra những mối tình nam nữ miền cao. Nhưng vì nghèo quá, nhiều người đành chọn cách góp gạo thổi cơm chung mà đến mấy năm sau mới “đập” một con heo đãi làng – như một cách đi ngược lại truyền thống.

Tệ hại hơn, sự khó khăn của vùng đất mới đã tạo ra những thanh niên không việc làm và tìm đến rượu như một cách giết thời gian. Trong các quán tạp hoá người Kinh trong làng, không khó để thấy các thanh niên dân tộc ngồi uống rượu.

Mang điều này hỏi A Miễu, anh vừa cười bối rối, vừa giải thích, “chẳng phải đồng bào thích uống rượu đâu nhưng buồn quá, một số hộ còn không có đất để làm”. A Miễu còn cho biết, trước khi đi dời đến đây, gia đình anh có một hecta đất ở làng cũ và được đền bù khoảng 3 triệu đồng (?) và được cấp một hecta đất để canh tác tại vùng tại định cư.

Cầm cuốc xắn xuống đâu cũng gặp sỏi đá khiến người đàn ông này chỉ biết kêu trời. Nhưng A Miễu còn may mắn hơn hàng trăm hộ gia đình khác. Đó là hơn hai trăm hộ mới tách không có đất, gần một trăm hộ chưa nhận đất vì đất xấu, những hộ gần 10 miệng ăn mà chỉ có 400 mét vuông đất và khoảng 30 hộ chưa nhận tiền bồi thường (vì không thoả đáng).
A Miễu nhăn mặt tâm sự:
“Đời sống bà con vất vả lắm. Lên làng mới này đất đai không có. Bây giờ còn khoảng 100 hộ còn thiếu đất canh tác. Những hộ khác thì mỗi hộ được một hecta đất. Có người chỉ có 6 hoặc 7 sào thôi. Bây giờ cái mà người dân tộc muốn nhất là đất đai để làm ăn. Không có đất đai thì làm sao có tiền ăn gạo?”

Người dân tộc suy nghĩ đơn giản và gắn bó với thiên nhiên, nếu tách họ khỏi hai yếu tố ấy, sẽ khó trả lời họ tồn tại như thế nào. Đã có những câu chuyện về việc phá sông, đốn rừng làm thủy điện thì đây là một câu chuyện về những người dân nhường đất cho thủy điện.

Những gì trước mắt thường thu hút sự chú ý của con người nhưng bản chất của sự việc đôi khi lại không nằm trước mắt. Đó là những gì xảy ra tại xã Hơ Moong. Đến đây, người ta dễ bị thu hút bởi những con đường nhựa và những dãy nhà gạch. Nhưng những ánh mắt khắc khổ của người Hơ Moong mới chính là nơi câu chuyện bắt đầu. Điều quan trọng là người ta chọn nhìn vào đâu.

Liên hệ với tác giả tại QUYNHCHI@RFA.ORG

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: